Cư Sĩ Hoàng Niệm Tổ, Lời dạy của đức phật

Những sai lầm người Niệm Phật dễ gặp và phải đề phòng

Nương vào nguyện lực của Phật thì ai ai cũng được vãng sanh - A Di Đà Phật

Thầy Hạ, Lão cư sĩ Hạ Liên Cư làm những bài thơ này trong Đạo Tràng Niệm Phật năm 1944.

Thầy điều khiển Phật thất rất là nghiêm cẩn và theo đúng Chánh Pháp: Những người chánh thức tham dự đều bế quan Niệm Phật. Mục đích của những bài thơ này là để khuyến khích đại chúng nỗ lực tu trì trong Niệm Phật Thất.

Những lời khuyên dạy này đều là những kinh nghiệm thật tiễn mà Thầy đã trải qua và viết thành thơ để làm kim chỉ nam cho mọi người. Đoạn đầu trong bài thứ nhất nói về những sai lầm mà người Niệm Phật rất dễ gặp và phải nên đề phòng.

Niệm Phật kỵ nhất  Tinh thần tán loạn

Hai câu đầu nói người niệm Phật tư tưởng không tập trung, không có tinh thần, tâm trạng không vui, ý chí trầm mặc, không hăng hái, tạp niệm vô cùng nếu không hồn trầm thì là trạo cử, những thử này đều là tối kỵ.

Lại còn (Tiếng niệm mơ hồ), âm thanh không rõ ràng, người khác nghe không rõ, tự mình nghe cũng không rõ.

(Trước nhanh sau chậm), lúc mở đầu niệm rất nhanh, càng niệm càng chậm, càng không hăng hái.

(Không có âm điệu), lúc đại chúng cùng nhau niệm Phật thường gõ mõ để giữ cho nhịp điệu của câu niệm Phật của mọi người được đều nhau. Lúc mỗi người niệm Phật ở nhà cũng có thể dùng mõ, nếu không dùng mõ cũng phải niệm có nhịp điệu rõ ràng thì dễ nhiếp tâm hơn. Nhịp điệu của mỗi chữ trong câu niệm Phật cũng phải đều nhau, không được khi nhanh khi chậm. Âm thanh của mỗi chữ trong Phật hiệu cũng phải có nhịp điệu, không được khi lớn khi nhỏ. Nhịp điệu tiết tấu rất quan trọng, nếu niệm có nhịp điệu thì dễ thành công hơn.

Nếu còn (Lại không nối liền) thì càng tệ hơn. Câu sau không tiếp theo câu trước, niệm Phật quan trọng nhất là (Tịnh niệm tương kế) (Tịnh niệm nối liền, liên tục hoài).

(Tâm không hợp miệng), miệng thì niệm Phật nhưng mà tâm lại suy nghĩ tính toán chuyện khác. Đang niệm Phật mà nghĩ lung tung: “Ông đó đối xử với tôi thiệt là không tốt chút nào, nghĩ xong rồi lại nhớ phải mua cái TV mới. Còn một tình huống khác nữa là tạp niệm quá nhiều, liên tiếp nổi lên hoài không thể dẹp hết được. Điều này không cần lo, đây là một hiện tượng tự nhiên trong quá trình niệm Phật, không cần để ý tới. Bí quyết trị bệnh vọng tưởng là: “Mặc cho vọng niệm sôi nổi, tôi chỉ nghe tiếng niệm Phật rõ ràng”.

Thanh không nhiếp niệm

Âm thanh của câu niệm Phật có tác dụng rất lớn. Điều quan trọng trong pháp môn niệm Phật là miệng niệm rồi, tai nghe tiếng Phật hiệu của mình niệm. Cho nên muốn nhiếp hết sáu căn thì trước hết phải thâu nhiếp lưỡi và tai trước. Ý cũng phải tưởng câu Phật hiệu này, tay lần chuỗi, mắt nhìn tượng Phật, mũi ngửi được hương cúng Phật, Nhiếp lục căn quan trọng nhất là nhiếp nhĩ căn. Lúc một mình niệm Phật thì tốt nhất là niệm theo cách “Kim Cang Trì”, nghĩa là niệm khe khẻ đủ mình nghe, vừa nghe được âm thanh mình niệm và vừa dưỡng hơi thở. Niệm thầm không ra tiếng cũng có thể nghe, nhưng mà khó nghe hơn. Âm thanh lớn nhỏ cũng có thể thay đổi: lúc tán loạn hoặc phiền não khởi lên thì có thể niệm lớn tiếng. Dùng âm thanh đè nén ý niệm. Đến khi niệm được thanh tịnh rồi thì có thể niệm nhỏ tiếng lại.

Tốt nhất là phải nghe được âm thanh mình niệm, âm thanh này có thể giúp mình nhiếp tâm. Đây là sự đặc biệt thù thắng của pháp môn niệm Phật. Người xưa nói: “Lấy âm thanh làm Phật sự”. Cực Lạc thế giới là nơi có pháp âm tuyên lưu, người nghe được thì tự nhiên niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Tiếng niệm Phật này là pháp âm, phải niệm được có âm điệu rõ ràng và liên tục không ngừng, lúc niệm phải chân thành, khẩn thiết và thanh tịnh. Âm thanh bạn niệm này là âm thanh diệu đức, đối tượng bạn niệm là vị Phật có vạn đức trang nghiêm, âm thanh niệm này tự nhiên là âm thanh vạn đức trang nghiêm. Diệu thanh vô thượng thù thắng này lại từ tai đi thẳng vào tâm thức và gia trì tự tâm. Tự cảm tự ứng rất vi diệu và rất khó suy lường được. Cho nên quan trọng nhất là ở chỗ niệm rồi tự mình nghe tiếng niệm đó.

Nuôi dưỡng ý thức

Nếu lúc niệm trong tâm phiền tạp tán loạn, thì âm thanh niệm Phật tự nhiên rất tạp loạn khó nghe. Tâm không chuyên chú thì tai nghe cũng không rõ. Âm thanh niệm ra không có tác dụng nhiếp tâm thì càng không thể nhiếp hết lục căn được. Trái lại còn có ảnh hưởng xấu là “nuôi dưỡng ý thức”. Nếu bạn niệm rất lơ là, bạn không những là không “chuyển thức thành trí”, mà bạn còn bồi dưỡng thêm cho thức. Chúng ta tu tập mục đích là chuyển tám thức thành bốn trí. Chúng ta niệm Phật là đem ý thức phân biệt chuyển thành “diệu quan sát trí”. Nếu chúng ta niệm Phật mà không theo âm điệu, tán loạn, không tập trung tinh thần, không liên tục, tâm tưởng chuyện không giống như miệng niệm, âm thanh niệm không thể nhiếp được tâm, cách niệm này không những là không chuyển thức mà lại còn dưỡng thức. Cổ đức than là niệm như vậy thì quá uổng.

Thân người khó được, trung thổ khó sanh, Phật pháp khó gặp, khó nghe.

Tịnh độ khó tin mà bạn tin được, bạn lại chịu niệm Phật. Nhưng mà bạn lại niệm cách này cho nên người xưa mới than thở: niệm cách này thì (vĩnh viễn rất khó thành phiến).

Niệm Phật đến khi nhất tâm bất loạn thì rất khó, trước hết phải đạt được niệm Phật thành phiến (thành khối) trước. Chúng ta phải niệm đến thành phiến, ít thì mười mấy câu, nhiều thì ba mươi câu, năm mươi câu. Nếu nhiều nữa thì có đến một xâu, hai xâu (chuỗi).

Niệm Phật thành phiến nghĩa là trong thời gian niệm này, tâm định trên câu niệm Phật, tâm không loạn, từ đầu đến cuối đều là một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Trình độ của mình như thế nào mình hoàn toàn biết rõ. Cho nên cách niệm như trên đã nói thì rất khó thành phiến, phải nên tránh, phải nên phòng ngừa.

Trích từ pháp liệu Thơ Nhắc Nhở Người Niệm Phật của cư sĩ Bồ Tát giới tử Hoàng Niệm Tổ.

Nguyên văn bài thơ của thầy Hạ Liên Cư:

Bài thứ nhất làm tại Cực Lạc Am, Đạo Tràng Niệm Phật:

Nguyên văn:

Niệm Phật Tối Kỵ
Tinh Thần hoản tán
Tự cú mơ hồ
Tiên khoái hậu mạn
Ký vô âm tiết
Hựu bất liên quán
Tâm bất ứng khẩu
Thanh bất nhiếp niệm
Khinh hốt dưởng thức
Cổ Đức sở Thánh
Như thử niệm pháp
Vĩnh nan thành phiến
Thanh hòa vận ổn
Tự chánh âm viên
Mạo thiết miên mật
Trầm trước an nhàn
Thanh hiệp hô tâm
Tâm ứng hô thanh
Tâm thanh tương y
Vọng niệm tự thanh
Phật Hiệu như châu
Niệm đâu như tuyến
Phân tắc các ly
Hiệp tắc thành xuyến
Tâm bất ly Phật
Khẩu bất ly niệm
Như tuyến quán châu
Tương tục bất đoạn
Vị năng nhất tâm
Tiên cầu chuyên niệm
Vị năng bất loạn
Tiên học thành phiến
Chân cần chân chuyên
Công hiệu tự kiến
Vô tu vấn nhân
Hoàn thỉnh tự nghiệm

===

Niệm Phật kỵ nhất
Tinh thần tán loạn
Tiếng niệm mơ hồ
Trước nhanh sau chậm
Không có âm điệu
Lại không nối liền
Tâm không hợp miệng
Thanh không nhiếp niệm
Nuôi dưỡng ý thức
Người xưa than rằng
Cách niệm như vậy
Rất khó thành phiến
Tiếng hòa nhịp đều
Chữ ngay âm tròn rõ
Thành khẩn khắn khít
Điềm đạm an nhàn
Thanh hợp với tâm
Tâm hợp với thanh
Thanh tâm nối liền
Vọng niệm tự dứt
Phật hiệu như châu
Tâm như sợi dây
Phân thì cách ly
Hiệp thì thành xâu
Tâm không rời Phật
Miệng không rời niệm
Như dây xỏ châu
Liên tục không dứt
Chưa được nhất tâm
Trước cầu chuyên niệm
Chưa được không loạn
Trước học thành phiến
Thiệt là chuyên cần
Hiệu quả tự thấy
Không phải hỏi người
Hãy xin tự xét.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT 

Trích từ pháp liệu “Thơ Nhắc Nhở Người Niệm Phật của cư sĩ Bồ Tát giới tử Hoàng Niệm Tổ”.

Nguồn: hoiquanadida

Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *