Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Căn bản của sự tu hành

Lấy "tịnh nghiệp tam phước" làm cơ sở
Phật giảng cho chúng ta căn bản của sự tu hành, nói thật ra chính là “tịnh nghiệp tam phước”, tịnh nghiệp tam phước mở rộng ra chính là hết thảy Phật pháp; vô lượng vô biên Phật pháp cô đọng lại chính là mười một câu này, tuyệt đối chẳng thể xem thường. Mười một câu này cô đọng thêm nữa chính là một câu: “Hiếu dưỡng cha mẹ”. Ngàn kinh vạn luận, vô lượng vô biên pháp môn của chư Phật Như Lai đã tuyên nói đều chẳng vượt ra ngoài bốn chữ này. Chúng ta giảng Tam Học, Lục Hòa, Lục Ðộ, Thập Nguyện, các phương pháp tu hành đều biến thành hiện thực trên sự hiếu kính, trong đời sống hằng ngày của chúng ta, trên cách xử sự, đãi người, tiếp vật, đây là học Phật thực sự. Học Phật thực
sự phải thay đổi hình dáng, sửa đổi tâm niệm, hành vi, như vậy gọi là học Phật chân thật. Mỗi ngày đều đọc kinh, thậm chí mỗi ngày giảng kinh thuyết pháp, nhưng tâm vẫn chẳng sửa đổi, vẫn là tâm thế tục, vẫn là tâm luân hồi, vẫn là tâm tham-sân-si-mạn, như vậy thì làm sao được!
Ðó là giả, chẳng phải thật. Thực sự xả niệm, thanh tịnh, niệm niệm vì lợi ích cho chúng sanh, chẳng vì mình. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta đọc thấy, nếu vì mình thì Ngài trụ trong đại Niết Bàn, vậy thì tự tại biết mấy; nếu vì chúng sanh thì phải tùy loại hóa thân, chẳng màng khổ nhọc. Ðây là quan niệm của người thế tục chúng ta; Phật, Bồ Tát chẳng có khổ
nhọc, tại sao chẳng có khổ nhọc? Vì các Ngài chẳng có Ta (vô ngã), có Ta mới có khổ nhọc, chẳng có Ta thì ai khổ nhọc? Chúng ta đọc đến câu này cảm khái muôn vàn, chúng ta làm thế nào để học giống hình tướng của Phật, Bồ Tát? Nếu chẳng hết lòng y giáo phụng hành thì làm sao được!
Trích lược ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ – QUYỂN THƯỢNG
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không.
(Giới Thiệu Đề Kinh – Biệt Đề – Phẩm Thứ Nhất: Thần Thông Trên Cung Trời Đao Lợi – Tập 6- Tr-126-127)
Được gắn thẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *