Kinh Phật đã nói, tất cả chúng sanh thọ dụng của cả một đời đều là tự làm tự chịu. Không ai có thể thay thế cho ai.
Thế nhưng ngay trong “không thể thay thế”, cũng có điểm gần giống thay thế.
Chư Phật Như Lai, pháp thân đại sĩ, các ngài đã siêu việt mười pháp giới, có thể không cần đến, nhưng vì sao còn trở lại mười pháp giới, còn trở lại sáu cõi, thậm chí trở lại ba đường ???
Đó là tùy loại hoá thân, như trong Phổ Môn Phẩm đã nói: “đáng dùng thân gì để độ, ngài liền hiện thân đó để độ; đáng dùng thân người để độ, ngài liền hiện thân người; đáng dùng thân Phật, ngài liền thị hiện thân Phật; đáng dùng thân súc sanh, ngài liền hiện thân súc sanh; thậm chí đáng dùng thân cỏ cây thì ngài liền hiện thân cỏ cây”. Vậy khi thọ thân này, ví dụ, Phật Bồ Tát đến thế gian thọ thân người, cũng trụ thế mấy mươi năm như Thích Ca Mâu Ni Phật, giảng kinh nói pháp suốt 49 năm.
Thế Tôn ở đời cũng có đời sống giống y chúng ta, thậm chí còn khổ cực hơn, mỗi ngày phải ra ngoài khất thực. Ngài có thể không cần phải chịu như vậy, nhưng ngài bằng lòng nhận chịu đời sống này, làm ra một tấm gương để chúng ta xem, “thay chúng sanh chịu khổ”. Đó đều là mong muốn cho tất cả chúng sanh giác ngộ.
Trong thế gian, chúng sanh mê hoặc điên đảo không hiểu rõ chân tướng sự thật, ngày ngày tranh danh đoạt lợi, tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp, về sau rơi vào ba đường chịu khổ, thử hỏi có oan uổng không ???
Cho nên Thế Tôn vì chúng ta thị hiện, người ta muốn danh, muốn quyền lực, muốn địa vị, còn ngài là một vương tử, thứ nào mà chẳng có. Địa vị quốc vương, quyền lực lớn nhất trong một nước, không ai sánh bằng, tài sản của ngài, người xưa thường nói “quý vi thiên tử, phú hữu tứ hải”. Những thứ người khác muốn tranh giành thì ngài đã có đầy đủ, ấy vậy mà ngài xả bỏ tất cả.
Đó chính là nói với chúng ta, những thứ đó đều là giả, không phải thứ tốt. Thứ tốt nhất là tu hành. Ngài chân thật làm ra tấm gương dạy bảo chúng ta. Nếu bản thân ngài không làm được, thì có dạy chúng ta nhìn thấu buông bỏ, làm sao chúng ta tin tưởng. Ngài đã làm được, thậm chí viên mãn, chúng ta không thể không tin tưởng, học tập theo.
Ngày nay, không ít người giàu có, nếu như bạn có thể đem đời sống giàu có của mình hạ thấp xuống một bậc, bạn đem tiền của đi bố thí, đi giúp đỡ chúng sanh khổ nạn, đời sống của bạn hạ xuống một bậc đồng nghĩa với khổ hơn, nhưng đó là hạnh “thay chúng sanh chịu khổ”.
Cư sĩ Liễu Phàm trong Liễu Phàm Tứ Huấn đã viết, vợ chồng Viên Liễu Phàm cứ mỗi mùa đông, họ may quần áo cho con cái nào là áo bông, áo len,… ông liền nghĩ đến những người nghèo không có áo ấm mặc. Ông đem bán áo bông để làm áo gòn, như vậy thì một bộ có thể đổi được ba bốn bộ, người trong nhà không thiếu mà còn có thể dư ra bố thí cho người khác, “thay khổ cho chúng sanh”.
Cho nên chúng ta ở trong cuộc sống, tiết kiệm một chút, chịu khổ một chút thì có thể giúp đỡ chúng sanh một chút. Người hay giữ tâm này chính là người có hạnh “thay chúng sanh chịu khổ”. Chúng ta cũng phải luôn giữ tâm này.
Thế gian người khổ rất nhiều, đời trước chúng ta tu được chút phước, không nên hưởng hết ngay trong đời này, phải biết không ngừng tiếp tục tu phước thì phước báu của chúng ta không thể cùng tận, ngược lại phước báu sẽ kéo dài.
Thời xưa ở Ấn Độ, Trung Quốc, đệ tử nhà Phật không luận tại gia xuất gia, rất nhiều người tu khổ hạnh. Không phải họ không thể cải thiện đời sống của chính mình, mà chính là mỗi niệm họ đều nghĩ đến thế gian vẫn còn nhiều chúng sanh khổ.
Trong số người xuất gia đầu năm Dân quốc, lão hòa thượng Hư Vân, đại sư Ấn Quang là tấm gương tốt của người xuất gia chúng ta. Hai vị đại đức này đều rất tuyệt vời, tín đồ của các ngài rất đông, cúng dường các ngài rất phong phú.
Thế nhưng lão hòa thượng Hư Vân chưa từng may một bộ quần áo mới nào. Hiện nay còn lưu giữ nhiều hình chụp của lão hòa thượng, quần áo mặc trên người đều đắp vá rất nhiều chỗ. Tôi chưa từng thấy tấm hình nào của ngài mà quần áo không đắp vá. Thực ra ngài có nhiều quần áo mới, người ta nhìn thấy lão hòa thượng mặc quần áo rách liền lập tức đưa quần áo mới đến, chất liệu tốt, vải đẹp, kỹ thuật may cao, nhưng lão hòa thượng đã làm gì với số quần áo mới đó? Xem cũng không xem qua, khi tín đồ đi, lão hoà thượng liền đem cúng dường người khác, những bậc sơ học, người mới tu không có ai cúng dường. Còn bản thân lão hòa thượng, ngài vẫn mặc đồ rách cũ, “chịu khổ thay cho chúng sanh”.
Đại sư Ấn Quang nhận cúng dường cũng nhiều, lão hoà thượng cũng đem tất cả đồ cúng dường phục vụ công việc hoằng pháp lợi sanh. Cả đời đại sư chỉ làm công việc như vậy, thật gọi là một môn thâm nhập. Ngài ở chùa Báo Ân Tô Châu thành lập một Hoằng Hóa Xã, là nơi lưu thông kinh Phật. Ngài đem cúng dường của mười phương xây dựng thành nguồn vốn in sách biếu tặng, rồi đến khắp nơi kết duyên với người. Sách của Hoằng Hóa Xã in rất đẹp, có thể gọi là sách thiện, hiệu đính kỹ lưỡng, rất ít chữ sai, rất rõ ràng, khổ sách rộng, đẹp mắt. Cả đời ngài chỉ làm một việc như vậy, làm sao chúng ta biết ?
Đó là lúc ngài ở Thượng Hải “Hộ Quốc Tức Tai Pháp Hội”, trong lúc diễn giảng, lão hòa thượng nhắc đến phương Bắc vừa gặp tai nạn, ngài trích từ tài khoản in kinh ra 3000 tiền đại dương đi cứu trợ. Cứu trợ của ngài lấy từ quỹ in kinh, do đây có thể biết tất cả tiền của ngài, từng li từng tí đều phục vụ công việc in kinh bố thí, không hề đem đi làm việc khác. Đời sống của lão hòa thượng vẫn y như mọi người, không hề cải thiện. Không hề ăn một chút gì đó ngon hơn, không hề may một bộ đồ mới nào, cũng không hề chỉnh lý hoàn cảnh nơi ở của mình. Người cúng dường tiền rất nhiều, nhưng ngài vẫn trải qua ngày tháng cực khổ, vĩnh viễn không quên “thay chúng sanh chịu khổ”.
Chúng ta giảm bớt một phần hưởng thụ liền giảm bớt một phần chúng sanh khổ, đó là điều chúng ta nên học tập. Nếu thường giữ tâm này, thường làm việc này, chúng ta đời đời kiếp kiếp đều sẽ không có khổ nạn. Bạn có thể “thay chúng sanh chịu khổ” thì làm sao bạn có cái khổ.
Xã hội hiện tại nhiều người khổ nạn, người bệnh khổ càng đáng thương, và nhất là những người cùng khổ bị bệnh, cho nên không ít đoàn thể tôn giáo làm từ thiện, xây bệnh viện, bố thí thuốc men. Xã hội hiện đại giàu có, quốc gia luôn có những chính sách chăm sóc điều trị đối với nhân dân, ngoài ra mỗi người đều chú ý việc dự phòng bệnh tật cho chính mình. Họ thủ một ít tài vật phòng khi bị bệnh, khi có khổ nạn thì dùng. Tuy nhiên, người chân thật thông minh sẽ đem những tiền này bố thí hết, đem tất cả phí chuẩn bị thuốc thang của ta bố thí cho những người bệnh.
Có lẽ bạn muốn hỏi: “Vậy đến khi chính mình bị bệnh thì phải làm sao?”
Xin thưa với các vị, nhất định bạn sẽ không bị bệnh, vì sao ?
Vì phí thuốc men bạn đã bố thí hết. Còn bạn cứ cất giữ tiền chuẩn bị bệnh thì nhất định sẽ bị bệnh, không bệnh thì tiền đó làm sao dùng. Cho nên không thể không bệnh. Muốn chuẩn bị tiền cho tương lai có tai nạn gì thì bạn nhất định sẽ gặp nạn.
Phật pháp nói rất hay “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, bạn không có bệnh nhưng nghĩ bệnh thì phải bị bệnh; cũng vậy, không có nạn nhưng luôn chuẩn bị tương lai có nạn, cho nên tai nạn cùng tật bệnh nhất định không thể tránh khỏi. Nếu bạn đem đi bố thí hết, trong lòng thản nhiên, bạn cũng sẽ không gặp nạn, sẽ không bị bệnh, tự tại dường nào, thế thì tại sao còn không xả hết ?
“Trồng nhân như thế nào, thì sẽ gặp quả báo như thế đó”, nhất định không hề sai. Chúng ta phải hiểu được “thay chúng sanh chịu khổ”, phải có thực lực, tận sức mà làm, đặc biệt là chúng sanh cử thế ngày nay. Bạn phải nên biết, khổ nạn lớn nhất là gì ?
Đó là không nghe được Phật pháp, bao gồm cả chúng sanh khổ nạn. Không có gì lớn hơn so với khổ nạn này. Sau khi nghe Phật pháp, họ giác ngộ, còn không nghe Phật pháp, vĩnh viễn mê hoặc điên đảo. Ngày tháng của họ càng ngày càng khổ, càng mê càng sâu.
Cho nên hôm nay chúng ta bố thí Phật pháp, đó chính là một trong những điều “thay chúng sanh chịu khổ” thù thắng nhất. Có thực lực thì xây đạo tràng, thỉnh pháp sư giảng kinh nói pháp, giúp đỡ chúng sanh một địa phương phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Đạo tràng như thế nào ?
Phải xây dựng một đạo tràng mô phạm, đạo tràng thúc đẩy giáo dục của Phật đà. Đạo tràng này không làm kinh sám, không làm pháp sự, và không làm pháp hội. Đạo tràng Tịnh Tông phải thuần Tịnh Tông, buổi tối giảng kinh, ban ngày niệm Phật.
Trích lục bài giảng :
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH .
Pháp sư: Ân Sư TỊNH KHÔNG .