Lời dạy của đức phật

Pháp ngữ của HT Tôn sư Thượng Trí Hạ Quảng

Pháp ngữ của HT Tôn sư Thượng Trí Hạ Quảng
Chánh niệm là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thí, niệm Giới, niệm Thiên. Một vị Tỳ-kheo luôn giữ chánh niệm, rời xa chánh niệm không còn là Tỳ-kheo.
Các Phật tử đương nhiên là con của Phật, nói chung, người xuất gia hay tại gia đều là con của Phật, tất yếu chúng ta phải giữ ba niệm căn bản là Phật, Pháp, Tăng. Mất ba niệm này, Phật không công nhận chúng ta là Phật tử, không coi chúng ta là con, thì chúng ta không được Phật hộ niệm, chắc chắn nghiệp, phiền não chúng ta sẽ nổi dậy.
Thật vậy, bình tâm suy nghĩ, có lúc chúng ta giữ được chánh niệm, nên được Phật hộ niệm; nhưng có lúc chúng ta không chánh niệm, Phật lực không gia bị được. Thật tu sẽ có trải nghiệm này. Trên bước đường tu, chúng ta dễ nhận thấy người không có chánh niệm, trong lòng họ chỉ có tà niệm, nên tà ma, quỷ quái dựa vô họ, gọi là ma nhập, quỷ nhập, yêu tinh nhập. Họ cũng tu, nhưng theo ma đạo. Theo ma đạo là những người luyện bùa, nuôi ngải, vì họ luyện ma, luyện tà, nên không bao giờ tới với Phật được.
Chúng ta tới được với Phật, nhưng có lúc giữ chánh niệm, có lúc mất chánh niệm, nhưng không phải là tà niệm.
Người rơi vô tà niệm bị ma dẫn, là họ suy nghĩ điều xấu ác, muốn lợi mình, hại người thì ma sẽ tới với họ, vì họ đã tương ưng với ma.
Thời Phật tại thế có trưởng giả Cấp Cô Độc. Cấp Cô Độc cũng là Bồ-tát đã dùng tất cả vàng trong kho để đổi đất của Kỳ Đà, làm tinh xá cúng Phật và Tăng chúng. Ông cúng dường hết số vàng ông có mà vàng cũng trở về kho. Nói vậy nghe mê tín, nhưng có thể hiểu chúng ta tu như thế nào mà vàng về nhà, đừng để tiền của ra đi vì gian ác. Chắc chắn ông Cấp Cô Độc có chánh niệm.
Chánh niệm là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, đó là ba niệm đầu tiên chính yếu. Mất ba niệm này, không còn là đệ tử Phật. Khi niệm Phật, không phải như Phật tử hiểu lầm là niệm Nam Mô A Di Đà Phật, rồi tính một ngày niệm được bao nhiêu câu. Hay niệm Phật được một xâu chuỗi 108 hột thì điểm một cánh sen. Và niệm Phật điểm được toàn bộ cánh sen, đưa thầy kiểm tra, chứng minh, nhưng có người thắc mắc tại sao con niệm Phật cả ngàn xâu mà không được gì cả!
Trong lòng chúng ta nghĩ về Phật, trong tâm chúng ta có Phật là niệm Phật. Niệm Phật là đem Phật vào lòng chúng ta, đừng để lòng chúng ta mất Phật. Vì lòng chúng ta chưa có Phật, nên phải niệm Phật để đem Phật vào lòng.
Đem Phật để trong lòng thì ông Phật trong lòng chúng ta thuyết Chánh pháp cho chúng ta nghe. Vì Phật Thích Ca nhập diệt rồi và giáo pháp của Phật Thích Ca thì chính Phật nói rằng các thầy coi pháp nào thích hợp thì sử dụng, không thích hợp thì thôi. Những gì Phật chưa nói, hãy theo Phật trong lòng mà làm. Chỉ vì người chấp vào pháp này, người chấp pháp nọ, kinh Nguyên Thủy gọi đó là người mù rờ voi, cho nên Phật muốn mọi người đoạn trừ tâm cố chấp mà Ngài phủ nhận rằng trong 49 năm, Phật chưa nói lời nào.
Bồ-tát đem kinh Pháp Hoa vô lòng bằng cách rút tinh ba của giáo pháp mà Phật giảng dạy trong 49 năm, tạo thành Pháp và Tăng. Nhờ niệm Phật, tâm thanh tịnh, hòa hợp với mọi người là niệm Tăng, vì Tăng có nghĩa là thanh tịnh, hòa hợp.
Niệm Pháp là không sai lầm trong việc làm. Phật dạy ta làm việc gì thì để tâm vô việc đó. Thầy ít sai lầm vì nếu thuyết pháp thì để tâm vô pháp, không để thứ khác xen vô. Thí dụ khi đi thuyết pháp, thầy niệm Phật trước, là đem Phật bên ngoài để vô lòng, kích động ông Phật trong lòng sáng lên, để thấy nên đi đâu, gặp ai, nói gì.
Còn niệm Phật chỉ kêu tên Phật, nhưng lòng chúng ta cứ u mê, làm càn, rồi đổ cho Phật là sai. Giống như ông tụng mười bộ kinh Pháp Hoa để tìm việc, vì tin rằng tụng mười bộ Pháp Hoa, Phật sẽ cho việc làm, đó là mê tín.
Chúng ta tụng Pháp Hoa coi như rút tinh ba của giáo pháp mà Phật đã nói trong 49 năm. Riêng thầy tụng kinh Pháp Hoa, rút còn 7 phẩm chính yếu, gọi là Bổn môn Pháp Hoa. Thầy hỏi Hòa thượng Trí Tịnh tụng kinh Pháp Hoa hàng ngày, Ngài cho biết chỉ rút ra phẩm Phương tiện thứ hai và tu theo phẩm này mà tâm Ngài sáng, hành đạo không sai lầm.
Vì cố giữ chánh niệm, Hòa thượng nói rằng nếu rời thiền thất thấy bất an, ở yên trong thiền thất thấy an. Bước ra ngoài, không giữ được chánh niệm, nên Ngài ít đi. Hòa thượng bảo thầy đi đâu cũng phải giữ chánh niệm, mất chánh niệm, không còn đường về thì cuộc đời tu tiêu tan, bị đọa. Vì vậy, tất cả người tu theo Phật cố gắng giữ chánh niệm.
Trong giáo pháp Phật dạy, có Bát chánh đạo gồm: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Như vậy, giữ chánh niệm được, ta sẽ thâm nhập các thứ định. Chánh định có thể là Thủ Lăng Nghiêm tam muội, Pháp Hoa tam muội, hay tất cả tam muội của chư Phật… Quý vị muốn giữ chánh niệm, đầu tiên phải ít nói, vì nói dễ phạm nhiều sai lầm, đưa đến hậu quả không tốt. Ít nói, ít sai lầm, tâm dễ yên. Về thân nghiệp, thân bị kẹt hai thứ là việc làm (Nghiệp) và sự sống (Mạng). Nếu việc làm chúng ta chân chánh, gọi là chánh nghiệp, đương nhiên quả tốt sẽ tới. Và việc làm chân chánh giúp cho niệm của chúng ta chân chánh. Việc làm không chân chánh, chắc chắn ăn ngủ không yên, làm gì có chánh niệm.
Là đệ tử Phật, phải giữ được chánh mạng và chánh nghiệp, tức nghề nghiệp và cuộc sống của mình phải chân chánh. Phật dạy cư sĩ một ngày thu nhập bao nhiêu, chi bao nhiêu, để dành bao nhiêu. Chi nhiều hơn thu là nguy hiểm. Chi phải luôn dưới mức thu, cuộc sống như vậy mới là chánh mạng. Vì vậy, Phật nói biết đủ là đủ. Phật dạy cả ba nghiệp thân, khẩu, ý đều phải chân chánh. Ngoài việc làm và cuộc sống chân chánh, miệng không nói bậy, không mất lòng người, không làm tổn hại người, nên việc của mình sẽ có kết quả tốt. Từ đó, nhận ra mình được an trong cảnh bất an, chánh niệm trong loạn động.
Tụng kinh thấy an, nhờ tụng kinh thấy Phật trong lòng. Vì vậy, thầy có lập trường rằng việc càng khó càng phải giữ chánh niệm, phải bình tĩnh thì việc giải quyết được. Mất bình tĩnh và mất chánh niệm, chắc chắn việc phải hỏng.
Tóm lại, chánh niệm rất quan trọng. Có chánh niệm để chúng ta vào chánh định, thì sẽ có vô số tam muội và đà-la-ni, nghĩa là thấy biết những điều mà bình thường không thể thấy biết. Nhờ vậy, mới thành tựu được việc làm theo Phật, đem lại lợi lạc cho mình và những người hữu duyên trong cuộc sống hiện tại và đó cũng là hành trang thực sự tốt đẹp cho con đường thánh thiện mình muốn đi tới sau khi rời bỏ huyễn thân này.
Nam Mô Phật Pháp Tăng Thường Trụ Khắp Cả Mười Phương
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *