Bạn muốn tu công đức thì công đức bậc nhất là gì? thỉnh pháp sư, thỉnh thiện tri thức giảng kinh. giảng kinh thính chúng rất đông, trong số đó, có một hai người giác ngộ, hiểu rõ quay đầu, đoạn ác tu thiện, công đức ấy thù thắng khôn sánh!
Có thể tùy hỷ thì mới có thể “thỉnh chuyển pháp luân”. Thưa cùng quý vị, làm công đức thì công đức bậc nhất là gì? Thỉnh thiện tri thức giảng kinh. Giảng kinh thính chúng rất đông, trong số đó, có một, hai người giác ngộ, hiểu rõ, quay đầu, đoạn ác, tu thiện, công đức ấy thù thắng khôn sánh. Đại chúng bình phàm trong xã hội hiện thời thường nghĩ công đức làm pháp hội rất lớn, tức là pháp hội siêu độ, pháp hội Thủy Lục. Chúng ta vừa mới hoàn tất Tam Thời Hệ Niệm suốt bảy ngày; nhưng còn có chuyện có công đức to lớn hơn nữa là thỉnh pháp sư giảng kinh bảy ngày, càng lớn hơn, càng thù thắng hơn [công đức làm pháp hội], cõi âm lẫn dương gian đều lợi lạc. Người nghe kinh giác ngộ, chúng ta chẳng thấy chúng sanh vô hình nghe kinh cũng giác ngộ giống hệt. Vì thế, những pháp hội Phật sự thông thường thuộc loại cầu nguyện trong tôn giáo, chẳng phải là không có hiệu quả, nó có hiệu quả, hiệu quả hoàn toàn do tâm chân thành! Cổ nhân đã nói rất có lý: “Hễ thành bèn linh”. Nếu quý vị làm pháp sự, tâm chẳng chân thành, sẽ bị giảm bớt, hiệu quả bị giảm bớt. Phật, Bồ Tát vô cùng từ bi, trong đạo tràng, Phật, Bồ Tát giúp sức, đạo tràng gồm mấy trăm người tham gia, chúng ta là phàm phu mắt thịt, trong ấy có Phật, Bồ Tát hay không? Khẳng định là có, thường là có mấy vị. Mấy người ấy thành tâm thành ý, thậm chí vị hòa thượng chủ pháp chẳng có thành ý, nhưng bên cạnh có mấy người tham dự pháp hội thành tâm thành ý, pháp hội ấy bèn thành công. Đó là gì? Đó là Phật, Bồ Tát gia trì. Pháp hội giảng kinh cũng thế. Trong thính chúng, thật sự có mấy vị Phật, Bồ Tát làm Ảnh Hưởng Chúng, gia trì đạo tràng ấy, gia trì mọi người, thật sự có, chẳng giả! Từ chỗ này, chúng ta mới thật sự hiểu rõ chư Phật, Bồ Tát từ bi vô tận, chúng ta cảm ơn bất tận.
Nhưng hiện thời thỉnh pháp sư giảng kinh ngày càng khó khăn, vì sao? Người học tập kinh giáo ngày càng ít. Vì sao người học tập kinh sám Phật sự đông ngần ấy, người học tập kinh giáo không có ai thỉnh giảng kinh? Con đường [kinh giáo] suy vi. Chúng ta học Phật, là những người đã hiểu rõ, đã thông suốt, phải phát tâm thỉnh chuyển pháp luân. Có sức thì chuyện tốt lành bậc nhất là bồi dưỡng pháp sư. Thật sự gặp người trẻ tuổi phát tâm, đầu tiên là dành ra một năm để người ấy vun bồi vững vàng bốn căn bản, đó là căn bản. Có thể nói là thiếu bốn căn bản ấy thì chắc chắn chẳng thể học thành công! Vì sao? Chẳng có thành ý, chẳng có tâm thành kính! Tổ Ấn Quang dạy rất hay: “Mười phần thành kính được mười phần lợi ích”, thành kính hoàn toàn do bốn căn bản. Nhìn vào bốn căn bản để biết quý vị có mấy phần thành kính, rồi mới biết quý vị sẽ có mấy phần thành tựu. Chẳng có thành kính, bèn chẳng có thành tựu. Người càng có thành tựu, tâm địa càng chân thành, thái độ càng khiêm hư, càng cung kính người khác. Cổ nhân nói: “Khi học vấn đã sâu thì ý khí bình lặng”, chắc chắn chẳng thô phù, bộp chộp. Thô phù, bộp chộp tức là chẳng có một chút công phu nào!
Do đó, tìm được một người thật sự phát tâm chẳng dễ dàng! Trong quá khứ, thầy Lý đã từng bảo tôi, thầy nói rất cảm thán: “Có vị thầy nào chẳng mong có truyền nhân? Đến đâu để tìm? Học trò tìm được thầy đã khó, mà thầy tìm được trò càng khó hơn! Đến đâu để tìm? Chuyện này chỉ có thể gặp, chứ không thể cầu!” Nhưng thật sự phát tâm muốn học, chính mình có thể học ở nhà thành công, chẳng cần tìm ai. Người tại gia học theo Mạnh Tử, hàng xuất gia học theo Ngẫu Ích đại sư. Các Ngài suốt đời chẳng tìm được thiện tri thức chân chánh, bèn làm như thế nào? Lấy cổ nhân làm thiện tri thức. Mạnh Tử học theo Khổng Tử, Khổng Tử chẳng còn tại thế, Mạnh Tử bèn đọc sách của Khổng Tử, thâm nhập một môn, huân tu lâu dài. Hễ gặp chỗ nghi nan, bèn tìm học trò của Khổng Tử, lúc đó còn có không ít học trò của Khổng Tử còn sống, Ngài thỉnh giáo họ. Ngài học được, học thành công, vượt trội tất cả các học trò thân cận Khổng Tử thuở ấy. Quý vị thấy hậu thế hễ nói tới Nho gia, bèn nói Khổng Mạnh, chẳng nhắc tới người khác. Điều này chứng tỏ Mạnh Tử học thành công. Người Trung Quốc gọi Khổng Tử là Chí Thánh, gọi Mạnh Tử là Á Thánh. Chí Thánh là bậc nhất, Á Thánh là bậc nhì. Trong Tịnh Độ Tông chúng ta, Ngẫu Ích đại sư là tổ sư đời thứ chín. Ngài vô cùng ngưỡng mộ vị tổ sư đời thứ tám là Liên Trì đại sư, Liên Trì đại sư đã vãng sanh, nhưng trước tác của Liên Trì đại sư vẫn còn, Ngài bèn chuyên học theo trước tác của Liên Trì đại sư, cũng học hết sức thành công, nên sau này Ngài là tổ sư đời thứ chín của Tịnh Tông. Những vị này đều là trước mắt không có ai chỉ dạy, bèn tìm cổ nhân. Nay quý vị nói chẳng có thầy giỏi, quý vị học kinh Vô Lượng Thọ, trong kinh Vô Lượng Thọ, ai là thầy? A Di Đà Phật là thầy, Vô Lượng Thọ Phật, quý vị học theo Ngài, thâm nhập một môn, huân tu lâu dài. Chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, quý vị có thể dùng làm tài liệu tham khảo để học tập, cụ là trợ giáo của A Di Đà Phật. Quý vị đã có thầy, lại có trợ giáo, chỉ cần quý vị thật sự hành, không ai chẳng thành công. Thâm nhập một môn, mười năm huân tu, lẽ nào chẳng thành công!
Nay chúng tôi chính mắt trông thấy hai người, người thứ nhất có lẽ mọi người đều biết là cư sĩ Lưu Tố Vân ở miền Đông Bắc. Bà ta lúc năm mươi lăm tuổi mới bắt đầu học, nay đã sáu mươi lăm tuổi, mười năm, một bộ kinh Vô Lượng Thọ, một câu A Di Đà Phật, ngoài những thứ ấy ra, thứ gì cũng chẳng có. Mười năm giống như một ngày. Mỗi ngày nghe kinh mười tiếng đồng hồ, nghe suốt mười năm, nghe một bộ kinh này! Thông thường, người bình phàm nếu dụng công như vậy, phải là bốn năm năm, nếu là người công phu tốt đẹp thì khoảng chừng ba năm liền đắc tam-muội, Niệm Phật tam-muội. Năm sáu năm chắc chắn khai ngộ; người căn tánh kém hơn một chút, tôi tin là năm năm có thể đắc tam-muội, bảy, tám năm có thể khai ngộ. Hễ ngộ bèn thông suốt toàn bộ, tất cả các kinh giáo chưa học qua, chỉ cần quý vị tiếp xúc liền thông suốt toàn bộ. Một kinh thông, hết thảy kinh đều thông. Cổ nhân nói chẳng sai tí nào! Chúng ta không tin cổ nhân mà tin vào chính mình thì thôi rồi, đó là “không nghe lời người già, thua thiệt ở trước mắt”. Người ta mười năm có thành tựu to lớn như thế. Gần đây, tôi nghe nói ở Tứ Xuyên có một vị lão cư sĩ, đã ngoài bảy mươi tuổi, đại khái cũng là bắt đầu học lúc năm, sáu mươi tuổi, cũng là mười năm, cũng là một bộ kinh Vô Lượng Thọ, một câu A Di Đà Phật. Tôi hết sức mong mỏi cụ đến Hương Cảng cho chúng tôi gặp mặt. Cụ rất giỏi, đã nêu gương tốt nhất cho những người trẻ tuổi trong hiện thời, thật sự phát tâm tiếp nối huệ mạng của Phật, xa là tiếp nối Như Lai, gần là làm cho đại pháp rạng rỡ, nêu tấm gương tốt nhất. Chỉ cần quý vị thật sự phát tâm, chỉ cần quý vị vâng theo quy củ đã thành lập của tổ tông, quyết định chẳng thể thay đổi, quý vị hãy khéo học, chắc chắn sẽ thành tựu. Thời gian mười năm chẳng dài, giống như đối với lứa tuổi của tôi, đúng là chớp mắt đã qua mười năm. Phàm phu mười năm thành Phật, chẳng giả! Phải biết thỉnh chuyển pháp luân, thật ra là thỉnh không được, bèn tự mình phát tâm ra giảng kinh, dạy học, thỉnh chính mình, thỉnh người khác khó quá. Tự mình phát tâm thỉnh chính mình. Phương pháp này do Chương Gia đại sư dạy tôi vào thuở trước. Lão nhân gia dạy tôi học Thích Ca Mâu Ni Phật, tôi nghe lời. Bí quyết thành công chẳng có gì khác, là nghe lời, thật sự làm, sống một ngày bèn làm một ngày. Chẳng vì chính mình, mà vì chánh pháp tồn tại lâu dài, vì chúng sanh khổ nạn, biến hai câu ấy thành mục tiêu để ta sống suốt đời trên thế gian này! Mục tiêu cuối cùng là cầu sanh Tịnh Độ, chẳng có chuyện gì khác.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 130)