Đức Phật nói về Nhân Quả, mỗi người đến thế gian này là do hai loại thiện nghiệp. Thứ nhất là dẫn nghiệp: Dẫn dắt chúng ta đến nhân gian này đầu thai, được thân người. Dẫn nghiệp chính là ngũ thiện, là ngũ giới. Trong đời quá khứ không hành trì ngũ giới, sẽ không đạt được thân người. Còn như trong đời quá khứ luôn lấy ngũ giới làm đầu, ngay đời này nghiệp nhân này thành thục, gặp duyên nên chúng ta đầu thai đến nhân gian. Tuy đều được thân người, nhưng giàu nghèo, sang hèn, trí huệ hay thông minh không giống nhau, đây là do nguyên nhân gì? Đây là do một loại nghiệp khác gọi là mãn nghiệp, mãn của viên mãn, do mãn nghiệp khác nhau. Mãn nghiệp là tu như thế nào? Tích lũy công đức, là tu từ đây. Tích lũy công đức không ngoài bố thí, chính là Lục ba la mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát nhã (trí huệ), là sáu loại này. Nếu chúng ta đều hành trì sáu loại này, khi đến nhân gian sẽ đại phú đại quý, thông minh tài trí, đặc biệt là bố thí. Trong đời quá khứ, tài bố thí (công quả, từ thiện, chia sẽ tiền bạc, của cải, vật chất…) nhiều sẽ được giàu có, bố thí pháp (chia sẽ Phật Pháp…) nhiều được thông minh trí huệ, bố thí vô úy (ăn chay, phóng sanh, cứu khổ cứu nạn…) nhiều được mạnh khỏe trường thọ. Trồng nhân như thế nào thì được quả báo như thế đó, đây gọi là mãn nghiệp. Khi hiểu rõ ràng minh bạch rồi, có thể biết được bản thân, cũng có thể biết người khác. Nếu bản thân có khiếm khuyết, phương diện cuộc sống vật chất rất nghèo khổ, là do trong đời quá khí ít bố thí tài. Muốn thay đổi cuộc sống chính mình, thì phải làm sao? Thực hành bố thí tài.
Số mạng ông Viên Liễu Phàm thời nhà Minh không giàu có, cuộc sống rất gian khổ, thiền sư Vân Cốc dạy ông ta thay đổi vận mệnh. Ông nghe lời và làm theo, nên vận mệnh của ông thật sự đã thay đổi. Ông là một thư sinh, số mạng không có công danh, nên học hành rất vất vả. Công danh là gì? Nói như bây giờ chính là học vị. Nếu như số mạng không có, không có học vị tiến sĩ, không có học vị thạc sĩ, thì suốt đời cũng không đạt được, phải số mạng có mới được.
Vào thời cổ đại, học vị cao nhất là tiến sĩ, tương đương với tiến sĩ ngày nay. Thạc sĩ ngày xưa gọi là cử nhân, cử nhân là học vị thứ hai. Học vị thứ ba là tú tài, tú tài giống như là tốt nghiệp đại học bây giờ. Ông Liễu Phàm chỉ có học vị tú tài, dù ông học để thi nhưng cũng không đậu, chỉ được bằng tú tài, số mạng không có cử nhân, không có tiến sĩ. Quý vị xem, vậy mà ông ta đã thay đổi vận mệnh, nhờ đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, nên khi tham gia thi ông đã đậu được cử nhân. Tuy số mạng không có nhưng ông đã thi đậu, chính là vì do trong đời này biết tu, nên đã thay đổi được vận mệnh. Không những đậu được cử nhân, sau khi đậu cử nhân ông tiếp tục thi và đậu được tiến sĩ, bởi thế vận mệnh của ông thật sự đã thay đổi.
Còn thọ mạng của ông chỉ có 53 tuổi, nhưng ông sống đến 79 tuổi, ông đã sống thêm được 21 năm, 21 năm đó là do đời này ông tu được. Bởi thế quý vị xem, tiền tài, công danh, thọ mạng đều có thể giành được, ở mình không ở người khác. Ông Liễu Phàm tuy học Phật, trên thực tế vẫn không rời Nho, cũng chính là nói chưa xa rời thế gian.
Nếu là hành Bồ Tát đạo, chư vị nên nhớ, điều kiện cơ bản của hành Bồ Tát đạo là phải buông bỏ bản ngã (cái ta), có cái ta chẳng thể nào tu Bồ Tát đạo được, mà chỉ cầu phước báo. Vô ngã, những gì mình thành tựu được là công đức, quả báo của công đức không thể nghĩ bàn.
Hay nói cách khác, đại thừa vô ngã, nói như hiện nay là họ không có tự tư tự lợi, không có danh văn lợi dưỡng, không có tham sân si mạn. Toàn tâm toàn ý vì độ những chúng sanh đau khổ, vì hộ trì Chánh Pháp (Phật Pháp) cửu trụ họ mới có thể làm được. Nếu như còn có một chút tâm tư lợi họ sẽ chẳng thể làm được. Đây hai vấn đề, thứ nhất là phổ độ chúng sanh, thứ hai là Chánh Pháp cửu trụ. Chỉ cần có ý niệm tự tư tự lợi họ sẽ không làm được, họ không phải là thật.
Thế nên Bồ Tát đại thừa đích thực rất đáng quý, đáng để tôn kính, vì sao vậy? Vì họ không có tự tư tự lợi, họ ở nơi thế gian này hoàn toàn làm được cái mà chúng ta gọi là hy sinh cống hiến, họ thật sự làm được hy sinh cống hiến. Còn bản thân họ thì sao? Không có ý niệm hy sinh cống hiến, nếu như họ còn ý niệm hy sinh cống hiến này thì tâm họ không thanh tịnh. Nhân gian chúng ta thấy được, người này quả thật đã làm những việc hy sinh cống hiến, nhưng họ không có ấn tượng này.
Đức Phật hy vọng tất cả đệ tử đều là căn tánh đại thừa (Bồ Tát), nhưng căn tánh đại thừa nhất định phải có cơ sở của tiểu thừa. Tiểu thừa chính là buông bỏ triệt để, còn đại thừa sau khi buông bỏ lại hoàn toàn dấn thân, gọi là buông được thì nhấc lên được, nhấc lên là gì? Hai vấn đề: Phổ độ chúng sanh, Chánh Pháp cửu trụ, là hai vấn đề này.
Sau khi buông bỏ, tâm vừa chuyển đó chính là tâm đại Bồ Đề, ý niệm cũng chuyển, không bỏ chúng sanh, chúng sanh quá khổ, cần phải giúp họ. Giúp như thế nào? Nhất định Chánh Pháp phải cửu trụ, muốn Chánh Pháp cửu trụ phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ bản thân mình, làm biểu pháp, làm ra như vậy để mọi người noi theo, làm ra như thế nào? Trì giới tu phước, làm cho người ta thấy. Người ta không biết trì giới, chúng ta thể hiện ra để họ thấy.
Xã hội ngày nay, phải thực hành Đệ Tử Quy, thực hành Cảm Ứng Thiên, thực hành Thập Thiện Nghiệp, và thực hành Lục ba la mật của Bồ Tát, cao nhất là thực hành thập đại nguyện vương của Bồ Tát Phổ Hiền, đó chính là đức lớn. Đây đích thực là không vì những điều ác, trong tâm không có chút ý niệm ác nào, không có chút tà kiến nào.
Nghĩa là hàng phục tự tư tự lợi của chính mình, không vì bản thân, như thế mới có thể vào được đạo. Đạo này là đạo Bồ Đề, đạo Bồ Đề chính là giác ngộ, câu này đúng là “hy tâm nhập đạo”. Chúng ta nói theo cách khác dễ hiểu hơn như. Cải tà quy chánh, chánh là đạo. Phá mê khai ngộ, ngộ là đạo. Tâm chúng ta hiện nay vì sao không vào được đạo? Vì nó có chướng ngại, chướng ngại chính là tập khí phiền não, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Buông bỏ được những thứ này, tự nhiên quý vị vào được đạo.
Sau khi nhập đạo, “khiến họ trì ngũ giới, thuận theo giáo pháp tu hành”, đây là tự hành hóa tha, mà nghiêng nặng về hóa tha. Vì hóa tha nên chúng ta phải không ngừng biểu diễn những giáo huấn của Đức Phật, làm ra cho người khác thấy họ mới tin. Nên mục đích tự hành là vì người, không phải vì bản thân, còn nếu như vì mình thì chân thành niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ (Cực Lạc) là được, không cần làm chi thêm cho phiền phức. Vì sao trong cuộc sống hằng ngày, đều phải thực hiện những vấn đề nhỏ nhặt này? Thì ra là làm cho người khác thấy, đây gọi là đại từ đại bi. Vì người diễn thuyết, diễn (thân giáo) là biểu diễn ra, làm ra. Nói là dùng ngôn ngữ để giải thích, vì sao phải làm như vậy? Nói cho người khác nghe. Chúng ta thường nói rằng Bồ Tát nhất định là thân hành ngôn giáo. Nhất định thân thể phải làm được trước, sau đó mới nói cho người khác nghe. Chính mình chưa làm được mà dạy người khác, họ sẽ không tin. Nếu nói tu hành tốt, vậy tại sao quý vị không tu? Quý vị nói sát sanh, ăn thịt không tốt, nhưng bản thân quý vị lại muốn ăn, như vậy là không được, người ta không tin quý vị. Bản thân quý vị ăn chay, xa rời việc sát sanh ăn thịt, đây là gì? Là bố thí vô úy, quả báo là trường thọ mạnh khỏe, suốt đời ăn chay sẽ mạnh khỏe trường thọ. Mọi người thấy vậy, cũng có chút đạo lý, nếu họ muốn mạnh khỏe trường thọ tự nhiên sẽ học tập theo quý vị. Phật pháp dạy người phương thức sống mạnh khỏe trường thọ, hạnh phúc mỹ mãn, họ thật sự đã làm được.
Cận quả như trong Tịnh Ảnh Sớ nói: Do trì ngũ giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu), đối với hiện đời, thân tâm yên ổn không bệnh khổ. Không sát sanh, tâm địa nhân từ lương thiện, như vậy sẽ tâm an lý đắc, tâm của quý vị là định, tâm là an, tâm là hoan hỷ, trong nhà Phật gọi là tâm từ bi. Không sát sanh, chẳng những không sát sanh, mà còn không có ý niệm tổn thương đối với tất cả chúng sanh. Chẳng những không có hành vi, đến ý niệm cũng không có, thương yêu tất cả chúng sanh, tôn trọng tất cả chúng sanh. Quý vị thương yêu họ, họ cũng yêu thương quý vị. Chư vị học Phật đều cảm thấy bản thân nghiệp chướng sâu nặng. Đời trước và đời này khi chưa học Phật, đã tạo ra những điều ác có lỗi với chúng sanh như giết chúng, ăn thịt chúng. Khi học Phật mới biết tâm hành này là sai lầm, chúng ta sám hối thay đổi làm mới. Chẳng những không còn sát sanh, mà còn bảo hộ chúng, đối đãi tốt với tất cả chúng sanh, tâm an lý đắc.
Không trộm cắp, không trộm cắp phải làm như thế nào? Không chiếm lợi ích của tất cả chúng sanh, chiếm một chút lợi ích, ý niệm này là tâm trộm cắp. Tuy không có hành vi trộm cắp, nhưng muốn chiếm một chút lợi ích, đây là tâm trộm cắp, đến điểm này cũng nên đoạn tận nó. Giữa sự thủ và xả, chúng ta thủ chỉ cần vừa đủ, không tham, còn cho người khác càng nhiều càng tốt. Thủ phải ít, xả cho người khác phải nhiều, đây là Nghĩa.
Không sát sanh là Nhân, nhân ái. Không dâm dục là Lễ, phải giữ lễ, lễ là nói tiết độ, chính là nói tiết chế, có mực thước, không được quá đáng, không được vượt giới hạn. Không uống rượu là Trí, người uống rượu mê hoặc điên đảo. Sau khi uống rượu xong thường tạo ra rất nhiều tội nghiệp mà chính bản thân họ không khống chế được. Không vọng ngữ là Tín, giao tiếp với bất kỳ ai đều phải nói đến chữ tín. Cho nên năm điều này nhất định phải hoàn toàn thực hiện, nỗ lực hành trì.
Người khác không hành trì thì mình hành trì, chúng ta cố gắng thể hiện, trong đời này bất luận ở trong cảnh giới nào, tâm quý vị đều an, không có sợ hãi. Quý vị nhất định là tinh thần thoải mái dễ chịu, khác với những người đó, nên thân an không có khổ, đây là quả báo gần.
Quả báo xa là được sanh Cực Lạc, nhất định chứng Niết Bàn, đây là tu Tịnh Độ (tu pháp môn Niệm Phật), tu Tịnh Độ chúng ta chỉ có một mục tiêu là cầu sanh thế giới tây phương Cực Lạc. Hay nói cách khác là không tạo nghiệp luân hồi, đoạn tận nó. Nghiệp luân hồi là gì? Tham sân si mạn nghi, phải nhổ tận gốc năm độc này. Nguyện vọng của chúng ta là đến thế giới Cực Lạc thân cận Phật A Di Đà, vì sao vậy? Vì chỉ có ở trong hội của Phật A Di Đà, chúng ta mới thành tựu vô thượng Bồ Đề (thành Phật cứu cánh viên mãn) trong đời này được.
(Pháp Sư Tịnh Không)