Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Những hiểu lầm nghiêm trọng khi nghe pháp, chấp lý bỏ sự, y văn giải nghĩa dẫn đến dụng tâm tu hành sai lệch

Đức Phật A Di Đà đón hoa sen
Chúng tôi thường tán thán lão hòa thượng Hải Hiền, lão Hòa Thượng không biết chữ, cả đời một bộ kinh cũng chưa từng đọc qua, chưa từng nghe qua một bộ kinh, chỉ nhất môn thâm nhập một câu Phật hiệu, niệm 92 năm, làm ra tấm gương tốt cho các đệ tử trong nhà Phật xem, khiến mọi người tăng trưởng tín tâm, kiên định nguyện tâm, vãng sanh Tịnh Độ giống như ngài.
Có một số người nghe lời này thì cắt câu lấy nghĩa, học theo lão hòa thượng Hải Hiền không biết chữ, không đọc kinh, không nghe kinh, còn phê bình người đọc kinh, nghe kinh là không đúng. Đây cũng là không “thiện thính”, không nghe hiểu được ý nghĩa của người giảng kinh, điều cần học thì không học được, ngược lại còn sinh ra kiến giải sai lầm, vô cùng đáng tiếc!
Có một số người thì ngược lại, nghe chúng tôi xưng tán kinh Vô Lượng Thọ thù thắng như thế nào, có thể khiến người sanh khởi tín nguyện hạnh kiên định, xong rồi họ chấp trước kinh Vô Lượng Thọ, cho rằng chỉ niệm A Di Đà Phật thôi không thể vãng sanh, nhất định phải đọc kinh Vô Lượng Thọ mới có thể vãng sanh.
Còn kéo những lão Bồ-tát chuyên tâm niệm Phật về đọc kinh Vô Lượng Thọ, khiến tín tâm niệm Phật của họ bị dao động, phải vất vả khổ sở đọc kinh Vô Lượng Thọ thì mới được, đây quả thật là đoạn pháp thân huệ mạng của người! Trong lúc giảng kinh, chúng tôi nhiều lần nói rằng những người nào không đủ lòng tin thì phải đọc kinh. Nếu như bạn là người đã sinh khởi tín tâm rồi, có thể không đọc kinh, một câu Phật hiệu niệm đến cùng là đủ rồi.
Hiện nay họ lại làm ngược lại, đem những người có lòng tin đối với kinh, hiện giờ đang chuyên tâm niệm Phật kéo trở lại đọc kinh, đây thật là điên đảo. Chúng sanh vốn có căn tánh không như nhau, có người thích nghe kinh, có người thích đọc kinh, có người thích lạy Phật, có người thích niệm Phật, không thể gom chung lại làm một được. Cổ đức có nói: “Thà động nước ngàn sông chứ không động tâm người tu đạo”, nếu bạn làm dao động tín tâm của người chuyên tâm tu hành, thì tội này cực lớn. Nếu những vị lớn tuổi này không vãng sanh được, thì món nợ này sẽ được ghi lại để tính sổ với những người này.
Còn có người nghe rằng công đức trợ niệm cho người rất lớn, liền khiêng người bệnh nặng ra chỗ sáng trợ niệm ngày đêm, không cho người bệnh thời gian an tĩnh để nghỉ ngơi. Không có thời gian ngủ nghỉ sẽ không có tinh thần tốt để niệm Phật. Nếu bị mất ngủ trong thời gian dài, tinh thần thậm chí sẽ bị vấn đề. Đây là ví dụ cho việc dùng tâm tốt mà làm việc xấu. Có người nghe rằng lúc trợ niệm không thể xúc chạm đến người chết, thậm chí đã cấm người nhà không phục vụ cho người bệnh nặng, không cho họ để người bệnh uống nước, không cho họ giúp người nhà đại tiểu tiện v.v. đây cũng là những hiểu lầm nghiêm trọng. Không cho xúc chạm là chỉ sau khi người bệnh tắt hơi, hiện tại người bệnh vẫn chưa tắt hơi, vẫn có nhu cầu uống nước, đại tiểu tiện, chỉ vì bạn bắt đầu trợ niệm, không cho họ giúp đỡ người bệnh, việc làm như vậy là ngược đãi bệnh nhân! Những nhu cầu về mặt thân thể của họ không được đáp ứng, càng sẽ khiến họ càng đau khổ, khiến họ không thể chuyên tâm niệm Phật, vì thế những người trợ niệm này đã chướng ngại họ rồi, không phải là đang giúp họ.
Có người nghe tôi nói rằng, tôi cả đời này không nhận đồ đệ, những người có pháp danh là chữ Ngộ đều là do Hàn Quán Trưởng thâu nhận, họ liền nói những người có pháp danh là chữ Ngộ này không phải là người xuất gia, đây là cố ý bẻ cong sự thật. Ý của tôi là, tôi không muốn thâu nhận đồ đệ, mà thuận theo ý của Hàn Quán trưởng mới thế độ (gọt tóc) cho họ. Họ đều trải qua nghi thức thế độ chính thức, cũng chính thức thọ Tam Đàn Đại Giới, sao bạn lại có thể nói họ không phải là người xuất gia? Nói như vậy là tạo khẩu nghiệp. Những kiến giải sai lầm phía trên luôn luôn là vì bạn đã không “thiện thính”, đã không lý giải chính xác ý nghĩa của người giảng kinh, hoặc là nghe kinh không đủ, chỉ nghe một phần rồi phiến diện khái quát nên mà ra.
BẤT THIỆN TƯ (KHÔNG KHÉO TƯ DUY)
Có người từng hỏi tôi một câu: “Nếu như hết thảy đều là không, vì sao lại còn cần học văn hóa truyền thống?” Tôi hỏi ngược lại họ một câu: “Nếu hết thảy đều là không, thì vì sao bạn vẫn cần phải ăn cơm?”, đây chính là cái lỗi điển hình của việc “chấp lý bỏ sự”, chấp trước vào lý luận rồi phủ định sự tướng.
Hết thảy đều là không, đây là cảnh giới chân đế, là cảnh giới của thánh nhân, hiện giờ bạn vẫn là phàm phu, vẫn chưa đạt được tới cảnh giới đó, sao lại có thể phủ định sự tướng được chứ? Bạn chỉ biết một chút lý luận, thế chẳng có ích gì, bạn không ăn cơm thì vẫn đói bụng, bạn không học văn hóa truyền thống thì vẫn không hiểu sự lý, là ngu si, hồ đồ. Có người nghe tôi nói Tam Căn (3 nền tảng Nho Thích Đạo) rất quan trọng, liền lập tức bắt đầu học Tam Căn. Ngày hôm sau nghe nói Văn Tự Học cũng rất quan trọng, họ liền chuyển sang học Văn Tự Học.
Rồi lại nghe nói Quần Thư Trị Yếu rất quan trọng, liền chuyển sang học Quần Thư Trị Yếu. Một môn vẫn chưa học tốt thì đã chuyển sang học môn kế tiếp, đây là kiến giải sai lầm. Mỗi một người phải lựa chọn một môn phù hợp với mình, trường thời huân tu, không thể cứ thay đổi hoài. Đương nhiên nếu như bạn học có thứ tự thì học Tam Căn cho vững đi rồi hãy học Văn Tự Học. Học Văn Tự Học xong rồi mới học Quần Thư Trị Yếu, như vậy mới đúng. Cho nên phải phân biệt rõ đạo lý, tư duy chính xác thì mới tu học chính xác được…
Trích lục khai thị:
PHẢI KHÉO HỌC PHẬT PHÁP VÀ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
PS TỊNH KHÔNG
(Bài khai thị tại đại lễ Thanh Minh Tế Tổ năm 2018 tại hội trường triển lãm Sân bay quốc tế HongKong.)
Được gắn thẻ , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *