Hôm nay chư vị đồng tu ở nơi đây, tôi nghe nói có rất nhiều đồng tu từ Đại Lục, từ Đài Loan đến, từ các nơi khác đến. Chúng ta tụ họp ở giảng đường này thời gian tuy không dài, lần này tôi giảng có năm ngày, trong năm ngày nếu như không thật sự chăm chú học tập thì lần này bạn đến đây thật sự là uổng công. Nếu như tôi không nói những lời chân thật này với quý vị thì tôi có lỗi với quý vị.
Chúng ta học Phật bắt đầu từ chỗ nào thì không thể không biết. Phải bắt đầu từ “Tịnh nghiệp tam phước”. Trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật”, Phật chỉ dạy cho phu nhân Vy Đề Hy, bà đã phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Trước khi Thế Tôn chỉ dạy cho bà phương pháp vãng sanh Tịnh Độ, trước tiên là dạy cho bà “Tịnh nghiệp tam phước”. Tịnh nghiệp tam phước là gì? Trước tiên là phải đạt được ba điều kiện cơ bản. Ba điều kiện này, Thế Tôn giảng rất rõ ràng là “chánh nhân tịnh nghiệp của ba đời chư Phật”. Bạn nói điều này quan trọng biết bao nhiêu. Ba đời là đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai. Ba đời chư Phật, ba đời Bồ Tát tu hành thành Phật đều lấy điều này làm nền tảng. Bạn nói xem, nó quan trọng như thế nào! Nhất định không thể lơ là.
Điều thứ nhất có bốn câu: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không sát sanh, tu mười nghiệp thiện”. Cho nên hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không sát sanh, hoàn toàn thực hiện trong mười nghiệp thiện. Nếu như bạn không tu mười nghiệp thiện, thì bạn chẳng thành tựu được điều gì cả, đời sau không thể tái sanh được thân trời người thì làm sao bạn có thể vãng sanh, có thể thành Phật? Điều này chúng ta không thể không biết. Cho nên, điều kiện đầu tiên này là rơi vào thập thiện nghiệp đạo. Chúng ta có nghiêm túc học tập thập thiện nghiệp đạo không?
Thân không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục (đồng tu tại gia thì không tà dâm); Khẩu thì không vọng ngữ (tức là không dối gạt người), không lưỡng thiệt (tức là không khiêu khích thị phi), không ác khẩu, không ỷ ngữ (ỷ ngữ là nói thêu dệt, lừa gạt người khác); Ý thì không tham, không sân, không si, tiếp xúc với pháp thế xuất thế gian đều không tham, sân, si. Chúng ta có làm được hay không? Đây là điều cơ bản của việc học Phật, cũng là thiện nghiệp của thế gian. Mười điều này mà làm được thì trong Kinh gọi các bạn là “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, bạn là người thiện của thế gian. Chúng ta có làm được hay không? Nếu như điều thứ nhất không làm được thì toàn bộ pháp thế gian, xuất thế gian đều chẳng được gì. Chúng ta phải hiểu, thật sự học Phật thì bạn phải thật sự tin Phật, tin lời nói của Phật là chính xác, nhất định không có sai lầm, chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực học tập. Trên thế giới, người khác lừa gạt ta, ta thì không thể lừa gạt người khác. Tại sao vậy? Người khác lừa gạt ta vì họ không có học Phật, họ không hiểu chuyện. Nếu như ta lừa gạt họ thì ta đã sai, ta đã làm trái với lão sư, làm trái với lời Kinh dạy rồi. Cái tội này rất lớn, so với tội của người thông thường ở thế gian thì nặng gấp đôi.
Tuyệt đối đừng cho rằng cuộc đời này của chúng ta hình như là không có lỗi lầm. Không có lỗi lầm chính là lỗi lầm rất lớn. Tại sao vậy? Thật sự không có lỗi lầm chỉ có một người là Như Lai, Đẳng Giác Bồ Tát vẫn có lỗi lầm, mỗi ngày vẫn đang tu pháp môn sám hối. Lỗi lầm của các Ngài là gì? Lỗi lầm của các Ngài là một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá. Các Ngài vẫn đang chăm chỉ nỗ lực tu học. Trong “Kinh Địa Tạng” nói rất hay, phàm phu chúng ta, chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là gây tội. Nếu như bạn tỉ mỉ mà tư duy, mà quan sát thì bạn mới hiểu được. Không nên quan sát người khác mà hãy quan sát chính mình, hãy dùng tâm chân thành mà phản tỉnh, mỗi ngày đều phải phản tỉnh. Một ngày phản tỉnh một lần cũng chưa đủ, ít nhất phải phản tỉnh hai, ba lần thì chúng ta mới thật sự có thể làm được, sửa đổi thành một người tốt, thật sự làm một đệ tử của Phật. Cho nên bạn phải làm cho được, không làm không được.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 305)