Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Khởi lòng cung kính Địa Tạng Bồ Tát

Địa Tạng Bồ Tát
Kinh văn: Mà nói việc Địa Tạng Bồ Tát ở thế giới Sa Bà, trong đường sanh tử nơi cõi Diêm Phù Đề, từ mẫn cứu vớt, phương tiện độ thoát tất cả chúng sanh tội khổ.
Bạn hỏi, tôi nói cho bạn nghe, nói thì làm sao nói cho hết được? Nói hoài chẳng hết. Chuyện Địa Tạng Bồ Tát độ chúng sanh nói hoài chẳng hết, Phật chỉ đơn giản thuật lại vài chuyện mà thôi, hy vọng chúng ta từ những chuyện này, suy nghĩ cặn kẽ. Từ đó có thể hiểu được nguyện lực độ chúng sanh của Bồ Tát, phương tiện khéo léo độ chúng sanh của Bồ Tát, thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Bạn nghĩ càng nhiều, càng rõ ràng, thấu suốt thì bạn càng tăng thêm lòng cung kính đối với Bồ Tát, tâm nguyện noi gương theo Bồ Tát càng thêm chân thiết. Nếu bạn không hiểu thì lòng cung kính của bạn làm sao khơi dậy nổi? Chẳng thể nào. Chỉ khi nào bạn nhận biết ngài, hiểu rõ ngài, lòng cung kính của bạn sẽ khơi dậy từ tận đáy lòng.
Phàm phu làm không nổi, nói thật ra phàm phu đối với người ta ngay cả bề ngoài cũng nhìn chẳng rõ thì làm sao có thể lý giải? Phàm phu chỉ có mắt thịt, rất kém. Bồ Tát có thiên nhãn nên cao siêu hơn chúng ta rất nhiều. Thiên nhãn có thể nhìn thấy sự khởi tâm động niệm; chúng ta chẳng nhìn thấy sự khởi tâm động niệm của phàm phu. Giống những vị đại quyền thị hiện này thì càng thù thắng nữa. Họ có đầy đủ ngũ nhãn, thập nhãn, họ có huệ nhãn, có trí nhãn, nhìn thấy rõ ràng, minh bạch, thế nên tâm chân thành cung kính tự nhiên sanh khởi. Chúng ta học Phật khế nhập vào cảnh giới này, người thế gian coi chẳng ra gì, chẳng có gì kỳ lạ, chẳng thểso đo. Ai tôn trọng bạn? Chư Phật Như Lai, Bồ Tát, những thiện thần này, họ cung kính bạn, họ hiểu rõ.
Bạn có một thiện tâm chân chánh cũng chẳng cần rao truyền khắp nơi, tâm bạn chân, thiện, hoàn hảo như thế nào đi nữa, bạn nói cách mấy thì người ta nghe xong cũng nghĩ là giả. Ai tin bạn được? Ai biết được bạn có tâm niệm gì? Phật, Bồ Tát, thiên long quỷ thần biết. Người thế gian không biết, sỉ nhục bạn, hủy báng bạn thì cũng thường thôi, chẳng có gì lạ. Họ là phàm phu, trong kinh gọi họ là “người đáng thương xót”, làm sao bạn có thểso đo với họ được! Bạn so đo với họ thì bạn chẳng có một chút từ bi nào cả. Thế nên chúng ta hiểu được đạo lý này, biết được chân tướng sự thật, tự mình phải hết lòng tu học cho đàng hoàng. Người thế gian khen ngợi bạn thì cũng tốt, hủy báng bạn thì cũng được, hết thảy đều là giả, chẳng có gì chân thật, họ chẳng nhìn thấy đức năng chân thật trong nội tâm của bạn thì lời khen tặng đó chẳng đáng tin. Khi họ hủy báng bạn cũng chẳng thấy được tạo tác trong nội tâm của bạn, sự hủy báng đó cũng là giả dối.
Sự tán thán của chư Phật Như Lai là thật, một tí gì cũng chẳng giả. Như Thế Tôn trong kinh này tán thán Địa Tạng Bồ Tát, đó là thật, chẳng giả. Ngài làm “lợi ích rộng lớn”. Địa Tạng Bồ Tát tại thế giới Sa Bà, trong cõi Diêm Phù Đề đặc biệt chỉ khu vực này của chúng ta. Ngài trong cõi này, “trong đường sanh tử”, sanh tử đạo tức là lục đạo luân hồi. Trong lục đạo luân hồi ở thế giới Sa Bà, ngài dùng tâm gì, ngài làm việc gì. “Từ ai cứu bạt”, từ là đại từ bi, đây là tâm của ngài. Từ tâm thanh tịnh, bình đẳng khởi lên đại từ bi, đại từ bi này gọi là từ bi thanh tịnh, từ bi bình đẳng. “Cứu bạt” là sự nghiệp của ngài, ngài làm gì ở đây? Ngài làm sự nghiệp cứu tế, ngày nay chúng ta gọi là sự nghiệp từ thiện phước lợi, ngài làm việc này. “Bạt” nghĩa là giải trừ hết thảy tai nạn của chúng sanh, đau khổ của chúng sanh. Tâm từ bi là động lực, Bồ Tát làm việc này chẳng cần báo đáp, người thế gian làm việc nếu không vì danh thì cũng vì lợi. Ngài chẳng cần báo đền, chẳng vì lợi, chẳng có người nào tán thán ngài, chẳng có ai khen thưởng ngài, chẳng vì danh. Phật tán thán ngài ở cung trời Đao Lợi, ngoài Phật ra có ai tán thán ngài? Vì sao không có người tán thán? Chẳng có ai biết được tâm của ngài, hạnh của ngài. Chư Phật Như Lai biết được, chư Phật Như Lai tôn kính, tán thán; tán thán sự phát tâm, sự nghiệp của ngài.
Câu tiếp theo: “độ thoát nhất thiết tội khổ chúng sanh phương tiện chi sự”, ở đây nêu lên vài việc đểnói. Ngài làm việc cứu bạt chúng sanh gì? Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của hai chữ “Độ thoát” này. Nhà Phật thường nói “độ chúng sanh”, người hiện đại đối với chữ “độ” rất lờ mờ, “độ” nghĩa là gì? Nói theo kiểu bây giờ thì “độ” nghĩa là giúp đỡ hết thảy chúng sanh, chăm sóc chúng sanh, yêu mến bảo bọc chúng sanh, dốc toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ, giải trừ khó khăn của họ. Hết thảy những chúng sanh chịu khổ chịu tội này, đây gọi là thọ báo, quả báo từ nơi nào đến? Phải giải trừ cái “nhân” ấy, chư vị phải biết trên “quả” thì chẳng làm gì được, phải hạ thủ từ “nhân”. Tội khổ đều do ác nhân tạo thành, muốn thoát ly đau khổ thì nhất định phải tu thiện nhân; tâm hạnh thiện rồi thì tự nhiên sẽ thoát ly ác đạo. Bồ Tát độ chúng sanh cũng chỉ là giáo học, chúng sanh nghe xong có thểgiác ngộ, chịu tiếp nhận, chịu quay về, thì họ sẽ thoát ra khỏi lục đạo. Nếu họ nghe xong còn hoài nghi, không chấp nhận, họ nói lời này chưa đáng tin, chưa chắc là sự thật, nếu vậy thì họ vẫn phải chịu khổ tiếp tục. Một ngày nào đó họ tiếp nhận, hiểu rõ thì họ mới thật sự thoát khổ. Thế nên Địa Tạng Bồ Tát cũng giống như Phật, đều làm công tác giáo dục xã hội thiện nguyện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *