Ấn Quang vô tri vô thức, ít tham cứu, ít học hành, nay được các vị đại cư sĩ chèo kéo, quả thật hổ thẹn sâu xa. Trộm nghĩ Phật pháp có năm thừa:
1) Nhân thiên thừa: Nhân thừa trì Ngũ Giới, được sanh trong loài người. Thiên thừa hành Thập Thiện, được sanh lên cõi trời trong Dục Giới. Nếu còn hành thêm Tứ Thiền, Tứ Định thì sẽ sanh trong các cõi trời Sắc Giới hay Vô Sắc Giới.
2) Thanh Văn thừa: Tu Tứ Đế, đắc Tứ Sa Môn quả.
3) Duyên Giác thừa: Quán Thập Nhị Nhân Duyên, đắc Bích Chi Phật quả.
4) Bồ Tát thừa: Tu lục độ, vạn hạnh, chứng Bồ Tát quả.
5) Phật thừa: Hành đại từ đại bi, thành Chánh Đẳng Chánh Giác.
Tu Nhân Thiên thừa kiêm hành Bồ Tát thừa và Phật thừa thì chắc chỉ có mình pháp môn Tịnh Độ đó chăng? Ấy là vì Nhân Thiên thừa chỉ tu Ngũ Giới, Thập Thiện, đều là công đức hữu lậu; chỉ có pháp môn Tịnh Độ này có thể vượt tam giới, liễu sanh tử! Người tu Tịnh Độ ắt phải giữ vẹn luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình, cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận; lại còn dùng Tứ Hoằng Thệ Nguyện để mở rộng cái tâm, tự hành, dạy người, khiến cho khắp mọi người trong là cha mẹ, vợ con, ngoài là xóm giềng, làng nước đều cùng tu Ngũ Giới, Thập Thiện và tu pháp môn Tịnh Độ. Dùng tín nguyện sâu niệm Phật cầu sanh Tây Phương, người ấy tuy là phàm phu nhưng thật ra là Bồ Tát. Vì sao vậy? Do cái tâm rộng lớn!
Xưa kia có một vị Sa Di theo hầu một vị tôn giả đi đường, Sa Di chợt phát nguyện tự lợi lợi tha “trên cầu Bồ Đề, dưới hóa độ chúng sanh”, tôn giả liền bảo Sa Di đi trước. Sa Di chợt xoay chuyển ý nghĩ: “Chúng sanh nhiều như thế, làm sao để có thể độ thoát cho hết được! Chẳng thà tự lợi thì hơn”. Khi ấy, tôn giả liền bảo bước theo sau ngài. Sa Di lại chợt xoay chuyển ý nghĩ: “Vẫn phải nên độ thoát chúng sanh!” Tôn giả lại bảo Sa Di đi trước. Sa Di lấy làm lạ, hỏi lý do, tôn giả bảo: “Thoạt đầu, con phát đại Bồ Đề tâm tức là Bồ Tát, ta tuy là La Hán nhưng vẫn thuộc Tiểu Thừa. Vì thế phải mời con đi trước. Kế đó, con lại lui sụt Bồ Đề tâm, ta là thánh nhân, con là phàm phu nên theo đúng lẽ phải đi sau. Sau đấy con lại phát Bồ Đề tâm, nên ta vẫn phải thỉnh con đi trước”. Do câu chuyện này thấy rằng: Phát Bồ Đề tâm công đức vô lượng vô biên! Chúng ta muốn tăng trưởng thiện căn không thể nào chẳng phát tâm Bồ Đề.
Nay đang thời mạt kiếp, lễ giáo suy vong; muốn vãn hồi thế đạo nhân tâm ắt trước hết phải đề xướng nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi. Thánh nhân thế gian nói về nhân quả như “nhà tích thiện ắt niềm vui có thừa, nhà tích điều bất thiện ắt tai ương có thừa”, “làm lành trăm điều tốt đẹp giáng xuống, làm điều bất thiện trăm sự tai ương giáng xuống” v.v… lời lẽ đơn giản, nhưng ý nghĩa bao trùm; người đời sau quen thói chẳng suy xét. Còn các bậc thánh nhân xuất thế gian thì nói nhân quả tường tận tột bậc. Nhờ đấy, bậc thượng trí liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, kẻ tư cách trung hạ do xét thấy “làm ác mắc quả ác, làm lành được báo lành” cũng gắng sức làm lành. Dẫu là kẻ cùng hung cực ác cũng có phần kiêng sợ chẳng dám làm! Vì thế, nhân quả báo ứng thật sự là một pháp thông trên thấu dưới.
Cũng có kẻ bảo thuyết nhân quả báo ứng là Tiểu Thừa, chẳng biết lục độ vạn hạnh cũng là nhân quả. Từ đức Như Lai đã thành Đẳng Chánh Giác cho đến phàm phu đọa trong địa ngục A Tỳ đều không gì chẳng phải là nhân quả! Bởi thế, Phật giáo đề cao, giảng rõ nhân quả, có lợi sâu đậm cho con người vậy thay! Xưa kia Văn Vương cai trị bằng lòng nhân, ân trạch thấm đến cả xương khô, nhưng chưa đầy hai ba trăm năm, phong tục giết người tuẫn táng đã trọn khắp thiên hạ. Lại còn cho rằng “càng giết nhiều càng vẻ vang”, thiên tử, chư hầu, sĩ đại phu đều tùy theo khả năng mà giết, rốt cuộc đến khoảng mấy trăm, mấy ngàn người! Ngay như Tần Mục Công là một vị vua hiền, vẫn giết hơn một trăm bảy chục người để tuẫn táng. Ba vị họ Tử Xa chính là bầy tôi hiền của đất nước nhưng đều bị giết để tuẫn táng, huống hồ những kẻ khác ư? Nguyên nhân đều là vì chẳng biết đến nhân quả ba đời vậy! Từ khi Phật pháp truyền vào Trung Quốc trở đi, chưa hề nghe sử sách chép có chuyện tuẫn táng. Đấy cũng chưa hề chẳng phải là do thuyết nhân quả ba đời của đức Như Lai tạo nên!
Đang trong thời buổi này, sát kiếp lừng lẫy, càng phải nên đề xướng kiêng giết, ăn chay. Sát kiếp do sát nghiệp cảm thành. Sát nghiệp lớn nhất chính là ăn thịt. Do ăn thịt nên cảm vời hết thảy thiên tai, nhân họa, hạn hán, lụt lội, mưa dầm, ôn dịch, sâu rầy. Ăn thịt gây hại quá nhiều, nói chẳng thể hết được, đành nêu một thí dụ để chỉ rõ. Xưa kia vào thời Liệt Quốc, ở nước Lỗ có hai gã dũng sĩ, mỗi người ở một nơi. Một hôm gặp nhau, mua rượu cùng uống, một gã nói: “Không thịt chẳng thành cuộc vui! Hãy nên mua thịt”. Gã kia nói: “Tôi với anh đều có thịt, cần gì phải tìm thịt ở đâu nữa?” Liền cắt thịt của nhau ăn, lại còn cắt thịt của chính mình để dâng cho nhau đến nỗi chết ngắc!
Trong cái nhìn của chúng ta, hai gã ấy là kẻ đại ngu, nhưng [chúng ta] chẳng biết rằng “kẻ ăn thịt là vì chẳng hiểu rõ nhân quả báo ứng”. Mai kia con người chết đi [đầu thai] làm loài thú, thú chết đi thành người, ăn thịt lẫn nhau, có khác chi đâu? Chẳng qua khác biệt ở chỗ cách đời hay cùng thời mà thôi, nhưng còn tệ hơn! Hai gã dũng sĩ chết vì ăn thịt lẫn nhau, nhân quả báo ứng trong một lúc đều xong hết; chứ kẻ ăn thịt nhân quả dây dưa không dứt, báo ứng cũng chẳng có lúc nào xong. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Do con người ăn dê, dê chết thành người, người chết thành dê. Như thế cho đến mười loại chúng sanh, chết chết sống sống ăn nuốt lẫn nhau”. Kinh đã dạy rõ ràng như thế, thật đáng kinh hãi! Ở đây, tôi lại lược thuật vài nghĩa để làm sáng tỏ đạo lý [vì sao] “không nên ăn thịt”.
1) Do cái tâm bất nhẫn: Hết thảy những loài có linh tánh đều cùng một thể. Do thương dân mà yêu vật, nguyên khí thái hòa tràn ngập nhân gian. Do vậy, biết rằng giết chóc sanh linh là chuyện hoàn toàn chẳng có nghĩa lý gì cả! Hết thảy chúng sanh đều tham sống sợ chết, sao ta nỡ lòng tàn hại sanh mạng để thỏa thích miệng bụng?
2) Nhân quả báo ứng: Hết thảy sanh linh đều do xưa kia chẳng biết nhân quả nên bị đọa lạc trong loài súc sanh. Nay ta giết chúng để ăn thịt, mai sau khi chúng đã hết ác báo, sát nghiệp của ta mới thành, ta cũng sẽ làm thịt trên thớt của chúng! Do vậy, kiêng giết, ăn chay chẳng phải là tính toán cho sanh linh mà cũng là tính kế cho chính thân ta vậy! Ông Lưu Ngọc Thụ giữ chức Hàn Lâm đời Minh, đỗ thuyền ở Tô Châu, mộng thấy một người đàn ông to lớn đến cầu cứu, tự xưng là thiên tướng quân Tào Hàn, do tàn sát Giang Châu nên đời đời mang thân lợn: “Nơi lò mổ ở ngay trước bến thuyền, trong chốc lát, con lợn bị giết đầu tiên chính là tôi đấy. Xin hãy cứu vớt!” Ông ta tỉnh giấc quả nhiên thấy gã đồ tể sắp giết lợn liền mua đem về thả trong một ngôi chùa tại Xương Môn. Hễ có ai kêu “Tào Hàn”, con lợn ấy đều quay đầu ngó. Điều này có thể chứng tỏ con người biến thành súc sanh, súc sanh biến thành người. Những chuyện về hoạt Diêm Vương, hoạt tiểu quỷ được chép trong sách vở rất nhiều. Đấy đều là thiên địa quỷ thần hé lộ một chút tin tức về nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi để răn nhắc người đời vậy.
3) Hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ, quyến thuộc của ta trong quá khứ! Chúng ta đã biết rõ nhân quả luân hồi: Trong một đời có cha mẹ quyến thuộc trong đời ấy. Trải qua nhiều kiếp sống, sẽ có cha mẹ, quyến thuộc trong nhiều kiếp sống. Cha mẹ, quyến thuộc trải nhiều kiếp số như thế luân hồi trong sáu nẻo, trong số ấy có những người làm ác, khó tránh khỏi đọa trong tam đồ. Vì thế, đối với lục đạo chúng sanh chúng ta phải coi như cha mẹ, vợ con. Lẽ nào con hiếu cháu hiền lại ăn nuốt cha mẹ ư? Há có cha mẹ hiền từ nào lại ăn nuốt con cái ư? Hễ suy nghĩ đến điều này sẽ chẳng nỡ ăn mà cũng chẳng dám ăn nữa!
Ngay cả cúng giỗ tổ tiên cũng chớ nên dùng thịt, bởi lẽ mang tiếng là kính trọng chứ thật ra đã làm hại tổ tiên! Còn như dùng thịt để dâng cho cha mẹ, đều khiến cho cha mẹ tổn phước, mắc họa ương! Cha mẹ là người có phước đức thiện căn thì phước đức thiện căn ấy sẽ bị hao tổn. Nếu là kẻ không có phước đức thiện căn thì ta đã tăng thêm ác nghiệp giết hại cho họ. Xưa kia, lúc đức Phật tại thế, một bà góa nhân giỗ đầu của chồng đi mua thịt về cúng. Trên đường đi gặp Như Lai, Như Lai dạy: “Thịt này là do chồng bà chuyển biến thành. Há nên dùng thịt của chồng để cúng giỗ hồn chồng?” Theo lẽ đó mà suy thì kính trời đất, tế quỷ thần cũng chớ nên dùng thịt. Thiên địa quỷ thần lẽ đâu chẳng hiểu sâu xa nhân quả, lại tham thứ thịt bẩn thỉu, tanh tưởi ấy mà đến chứng giám, hưởng nhận ư? Do vậy kẻ dùng huyết nhục để cúng tế muốn cầu phước, đâm ra lại mắc họa!
4) Hết thảy chúng sanh đều là chư Phật trong vị lai. Bởi lẽ, hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ làm Phật. Vì thế, họ là vị lai chư Phật. Hơn nữa, trong loài súc sanh đôi khi có Phật hay Bồ Tát hóa hiện trong ấy nhằm tạo phương tiện độ sanh như chuyện Bạc Hà được chép trong Thanh Lương Chí: Một vị Tăng ở Ngũ Đài gặp một vị Tăng lạ lùng lấy ra một bức thư dặn giao cho Bạc Hà, nhưng không nói rõ địa chỉ. Một hôm [vị Tăng ấy] đi qua Vệ Huy thấy một lũ trẻ nhỏ hô “Bạc Hà”, vị Tăng hỏi: “Bạc Hà ở đâu?” Bọn trẻ chỉ con lợn đang nằm dưới vách tường, bảo: “Chẳng phải là nó đó sao?” Tăng cầm thư gọi “Bạc Hà”, rồi ném thư cho lợn. Con lợn đứng lên như người, dùng hai chân trước nhận lấy, bỏ thư vào miệng rồi chết đứng. Khi ấy mới biết con lợn ấy chính là do Bồ Tát biến hiện.
Gã đồ tể [chủ nhân của Bạc Hà] giết lợn rất nhiều. Nếu đem con lợn sắp bị giết đến trước mặt Bạc Hà thì nó liền để mặc cho giết, trọn chẳng chạy trốn, kêu gào. Vì thế, gã đồ tể yêu mến Bạc Hà, mỗi lần muốn giết lợn, cứ dắt Bạc Hà đi vòng quanh con lợn ấy thì cũng giống như đã giết chết con lợn đó rồi! Vì thế vẫn nuôi [Bạc Hà] nhiều năm không giết. Hơn nữa, con lợn ấy sạch sẽ, thích ăn bạc hà nên đặt tên như vậy. Thoạt đầu, vị Tăng ấy nhận lá thư của vị Tăng lạ lùng rồi ra đi, giữa đường suy nghĩ: “Thư này sẽ giao đến nơi đâu?” bèn lén bóc ra, thấy đại ý viết: “Độ chúng sanh nếu [họ đã] được độ thoát thì hãy mau quay về để lâu ngày khỏi bị mê mất”. Vị Tăng lấy làm lạ, dán phong thư lại. Đến nay mới biết Bạc Hà chính là đại Bồ Tát vậy. Đi quanh con lợn một vòng thì bầy lợn liền chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn. Oai đức thần lực ấy há nghĩ bàn được chăng?
Thêm nữa, Đường Văn Tông (809-840) thích ăn nghêu, một bữa nọ có con nghêu ngậm chặt vỏ không tách ra được. Vua liền đích thân tách ra, thấy bên trong có tượng Quán Âm Đại Sĩ bằng thịt sò, trang nghiêm dị thường, Do vậy, có thể biết là có còn nên ăn thịt hay không? Nếu ăn lầm phải thân Phật, Bồ Tát hóa hiện thì tội lỗi ấy sẽ chẳng thể nào kể xiết! Nếu chúng ta biết được lý này sẽ tự chẳng dám ăn thịt mà cũng chẳng nỡ ăn thịt.
Chúng ta hãy nên thật vì sanh tử phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương, chẳng cần phải tu pháp nào khác nữa! Nếu cậy vào tự lực để tu Thiền Định hòng liễu sanh tử sẽ rất ư là khó! Do pháp ấy cần phải đạt đến mức nghiệp tận tình không, đoạn sạch Kiến Hoặc, Tư Hoặc mới thoát khỏi sanh tử. Lúc đức Phật tại thế, chẳng thiếu người đoạn sạch được Kiến Hoặc, Tư Hoặc chẳng còn sót; trong thời đại Mạt Pháp, căn tánh kém hèn, thật chẳng dễ có bậc đoạn Hoặc chứng Chân! Chỉ có một môn Tịnh Độ là có thể vào lúc lâm chung cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, tức là đã liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh rồi!
Hơn nữa, chớ nên coi pháp môn Tịnh Độ quá nhẹ vì hàng Pháp Thân đại sĩ như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền v.v… đều chẳng thể vượt ra ngoài pháp môn này được! Mà cũng chớ nên nghĩ là quá khó, bởi lẽ hễ ai có tâm đều có thể thành Phật. Chỉ trì vạn đức hồng danh của A Di Đà Phật thì như đã được trao bằng khoán vãng sanh. Kẻ tu Tịnh Độ hãy nên hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp, ba điều nơi thân, bốn điều nơi miệng, ba điều nơi ý đều tốt lành. Đấy là chánh nhân tịnh nghiệp của tam thế chư Phật. Kế đó, thọ trì Tam Quy, trọn đủ Ngũ Giới, chẳng phạm oai nghi. Tiếp đến là tin sâu nhân quả, phát Bồ Đề tâm, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả, nhưng đều phải lấy điều thiện thế gian như hiếu dưỡng cha mẹ v.v… làm căn bản.
Nếu y theo các pháp môn khác thì đều phải cậy vào tự lực, giống như vượt qua biển cả, hễ kẻ nào có cánh thì sẽ có thể bay vượt qua, chứ kẻ chỉ nổi được thì chưa đủ để trông cậy, huống hồ kẻ chẳng thể nổi được ư? Cậy vào Phật lực giống như ngồi thuyền vượt biển, trong khoảnh khắc liền đến bờ kia. Lại như thân phận thường dân muốn được quý hiển, thật chẳng phải là chuyện dễ! Nhưng vương tử vừa mới sanh ra đã là người nối ngôi vua! Tự lực, tha lực, khó – dễ, được – mất trong đấy chẳng thể nào cùng một lúc nói cho xiết được! Thường thấy kẻ tự xưng là thông Tông thông Giáo chẳng tin vào pháp môn Tịnh Độ, lại còn cho đấy là hạnh dành cho bọn ngu phu ngu phụ hành trì, sao chẳng nhìn vào chuyện đã xảy ra cho Đại Trí luật sư, Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh vậy?
Đại Trí luật sư thoạt đầu rất miệt thị Tịnh Độ, sau đọc Tục Cao Tăng Truyện, thấy pháp sư Huệ Bố nói: “Cõi ấy tuy tịnh, nhưng ta chẳng muốn. Giả sử trong mười hai đại kiếp sống trong hoa sen, hưởng các khoái lạc, sao bằng ta ở trong đời ác Ngũ Trược giáo hóa chúng sanh ư?” liền sanh phỉ báng. Về sau do bị bệnh nặng, mới biết mình trọn chẳng có mảy may bản lãnh gì để trông cậy, liền phát nguyện đến hết báo thân này hoằng dương Tịnh Độ. Suốt hai mươi mấy năm, tay chẳng rời kinh Phật, lấy Tịnh Độ làm chỗ nương tựa, quy hướng. Thiền sư Ngũ Tổ Giới, thiền sư Thảo Đường Thanh công hạnh cao cả vượt trỗi những kẻ tầm thường, chỉ vì chưa thể đoạn sạch Kiến Hoặc, Tư Hoặc, nên vẫn phải luân chuyển trong nhân gian. Vì thế biết liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh mà bỏ Tịnh Độ thì không có kế sách tốt đẹp nào cả!
Pháp môn Niệm Phật cần phải đầy đủ Tín – Nguyện – Hạnh. Tín đã sâu, ắt sẽ phát nguyện thiết tha. Nguyện đã phát thiết tha, ắt sẽ dốc sức hành trì. Chỉ niệm Di Đà chẳng cần kèm thêm pháp nào khác nữa. Hãy nên dùng lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, chấp trì danh hiệu Phật, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, tâm niệm tai nghe, từng câu từng chữ phân minh. Niệm cho phân minh, nghe cho phân minh sẽ là chánh nhân vãng sanh. Đã dùng pháp này để tự hành, ắt lại phải đem pháp này dạy bảo người khác thì công đức giáo hóa ấy sẽ quy về chính mình. Quả thật là tư lương vãng sanh tối thắng!
Nhưng trước hết hãy nên khuyên cha mẹ, anh em, vợ con trong nhà chính mình, lấy thân làm gốc, từ thân đến sơ. Thêm nữa, nhờ vào công đức niệm Phật, không những có thể vãng sanh Tây Phương mà còn có thể tiêu trừ những tai họa lạ lùng, ngang trái. Phàm bệnh tật do oán nghiệp chẳng thể chữa trị được mà nếu chí thành niệm Phật thì lâu ngày sẽ đều được khỏi bệnh. Bởi lẽ, thầy thuốc chỉ trị được bệnh, chứ không thể trị được nghiệp. Chỉ có niệm Phật là trị được thân bệnh lẫn tâm bệnh, không có gì chẳng trị được! Cúi mong các vị cư sĩ đều nên phát tâm Bồ Đề, đề xướng nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, ăn chay, niệm Phật, ấy gọi là “dùng quả địa giác làm nhân địa tâm” cho nên được “nhân trùm biển quả, quả tột nguồn nhân”, thật đáng gọi là pháp hy hữu rất khó có vậy!
– Tháng Bảy năm Bính Dần – 1926
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 04)