Chủ giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không;
Thời gian: Ngày 14 tháng 12 năm 2017;
Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam.
– Kính thưa:
+ Giáo sư Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam;
+ Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư TW Đảng kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia;
+ Cùng các vị lãnh đạo, các vị giáo sư, các vị đại đức, các vị khách quý, các quý bà, quý ông. Xin chào mọi người.
– Vô cùng cảm ơn lời mời của Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo – Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, để tôi có cơ duyên đến một đất nước với sản vật phong phú, trang nghiêm tươi đẹp như Quý quốc để thăm quan, cọ xát và học tập. Điều này làm tôi cảm thấy vô cùng vinh hạnh!
– Từ xưa đến nay, Việt Nam đã có sự giao lưu sâu rộng với Trung Quốc, về mặt văn hóa đã có sự giao lưu sâu sắc. Nhìn lại những quãng lịch sử này, làm chúng ta cảm thấy đôi bên có sự nồng ấm thân thiết như những người thân và bằng hữu.
– Hôm nay tôi hết sức cảm ơn mọi người đã đến đây động viên! Theo lý mà nói, tôi nên diễn giảng trực tiếp, nhưng do tấm thân đã chín mươi mốt tuổi này, đôi khi làm tôi cảm thấy sức lực không chiều lòng người, bởi vậy bắt đầu từ hai năm trước, tôi đã thử áp dụng phương pháp ghi hình trước và phát ở một số nơi công khai để tránh áp lực tâm lý và những sai sót có thể phát sinh khi đọc bản thảo tại hiện trường, kết quả cho thấy hiệu quả vẫn tốt. Tháng chín năm nay, ở Hội nghị Hòa bình Quốc tế tại Trụ sở chính của Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa Liên Hiệp Quốc, tôi cũng phát biểu bài diễn giảng với hình thức này, và vẫn nhận được sự khẳng định của đông đảo các đại sứ và các vị khách tham dự, cho nên, lần này tôi vẫn áp dụng cách làm này. Tôi nghĩ, đặc biệt là đối với những bài diễn giảng cần phải phiên dịch, thì phương pháp này có thể đạt được hiệu quả phiên dịch chính xác hơn so với hình thức diễn giảng trực tiếp, vì có thể tránh được những sai sót có thể phát sinh khi dịch khẩu ngữ trực tiếp, vì vậy nhân đây mong các vị thứ lỗi vì tôi đã dùng phương thức này để thực hiện bài diễn giảng.
– Đơn vị mời đưa cho tôi chủ đề: “Làm thế nào để Xã hội An định – Hài hòa – Thống nhất, Thế giới hòa bình”, đây là chủ đề mà mọi người trên toàn thế giới đều rất quan tâm, tôi xin cúng dường để mọi người tham khảo; nếu có điểm chưa phải, mong mọi người chỉ giáo.
– Giáo dục phổ thế thúc đẩy xã hội hài hòa.
– Trong thời đại ngày nay, khoa học tiến bộ, kinh tế phát triển, đời sống vật chất sung túc, nhưng văn minh tinh thần của nhân loại không những không được nâng cao một cách đồng thời, mà ngược lại đang xuống dốc! Ngày nay lòng người nông nổi, đạo đức trầm luân, người ta luôn luôn chỉ nghĩ đến tự tư tự lợi, thậm chí vì tranh danh đoạt lợi mà làm tổn hại người khác, thế rồi gây ra vô vàn động loạn cho xã hội. Vậy làm thế nào để thúc đẩy xã hội an định, hài hòa đây? Trong cuốn sách về giáo dục sớm nhất của Trung Quốc [Lễ ký Học ký] đã có đáp án: “Kiến quốc quần dân, dạy học hàng đầu”, ý nói rằng: Nếu muốn điều hành đất nước, an định lòng dân, thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thúc đẩy giáo hóa đạo đức. Hình thức giáo hóa đạo đức này, ngày nay chúng ta gọi là “Giáo dục phổ thế”, dưới đây xin nói rõ về bốn hình thức giáo dục phổ thế là luân lý, đạo đức, nhân quả và tôn giáo.
1. Giáo dục luân lý.
– Cổ nhân của Trung Quốc quy nạp Giáo dục Luân lý thành “Ngũ Luân”, đây cũng chính là năm mối quan hệ giao tiếp thông thường. Gốc rễ của Ngũ Luân là ở gia đình.
– Tôi còn nhớ vào năm 2002, tôi nhận lời mời của ngài Phillip Ruddock – Bộ trưởng Bộ Di Trú và Đa Nguyên Văn Hóa thời đó, đến định cư ở Australia, với mục đích giúp đỡ chính phủ Australia đoàn kết chủng tộc, đoàn kết tôn giáo. Thế rồi, tôi thường xuyên trao đổi với các giáo sư của Đại học Queensland và Đại học Griffith ở Brisbane, khi đó sự kiện 911 ở nước Mỹ xảy ra chưa lâu, mọi người đều đang bàn bạc nghĩ cách làm thế nào để chấm dứt chiến tranh, để gìn giữ hòa bình? Các giáo sư hỏi ý kiến của tôi, tôi liền nói với họ:
– Việc này cũng giống như chữa trị tật bệnh vậy, bắt buộc phải tìm ra nguồn gốc của căn bệnh, rồi mới có thể tùy bệnh căn mà kê đơn; tương tự muốn chấm dứt chiến tranh, thì phải tìm ra căn nguyên của chiến tranh ở chỗ nào đã. Trên thực tế, nguồn gốc của chiến tranh là ở gia đình.
– Khi họ nghe thấy đều cảm thấy rất sửng sốt, tại sao nguồn gốc của chiến tranh lại ở gia đình vậy? Tôi nói với họ:
– Một đứa trẻ xuất thân từ một gia đình không hài hòa, sao có thể kỳ vọng chúng đối đãi chan hòa với mọi người đây? Họ nghe rồi đều cảm thấy rất có lý.
– Vì vậy, mối quan hệ Ngũ Luân kiện toàn là vô cùng quan trọng đối với sự hài hòa của xã hội! Tiếp theo, xin giới thiệu tới mọi người một cách đơn giản về Ngũ Luân. Trình tự này được sắp xếp chỉ để thuận tiện cho việc diễn giảng mà thôi.
– Nội dung đầu tiên của Ngũ Luân là “Phụ tử hữu thân”, tình thương yêu giữa cha mẹ và con cái là xuất phát một cách tự nhiên. Chúng ta quan sát em bé sơ sinh trong vòng ba tháng, khi chúng chưa biết nói, chưa ai dạy bảo chúng, nhưng từ ánh mắt mà chúng nhìn cha mẹ, cũng như trong ánh mắt mà cha mẹ nhìn chúng, chúng ta có thể thấy được tình thương yêu một cách tự nhiên giữa cha mẹ và con cái, tình yêu này là không có điều kiện, là tình yêu chân thật. Mục đích của giáo dục luân lý chính là phải giữ mãi tình yêu thuần khiết vô tư này, cả một đời cũng không thay đổi, hơn nữa còn phải phát huy hơn nữa để yêu thương tất cả mọi người. Phương pháp gìn giữ chính là Ngũ Luân, trước tiên phải là cha từ con hiếu: cha mẹ đối với con cái phải từ ái, con cái đối với cha mẹ phải hiếu thuận.
– Trung Quốc có câu ngạn ngữ rằng: “Trăm thiện hiếu vi tiên” (Trong hàng trăm điều thiện, hiếu đứng đầu): Đạo Hiếu là vô cùng quan trọng, là nền tảng của tất cả hành động thiện; khi có thể hiếu kính với cha mẹ, thì tất cả việc làm thiện mới có gốc, mới là chân thật mà gìn giữ lâu dài được. Cha mẹ phải dạy bảo con cái từ nhỏ phải hiếu thảo như thế nào? Trong [Đệ Tử Quy] có phương pháp rất cụ thể, từ việc khi cha mẹ gọi phải lập tức cung kính mà đáp lời, việc cha mẹ giao phải nghiêm túc mà làm, khi cha mẹ dạy bảo phải cung kính lắng nghe, khi cha mẹ trách mắng phải ngoan ngoãn vâng lời, v.v…. Bản thân cha mẹ trước hết phải thực hiện theo yêu cầu trong [Đệ Tử Quy], làm ra một tấm gương tốt cho con trẻ thấy được, có như vậy trẻ nhỏ mới làm theo, cho nên mới nói “thân giáo trọng ư ngôn giáo” (Thân giáo quan trọng hơn ngôn giáo). Cha mẹ lấy thân mình làm gương, làm ra tấm gương phù hợp với luân lý đạo đức, đây chính là sự từ ái lớn nhất đối với con cái. Trong gia đình, nếu con cái có thể thực hành đạo hiếu, thì tương lai trong xã hội mới có thể yêu thương người khác, bởi chúng có thể đem tấm lòng yêu thương cha mẹ mở rộng ra để yêu thương mọi người, có thể yêu người thì sẽ không làm hại người. Như vậy, từng con người đều được dạy dỗ rồi, thì xã hội tự nhiên sẽ an định và hài hòa.
– Trong xã hội hiện đại, chúng ta thấy một hiện tượng vô cùng đáng sợ, đó là con người đã bị dục vọng vật chất che lấp, thậm chí mất đi cả đức hạnh tự nhiên vốn có, có câu nói: “Dục linh trí hôn” (Dục vọng làm lu mờ tâm trí)! Vốn dĩ cha mẹ có tấm lòng từ ái vốn có đối với con cái, nhưng hiện nay lại có người mẹ đắm chìm vào trò điện tử trên điện thoại, bỏ mặc con nhỏ không màng đến, thậm chí khi con trẻ khóc to, ảnh hưởng đến việc người mẹ đùa nghịch điện thoại, thì người mẹ đã dìm chết đứa con nhỏ và tiếp tục chơi điện thoại! Thời xưa những vụ việc đại nghịch vô đạo đức cha con tàn sát lẫn nhau rất hiếm thấy, ngày nay, lý trí con người bị làm cho lu mờ một cách nghiêm trọng, cho nên những vụ án cha con tương tàn cũng không còn xa lạ, đây là những hành vi đến súc sinh cũng không bằng! Trong cuốn sách lịch sử cổ đại Trung Quốc [Tả Truyện] có nói: “Nhân khí thường, tác yêu hưng” (Con người nếu coi thường đạo lý luân thường, yêu ma tất trỗi dậy), việc này đã tạo nên bức họa của xã hội hiện đại: Con người hiện đại thiếu mất giáo dục đạo đức luân thường, kết quả là đã làm ra những việc trái ngược với luân lý, và xã hội này trở nên quái gở và ngông cuồng mất rồi! Ngày nay chúng ta buộc phải nỗ lực đề cao giáo dục luân lý đạo đức, đem nếp sống xấu ác này mà xoay chuyển lại, bởi một khi luân thường đạo đức bị mất đi, xã hội loài người sẽ bị chìm trong thời đại đen tối, con người sẽ phải sống trong sự thống khổ.
– Nội dung thứ hai của Ngũ Luân là “Trưởng ấu hữu tự”. Giữa anh, chị, em phải thực hiện lễ kính theo tuần tự lớn nhỏ, anh chị phải yêu thương em mình, làm em thì phải kính trọng anh chị. Suy theo nghĩa rộng, chính là phải tôn kính tất cả những người lớn tuổi, và thương yêu tất cả những người nhỏ tuổi, ở trường học thì phải kính trọng thầy cô, yêu thương chan hòa với bạn học. Đạo thầy trò vô cùng quan trọng, tầm quan trọng của điều này chỉ đứng sao đạo hiếu! Cha mẹ cho ta sinh mạng, nhưng thầy cô lại cho ta huệ mạng. Người mà có thể tôn sư trọng đạo thì mới có thể thực sự có thành tựu về phương diện đạo đức và học vấn.
– Hiện tượng làm cho người ta lo lắng hiện nay đó là, rất nhiều trường học đang áp dụng mô hình kinh doanh thương mại hóa. Sau khi bị thương mại hóa, trường học trở thành “học đường vì lợi nhuận”, thầy cô giáo trở thành nhân viên, tất cả đều vì lợi ích kinh doanh. Thậm chí thầy cô giáo không còn nghiêm khắc yêu cầu bản thân trở thành tấm gương về đạo đức và học vấn cho các học trò nữa, thế là không còn sự tôn nghiêm của đạo thầy trò nữa, điều này cũng khó mà yêu cầu học trò tôn sư trọng đạo. Tình hình hiện nay đã trầm trọng đến mức có một số thầy cô giáo đã mất hết lương tâm, khi lên lớp không nghiêm túc dạy học, mà yêu cầu các học trò tham gia lớp phụ đạo ngoài giờ để các thầy cô kiếm tiền phí phụ đạo. Có một số cô giáo ở trường mầm non vì tránh việc trẻ em gây ồn náo mà dám tiêm và cho uống thuốc an thần! Có một số nơi thậm chí còn xuất hiện những hình vi biến thái như xâm hại và ngược đãi tình dục! Những thông tin này thực sự làm người ta kinh hãi, xã hội ngày nay đã trở nên bại hoại đến cảnh thế này!
– Giáo dục gia đình và giáo dục trường học là nền tảng của giáo dục xã hội, vô cùng quan trọng! Nếu hai nội dung giáo dục nền tảng này không làm tốt, thì giáo dục xã hội rất khó để mà thành công. Bởi vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay chính là bắt buộc phải thay đổi quan niệm và mô hình kinh doanh trong trường học, phải phù hợp với tinh thần của giáo dục; đồng thời phải nâng cao việc tu dưỡng đạo đức của các thầy cô giáo, phải phụng hành theo chuẩn mực “Học vi nhân sư, hành vi thế đạo” (Học phải vì để làm người thầy của người đời, phẩm hạnh phải là tấm gương cho đời), thì mới có thể xoay chuyển được tình thế suy đồi này,
– Nội dung thứ ba trong Ngũ Luân là “Phu phụ hữu biệt”, giữa vợ và chồng phải có sự phân công phối hợp, một người chịu trách nhiệm mưu sinh cho gia đình, còn người kia chịu trách nhiệm giáo dục con cái. Người mẹ là người thầy đầu tiên của con trẻ, việc giáo dục đã bắt đầu từ khi người mẹ mang thai, bởi thai nhi đã biết học tập. Trong thời kì mang thai, người mẹ buộc phải cẩn trọng trong thân – khẩu – ý của chính mình, tất cả khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, cử chỉ đều phải đoan chính và phù hợp với yêu cầu của đạo đức luân thường, không được dấy nên ý niệm bất thiện, không được nói những ngôn từ bất thiện, không được làm những hành vi bất thiện. Có như vậy, đứa trẻ mới được hun đúc ở trong năng lượng tích cực trong vòng chín tháng, sau khi sinh ra sẽ có chính khí và chính niệm, từ đó rất dễ dạy dỗ.
– Một nghìn ngày (ba năm) sau khi sinh, là giai đoạn quan trọng nhất trong việc giáo dục: Những người lớn bên cạnh đứa trẻ đều phải làm ra một tấm gương chính diện tốt, tất cả mọi ngôn ngữ và hành vi bất thiện đều không được cho trẻ tiếp xúc. Như vậy, bảo vệ cho trẻ nhỏ sau ba năm, đứa trẻ sẽ có khả năng phân biệt phải trái và thiện ác, đối với những việc thiện chúng sẽ tiếp nhận, đối với điều bất thiện chúng sẽ xa rời. Căn cơ được đặt nền móng từ ba tuổi, dẫu đến tám mươi tuổi chúng cũng không thể thay đổi, người này chính là một người thiện đạt tiêu chuẩn.
– Mối quan hệ vợ chồng là điểm khởi đầu trong Ngũ Luân: Có mối quan hệ vợ chồng, sau đó mới có quan hệ cha con, rồi mới có quan hệ anh em, quan hệ quân – thần, quan hệ bằng hữu. Cho nên sự tốt xấu của quan hệ vợ chồng có ảnh hưởng quan trọng nhất đối với sự an định của xã hội. Khi quan hệ vợ chồng tốt, thì bốn mối quan hệ khác cũng sẽ tốt theo; nếu quan hệ vợ chồng không tốt đẹp, thì bốn mối quan hệ khác cũng vì thế mà nảy sinh chướng ngại. Hiện nay, tỉ lệ li hôn ở các nước trên thế giới đều đang tăng cao, điều này vô cùng bất lợi đối với sự an định của xã hội! Hãy thử nghĩ, đứa trẻ của một gia đình không hài hòa, khi ra ngoài xã hội sao có thể chung sống chan hòa với mọi người chứ?
– Mối quan hệ vợ chồng cần phải thường xuyên vun bồi, hai bên đều phải đối đãi với nhau bằng tình nghĩa, ân nghĩa, đạo nghĩa. Hôn lễ thời xưa của Trung Quốc vô cùng long trọng, trong đó có rất nhiều thủ tục rườm rà, mà mỗi giai đoạn đều có đạo lý và ý nghĩa của nó, đều là giáo dục những con người mới vun bồi trí tuệ trong đời sống hôn nhân như thế nào? Trong đó cũng giáo dục những người mới rằng, hôn nhân tuyệt đối không phải là việc giữa hai con người, mà còn liên quan đến gia tộc của hai bên, cũng liên hệ tới sự kế tục trong tương lai của gia tộc, bởi vậy, đây là một việc vô cùng cẩn trọng. Khi có sự chú trọng đúng mực đối với việc kết hôn, thì ngày sau mới không dễ dàng li hôn chỉ vì gặp phải những điều không vừa ý.
– Ngày nay, tình trạng các phương tiện thông tin đại chúng lan truyền những nội dung tình dục đang ngày càng nghiêm trọng, những nội dung này đã làm ô nhiễm tâm của người lớn và trẻ nhỏ một cách trầm trọng, những hiện tượng này làm cho phong khí xã hội trở nên xấu đi một cách nhanh chóng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thông thường của quan hệ vợ chồng trong gia đình. Tình huống ngoại tình là nguyên nhân chủ yếu nhất của việc li hôn; khi giữa vợ chồng có một bên không thể chung thủy với người kia, thì hôn nhân sẽ xuất hiện nguy cơ, cuộc sống gia đình sẽ bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng. Làm thế nào để liên kết quan hệ vợ chồng để ổn định cuộc sống gia đình, đây là một thách thức lớn mà xã hội ngày nay đang phải đối mặt! Đối với các hình thức cám dỗ tình dục, biện pháp tốt nhất chính là phải tránh tiếp xúc; bởi vì, một khi đã tiếp xúc thì rất khó để không bị chìm đắm trong đó; một khi bị chìm đắm rồi, thì rất khó mà rút ra được. Kết quả vẫn là thân bại danh liệt, thậm chí là nhà tan người mất!
– Trên thế giới này có hai đối tượng có thể cứu thế giới, nhưng cũng có thể hủy diệt thế giới. Đối tượng thứ nhất là các nhà lãnh đạo quốc gia, bởi vì họ có quyền. Đối tượng thứ hai chính là những người làm về truyền thông: Nếu nội dung của truyền thông là chính diện, vậy là đang cứu thế giới; nếu nội dung mà giới truyền thông phát đi là dạy người ta sát – đạo – dâm – vọng, vậy chính là đang hủy diệt thế giới! Bởi vậy, chúng ta mong muốn giới truyền thông sẽ đưa nhiều nội dung về nhân nghĩa đạo đức, đưa nhiều thông tin chính diện, và ít đưa thông tin phản diện, đương nhiên tốt nhất là không đưa thông tin phản diện.
– Nội dung thứ tư của Ngũ Luân là “Quân thần hữu nghĩa”, điều này chính là nói về việc trong cuộc sống xã hội, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới phải được liên kết bởi đạo nghĩa, phải xem đạo nghĩa quan trọng hơn lợi ích. Cấp trên nên đối xử tốt với cấp dưới, cấp dưới phải tận trung với cấp trên. Cấp trên phải đóng vai trò “Quân – Thân – Sư”: Trong công việc là vai trò của lãnh đạo, dẫn dắt cấp dưới làm tốt công việc thuộc bổn phận; trong cuộc sống là vai trò của cha mẹ, phải thật lòng quan tâm yêu thương cấp dưới; về mặt đạo đức và học vấn lại có vai trò của người thầy, phải chỉ dạy cấp dưới đối nhân xử thế ra sao. Nếu người lãnh đạo có thể lấy mình làm gương trong ba phương diện trên, làm ra một tấm gương sáng thì mối quan hệ cấp trên và cấp dưới sẽ được tốt đẹp.
– Vào thời chiến quốc của triều đại nhà Chu ở Trung Quốc vào hai nghìn ba trăm năm trước, khi ngài Mạnh Tử đi gặp vua Lương Huệ Vương. Câu đầu tiên mà Lương Huệ Vương hỏi Mạnh Tử, là liệu có cách gì để mang lại lợi ích cho đất nước của mình hay không? Câu trả lời của Mạnh Tử là, đại vương phải đi theo đạo nghĩa, chứ đừng theo đuổi lợi ích. Một câu nói nổi tiếng của Mạnh Tử là “Thượng hạ giao trưng lợi nhi quốc nguy hĩ”: Trong một đất nước, nếu từ trên xuống dưới đều tranh đoạt lợi ích, vậy thì đất nước này đang nguy hiểm rồi! Lợi ích không phải là không thể theo đuổi, nhưng nhất định phải đặt đạo nghĩa ở vị trí ưu tiên, có như vậy xã hội mới được an định hài hòa.
Trong xã hội ngày nay, tình trạng con người theo đuổi danh lợi rất nghiêm trọng, người quản lý thường là thấy những cơ hội công việc có đãi ngộ cao hơn thì liền “nhảy việc” đến công ty đó để làm, mà hoàn toàn không nghĩ đến ân đức mà công ty này đã bỏ ra nhiều công sức để trau dồi bản thân. Cách làm “thấy lợi mà quên tình nghĩa” này tuyệt đối không được làm! Xã hội loài người bắt buộc phải chú trọng đạo nghĩa, thì xã hội mới có thể có trật tự. Nếu con người cứ bất tín và bội nghĩa, hại người lợi mình, thì xã hội này sẽ trở thành một xã hội tổn hại lẫn nhau, một xã hội bất an toàn, cuối cùng thậm chí có thể làm cho kết cấu xã hội bị tan rã! Cho nên giáo dục đạo nghĩa là vô cùng quan trọng, bắt buộc phải giáo dục người dân chú trọng đạo nghĩa, xem đạo lý quan trọng hơn lợi ích. Phải hiểu rằng, làm lợi ích cho đại chúng mới là thực sự lợi ích cho chính mình, tổn hại đại chúng rốt cuộc là tổn hại bản thân.
– Nội dung thứ năm của Ngũ Luân là “Bằng hữu hữu tín”, giữa những người bạn phải xem trọng sự thành tín, thành tín là đức hạnh cơ bản nhất để đối nhân xử thế. Trên thế giới có rất nhiều quốc gia đều thực sự chú trọng sự thành tín, một người nếu bị phát hiện là không thành thật, thì rất khó có thể đứng vững trong xã hội. Tương tự, một công ty nếu mất đi danh dự thì cũng rất khó để phát triển mạnh mẽ.
– Chúng ta có kinh nghiệm thực tiễn thế này, đưa mô hình của một đại gia đình thời xưa của Trung Quốc áp dụng vào trong doanh nghiệp, và gọi là “Doanh nghiệp hạnh phúc”: Người lãnh đạo công ty chính là các bậc trưởng bối, nhân viên đều là anh chị em, mọi người cùng tương thân tương ái; thực hiện giáo dục luân lý đạo đức trong doanh nghiệp và làm rất thành công. Singapore có không ít doanh nghiệp cũng học tập mô hình với kinh nghiệm thế này, kết quả cho thấy đều đạt được hiệu quả rất tốt.
2. Giáo dục đạo đức.
– Nội dung của giáo dục đạo đức có rất nhiều, điều cơ bản nhất đều không nằm ngoài “Ngũ Thường”, đó là: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín. Những điều này đều là tố chất mà tự tính của mỗi người vốn có và cũng thuộc về “Lương Tri – Lương Năng”. “Tín” ở phía trên cũng đã nói đến; về việc “Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí”, Mạnh Tử có nói: “Trắc ẩn chi tâm, nhân giai hữu chi; tu ác chi tâm, nhân giai hữu chi; cung kính chi tâm, nhân giai hữu chi; thị phi chi tâm, nhân giai hữu chi. Trắc ẩn chi tâm, nhân dã; tu ác chi tâm, nghĩa dã; cung kính chi tâm, lễ dã; thị phi chi tâm, trí dã. Nhân – nghĩa – lễ – trí, phi ngoại thước ngã dã, ngã cố hữu chi dã”, có nghĩa là: Mỗi người đều có lòng cảm thông, tâm hổ thẹn, tâm cung kính, tâm phân biệt thị phi. Tấm lòng cảm thông chính là nhân, tâm hổ thẹn chính là nghĩa, tâm cung kính chính là lễ, tâm phân biệt thị phi chính là trí. Có thể thấy nhân, nghĩa, lễ, trí không phải do được bên ngoài ban tặng cho ta, mà là ta vốn đã có.
– Mạnh Tử lại nói: “Vô trắc ẩn chi tâm, phi nhân dã; vô tu ác chi tâm, phi nhân dã; vô từ nhượng chi tâm, phi nhân dã; vô thị phi chi tâm, phi nhân dã. Trắc ẩn chi tâm, nhân chi đoan dã; tu ác chi tâm, nghĩa chi đoan dã; từ nhượng chi tâm, lễ chi đoan dã; thị phi chi tâm, trí chi đoan dã. Nhân chi hữu thị tứ đoan dã, do kỳ hữu tứ thể dã”. Ý muốn nói là: Nếu không có tâm thương xót đồng cảm, thì không thể xem là con người; nếu không có tâm hổ thẹn sám hối, thì không thể xem là con người; nếu không có tâm nhã nhặn khiêm nhường, thì không thể xem là con người; tâm thương xót đồng cảm là mở đầu của tình nhân ái; tâm hổ thẹn sám hối là mở đầu của nghĩa; tâm nhã nhặn khiêm nhường là mở đầu của lễ kính; tâm phân biệt thị phi thiện ác là mở đầu của trí tuệ. Một người mà có đủ bốn hạt giống Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí này thì cũng giống như thân người có tứ chi chân tay vậy.
Về thuyết tính thiện của Mạnh Tử, chúng tôi có sự cảm nhận rất sâu sắc. Bắt đầu từ năm 2003, dưới sự đề cử của Đại học Queensland và Đại học Griffith, tôi đại diện cho trường tham gia Hội nghị Hòa bình Thế giới do Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa Liên Hiệp Quốc tổ chức, đến nay tôi đã tham gia được hơn mười hội nghị. Tôi đã nhiều lần có bài diễn thuyết tại hội nghị, trao đổi với mọi người rằng, giáo dục luân lý đạo đức có thể thúc đẩy xã hội hài hòa và thế giới hòa bình. Sau hội nghị, có đại sứ nói với tôi, nói rằng tôi nói rất hay, nhưng đây là lý thuyết, thực tế không làm được! Khi tôi nghe được thì như gáo nước lạnh tưới lên đầu, tôi rất thất vọng! Đồng thời tôi cũng ý thức được, nguy cơ lớn nhất trên thế giới hiện nay thực ra chính là nguy cơ về lòng tin: Mọi người đã mất đi lòng tin đối với luân lý đạo đức. Vậy phải làm thế nào mới có thể làm mọi người xây dựng lòng tin đây? Biện pháp duy nhất chính là phải làm một thực nghiệm, để đưa ra căn cứ; phải làm ra một tấm gương để mọi người thấy được, thì họ mới có thể tin tưởng. Thế rồi, tôi tìm kiếm một nơi thích hợp để làm thực nghiệm khắp nơi trên thế giới. Vào năm 2005 khi tôi trở về quê hương, người ở quê nhà nghe thấy tôi nói đến tình hình này, thì đề nghị tôi làm thực nghiệm này ở quê nhà. Thế là chúng tôi đã xây dựng một trung tâm giáo dục, thúc đẩy việc giáo dục luân lý đạo đức, dự định làm thực nghiệm trong vòng ba năm. Tôi vốn nghĩ cần khoảng thời gian 2-3 năm thì mới có được hiệu quả, nhưng kết quả không ngờ rằng với thời gia 3-4 tháng thì đã có thành quả rất rõ rệt!
– Thị trấn nhỏ với dân số 48.000 người, sau khi được tiếp nhận giáo dục luân lý đạo đức, lương tâm của mọi người được hiển lộ, phong khí của thị trấn đã được chuyển đổi một trăm tám mươi độ, tỷ lệ li hôn và phạm tội đều giảm một cách nhanh chóng. Vốn dĩ trong gia đình quan hệ mẹ chồng nàng dâu không tốt, thường xuyên cãi cọ; sau khi học tập luân lý đạo đức, kết quả là quan hệ mẹ chồng và con dâu đã trở nên tốt đẹp, gia đình được hòa thuận. Vốn dĩ hàng xóm láng giềng có tranh chấp, nhưng sau khi học tập luân lý đạo đức, láng giềng cũng được hài hòa. Vốn dĩ đường phố tương đối bừa bộn, nhưng sau khi học tập luân lý đạo đức, đường phố đã trở lên gọn gàng. Vốn dĩ trong cửa hàng thường mất mát hàng hóa, nhưng sau khi học tập luân lý đạo đức, hiện tượng ăn trộm đã không còn nữa. Có một người từ nơi xa đến, để quên túi tiền trên xe taxi, người tài xế thấy tiền mà không tham, đã mang túi tiền đến đồn cảnh sát. Chủ nhân bị mất sau khi nhận lại túi tiền, đã rút ra 20.000 nhân dân tệ để cảm ơn người tài xế, không ngờ rằng người tài xế đã từ chối không nhận. Người tài xế nói:
– Anh không cần cảm ơn tôi đâu, đây là điều tôi nên làm mà thôi. Nếu là trước đây, tôi sẽ tham mà lấy luôn chỗ tiền này, sẽ không trả lại túi tiền cho anh. Nhưng kể từ sau khi tôi được tiếp nhận giáo dục luân lý đạo đức, mới hiểu được thế nào mới là đạo lý làm người đúng đắn, cho nên tôi sẽ không tham mà lấy tiền tài không phải của mình. Không những tôi sẽ làm, mà mỗi người tài xế taxi trong thị trấn chúng tôi đều làm như vậy!
– Thực nghiệm thành công này đã chứng minh rằng, tính người vốn thiện, con người là có thể giáo dục cho tốt, vấn đề là liệu có thể nhận được sự chỉ dạy đúng đắn hay không? Liệu có nghe được sự giáo dục phổ thế về luân lý đạo đức hay không? Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa của Liên Hiệp Quốc đã có hơn ba mươi vị đại sứ với danh nghĩa cá nhân đến thị trấn nhỏ này để khảo sát và có ấn tượng vô cùng sâu sắc, họ đã tin tưởng rằng giáo dục luân lý đạo đức thực sự có thể chỉnh đốn lòng người trong xã hội ngày nay và thực thi một xã hội hài hòa, nước nhà lễ nghĩa.
3. Giáo dục nhân quả.
– “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”, báo ứng nhân quả này là có thực chứ không giả. Quy luật nhân quả này không những có trong văn hóa phương Đông – Tây, mà trong các tôn giáo cũng đều có. Con người nếu có thể tin tưởng sâu sắc thiện ác cuối cùng đều có báo ứng, thì sẽ tích cực mà tích đức hành thiện, không dám làm xằng làm bậy. Bởi vậy, hiệu quả của giáo dục nhân quả rất lớn lao.
– Tiếc rằng ngày nay có rất nhiều người chỉ tin vào những điều mà khoa học đã chứng minh, còn đối với những sự lý mà khoa học chưa chứng minh lại có quan điểm hoài nghi và phủ định. Khi họ thấy những người làm việc thiện mà chưa nhận được quả báo thiện và người làm ác lại chưa phải chịu quả báo ác ngay, thì luôn nghĩ rằng không có sự việc báo ứng nhân quả, họ thực sự không biết rằng từ “Nhân” đến “Quả” cần có thời gian, cũng giống như sau khi gieo hạt giống trên đồng ruộng, cây quả cần có sự trưởng thành sau một thời gian nhất định. Nếu những người này có thể đưa tầm nhìn xa hơn, để nhìn về hơn chục năm hoặc mấy chục năm sau; từ những sự việc mà những người xung quanh gặp phải cùng với những báo ứng phải chịu sau hàng chục năm, so sánh hai hình tướng thì sẽ phát hiện báo ứng nhân quả thực sự không sai một ly.
– Những ví dụ minh chứng cho báo ứng nhân quả từ xưa đến nay đã có rất nhiều. Ở Trung Quốc có một câu chuyện rất nổi tiếng: Thời nhà Minh có một người tên là Viên Hoàng, khi còn trẻ ông gặp một cụ già biết xem tướng, ông cụ đã tiên đoán vận mệnh cả đời cho ông. Kết quả là trong hai mươi năm sau đó, mỗi lời tiên đoán đều ứng nghiệm, không có việc gì mà không đoán trúng. Cho nên, ngài Viên Hoàng cho rằng tất cả đều do số mệnh đã được định sẵn, không còn nghĩ thêm gì nữa, cũng không cần thiết phải đặc biệt nỗ lực. Sau đó ông gặp một thiền sư dạy ông phương pháp cải tạo vận mệnh. Và rồi ông làm theo, những ngày sau nỗ lực đoạn ác tu thiện, sửa đổi tập tính thói quen xấu của bản thân. Kết quả vận mệnh của ông đã bắt đầu chuyển biến, lời tiên đoán của ông cụ xem tướng đã bắt đầu không còn đúng nữa. Vốn dĩ ông không có số thi đỗ cử nhân, nhưng sau này không những thi đỗ cử nhân, mà còn đỗ cả tiến sĩ. Vốn dĩ số ông không có con trai, thì sau này lại sinh được hai người con trai. Vốn dĩ tuổi thọ của ông chỉ đến năm mươi ba tuổi, nhưng sau đó lại được kéo dài thêm hai mươi mốt năm mà sống đến năm bảy mươi tư tuổi. Ông đã đem những trải nghiệm và tâm đắc thay đổi vận mệnh mà viết thành một cuốn sách gia huấn, có tên là “Liễu Phàm Tứ Huấn”. Đây là một cuốn sách hay mà nhà nhà đều biết, cuốn sách này cũng nhận được sự quý trọng ở Nhật Bản.
– Từ đó cho thấy, nếu tuân theo quy luật nhân quả, nỗ lực đoạn ác tu thiện, quả thật có thể mưu cầu điều lành mà lánh xa hiểm họa, lại cũng có thể cải tạo được vận mệnh của mình, tâm tưởng sự thành. Giáo dục nhân quả là sự giáo dục rất đáng để ra sức đề xướng. Về điểm này, chúng tôi cũng đã thực hiện rất nhiều thực nghiệm, chủ yếu là “Diễn đàn đạo đức”. Cách làm của “Diễn đàn đạo đức” là trong một môi trường an định không chịu sự ảnh hưởng từ bên ngoài, tập hợp để học tập về luân lý, đạo đức, nhân quả; hàng ngày mọi người cùng chia sẻ điều tâm đắc. Mỗi lần tập trung học tập như vậy, thời hạn là bảy ngày. Trong bảy ngày này, tuyệt đại đa số người đã có sự thay đổi lớn: Vốn là đứa trẻ ngỗ nghịch, thì trở nên hiếu thảo; vốn là người hung tợn ngang ngược, nay trở nên hòa đồng; vốn là người tham lam, đã trở nên liêm khiết; vốn là muốn li hôn, nay đã trở nên hòa thuận; vốn là người xấu xa, nay trở thành người lương thiện, v.v… Những bài học thành công có đến hàng vạn người, hiện nay vẫn không ngừng tăng lên.
– “Diễn đàn đạo đức” thành công chủ yếu ở giáo dục nhân quả. Giáo dục luân lý đạo đức làm cho người ta không nỡ làm việc ác, giáo dục nhân quả làm cho người ta không dám làm việc ác, hiệu quả của việc làm sau lớn hơn việc trước. Có một số người không thể nào để giáo dục luân lý đạo đức làm thức tỉnh lương tâm của họ, nhưng sau khi họ nghe được giáo dục nhân quả, thì không dám làm ác nữa, mà nỗ lực tích đức hành thiện, vì điều này có liên quan đến sự sướng khổ và vận mệnh trong tương lai của bản thân.
4. Giáo dục tôn giáo.
– Các tôn giáo chính trên thế giới đều là giáo dục về tình thương yêu, đều dạy người ta phải yêu thương người khác, không được hại người. Ví dụ, đạo Cơ Đốc dạy rằng: “Các con phải thương yêu lẫn nhau, như ta yêu các con vậy, các con cũng phải thương yêu lẫn nhau” (若望13:34 思高版); Hồi giáo dạy rằng: “Thánh Allah quả thật rất mực khoan dung” (Kinh Qu’ran, 4:19); Phật giáo dạy rằng: “Chư Phật Như Lai dĩ đại bi tâm nhi vi thể cố. Nhân ư chúng sanh, nhi khởi đại bi. Nhân ư đại bi, sanh Bồ Đề tâm. Nhân Bồ Đề tâm, thành Đẳng Chánh Giác” (Chư Phật Như Lai lấy tâm đại bi làm thể. Nhân nơi chúng sanh mà khởi đại bi; nhân nơi đại bi, sinh tâm Bồ Đề; nhân tâm Bồ Đề thành Đẳng Chánh Giác) (Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm 40 – Phổ Hiền Hạnh Nguyện); Ðạo Sikh có nói: “Điều mà trong tâm ta trân quý vượt trên tất cả vẫn là tình yêu thương, tình yêu thương đã làm ta có sinh mạng vĩnh hằng nơi trần thế” (“Bài ca Kabir” – 24); Bahá’í giáo nói rằng: “Mỹ đức tôn nghiêm và xứng đôi với nhân tính vẫn là có thể đem sự bao dung, từ bi, cảm thông và thân ái để đối đãi với tất cả dân tộc và con người trên trái đất” (Tuyển tập Tác phẩm Bahá’u’lláh, trang 215); Ấn Độ giáo cho rằng: “Nguyện trong con mắt của mọi người, ta đều là bạn; nguyện trong con mắt ta, mọi người đều là bạn; nguyện trong con mắt mỗi người, chúng ta đều là bạn” (Tạng Yajur Vesda, 36.18); Nho giáo dạy rằng: “Phàm thị nhân, giai tu ái; thiên đồng phú, đất đồng tải” (Phàm là người, đều yêu thương; Trời cùng che, đất cùng chở) (Đệ Tử Quy); Đạo giáo có nói: “Cứu nhân chi nạn, tế nhân chi cấp, mẫn nhân chi cô, dung nhân chi quá” (Cứu người khi hoạn nạn, giúp người trong nguy cấp, xót thương kẻ bơ vơ, khoan dung lỗi của người) (Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn).
Ngày nay chúng ta mong muốn thúc đẩy hòa bình thế giới, vậy phải bắt đầu từ đâu vậy? Chính là bắt tay từ thúc đẩy đoàn kết tôn giáo và chấn hưng giáo dục của tôn giáo. Năm 1999, tôi áp dụng tứ nhiếp pháp của Phật giáo (Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) để giúp chín tôn giáo của Singapore đoàn kết thành người một nhà; chúng tôi thường trao đổi cùng nhau, cùng tham gia các hoạt động lớn của nhau, cùng nhau ra sức chấn hưng giáo dục tôn giáo, học hỏi lẫn nhau. Điều này đã phát huy tác dụng rất tốt đối với sự an định, hài hòa xã hội của Singapore, cho nên chúng tôi đã nhận được sự khen ngợi của chính phủ Singapore.
Vào năm 2002, chúng tôi đã thúc đẩy đoàn kết tôn giáo và chấn hưng giáo dục tôn giáo ở Toowoomba – Australia. Qua hơn mười năm, đã đạt được thành quả rất tốt, hiện nay hơn mười tôn giáo ở Toowoomba đã đoàn kết thành người một nhà, thường xuyên cùng nhau hội họp, tham gia sự kiện; đồng thời cũng luân phiên phát các tiết mục giáo dục tôn giáo trên đài truyền hình. Họ còn ghi lại những tuyển tập tinh hoa và cùng nhau xuất bản, với tựa đề “Kinh điển tôn giáo 360”, để thuận lợi cho mọi người học tập lẫn nhau. Tháng 3 năm nay, chín vị đại sứ của Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa của Liên Hiệp Quốc đã đến Toowoonba thăm viếng và khảo sát, kết quả họ rất cảm động, và cho rằng Toowoomba thực sự đã thực hiện đoàn kết tôn giáo và hài hòa xã hội. Tháng chín năm nay, các vị đại sứ này đã phát biểu cảm tưởng khi thăm quan Toowoonba trong Đại hội Hòa bình Quốc tế của Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa và làm cho rất nhiều người tăng niềm tin mạnh mẽ sau khi nghe được. Nếu các nơi trên thế giới đều có thể thành lập khu vực kiểu mẫu cho sự đoàn kết và hài hòa tôn giáo như thế này, và làm ra tấm gương hòa hợp thì tôi tin rằng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc thúc đẩy hòa bình thế giới.
– Bốn hình thức giáo dục phổ cập nêu trên, rất quan trọng đối với xã hội hiện thời. Nếu có thể đào tạo được hơn mười thầy cô giáo tốt và tuyên giảng bốn hình thức giáo dục phổ thế này và phát đi 24/24, để người dân khắp đất nước đều được học tập, tôi tin rằng không lâu sau sẽ thu được hiệu quả rất tốt, phong khí xã hội sẽ ngày càng tốt lên, xã hội sẽ ngày càng an định, hài hòa.
– Láng giềng hòa thuận, cùng xây dựng hòa bình.
– Trong “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, chúng tôi đọc được nội dung thế này: “Đế Minh sau Thần Nông thị, sau khi lấy con gái Vũ Tiên hạ sinh Kinh Dương Vương, là thủy tổ của Bách Việt. Ngài Vương lấy con gái của Thần Long và sinh ra Lạc Long Quân. Ngài Quân lấy con gái của Đế Lai mà sinh được một trăm người con trai, từ đó mà bắt đầu dựng nên nước Việt ta vậy”. Điều này cho thấy nhân dân của Quý quốc và người Trung Quốc giống nhau, đều có cùng một tổ tiên. Hơn nữa, trong khoảng thời gian rất dài thời cổ xưa, Quý quốc đều đạt trình độ học thuật rất sâu đối với tam giáo Nho – Thích – Đạo, đã xuất hiện rất nhiều bậc Thánh – Hiền – Quân tử và các học giả chuyên gia kiệt xuất. Hai nước đã từng có sự giao lưu sâu sắc về mặt văn hóa.
– Cùng nhìn lại quá khứ, Quý quốc cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều thuộc về “nôi văn hóa Hán Tự”, đều đã từng sử dụng chữ Hán, Văn Ngôn Văn làm văn tự văn bản và có một kho tàng với khối lượng điển tịch lớn của văn hóa truyền thống. Nhà lịch sử kiêm triết học nổi tiếng thế giới ở thế kỷ trước
– Tiến sĩ Anold Joseph Toynbee của nước Anh đã từng đưa ra một đề nghị thế này, Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản nên đoàn kết lại để cùng cống hiến cho sự ổn định và hòa bình thế giới. Chúng tôi rất khâm phục tầm nhìn này của tiến sỹ Toynbee! Với cơ duyên này, cũng xin đem đề nghị của ông để mọi người tham khảo. Dẫu sao khoa học kỹ thuật ngày nay đã tiến bộ, giao thông phát triển, cả thế giới đã trở thành một thôn Địa Cầu, dân làng của thôn Địa Cầu đều nên đoàn kết lại, và chung sống hòa thuận, cùng nỗ lực xây dựng một mái nhà tươi đẹp.
LỜI KẾT
– Tổng kết lại, phương pháp để xã hội an định – tốt lành – thống nhất, thế giới hòa bình, chính là phổ biến bốn hình thức giáo dục phổ thế luân lý – đạo đức – nhân quả – tôn giáo này, đồng thời liên hiệp các nước có chí đồng đạo hợp để cùng cống hiến cho hòa bình thế giới.
– Điều cần thiết là nhân khi nhân tính ngày nay vẫn chưa hoàn toàn bị mất đi, đạo đức vẫn còn có thể hiển lộ trở lại, thì hãy nỗ lực triển khai giáo dục phổ thế. Mong rằng với việc cùng nỗ lực của mọi người, xã hội loài người sẽ trở nên ngày càng tốt đẹp. Viễn cảnh tươi đẹp về một thế giới hòa bình sẽ thành hiện thực một cách suôn sẻ.
– Nhân đây, xin chúc phúc quý vị thân tâm an khang, lục thời cát tường! Chúc phúc Quý quốc vận nước hưng thịnh, quốc thái dân an! Chúc phúc thế giới an định hòa bình, mãi mãi đại đồng.
Xin cảm ơn mọi người !
A Di Đà Phật
……………………….
Nội dung bài diễn giảng của Pháp Sư Tịnh Không tại trung tâm hội nghị quốc gia Việt Nam 14 – 12 – 2017.
………………………………………………………….
Video đã được Lão Hòa Thượng chuẩn bị trước khi sang hoằng pháp tại Việt Nam nhưng nhân duyên chưa đủ nên chúng ta cùng đọc lại những gì Ngài đã chuẩn bị để nói với chúng ta.