Thánh nữ Bà La Môn làm thế nào mới cứu được mẹ của cô ở địa ngục vậy? Tự mình nhất định phải tu công đức, cô mới có thể khiến cho mẹ cô được độ. Suốt một ngày một đêm, cô là chuyên tâm, tâm địa chí thành, một ngày một đêm niệm Phật được nhất tâm bất loạn.
Trong hết thảy các pháp môn tu hành, thì pháp môn này là nhanh nhất. Tu pháp môn khác muốn đạt được công phu này là rất khó, pháp môn niệm Phật dễ dàng, một ngày một đêm, trong “Kinh Di Đà” nói: Nếu một ngày, hoặc hai ngày cho đến 7 ngày. Cô niệm một ngày một đêm là được nhất tâm bất loạn, được nhất tâm bất loạn là chứng niệm Phật tam muội.
Quý vị nên biết, niệm Phật tam muội có sâu cạn khác nhau. Niệm Phật tam muội cấp hạ phẩm là công phu thành khối, trung phẩm là sự nhất tâm bất loạn, thượng phẩm là lý nhất tâm bất loạn. Cô đây là được sự nhất tâm bất loạn. Sự nhất tâm bất loạn thì bản thân cô đã thành Bồ-tát rồi, mẹ cô đương nhiên được độ. Tại sao cô công phu một ngày là có thể chứng được nhất tâm bất loạn vậy?
Nhờ duyên của mẹ cô. Nếu mẹ cô không đọa vào đường ác, thì cô sẽ không tinh tấn như vậy được, nên mẹ cô liền có phước ngay, nhờ mẹ cô giúp khiến cho cô dụng công như vậy, bỗng chốc chứng được quả vị Bồ-tát. Mẹ cô sanh thiên là căn cứ vào đạo lý này. Nếu Phật không dạy cho cô cách này, mà nói cho cô biết mẹ cô ở đâu, thì dù có khóc chết đi nữa cũng vô ích. Phật không thể độ mẹ cô được.
Nếu Phật có thể độ được thì việc gì phải bảo cho chúng ta tu hành? Là không cần tu rồi, thảy đều được độ hết, như thế Phật là đại từ đại bi. Phật không thể độ.
Cô độ mẹ của mình là do nhờ cái duyên này của mẹ cô nên cô mới chăm chỉ tu hành, trong vòng một ngày mới có thể niệm đến sự nhất tâm bất loạn. Tại sao chân thành như vậy? Tại sao tinh tấn như vậy? Là bởi vì tâm tha thiết độ mẹ, nhờ sức mạnh này thúc đẩy cô, đạo lý là ở chỗ này.
Sau đó bạn mới biết cửa Phật nói siêu độ, nguyên lý của nó là ở chỗ này. Siêu độ, nếu tâm của người siêu độ đó không chân thành khẩn thiết, tự mình không thể nâng cao cảnh giới lên tu hành chứng quả, thì người được siêu độ cũng không được lợi ích, họ không siêu được. Khi cô thành Bồ-tát, thì bà trở thành mẹ của Bồ-tát, hơn nữa mẹ của Bồ-tát có cống hiến rất lớn đối với vị Bồ-tát này, nên đương nhiên bà từ địa ngục sanh thiên, đây là đạo lý nhất định.
Cho nên trong cửa Phật nói siêu độ là có lý ở trong đó. Bạn không hiểu lý, cho rằng tụng mấy quyển kinh là siêu độ, đâu có chuyện dễ dàng như vậy.
Trong thế gian người tạo rất nhiều tội nghiệp, đến cuối cùng mình cũng cảm thấy sợ hãi, bèn đi tìm mấy vị pháp sư đến tụng kinh, tiêu tai, cầu siêu. Cầu siêu không nổi, không có tác dụng. Nhưng chúng ta nói chung là làm tốt hơn không làm, vẫn cứ tìm mấy vị pháp sư tụng kinh, hồi hướng, vẫn biết mình có tội.
Nhưng mà phải biết, phương pháp này hiệu lực rất kém, chẳng giúp được gì, chỉ có thể nói là gieo một chút thiện căn mà thôi, không thu được hiệu quả. Làm giống như Thánh Nữ vậy mới đạt được hiệu quả. Cho nên con cái hiếu thảo muốn siêu độ cho cha mẹ hay người thân quyến thuộc của mình khi qua đời thì phải hiểu đạo lý này. Thỉnh pháp sư tụng kinh siêu độ thì mình nhất định phải tham dự. Tại sao vậy? Mình không hiểu rõ nghi thức, không biết tụng niệm, cứ tụng niệm theo pháp sư.
Ai siêu độ? Tự mình siêu độ, pháp sư chỉ là làm người trợ duyên kèm theo bạn, bản thân bạn phải thật tâm sám hối, phải khế nhập cảnh giới, bạn siêu độ thì người mất đó mới thật sự được độ, thật sự được phước. Nếu như chỉ đem việc siêu độ ủy thác hết cho mấy vị pháp sư, còn mình cứ ở đó xem như chẳng có việc gì xảy ra thì không có tác dụng, một chút cảm ứng cũng không có.
Thậm chí là khi tôi vừa mới học Phật, chưa xuất gia, cũng chưa có quy y, mới tiếp xúc Phật pháp, có một hôm đi chơi, đến chùa miếu chơi, trong chùa đang làm Phật sự, đại khái là siêu độ cho cha mẹ của một người nọ, pháp sư ở ngoài tụng kinh, bên trong người nhà cười đùa, rất vui vẻ, còn ở đó đánh bài nữa. Tôi nhìn thấy thật chẳng ra thể thống gì! Giống cái gì vậy?
Cha mẹ này chết rồi, tốt quá, rất vui vẻ, người trong nhà một chút tâm đau buồn cũng không có. Đến lúc pháp sư bảo ra lạy: “Ra đây! Các vị hãy lạy đi” thì “Dạ”, vội vàng lạy, vừa đứng lên lập tức ngồi vào bàn đánh bài, như thế chẳng ra làm sao cả! Người hiện nay là không hiểu lễ, không biết chân tướng sự thật, vô cùng vô cùng đáng thương. Thật sự giống như lời Phật nói trong kinh, là kẻ đáng thương xót. Chúng ta thể hội được ý nghĩa câu nói này của Phật.
Trích từ bài giảng Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện giảng giải (Tập 12)
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư.