Bạn thấy thời gian qua được rất nhanh, chẳng qua là năm mươi năm mà thôi, thay đổi của năm mươi năm này là 180 độ. Hiện tại, hai chữ trược ác này, thông thường người không nhận qua giáo dục, người không biết chữ đều có thể có thể hội rất sâu sắc. Đặc biệt là bệnh truyền nhiễm, ôn dịch, đến đâu cũng đều có. Hiện tại chúng ta thường nghe nói bò có ôn dịch, heo có ôn dịch, dê có ôn dịch, gà có ôn dịch, đến hôm nào đó đến ôn dịch ở người thì còn gì để nói không? Thật là đáng sợ. Ôn dịch từ đâu mà ra? Ô nhiễm. Ô nhiễm từ đâu mà ra? Từ ác nghiệp mà ra. Thông thường người ta tạo mười ác nghiệp: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, hai chiều, ác khẩu, thêu dệt, tham, sân, si, mạn. Tâm ác, ý niệm ác, hành vi ác mỗi năm đều thêm lớn, mỗi tháng đều đang thêm lớn, còn gì đáng lo hơn không?
Cho nên, trong một số tôn giáo nói ngày tàn của thế giới, tôi đọc những Kinh điển này đều cảm thấy rất là e ngại. Những Kinh điển này không phải là người cận đại viết, mà đã truyền qua mấy ngàn năm. “Tân Cựu Ước” của Ki-Tô giáo cũng truyền hai ngàn năm rồi, năm nay công nguyên là năm 2000 rồi. Chúng ta xem thấy dự ngôn trong Kinh điển của các tôn giáo, lại xem qua hoàn cảnh hiện thực của chúng ta, tỉ mỉ mà đối chiếu với nó, liền cảm thấy rất đáng sợ. Có cơ hội để cứu vãn hay không? Mỗi một tôn giáo đều gần như khẳng định là có thể cứu vãn. Chúng ta từ chỗ nào mà cứu vãn? Vẫn là từ lòng người. Đến lúc nào lòng người có thể chuyển ác thành thiện, tai nạn này liền có thể hóa giải. Nếu muốn mỗi một người trên thế gian đều chuyển đổi lại, điều này thật khó. Đại đức xưa có một thí dụ rất hay, chỉ cần ngay trong mười người có một người chuyển đổi lại, một phần mười, ý niệm thiện này (người hiện tại gọi ý niệm là từ trường), từ trường thiện này liền sẽ rất lớn. Ác không thể thắng được thiện, tà không thể thắng chánh.
Do đó, tôi hy vọng tín đồ tôn giáo của toàn thế giới đều có thể tin thuận theo đạo lý và chân tướng sự thật trong Kinh điển của họ đã nói, đều có thể nỗ lực y giáo phụng hành, “chuyển ác thành thiện”, mỗi một tôn giáo đều dạy người làm thiện, không có dạy làm ác, “chuyển mê thành ngộ”, kiếp nạn trước mắt chúng ta liền được cứu, liền có chuyển biến. Việc này chúng ta nhất định phải chăm chỉ nỗ lực mà làm, đặc biệt là đệ tử của nhà Phật. Đệ tử Phật phải học Phật. Phật là một người triệt để giác ngộ cứu cánh viên mãn. Người giác ngộ không giống như người chưa giác ngộ. Người chưa giác ngộ đang mê, mê ở chỗ nào? Đem giả xem là thật. Thân của chúng ta là giả, thế gian vạn sự vạn pháp đều là giả. Đem giả xem thành thật là đang mê, thế là sanh ra quan niệm sai lầm, tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm, tất cả tạo tác đều là vì chính mình. Đây là quan niệm sai lầm cực lớn. Đây là mê, không phải là ngộ. Sau khi giác ngộ mới biết được, mười pháp giới y chánh trang nghiêm đều không phải là thật, đều là pháp nhân duyên sanh ra, “ngay thể tức không, đều không thể được”. Thế Tôn ở “Kinh Đại Bát Nhã” (Kinh này có 600 quyển. Trong Phật Kinh, bộ này là lớn nhất) nói với chúng ta: “Tất cả pháp không thể được, vô sở hữu”. Hai câu này nhắc lại mấy ngàn lần, cho chúng ta ấn tượng rất sâu sắc. Đây là phương pháp khéo léo của giáo học Phật Đà, làm cho chúng ta có ấn tượng sâu sắc như vậy. Cho nên, ở sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, bạn thường hay nghĩ đến hai câu nói này của Phật: “Chư pháp vô sở hữu”, “tam tâm bất khả đắc”, thì tâm của bạn liền thanh tịnh, tâm của chúng ta sẽ không bị ô nhiễm.
Tâm của người thế gian vì sao bị ô nhiễm? Sợ được sợ mất. Người chân thật giác ngộ, không chỉ ở trong thế giới hiện tiền, mà ở trong mười pháp giới quyết định đều là “với người không tranh, với việc không cầu”. Bạn nói xem, thật là tự tại. Không tranh không cầu, tùy duyên mà qua ngày. Thân này ở thế gian để làm gì? Không phải vì chính mình. Vì chính mình thì tạo nghiệp. Nếu bạn tạo thiện nghiệp thì quả báo ở ba đường thiện, nếu bạn tạo ác nghiệp thì quả báo ở ba đường ác. Chư Phật Bồ Tát thị hiện ở thế gian không vì chính mình, mà các Ngài vì chúng sanh, thân thể này là công cụ vì chúng sanh mà phục vụ, không có chính mình. Cho nên chính mình không có được mất, chính mình không có ưu hỉ khổ lạc. Bạn nói xem, thật tự tại. Toàn tâm toàn lực giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn. Chúng sanh mười pháp giới đều có khổ, đều có nạn.
Bạn đi hỏi người trên thế gian xem có người nào không khổ? Làm quan lớn, làm tổng thống, làm hoàng đế cũng khổ, nên có câu là “nhà nhà đều có một quyển Kinh khó đọc”, làm hoàng đế cũng không ngoại lệ. Vào thời xưa gọi là trên từ hoàng đế, dưới đến thứ dân, thậm chí đến người ăn xin, đều là khổ không nói nên lời, mỗi người đều có cái khổ của mỗi người. Khổ từ chỗ nào mà ra? Do mê mà ra, không biết được chân tướng sự thật, có cầu không được thì khổ. Không cầu không đắc mới tự tại. Không cầu không đắc thì con người đó giác ngộ rồi. Người giác ngộ thì tùy duyên, người mê hoặc thì phan duyên. Phan duyên thì khổ. Khổ là do chính mình tìm đến, không có người nào cho bạn. Khi bạn mê, tâm bị hoàn cảnh bên ngoài chuyển, bạn làm gì có thể tự tại? Khi ngộ rồi thì cảnh tùy tâm chuyển, bạn liền được tự tại. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là cảnh tùy tâm chuyển, cho nên thù thắng như vậy, trang nghiêm như vậy. Chỗ này quan trọng nhất là “tịnh”, “nghiêm tịnh”, chữ “tịnh” này quan trọng. Nhất định tâm địa phải thanh tịnh không nhiễm một trần, các thứ khác đều là phụ. Cho nên, người của Thế giới Tây Phương Cực Lạc tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh chính là tâm giác ngộ, không thanh tịnh chính là ô nhiễm. Tâm của bạn bị ô nhiễm rồi, còn tâm của các Ngài thì thanh tịnh. Nếu muốn tu tâm thanh tịnh, thì bạn cần phải kết giao bạn bè với Phật Bồ Tát, các bạn nghĩ xem tại vì sao? Tâm của Phật Bồ Tát thanh tịnh, tâm của Phật Bồ Tát thuần thiện, nên chúng ta kết bạn với các Ngài, đem cái thanh tịnh thuần thiện của các Ngài cũng đựng vào trong tâm của chúng ta, thế là tâm của chúng ta cũng biến thành thanh tịnh, cũng biến thành thuần thiện. A Di Đà Phật có thể cảm được vật chất Thế giới Tây Phương thanh tịnh trang nghiêm. Tâm của chúng ta cũng giống như Ngài, vì khi chúng ta đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, trang nghiêm của Thế giới Cực Lạc, nguyện lực của A Di Đà Phật biến hiện cũng là tâm thanh tịnh của chính chúng ta biến hiện ra. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này.
(Trích: Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ 10, tập 165)