“Thành Phật dĩ lai, ư kim thập kiếp”. Trong phẩm này, đoạn trước đã giới thiệu thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Đây thuộc về y báo. Đoạn sau giới thiệu về danh hiệu công đức của Di Đà, thuộc về chánh báo. Y báo chánh báo đều là công đức xưng tánh, cho nên không thể nghĩ bàn. Hoàng Niệm Tổ trích lục những khai thị đặc sắc trong “Mật Thích”, khiến chúng ta đối với danh hiệu công đức nhận thức thêm được một bước.
Công phu niệm Phật sở dĩ không đắc lực, là đối với danh hiệu thiếu sự hiểu biết. Trước đây Chương Gia đại sư nói, Phật pháp khó hiểu nhưng dễ hành. Trải qua nhiều năm như vậy, đã chứng minh lời nói của đại sư. Đây là một vấn đề của triết học. Phàm phu thành Phật thực sự không khó. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì chúng sanh mà thị hiện, sự việc của 3000 năm trước. Lục Tổ Huệ Năng vì chúng ta thị hiện, đây sự việc của 1300 năm trước. Cho chúng ta biết phàm phu thành Phật chỉ trong một niệm. Một niệm chánh sẽ thành Phật, một niệm tà sẽ đọa lạc thành phàm phu. Trong phàm phu cũng có chánh tà.
Chánh này nếu đem so sánh với đại thừa thì vẫn coi là tà. Đại thừa phải ngộ nhập tự tánh mới là chánh trong các điều chánh. Chánh trong lục đạo, quả báo là ba đường lành. Tà trong lục đạo, quả báo là ba đường ác. Điều này không thể không biết. Đức Thế Tôn cũng chính là vì việc này, vì việc khó hiểu dễ hành này, nên ngài nghĩ cần phải dạy học. Phải dùng phương pháp này để giúp mọi người giác ngộ. Giúp mọi người thấu triệt thật tướng các pháp. Đây là trí tuệ chân thật của Đức Thế Tôn. Lợi ích chân thật đối với tất cả chúng sanh. Đem chân tướng của vũ trụ nói rõ ràng, đây là điều thiện lớn thứ nhất. Phước đức lớn nhất chính là niệm Phật.
Lần này chúng tôi sẽ giảng một cách tường tận về đoạn nói đến danh hiệu này. Hình như giảng ba lần 6 tiếng đồng hồ. Danh hiệu công đức không thể nghĩ bàn. Chúng ta thật sự biết, thật sự hiểu rõ, mới thật sự đem Phật A Di Đà để vào tâm. Trong tâm chỉ có Phật A Di Đà. Ngoài Phật A Di Đà ra thì không có gì hết. Vì sao? Vì nó là công đức chân thật đệ nhất trong thế xuất thế gian. Trong Kinh Di Giáo Đức Thế Tôn dạy “chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”, điều này ở trước chúng ta đã học trong kinh này nói “chỉ tâm nhất xứ”. Chế tâm và chỉ tâm cùng một nghĩa. Trong tâm không có tạp niệm, không có ý niệm thứ hai. Chỉ có Phật A Di Đà thì chẳng có gì là không làm được. Đến chuyển phàm thành thánh mà còn làm được, huống gì các việc khác?
Tuy nói như vậy, nhưng Đức Phật nói rất rõ, chư vị tổ sư cũng chú giải rất rõ. Chúng tôi cũng cố gắng đem vấn đề này nói rõ ràng. Có ai nghe hiểu chăng? Không nhiều. Nghe hiểu được, thật sự quay đầu, trong tâm chỉ có Phật A Di Đà. Được mấy người? Rất ít. Chỉ cần trong tâm có Phật A Di Đà thì họ sẽ thành Phật. Vì sao lại khó như vậy? Không buông bỏ được các pháp trong thế xuất thế gian, buông không được danh văn lợi dưỡng trong lục đạo. Mặc dù hiểu được y chánh trang nghiêm trong thế giới Cực Lạc, nhưng lợi nhỏ trước mắt cũng tiếc không bỏ được. Như vậy thì lợi ích lớn về sau sẽ chẳng có phần. Về sau lợi ích này rất lớn. Không chỉ về sau mà ngay hiện tại cũng đạt được.
Nếu thật sự có thể một lần nghe mà ngàn lần ngộ. Sau khi nghe liền hiểu liền giác ngộ. Thật sự buông bỏ, thật sự hành trì. Người này không phải người thường. Thực sự là anh hùng hào kiệt, đại thánh đại hiền. Nói lên rằng phàm phu làm không được nhưng họ làm được. Làm thế nào mới thật sự hiểu rõ? Buông bỏ là được. Không buông bỏ được thì vĩnh viễn không hiểu rõ, vĩnh viễn không minh bạch. Người học Phật chân chánh nên biết điều này.
Chuyện trong thế xuất thế gian là chuyện nhỏ, những chuyện nhỏ nhặt không phải việc lớn. Không thoát khỏi luân hồi thì đâu phải là việc lớn? Không thoát khỏi mười pháp giới cũng không coi là việc lớn. Trong kinh Pháp Hoa nói, Đức Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời. Đức Phật không dễ xuất hiện ở thế gian, nếu xuất hiện ở thế gian nhất định có nhân duyên lớn. Nhân duyên lớn là gì? Làm việc lớn. Làm việc lớn tức là trong thời đại này thực sự có chúng sanh căn cơ thuần thục, họ có thể thành Phật. Nên Phật mới thị hiện ở thế gian này. Một người cũng cần phải độ “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân”. Còn những người khác? Những người khác là dự thính. Nghe được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, cũng đều coi như là người có duyên.
Phật A Di Đà đã thành Phật. Phương pháp thành Phật đơn giản nhất, trực tiếp nhất, ổn định nhất và nhanh nhất, không có gì hơn niệm Phật. Niệm Phật nào? Niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Đức Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta, chư Phật mười phương đều tán thán. Chư phật mười phương tán thán, hay nói cách khác là chư Phật mười phương đều tán thán, đều tán thành giáo huấn của Đức Thế Tôn. Nói cách khác là nhất tâm chuyên niệm Phật A Di Đà. Chính là khuyến cáo của tất cả chư Phật Như Lai trong mười phương ba đời. Chúng ta có nên tiếp thu chăng? Có nên nghe lời chăng? Thật tiếp nhận, thật nghe lời thì phải buông xả vạn duyên. Tự mình thành tựu, sau đó độ chúng sanh. Tự mình chưa thành tựu thì không thể độ chúng sanh. Dù có tận lực chúng sanh cũng không tin, không có lòng tin.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 319)