Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Như thế nào là tùy duyên, như thế nào là phan duyên?

Cương lĩnh tu học - HT Tịnh Không
Trong mọi lúc, mọi nơi, khi đối người, đối sự, và đối vật nhất định không mê hoặc nữa, sẽ không khởi tâm động niệm, không phân biệt chấp trước nữa thì bạn đã giác ngộ rồi.
Nếu bạn còn khởi tâm động niệm, còn phân biệt chấp trước thì bạn lại sai lầm nữa rồi, lại đi lạc vào đường ác nữa rồi. Cảnh giới trong ấy vô cùng nhỏ nhiệm, sợ mọi người nghe xong lại hiểu lầm. Như vậy có phải là hết thảy người, hết thảy vật trên thế gian này không cần phải chú ý đến nữa ư?
Tôi chẳng dạy bạn không chú ý đến, tôi chẳng dạy bạn không làm, chỉ dạy bạn không khởi tâm phân biệt, không khởi chấp trước, chứ không phải kêu bạn đừng ăn cơm. Vẫn ăn cơm như thường, một ngày vẫn ăn ba bữa, chẳng thiếu bữa nào. Phật dạy chúng ta ăn cơm đừng phân biệt, đừng kén chọn, chứ đâu có kêu bạn không ăn cơm? Đối với xã hội, hết thảy chúng sanh, Bồ Tát đại từ đại bi, tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp, chư Phật, Bồ Tát bận rộn cũng chẳng vui sướng sao! Chẳng phải họ không làm, cái gì họ cũng làm, thị hiện trong các ngành các nghề, trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta nhìn thấy, trong ngành nghề nào cũng đều làm ra thành tích tốt nhất, làm gương cho hết thảy chúng sanh, đâu phải họ không làm; họ đều làm hết.
Trên Sự thì làm viên mãn như vậy, trong tâm trong sạch chẳng nhiễm mảy trần. Người thế gian chúng ta làm xong thì kiêu ngạo, giành công, [cho rằng] tôi đã làm bao nhiêu chuyện tốt rồi, đối với xã hội, đối với chúng sanh tôi đã cống hiến nhiều như vậy. Vậy là đã bị ô nhiễm, bạn sẽ chẳng thoát ra khỏi lục đạo; làm càng nhiều chuyện tốt, hưởng phước báo trong lục đạo thì phước báo đó chẳng phải là “diệu lạc”. Chư Phật, Bồ Tát thị hiện làm càng nhiều chuyện tốt hơn nữa, trong tâm chẳng lưu lại một chút dấu vết nào, đúng như câu nói “làm mà không làm, không làm mà làm”, đó mới là “diệu”. “Làm” thì chúng ta tận tâm tận lực mà làm, “không làm” nghĩa là tâm địa thanh tịnh, tuyệt chẳng có vọng tưởng, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước. Phải hiểu rõ ràng, hiểu rành rẽ ý nghĩa này, để không đến nỗi hiểu lầm.
Những gì mình làm đều vì hết thảy chúng sanh, chúng ta tuyệt đối tận tâm tận lực, làm thành công thì chúng sanh có phước, chẳng phải tôi có công, tôi có công gì đâu? Nếu không thành công thì phước đức nhân duyên của chúng sanh chưa chín muồi, tôi cũng chẳng có lỗi. Do đó tự hành, hóa tha đều là tùy duyên chứ chẳng phan duyên, phan duyên nghĩa là gì? Trước tướng (chấp trước) thì sẽ phan duyên, ly tướng tức là tùy duyên; có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước tức là phan duyên, rời khỏi phân biệt, chấp trước tức là tùy duyên. [Chúng ta] phải hiểu rõ những Sự, Lý này, phải hiểu rành rẽ để chẳng hiểu lầm.
Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký – tập 30
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *