Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Làm cho hết thảy chúng sanh không sanh bịnh

Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Thế Tôn luôn luôn đề xướng, trong hết thảy kinh điển, bộ kinh nào cũng lập lại nhiều lần, đức Phật dạy chúng ta “thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói”, diễn tức là biểu diễn, chúng ta phải hiểu ý nghĩa của Thế Tôn.
Hôm qua chúng ta trong hội giảng kinh Hoa Nghiêm nói đến Chủ DượcThần, luôn tiện nói đến việc tu phước, vì Chủ Dược Thần trị bịnh cho người ta. Thế gian có ba hạng người không sanh bịnh, phải biết thầy thuốc cao minh nhất có thể làm cho người ta không sanh bịnh, thầy thuốc như vậy mới tài giỏi; khi có bịnh đi tìm thầy thuốc trị bịnh, thầy thuốc ấy chẳng kể là cao minh. Làm thế nào có thể làm cho hết thảy chúng sanh không sanh bịnh? Đức Phật là đại y vương, ngài có khả năng này. Ba hạng người này là: thứ nhất là người có phước, cho nên bạn phải biết tu phước, người có phước sẽ không sanh bịnh; thứ hai là người có công phu định lực sẽ không sanh bịnh; thứ ba là người có trí huệ sẽ không sanh bịnh. “Huệ” này không phải là thông minh trí huệ của thế gian chúng ta, đó là “minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ” trong nhà Phật. Tại sao nói ba hạng người này không sanh bịnh? Họ có thể ngăn chận nhân tố sanh bịnh. Người có phước báo thì ít nhân tố sanh bịnh; người có công phu thiền định có thể khống chế, chận đứng nhân tố sanh bịnh, làm cho những nhân tố này không sanh khởi tác dụng, nên họ không sanh bịnh; người khai ngộ, minh tâm kiến tánh thì khỏi nói nữa, họ có thể tìm hết những nhân tố bịnh tật, như ngành hóa học hiện nay vậy, họ có thể hóa giải nó thành trí huệ, biến thành công đức, do đó họ sẽ không sanh bịnh. Chỉ có đức Phật hiểu được đạo lý, chân tướng sự thật này, đức Phật dạy chúng ta, chúng ta phải tin. Thế nên Phật pháp là nền giáo dục viên mãn, chí thiện của chín pháp giới chúng sanh, lý luận viên mãn, phương pháp khéo léo, nói trong kinh Phật khéo léo đến mức cùng cực.
Tiếc rằng đồng tu học Phật chúng ta ngu muội, vô tri, chẳng thấu hiểu được tâm ý của Phật, chẳng hiểu rõ phương thức giáo hóa chúng sanh của Phật, tuy là học Phật, vẫn chẳng đạt được lợi ích của Phật pháp y như cũ. Nói không được lợi ích của Phật pháp là nói hiện nay, nhưng lợi ích chân thật, lợi ích sâu xa đều đã đạt được. Quả báo chẳng ở đời này, cõi này, nên người thế gian cũng chẳng thể tin tưởng, đối với việc cúng Phật này họ cũng coi thường, bỏ bê hết. Đồng tu học Phật chúng ta thường nghe, cổ đức thường nói: “Một phen lọt vào tai, vĩnh viễn là hạt giống đạo”, một phen lọt vào nhãn căn cũng vĩnh viễn là hạt giống đạo. “Căn” là lục căn, dùng nhãn căn trong lục căn để tượng trưng, nói nhãn căn thì gồm hết sáu căn, chúng ta phải hiểu ý nghĩa này. Nếu nói một căn, bạn bèn chấp trước vào căn đó thì bạn rất khó được dạy, giáo học thế pháp còn yêu cầu “nêu một thấy được ba, nghe một hiểu mười” . Trong hội kinh Lăng Nghiêm nói đến lục căn, Phật cũng giảng một căn, giảng về tánh Thấy, “Mười phen hiển thị về tánh thấy” (Thập phiên hiển kiến). Bạn hiểu được “thập phiên hiển kiến”,cùng đạo lý ấy cũng “hiển văn, hiển giác, hiển tri” tất cả đều được.
Do đó nói “một phen lọt vào tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo”, chúng ta đều hiểu rõ hết, mắt thấy cũng là hạt giống đạo, thân đụng chạm cũng là hạt giống đạo, lưỡi liếm cũng là hạt giống đạo, mũi ngửi cũng là hạt giống đạo. Như vậy bạn mới biết sự tạo tượng trong Phật pháp, công đức tạo tượng Phật rất lớn, trong Đại Tạng Kinh có kinh Tạo Tượng Công Đức, quả báo chẳng thể nghĩ bàn. Bạn sẽ hỏi tại sao? Tượng đúc có thể tồn tại lâu dài, tượng vẽ làm cho người ta nhìn thấy bèn gieo hạt giống thành Phật. Họ nhìn thấy tượng Phật, Bồ Tát, đem những hạt giống của thập pháp giới chứa trong A Lại Da thức của họ, khởi lên hạt giống của Phật pháp giới, của Bồ Tát pháp giới. Công đức, phước đức thế gian và xuất thế gian có thứ nào lớn hơn công đức,phước đức này? Trong A Lại Da thức của mỗi chúng sanh chứa đầy hạt giống của mười pháp giới, trong mười pháp giới ấy chúng ta thọ sanh pháp giới nào, sanh sống trong pháp giới nào thì phải coi một niệm (niệm đầu) cuối cùng lúc lâm chung là niệm gì. Nếu một niệm lúc lâm chung là niệm Phật thì họ sẽ sanh vào pháp giới Phật, một niệm cuối cùng lúc lâm chung là niệm Bồ Tát thì họ sẽ sanh vào pháp giới Bồ Tát, hiểu rõ được đạo lý này thì mới biết việc tu phước trong nhà Phật là chẳng thể nghĩ bàn.Công đức tạo tượng đâu phải là mê tín! Không những không mê tín, đó còn là trí huệ chân thật, phước báo vô lượng. Bức tượng này không những làm cho mình được phước, phàm những người có duyên nhìn thấy, đều khơi dậy hạt giống Phật, Bồ Tát trong tám thức điền của họ, nhìn một lần cũng giống như xẹt điện một lần, phóng quang một lần. Phải biết lần phóng quang này vô cùng hy hữu, khó gặp, vì nếu họ không được thân người, chẳng gặp Phật pháp, họ chẳng có duyên này, cơ hội này; tuy trong tám thức điền có hạt giống Phật nhưng chẳng có duyên dẫn dắt hạt giống ấy ra.
Người tạo phước, phía trước có nói nặn đúc, tạo tượng Phật, Bồ Tát, vẽ hình tượng Phật, Bồ Tát, có thể dẫn dắt rất nhiều chúng sanh, ánh quang minh quý báu nhất trong A Lại Da thức, phải thường dẫn khởi ánh quang minh này, khoảng cách tu hành chứng quả của kẻ ấy sẽ rút ngắn. Họ thành Phật, thành Bồ Tát, chư vị nghĩ coi họ sẽ độ biết bao nhiêu chúng sanh? Những chúng sanh được họ độ, trong nhân địa chúng ta giúp họ tu một chút phước này, thì chúng ta cũng được thơm lây, có duyên với Phật, Bồ Tát. Huống chi tự mình tu hành, tự mình trước hình tượng Phật, Bồ Tát cung kính hành lễ, cúng dường hương hoa, biểu diễn cho kẻ khác coi. Đặc biệt là những người không tin tưởng, họ nhìn chúng ta, chúng ta chẳng mê tín, chẳng ngu si, cũng chẳng ngờ nghệch, tại sao khi gặp hình tượng của Phật, Bồ Tát lại kính lạy như vậy? Khi họ nhìn thấy, đôi khi họ cũng sẽ thắc mắc, hỏi tại sao mình lại làm vậy? Đây tức là cơ hội giáo dục, bạn có thể giải thích công đức lợi ích của việc này, đó chính là cơ hội giáo dục.Phật giáo ở Trung Quốc, những chùa chiền ở các huyện, các thị trấn, thậm chí những đạo tràng ở trong hương trấn có lịch sử, những đạo tràng có giá trị nghệ thuật, hiện nay được chánh phủ mở rộng cho khách du lịch tham quan, bạn phải biết công đức này bao lớn! Rất nhiều khách du lịch ngoại quốc, cả đời chưa từng tiếp xúc đến Phật pháp, chưa từng thấy hình tượng Phật, Bồ Tát, họ du lịch đến nơi đó thấy được, trong A Lại Da thức đã được trồng hạt giống Phật, Bồ Tát, được lợi ích thù thắng, chúng ta chẳng có cách chi nói hết, nhưng người thế gian chẳng biết. Trên đây là nói về “nhìn tượng, nghe danh”.
Nếu có Phật tử thông hiểu Phật pháp, bất luận là tại gia, xuất gia, có thể mượn cơ hội này giới thiệu rõ ràng sự tiêu biểu pháp của hình tượng Phật, Bồ Tát thì họ được lợi ích ngay trong hiện tại, chẳng phải đời sau, đời sau nữa, hiện tại liền được lợi ích. Cũng như nói đến đó du lịch tham quan là đến đó đi học, bạn lên lớp giảng cho họ. Họ trả tiền đi du lịch cũng như trả học phí, học phí này chẳng lãng phí, chúng ta nhận học phí rất thấp, họ đạt được lợi ích thật to lớn. Đây là tại sao trong những trường hợp này chúng ta phải làm thật đúng như pháp, chúng ta đang diễn kịch, biểu diễn cho những người chưa học Phật coi, làm cho họ sanh tâm cung kính, cho họ khởi lên nghi vấn, sau đó chúng ta giải đáp cho họ. Chúng ta giải đáp cho một người, rất nhiều khách du lịch ở đó có thể sẽ xúm lại nghe. Trong trường hợp này phải biết biểu diễn, nếu chẳng có người hỏi thì tìm một người biết rành về Phật pháp hẹn trước ở đó, nói với người ấy tôi biểu diễn, bạn lại đó nêu câu hỏi; hát tuồng cho người ta coi, cho người ta nghe.Cách hỏi này trong kinh gọi là “Hỏi làm lợi ích hữu tình”; họ không hiểu, họ có thể hỏi thì tốt! Nếu không có người hỏi thì một người trong nhóm chúng ta nêu câu hỏi, hỏi để đem lại lợi ích cho kẻ khác. Cho nên những chùa chiền, đạo tràng này ở Trung Quốc là lớp học cho toàn thế giới, đây là sự cống hiến của Phật pháp Đại Thừa cho nhân dân trên toàn thế giới. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa này, sau đó bạn mới hiểu được công đức lợi ích thù thắng, những nhà từ thiện thế gian tuyệt chẳng thể sánh nổi, nhà từ thiện giúp đỡ người ta chỉ trong một đời, Phật pháp giúp cho người ta nhiều đời, nhiều kiếp, lợi ích ấy làm sao sánh nổi, do đó quả báo đương nhiên cũng chẳng giống nhau.
Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh giảng ký tập 21/51 trang 329-330-331
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba
Thời gian: Khởi giảng ngày 28/5/1998
Chuyển ngữ: Nhóm Diệu Âm
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *