Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

6 lời căn dặn vàng ngọc của Ân sư Tịnh Không

1. Sám hối là gì? Từ nay không bao giờ làm điều đó nữa là sám hối chân thật. Quí vị chỉ nói cho người khác nghe, phát lồ sám hối rồi ngày mai lại làm như thế. Vậy thì vô ích, đấy là giả tạo, không phải sám hối thật sự. Quan trọng nhất là từ nay không bao giờ làm điều đó nữa, quay đầu thật sự. Biết quay đầu sẽ là người tốt trong người tốt, là kẻ thiện nhân trong người thiện. Cho nên Phật pháp thường bảo quay đầu là bờ. Câu này nói với những ai? Câu này nói với những người đã từng phạm sai lầm. Sai lầm là đánh mất bản tánh (chơn như bản tánh). Tùy thuận theo tham sân si mạn, tùy thuận theo phiền não.
Nhìn thấu nhưng không nhịn được nên vẫn phạm. Tật xấu này đối trị cách nào? Tiếp tục nỗ lực. Công phu học tập của quí vị chưa đủ, không địch lại phiền não. Nếu đủ công phu có thể như như bất động ngay trước phiền não thì quí vị qua được rồi.
Làm cách nào có thể giữ được chính mình? Chỉ có một phương pháp là chẳng ngày nào rời Kinh điển. Nơi có Kinh điển là nơi có Phật cùng Bồ Tát. Chúng ta đọc thông Kinh điển là thân cận Phật cùng Bồ Tát, thế mới có thể giữ được chính mình. Không thân cận, gần gũi Phật và Bồ Tát không xong! Ngày nào cũng đọc, hễ được thì ngày nào cũng nghe Kinh, đừng bỏ qua ngày nào cả.
2. Mỗi thời Kinh sáng, mục đích của thời Kinh sáng là nhắc nhở mình, ngày hôm nay tôi không được quên giáo huấn của đức Phật. Thời Kinh tối là phản tỉnh chính là sám hối. Trong ngày hôm nay, những gì làm sai, những gì làm đúng. Làm đúng, phải cổ vũ chính mình, ngày mai tiếp tục làm. Làm sai, ngày mai nhất định không làm nữa. Phải đoạn ác, phải tu thiện, phải thừa nhận tập khí của mình nặng. Phiền não nặng, tập khí nặng, tự mình nhất định phải thừa nhận, hữu ý hay vô ý phạm sai lầm. Kinh Phật đọc hằng ngày nhưng quên mất cảnh giới hiện tiền. Họ không phải không biết. Biết, phải chăng là biết rõ mà cố phạm? Cũng không phải. Tập khí đang làm chủ, tập khí đang thao túng, chính mình không biết làm sao. Đây gọi là nghiệp lực, tập khí chính là nghiệp lực, nghiệp lực không thể nghĩ bàn, y giáo phụng hành có thể đối trị nghiệp lực.
3. Nghiệp chướng nhất định phải sám hối cho thanh tịnh mới được vãng sanh. Chỉ có thế giới Cực Lạc một phẩm phiền não cũng chưa đoạn. Nghĩa là gì? Là chấp trước. Một phẩm chấp trước chưa đoạn cũng có thể vãng sanh.
Phương pháp vãng sanh là gì? Chính là lợi dụng chấp trước này của chúng ta. Tuyệt diệu, vô cùng tuyệt diệu. Chấp trước điều gì? Chấp trước A Di Đà Phật thì sẽ vãng sanh. Chân tướng sự thật này cần phải hiểu. Trong Kinh dạy chúng ta “Chấp trì danh hiệu”. Chấp chính là chấp trước, trì chính là duy trì. Từ sáng đến tối chỉ nên chấp trước vào danh hiệu A Di Đà Phật, các chấp trước khác phải buông bỏ hết. Chỉ chấp trước A Di Đà Phật, chỉ chấp trước Kinh Vô Lượng Thọ (Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh). Hay là chấp trước Kinh A Di Đà đều được.
Chúng sanh trong thế giới lục đạo này đến thế giới tây phương Cực Lạc. Có thể nói hết 99 phần trăm đều dùng phương pháp này. Khi đã đến thế giới tây phương Cực Lạc, thầy giáo ở đó toàn là Thánh nhân. Sanh đến thế giới Cực Lạc là mỗi ngày đều đi học, ngày ngày cùng chư Phật Chư Bồ Tát cùng nhau chia sẻ. Thế giới đó thuần tịnh thuần thiện. Chúng ta còn tập khí phiền não hiện hành thì còn tạo nghiệp, nhưng vì không có nhân duyên, nên tạo nghiệp không thành. Thế giới Cực Lạc không có ác duyên, nên ở thế giới Cực Lạc thì tham sân si mạn đều không khởi lên được. Năm độc tham sân si mạn nghi, có tập khí này, chưa đoạn nhưng ở thế giới Cực Lạc sẽ không khởi lên được.
4. Người ở thế giới tây phương Cực Lạc tuy mang theo tập khí phiền não, nhưng không còn nghiệp. Hàng ngày chúng ta tiếp xúc, cùng ở với chúng ta đều là chư Phật Bồ Tát, đều là chư thượng thiện nhơn. Đến cơ hội khởi một niệm xấu cũng không có, thì lấy đâu ra hành vi? Tuy tập khí nghiệp chướng của chúng ta nặng, nhưng Đức Phật dạy chúng ta dùng câu A Di Đà Phật có thể làm cho tất cả tập khí nghiệp chướng bị chế phục, bị đè xuống, nên có thể vãng sanh. Không cần đoạn phiền não, chỉ cần khống chế phiền não.
Dùng phương pháp nào? Trong tâm chỉ có A Di Đà Phật. Người thật sự tu hành thì chỉ cần một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, một câu A Di Đà Phật. Hoặc một bộ Kinh A Di Đà cũng được, ngoài ra không cần bất cứ điều gì. Hai ba năm có thể khống chế được nó.
5. Tâm Bồ Đề là “tâm nguyện làm Phật”, tại sao tôi nguyện làm Phật? Là vì muốn độ chúng sanh, mong giống như Phật để độ chúng sanh. Tâm độ chúng sanh, tức tâm nhiếp thủ chúng sanh sanh đến nước có Phật, ở đây là nói đến Tịnh Độ (Cực Lạc). Tôi giúp thế nào, thành tựu chúng sanh, làm sao giúp được họ, để họ thành tựu? Khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thế giới Cực Lạc có Phật, hiện tại bên đó Phật đang dạy học.
6. Người xưa nói: “Nếu được thấy Phật A Di Đà lo gì không khai ngộ”. Chúng ta đem việc khai ngộ này để ở thế giới Cực Lạc, bây giờ chuyên cầu Tịnh Độ. Trước đây thầy Lý nói với tôi, mục tiêu cuối cùng của Phật pháp Đại Thừa là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Tịnh Độ cũng không ngoại lệ. Tịnh Độ là gì? Là đến thế giới tây phương Cực Lạc, mục tiêu chính là minh tâm kiến tánh. Còn mục tiêu bây giờ là nhất tâm chuyên niệm.
(Pháp Sư Tịnh Không)
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *