“Trong Di Đà Sớ Sao, đại sư Liên Trì nói: Chúng sanh trong lục thú tức thân trung ấm tự cầu cha mẹ. Vãng sanh thiện sĩ, trong khoảng khảy móng tay, liên hoa hóa sanh”. Chúng ta bắt đầu xem từ đây, hôm qua chúng ta học đến đoạn này. Đọc khai thị của đại sư Liên Trì, chúng ta cảm khái rất sâu sắc, đều nói về chân tướng sự thật.
Lục thú chính là lục đạo, không chỉ là cõi người, 28 tầng trời cũng không ngoại lệ. Khi thọ mạng hết, thân trung ấm tự cầu cha mẹ, đây là luân hồi. Chưa ra khỏi lục đạo, vô lượng kiếp từ đời này qua đời khác, đều không thoát khỏi hiện tượng này. Nếu chúng ta bình tĩnh lãnh hội tường tận, sẽ cảm thấy khổ không cùng tận, rất khổ! Đến đâu để tìm cha mẹ? Cha mẹ nhất định có nhân duyên với chính mình, không có nhân duyên không gặp được họ. Trong kinh Đức Phật dạy chúng ta, trung ấm tìm cha mẹ, có bốn loại, là báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Nếu không phải bốn loại nhân duyên này sẽ không làm người một nhà. Do đây có thể biết, hiện tại có thể thành người một nhà, có thể trở thành thân thích bằng hữu, đều là người có duyên. Quá khứ và đời này nhân duyên thâm sâu, chấp trước thân tình, cho nên đời đời kiếp kiếp không lìa xa thế giới Ta Bà.
“Vãng sanh thiện sĩ”, đây là nói người có công phu niệm Phật thành tựu, khi lâm mạng chung Phật đến tiếp dẫn. “Trong khoảng khảy móng tay” là rất nhanh chóng, họ đến thế giới Cực Lạc liên hoa hóa sanh. Vĩnh viễn thoát ly lục đạo, vĩnh viễn thoát ly mười pháp giới. Hai con đường này đều ngay trước mắt chúng ta, chúng ta chọn con đường nào? Chọn đường này cần phải từ bỏ con đường kia, đây là thật. Chọn luân hồi lục đạo, tức là từ bỏ thế giới Cực Lạc. Chọn thế giới Cực Lạc, nhất định phải buông bỏ luân hồi lục đạo. Nghĩa là không còn tham luyến đối với lục đạo, chỉ cần có một chút tham luyến là không thể đến đó được. Đạo lý này cần phải suy nghĩ rõ ràng minh bạch.
Bên dưới vẫn là đại sư Liên Trì nói, ngài chưa nói hết: “Hoa sen này”, hoa sen ở thế giới Cực Lạc, hoa sen từ đâu mà có? Từ tâm thanh tịnh của chính mình, và oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì, hai nhân duyên này. Tâm mình không thanh tịnh Phật không gia trì được, không thể gia trì.
Mục đích niệm Phật của chúng ta là gì? Dùng câu Phật hiệu này, đưa tâm ô nhiễm của chúng ta trở về sự thanh tịnh, trở về với bình đẳng, trở về đến đại giác. Trên đề kinh này gọi là thanh tịnh bình đẳng giác. Vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, không những Phật đến tiếp dẫn, mà phẩm vị nhất định không thấp, đây là điều chúng ta cần phải tranh thủ. Dùng toàn bộ thời gian và tinh lực tập trung vào việc niệm Phật. Nhớ Phật niệm Phật, hiện tại tương lai nhất định thấy Phật. Trong hội Lăng Nghiêm Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta như thế.
Hoa sen chính là huyền cung trút bỏ xác phàm, huyền cung là nói đến hoa sen, là cung điện vô cùng huyền diệu. Xác phàm nghĩa là chấp chặt vào lục đạo, hay nói cách khác, chấp trước thân này là ta.
“Thần trạch an huệ mạng”, hoa sen giúp chúng ta thoát ly, vĩnh viễn thoát ly tình chấp của lục đạo. Trí tuệ vốn có trong tự tánh của chúng ta hiện tiền, sanh đến thế giới Cực Lạc là hiện tiền. Nếu nó không hiện tiền, sao gọi là A Duy Việt Trí Bồ Tát? A Duy Việt Trí Bồ Tát, trí tuệ bát nhã vốn đầy đủ trong tự tánh, cũng như thần thông và đạo lực đều hiện tiền.
Đoạn này là đại sư Liên Trì nói, bên dưới là Hoàng Niệm Lão giải thích cho chúng ta về ý nghĩa của đoạn này. “Tất cả chúng sanh trong lục thú”. Chúng ta phải chú ý từ tất cả, trong từ tất cả này bao gồm chúng ta trong đó, lục thú chính là lục đạo. “Sau khi mạng chung, thân trung ấm hiện”, chúng ta thường gọi là linh hồn, linh hồn tức là trung ấm. “Do thân này, nương theo nhân duyên túc nghiệp tự thân, tìm cầu cha mẹ ở thế gian”. Ở trước có nói với chư vị về bốn loại duyên, ta vào cõi nào đó để thọ sanh, tìm người nào đó để làm cha mẹ, đều do nghiệp lực chi phối, không phải ta tự do chọn lựa, do nghiệp lực dẫn dắt. “Đầu thai vào bụng mẹ”, đây là đầu thai. “Nơi phân giải ô uế”, ta ở trong tử cung của người mẹ. “Kết thành thân tội nghiệp cấu uế ô nhiễm”, đầu thai là chiêu cảm những điều này. Đây là gì? Đại đa số các bậc cha mẹ, khởi tâm động niệm đều trái với tánh đức. Trong toàn thể lục đạo, chỉ có số ít được may mắn, gặp được giáo huấn của thánh hiền, họ hiểu, người mẹ này biết cách chăm sóc thai nhi như thế nào. Họ mang thai, trong mười tháng mang thai, thai nhi đối với người mẹ, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác đều có cảm ứng.
Trong cổ lễ ngày xưa có nói về lễ mang thai, bây giờ không còn ai nói đến. Trước đây người lớn đều nói, luôn nhắc nhở người phụ nữ mang thai, nói cho họ biết, bây giờ không còn ai nói nữa. Trong thời kỳ mang thai tư tưởng phải thuần chánh, không được có tà niệm. Nếu có tà niệm làm ảnh hưởng thai nhi, không được có hành vi trái đạo lý. Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác phải tương ưng với ngũ thường bát đức. Ngũ thường là nhân lễ nghĩa trí tín, bát đức là hiếu đễ trung tín lễ nghĩa liêm sỉ. Nếu tương ưng với điều này, căn bản đứa trẻ này rất tốt, tương lai sanh ra chúng biết nghe lời, dễ dạy. Nếu tư tưởng và ngôn hạnh trái với đạo đức, không hiếu không để, bất nhân bất nghĩa, điều này rất phiền phức. Đứa trẻ này sanh ra không biết nghe lời, lớn lên làm điều phản nghịch. Đặc biệt là xã hội hiện nay, sức cảm nhiễm của xã hội quá lớn. Nếu từ nhỏ không đặt nền tảng vững chắc cho chúng, chúng rất dễ bị ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng không thể quay đầu, nếu vậy người làm cha mẹ phải đau khổ suốt cả đời, không thể không biết điều này. Điều này kết thành thể tội nghiệp cấu uế ô nhiễm, đây là tạo thành trong bào thai, người mẹ có trách nhiệm rất lớn.
“Thiện sĩ vãng sanh như thế nào”, nếu so với người niệm Phật vãng sanh thì còn thua xa! “Khi lâm chung nhờ Phật tiếp dẫn, trong khoảng khảy móng tay hóa sanh trong hoa sen, nhanh chóng sanh đến cõi nước An lạc”. Hai hiện tượng này không thể sánh được, không sao sánh được. Ở đây là đại sư Liên Trì khuyên dạy chúng ta, phải thật sự giác ngộ và buông bỏ tình chấp, phải cầu sanh Tịnh độ.
Đối với thế gian này, trong kinh điển đại thừa nói rất hay: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh”. Chúng ta có duyên sanh vào thời đại này, được thân người, được nghe Phật pháp, lại nghe được Kinh Vô Lượng Thọ. Nhân duyên này rất thù thắng, tuyệt đối không được bỏ qua, nhất định phải cầu sanh Tịnh độ, không lưu luyến thế gian này. Có lưu luyến là có chướng ngại, không những chướng ngại vãng sanh, khi nghe kinh cũng chướng ngại sự lý giải của mình, đây là đạo lý nhất định. Vì nó chướng ngại tâm thành kính của chúng ta, chướng ngại tâm thanh tịnh. Chân thành, cung kính, thanh tịnh sẽ thuận buồm xuôi gió.
“Hoa sen này là hành nhân thật sự”, hành nhân là người tu hành, người tu hành chơn chánh. “Thoát thân phàm phu tội lỗi đến u huyền cung điện của”, u huyền cung điện là ví như hoa sen. “An dưỡng đương nhơn”, chính là người tu hành này. “Thần diệu xá trạch của tuệ mạng”, hoa sen và bào thai không giống nhau, hoàn toàn khác nhau.
“Ở trên nói”, mấy câu của đại sư Liên Trì, “nói rõ đại nguyện của Phật Di Đà, từ bi cùng cực”, từ bi vô tận. “Diệu đức nan tư”, không thể nghĩ bàn. Ân đức của Phật đối với chúng ta, những gì ngài sắp xếp cho chúng ta, ổn thỏa tốt đẹp vi diệu đến tột cùng!
Chúng ta xem trích dẫn bên dưới, Kinh Đại Nhật có một đoạn như thế này: “Đại Nhật Kinh Sớ Thập Ngũ viết”, quyển thứ 15 có một đoạn văn nói: “Như thế nhân dùng hoa sen tượng trưng kiết tường thanh tịnh”. Hoa sen nở trong ao, cổ nhân nói hoa sen mọc từ bùn mà không nhiễm mùi bùn. Hoa nở trên mặt nước, không những không nhiễm mùi bùn mà đến nước cũng không nhiễm, cho nên Đức Phật dùng ý này để biểu trưng. Bùn biểu trưng lục đạo, nước biểu trưng tứ thánh pháp giới. Hoa nở trên mặt nước, chứng minh không những không nhiễm lục đạo, đến tứ thánh pháp giới cũng không nhiễm. Nở trên mặt nước là gì? Trên mặt nước là cõi thật báo trang nghiêm, nói đến A Duy Việt Trí Bồ Tát của thế giới Cực Lạc, nó tượng trưng ý này. “Có thể khiến tâm chúng sanh vui thích”, thông thường chúng ta thấy hoa sen đều hoan hỷ.
“Nay trong bí tạng, cũng lấy đại bi thai tạng và Diệu Pháp Liên Hoa, làm tối bí mật kiết tường ”. Pháp môn này là đại thừa, pháp môn cứu cánh viên mãn. Tuy kinh văn không dài, nhưng bao hàm tất cả giáo nghĩa của tông môn giáo môn, hiển giáo mật giáo. Xem từ Mật tông cũng là lấy “đại bi thai tạng Diệu Pháp Liên Hoa làm tối bí mật kiết tường, tất cả thân được pháp môn gia trì đều ngồi trên liên đài này”, đây là Mật tông nói. “Cho thấy liên đài cửu phẩm ở thế giới Cực Lạc, để hiển lộ mật ý của Đại Nhật Như Lai, cụ thể đều là mật ý kiết tường tối thắng”. Đây là tư tưởng của Mật tông đối với hoa sen, hiển mật chúng ta đều nhìn thấy, hoa sen hóa sanh thù thắng biết bao! Không cần đi tìm cha mẹ, không cần chịu đựng mười tháng, trong kinh Phật ví nó như “thai ngục”. Ở trong thai chẳng khác nào ở trong địa ngục, người mẹ uống một ly nước lạnh, thai nhi giống như đang ở trong địa ngục băng hàn. Người mẹ uống một ly nước nóng, thai nhi giống như đang ở trong địa ngục bát nhiệt, khổ không tả xiết! Bởi vậy sau mười tháng sinh ra, hoàn toàn quên hết những chuyện trong quá khứ. Vì sao họ quên? Vì ở trong thai quá khổ, đau khổ cùng cực khiến họ quên hết những tổn thương trong quá khứ. Nếu khi ở trong thai rất an vui tự tại, không có đau khổ, thì vấn đề trong nhiều đời kiếp quá khứ họ sẽ ghi nhớ rất rõ ràng. Chúng ta có thể hiểu đạo lý này.
Trước đây tôi có một người bạn, người bạn rất tốt. Ông ta nói con ông ta, năm sáu tuổi rất thông minh, lúc đó bị bệnh nặng. Sau khi trị lành đợt bệnh này, nó không còn thông minh nữa. Giống như rất mê hoặc vậy, không có trí tuệ, không có trí nhớ. Một cơn bệnh có thể chướng ngại thông minh trí tuệ, như vậy chúng ta có thể lãnh hội được nỗi thống khổ trong thai ngục, nỗi thống khổ này khiến ta quên hết những chuyện trong quá khứ. Bởi vậy đâu được thù thắng như liên hoa hóa sanh! Hoa sen hóa sanh, tâm thanh tịnh hiện tiền, đúng là phiền não nhẹ trí tuệ sanh, phiền não đoạn bằng phương pháp này.
TRÍCH TỪ Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 225
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Hoan nghênh chia sẻ, lưu thông Pháp bảo công đức vô lượng!