Ưu Bà Ly xuất thân từ dòng hạ tiện Thủ Đà La cho nên suốt cuộc đời chỉ phải làm nô bộc cho kẻ khác mà thôi. Trong xã hội của Ấn Độ lúc bấy giờ thì giai cấp Thủ Đà La chịu nhiều sự kỳ thị, khinh bỉ nhất bởi vì người sanh ra trong giai cấp nầy bị xã hội ruồng bỏ như là đồ phân uế, dơ bẩn. Người Thủ Đà La nếu gặp hàng Bà La Môn hay Sát Đế Lợi trên đường đi thì phải quỳ xuống bên đường nhường lối. Nếu lén nhìn sẽ bị móc mắt, còn nếu lý luận với hai hạng trên sẽ bị cắt lưỡi. Thật đáng thương cho Ưu Bà Ly vì trót đã sanh ra trong dòng Thủ Đà La thì phải chịu một kiếp đời bi thương sầu thảm.
Khi còn thơ ấu, Ưu Bà Ly không được hưởng quyền lợi về học vấn nhưng cậu ta rất được cha mẹ thương yêu. Thật ra thì lòng thương con của cha mẹ lúc nào cũng bao la đâu có phân biệt giai cấp sang hèn hay hạ tiện.
Đến khi khôn lớn, cha mẹ muốn chọn cho Ưu Bà Ly một nghề nghiệp để nuôi thân. Muốn cho con mình có cơ hội tiến thân như những nghề thương buôn hay công chức thì đòi hỏi phải có học vấn mà giới Thủ Đà La thì không được đi học thành thử kiếp nghèo cứ đeo đuổi họ từ đời nầy sang đời khác. Đối với phần lớn dân nghèo ở Ấn Độ thì nghề nông, nghề khuân vác, hoặc làm nô lệ cho nhà giàu là con đường chọn lựa duy nhất của họ để kiếm tiền nuôi thân và nuôi gia đình.
Ban đầu thì cha mẹ tính cho Ưu Bà Ly học nghề làm ruộng, nhưng nghề nầy đòi hỏi người cày cuốc phải có sức lực, mà Ưu Bà Ly bẩm chất ốm yếu gầy còm thì ông ta tất phải yểu mạng. Còn nếu muốn làm nô lệ cho nhà phú hộ thì điều cần yếu là phải chọn được chủ nhân tử tế bằng không thì cuộc đời càng thêm thê thảm. Sau cùng họ chọn cho Ưu Bà Ly học nghề hớt tóc vì nghề nầy tương đối nhẹ nhàng và thích hợp với con người Ưu Bà Ly nhất.
Mặc dầu xuất thân là chốn hèn hạ, nhưng Ưu Bà Ly bản chất thông minh nên học nghề rất dễ dàng, tánh tình lại khiêm tốn và lại có thói quen vâng lời nên học các kỹ thuật hớt tóc chải bới tương đối khá nhanh. Sau một thời gian ngắn, Ưu Bà Ly đã thành thuộc các kiểu cắt tóc thời trang cũng như cắt tỉa cho những hàm râu rậm rạp của những tay phú hộ.
Thời may, khi tay nghề vững chắc, Ưu Bà Ly được người giới thiệu và thâu nhận vào vương cung Ca Tỳ La Vệ để hớt tóc và làm đẹp cho các vương tôn công tử. Tuy chỉ là một người thợ hớt tóc, nhưng tâm tánh Ưu Bà Ly rất thuần lương, trung hậu cho nên làm việc trong cung thành không bao lâu thì Ưu Bà Ly đã được sự tín nhiệm của các vương tôn công tử. Các vị hoàng tử như Bạt Đề, A Na Luật rất thích anh chàng thợ cạo nầy. Ngoài lối cắt nhanh gọn, khéo léo nhẹ nhàng và không làm đầu đau, Ưu Bà Ly được mọi người ưa chuộng và dĩ nhiên Ưu Bà Ly lúc nào cũng kính trọng tất cả những vương tôn công tử nầy.
Cạo Tóc Cho Đức Phật
Khi Đức Phật thành đạo đã ba năm thì Ngài trở về cung thành Ca Tỳ La Vệ để thăm lại phụ vương và gia đình. Lúc ấy Ưu Bà Ly vào khoảng 20 tuổi và đã trở thành một người thợ hớt tóc lành nghề. Khi Đức Phật đến ngày cạo tóc thì hoàng cung mới giới thiệu Ưu Bà Ly cho Đức Thế Tôn.
Khi Ưu Bà Ly nghe tin ấy thì cảm thấy lo sợ hoang mang, nhưng ông ta tự nghĩ rằng Đức Phật là bậc đại giác có 32 tướng tốt thì nhất định đầu tóc của Ngài phải khác với người thường. Càng suy nghĩ, Ưu Bà Ly càng lo sợ bởi vì nếu lỡ tay xúc phạm đến Thế Tôn thì làm sao tránh được trọng tội. Ưu Bà Ly bèn đem nỗi lo âu bàn với mẹ vì gia đình của Ưu Bà Ly là dòng hạ tiện thì trên nguyên tắc không được phép nhìn đến gót chân của Phật chớ đừng nói chi đến cạo tóc cho Ngài. Mẫu thân nghe xong bèn an ủi con mình vì chính bà đã từng nghe đồn đức Phật là bậc rất từ bi và thường thuyết pháp cho người nghèo khổ cho nên Ngài sẽ không có thành kiến và khinh bỉ giới Thủ Đà La như trong xã hội lúc bấy giờ. Tuy được mẹ an ủi như vậy, nhưng Ưu Bà Ly vẫn không an tâm nên cuối cùng bà bảo sẽ cùng đi với Ưu Bà Ly đến chỗ Phật ngày mai.
Hôm sau, bà mẹ dẫn Ưu Bà Ly đến yết kiến Đức Phật và sau đó được Phật cho phép cạo tóc.
Ưu Bà Ly cẩn thận, chú ý từng chút và làm việc rất chậm rãi. Bà mẹ đứng kế bên theo dõi, một lúc sau mới quỳ trước mặt Phật mà thưa:
– Bạch Thế Tôn! Kỹ thuật cạo tóc của Ưu Bà Ly ra sao?
Đức Phật chú ý nhìn Ưu Bà Ly một lúc rồi đáp:
– Thân thể rất cong.
Vì Ưu Bà Ly quá cung kính Đức Phật nên khi cạo tóc thì ông ta cúi khom lưng mà cạo chớ không dám ngẩng đầu lên. Nghe Đức Phật nói thế thì ông ta lại cố tập trung tâm ý nên vô tình đã tấn nhập sơ thiền. Một lúc sau, bà mẹ lại quỳ xuống thưa:
– Kính bạch Thế Tôn! Lúc này Ưu Bà Ly cạo tóc thế nào?
Đức Phật lại đáp:
– Lúc nầy thân thể rất ngay thẳng!
Ưu Bà Ly nghe Phật nói thế thì chẳng dám khởi vọng tưởng và tiếp tục tư duy cho nên đạt được nhất tâm nhất ý và đây là công phu nhập nhị thiền.
Chẳng bao lâu, bà mẹ lại cung kính hỏi thăm:
– Kính bạch Thế Tôn! Bây giờ Ưu Bà Ly cạo tóc ra sao ạ?
Phật trả lời:
– Hơi thở vào quá nhẹ.
Ưu Bà Ly nghe nói liền tập trung tâm ý vào hơi thở và tiếp theo đó Ưu Bà Ly nhập được vào tam thiền.
Sau cùng bà mẹ liền hỏi:
– Kính bạch Thế Tôn! Hiện tại Ưu Bà Ly cạo tóc như thế nào?
Đức Phật đáp:
– Hơi thở ra quá nhẹ.
Lúc ấy Ưu Bà Ly tâm chẳng khởi một niệm đến nỗi ông ta quên luôn con dao cạo trong tay và chính lúc nầy Ưu Bà Ly đã nhập vào tứ thiền.
Đức Phật quan sát sự tuần hành thiền định của Ưu Bà Ly nên khi thấy ông ta đã nhập vào tứ thiền thì liền kêu một vị tỳ kheo đứng gần đó mà dạy:
– Ông đến lấy con dao cạo trong tay Ưu Bà Ly ra, chú ấy nhập thiền nên không còn tưởng niệm gì cả và cần một người đỡ giùm nếu không ông ấy sẽ té xuống đất.
Với bản chất ưa suy tư và nghiêm túc nên trong cuộc sống Ưu Bà Ly được nhiều người thương yêu và giúp đỡ. Ngay chính cả bản thân của mình, Ưu Bà Ly cũng không để cho ai dèm chê hay phiền trách, do đó, về sau Ưu Bà Ly được xưng là đệ nhất trì giới thì thật là không hổ danh vậy.
Xuất Gia Theo Phật
Khi Đức Phật trở về cung thành Ca Tỳ La Vệ thì Ngài đã đem hạt giống Bồ đề gieo khắp nơi trong hoàng cung. Khi những hạt giống nầy gặp duyên lành thì chúng nẩy mầm tăng trưởng. Phần lớn những vương tôn công tử sau khi nghe Phật thuyết pháp đều có ý định xuất gia theo Phật. Trong số nầy thì có bảy vị vương tử là Bạt Đề, A Nan, A Na Luật, Kiếp Tân Na, Bà Sa, Nan Đề và Đề Bà cùng nhau xuất gia. Mặc dầu cha mẹ không đồng ý, nhưng họ quyết định xuất gia trước rồi sẽ báo tin cho hoàng cung biết sau. Muốn xuất gia thì phải cạo bỏ tóc râu vì thế các ông hoàng nầy bắt buộc phải đem Ưu Bà Ly theo. Nhóm tám người nầy sau khi lén trốn ra khỏi cung thành thì cùng nhau tìm đến rừng Ni Câu Đà để tìm Đức Phật. Trong khu rừng gần kề tịnh xá của Phật, khi cạo tóc cho vương tử Bạt Đề xong thì Ưu Bà Ly đã tuôn từng giọt nước mắt. Thấy thế, A Na Luật ngạc nhiên hỏi:
– Ngươi thấy chúng ta xuất gia, đáng lý phải vui vẻ chớ tại sao lại khóc?
Ưu Bà Ly sợ sệt đáp:
– Thưa vương tử! Xin ngài khoan thứ cho sự vô lễ của kẻ tiện dân. Chỉ vì vương tử Bạt Đề đối xử với hạ dân rất tử tế nên hôm nay ngài xuất gia với các vương tử thì kẻ hèn nầy không còn được gặp lại. Nghĩ đến đó mà hạ dân không cầm được nước mắt. Xin vương tử đừng trách mắng.
A Na Luật nghe xong, thông cảm và an ủi Ưu Bà Ly:
– Ngươi đừng lo lắng, chúng ta sẽ giúp đỡ cho ngươi sinh sống. Nói xong quay sang các vương tử và nói tiếp:
– Này các vương huynh đệ! Ưu Bà Ly hầu hạ chúng ta cũng khá lâu. Y rất siêng năng, trung thành cho nên hôm nay chúng ta đi xuất gia thì cũng giúp cho y có cuộc sống khá hơn. Chúng ta hãy gói tất cả những đồ trang sức trên thân mình lại cho Ưu Bà Ly vì chúng ta xuất gia rồi thì đâu cần dùng mấy thứ nầy nữa.
Các vương tử đều tán thành ý kiến của A Na Luật. Mỗi người đều cởi y phục gấm vóc và đồ trang sức châu báu tặng cho Ưu Bà Ly và bảo trở về cung thành Ca Tỳ La Vệ, còn họ thì đi tìm Phật.
Các vương tử đi rồi, Ưu Bà Ly định quay trở về nhưng lúc ấy tự nhiên đổi ý vì nghĩ rằng:
– Bây giờ ta đem những thứ trân bảo nầy về thành thuật lại thì lão vương và hoàng gia đại thần nhất định sẽ gán cho ta tội a tòng đưa các vương tử đi xuất gia. Tội nầy khó toàn tính mạng. Các vương tử tôn quý như thế mà còn bỏ vinh hoa phú quý của thế gian để đi xuất gia, còn kẻ hạ tiện như ta thì có cái gì trên cuộc đời nầy để mà lưu luyến? Hay là ta cũng đi tìm Phật để xin được đi tu.
Lòng đã quyết, Ưu Bà Ly không còn chút do dự bèn đem bọc đồ gói trân châu bảo vật treo lên một nhánh cây để mặc ai đi ngang qua nếu thấy được thì lấy về mà xài, còn mình thì đi về hướng tịnh xá Đức Phật.
Nhưng đi được một đoạn đường, Ưu Bà Ly chợt nghĩ đến thân phận hạ tiện của mình thì trong lòng nổi lên niềm bi ai tủi hổ. Ưu Bà Ly cầm lòng không đậu bèn ngồi bên đường khóc lóc và tự nhủ:
– Ta làm gì có tư cách để xuất gia? Các vị ấy là vương tôn công tử còn ta chỉ là bần dân nô bộc thì làm sao dám sánh ngang hàng xuất gia với vương tôn?
Ưu Bà Ly than thở oán trách cho thế gian không công bình và giận cho số phận mình không may. Trong lúc Ưu Bà Ly vừa buồn vừa khóc như vậy thì ở bên tai có người hỏi:
– Có chuyện gì mà anh khóc lóc buồn thảm như vậy?
Ưu Bà Ly ngó lên thấy tôn giả Xá Lợi Phất thì vội chùi nước mắt và quỳ xuống thưa:
– Bạch tôn giả! Ngài là đệ tử của Đức Phật, khi ngài theo Phật về hoàng cung con có được biết ngài. Xin thỉnh ý ngài, một người dòng Thủ Đà La như con không biết có được theo Phật xuất gia làm đệ tử hay không? Con đã mạo muội vọng tưởng như vậy, thật quá quắt, xin tôn giả từ bi chỉ bảo.
Xá Lợi Phất hỏi lại:
– Anh tên gì?
– Con tên Ưu Bà Ly.
Tôn giả bèn nhớ lại khi trước có chú thợ cạo của Đức Phật đã nhập tứ thiền, nên tôn giả nói:
– Giáo pháp của Đức Phật rất tự do bình đẳng, không kể người trí hay người ngu, không phân chia nghề nghiệp sang hèn mà chỉ cần có khả năng giữ gìn giới luật thì ai ai cũng có thể làm đệ tử của Phật. Phật dạy ai cũng có thể xuất gia và ai cũng có thể chứng quả vô thượng chánh giác. Anh hãy theo ta, Đức Thế Tôn nhất định sẽ hoan hỷ thâu nhận anh làm đệ tử xuất gia.
Ưu Bà Ly nghe nói thì hết sức mừng rỡ nên theo sau tôn giả Xá Lợi Phất về bái kiến Đức Phật. Đức Phật cũng hoan hỷ làm lễ thế độ cho Ưu Bà Ly và trao luôn cụ túc giới. Đức Phật dạy Ưu Bà Ly rằng:
– Ông rất có thiện căn, ta biết ông sau nầy nhất định sẽ tuyên dương chánh pháp của ta. Trước khi ông đến đây, các vương tử đã đến xin ta làm lễ thế độ. Tuy ta đã thâu nhận họ làm đệ tử nhưng phải gia hạn cho họ tu tập trong bảy ngày. Đợi cho họ quên được tập khí vương tử rồi và chỉ còn nhận thức là đệ tử của ta thôi thì ta sẽ làm lễ cho họ, lúc đó họ sẽ dùng lễ độ ra mắt ông.
Ưu Bà Ly cảm động đến rơi lệ. Tuy ngày trước đã có dịp cạo tóc cho Đức Phật, nhưng không ngờ đức từ bi của Ngài cao rộng như thế. Ưu Bà Ly tự nguyện cố gắng siêng năng tu tập và sẽ luôn luôn theo Phật học tập để khỏi phụ lòng từ bi của Đức Thế Tôn.
Bảy ngày sau, Đức Phật cho gọi bảy vị vương tử ra mắt đại chúng. Ở giữa đông đảo huynh đệ thì họ bất ngờ khi nhìn thấy tỳ kheo Ưu Bà Ly. Họ kinh ngạc và do dự không biết phải gọi Ưu Bà Ly như thế nào cho đúng. Lúc ấy Đức Phật nghiêm nghị bảo:
– Các ông do dự điều gì? Trong pháp xuất gia học đạo việc trước nhất là hàng phục tâm kiêu mạn. Ta đã cho Ưu Bà Ly xuất gia trước, thọ giới trước thì các ông phải đảnh lễ thầy ấy chớ còn sao nữa.
Bạt Đề và toàn thể bảy vị nghe lời Phật dạy đều khiêm tốn cúi đầu đảnh lễ Ưu Bà Ly. Đối với họ thì cảm thấy tín tâm xuất gia càng thêm mạnh mẽ, nhưng Ưu Bà Ly thì cảm thấy lúng túng không an. Phật dạy rằng:
– Ưu Bà Ly! Ông cũng nên dùng lễ huynh trưởng mà đối với các ông ấy.
Ưu Bà Ly hết cả e ngại, cảm động quá chỉ còn biết đảnh lễ Đức Phật.
Một người là kẻ nô lệ hạ tiện đã từng phục dịch cho những vương tôn công tử nầy mà nay ở trong Phật pháp lại được lãnh thọ sự đối đãi ngang hàng. Đây quả thật là việc chưa từng xảy ra trong một xã hội nặng nề giai cấp như Ấn Độ. Chính Đức Phật đã san bằng những sự bất công trong xã hội và khuyến khích mọi người có cùng cơ hội để hướng thiện và hướng thượng bằng cách phát huy tinh tấn trí tuệ của mình.
Việc Ưu Bà Ly xuất gia khiến cho pháp chế của Đức Phật dần dần được thực hiện. Thật vậy trong tăng đoàn không có sự phân chia chủng tộc và giai cấp cho nên về sau Ưu Bà Ly được chứng thánh quả thật không phụ ân huệ từ bi của Đức Thế Tôn.
Phật Nói Tiền Kiếp Ưu Bà Ly
Ưu Bà Ly xuất gia không bao lâu thì đã tinh tấn tu đạo và khai ngộ. Tính ra tôn giả xuất gia chưa được một năm mà đã chứng được thánh quả và trở thành một bậc thượng thủ trong tăng đoàn với sự tôn kính của hai chúng tại gia và xuất gia. Việc Ưu Bà Ly trở thành A La Hán làm cho nhiều người kinh ngạc, một người dòng Thủ Đà La thấp hèn mà căn cơ mẫn nhuệ đến như vậy chẳng những làm rạng rỡ cho dòng Thủ Đà La thấp hèn mà càng làm vẻ vang cho tinh thần bình đẳng của Phật giáo.
Nhân dịp nầy, Đức Phật đặc biệt nói đến một đoạn tiền kiếp của Ưu Bà Ly.
Về thời quá khứ, có hai người bạn đều sanh trong nhà bần cùng, tuy vậy cả hai đều không quên làm việc thiện như bố thí và cúng dường. Do nhân duyên công đức ấy về sau họ tái sanh, một người làm quốc vương tên là Phạm Đức, còn người kia sanh trong một gia đình Bà La Môn cao quý tên là Ưu Bà Già. Ưu Bà Già kết hôn với một tiểu thơ cành vàng lá ngọc và hết lòng thương yêu ông ta. Mặc dầu có vợ xinh đẹp như thế, nhưng Ưu Bà Già lại có máu lăng nhăng với những cô gái khác. Bị vợ bắt gặp, khiến bà ta hờn giận, nằm lăn khóc ba bốn ngày và chẳng còn muốn nói chuyện với ông ta.
Cô vợ trẻ đa nghi hung dữ làm cho Ưu Bà Già rầu rĩ không thôi. Cho đến một hôm, nhân dịp mùa hạ sắp sang, cô vợ bấy lâu nay không nói chuyện, bỗng nhiên nói với Ưu Bà Già:
– Bữa nay phu quân hãy ra phố mua ít hoa tươi về trang hoàng trong căn phòng của chúng ta nhé.
Ông chồng đa tình nghe vợ nói mấy lời thì rất vui mừng nên lập tức ra chợ tìm hoa tươi. Mua xong khi về giữa đường gặp lúc trời trưa nóng bức, nhưng tâm tình ông ta rất cao hứng vì được giảng hòa với vợ nên ông ta vừa đi vừa lớn tiếng hát vang.
Lúc ấy vua Phạm Đức đang ở trong cung, nhân lúc ngẩu hứng bèn lên lầu cao quan sát phong cảnh. Nhà vua thấy Ưu Bà Già vừa đi vừa hát trông rất lạc quan, bèn nổi tánh hiếu kỳ mà cho người gọi đến để hỏi chuyện. Hai người đàm đạo rất tương đắc làm cho nhà vua hết sức hài lòng, bèn phong cho Ưu Bà Già một chức quan lớn trong triều và từ đó rất kính mến Ưu Bà Già.
Ưu Bà Già được vua Phạm Đức tín nhiệm thì uy quyền càng ngày càng lớn cho đến về sau nhân dân chỉ biết có Ưu Bà Già mà không biết có vua Phạm Đức. Càng giàu thì càng tham cho nên một hôm nhân lúc vua Phạm Đức đang ngủ say thì Ưu Bà Già khởi ý định hành thích vua để đoạt ngôi. Đang lúc nuôi âm mưu soán đoạt, bỗng nhiên ông ta giật mình tỉnh ngộ mà thấy rằng lòng tham về danh lợi quyền tước thật đáng ghê sợ. Ông ta đem những niệm ác độc của mình thuật lại cho vua Phạm Đức nghe. Nhà vua càng nghe thì càng khen ngợi lòng trung hậu của ông ta. Sau đó, Ưu Bà Già nguyện từ bỏ địa vị cao sang, gia đình giàu có mà sám hối xuất gia. Ông tu hành không bao lâu thì đạt được thần thông và chứng quả. Trong hoàng cung lúc bấy giờ có người thợ hớt tóc tên là Hằng Già Ba La rất khen ngợi chí xuất gia của Ưu Bà Già nên sanh tâm tùy hỷ và cũng phát nguyện xuất gia làm đệ tử Ưu Bà Già để cố tâm tu đạo và sau cùng cũng đạt được thần thông như thầy vậy.
Hai thầy trò Ưu Bà Già đều trở thành hai bậc thánh và có thần thông ngang nhau. Một hôm, vua Phạm Đức lên núi cúng dường Ưu Bà Già. Sau khi đảnh lễ Ưu Bà Già rồi thì nhà vua nghĩ thầm: Đối với bậc thánh không nên so đo về chỗ xuất thân quá khứ” bèn tự mình làm gương mà hướng về Hằng Già Ba La đảnh lễ. Nhà vua bảo cả trăm quan đại thần cùng đảnh lễ như mình. Tỳ kheo Hằng Già Ba La tuy xuất thân hạ tiện mà do oai lực của Phật pháp khiến ngay cả nhà vua cũng quỳ lạy.
Đức Thế Tôn kể xong câu chuyện thì trân trọng bảo đại chúng:
– Ưu Bà Già thuở ấy chính là thân ta, còn người thợ hớt tóc Hằng Già Ba La nay chính là Ưu Bà Ly vậy.
Đức Phật muốn nhắn nhủ với đại chúng là vì tham quyền mà con người dễ sanh tâm sát hại. Ngay cả tiền thân Đức Phật trong thời kỳ tu nhân thì chính Ngài cũng đã từng nuôi dưỡng ý niệm đó. Còn Ưu Bà Ly tuy là dòng Thủ Đà La mà hiện tại đã được chứng quả thánh, làm bậc thượng thủ trong tăng đoàn và được mọi người kính trọng thì chuyện ấy không phải là lần đầu tiên mà đã có nguyên nhân trong đời quá khứ.
Đức Phật nói pháp rồi khiến tất cả lòng nghi ngờ trong đại chúng đối với Ưu Bà Ly hoàn toàn biến mất.
Đức Nhẫn Nhục
Sau khi chứng ngộ, với bản tánh cẩn thận nên đối với giới điều mà Đức Phật đã chế ra thì tôn giả nhất nhất tuân thủ và không hề vi phạm do đó các bậc tỳ kheo đồng học đều tôn xưng là bậc đệ nhất trì giới.
Về vấn đề nầy, nếu là người chân chính thì họ đối với các bậc trưởng lão nghiêm trì giới luật như Ưu Bà Ly rất cung kính và hoan hỷ cúng dường. Còn người nào không tuân quy cũ và không nghiêm trì giới hạnh thì lại không thích người trì giới. Đây cũng là chuyện tự nhiên mà thôi. Do đó, trong tăng đoàn cũng có một số người không mấy ưa thích Ưu Bà Ly, thậm chí họ còn phê bình nặng nhẹ tôn giả là khác.
Một hôm, tôn giả Ưu Bà Ly cùng một nhóm các tỳ kheo trì giới đi du hóa các nơi để hoàng dương đạo pháp và đề cao tinh thần trì giới. Tôn giả đến đâu cũng được mọi người nghinh đón, nhưng ngược lại có một số tỳ kheo khi nghe tin tôn giả đến thì chẳng vui chút nào. Họ bàn luận với nhau:
– Hôm nay tỳ kheo trì giới Ưu Bà Ly đến đây . Lão mà tới nhất định sẽ có chuyện dạy dỗ chúng ta chuyện gì nên làm, chuyện gì không được làm khiến cho chúng ta thêm nghi ngại mà thôi. Chúng ta nên tìm cách cản trở lão ấy đừng cho ghé đây.
– Lão ta đến thì mình đóng cửa lại và đem tọa cụ ra treo ngoài cửa đừng thèm hỏi han gì lão. Tỳ kheo khác đáp.
– Cần gì phải bận tâm thế. Nếu lão vừa tới thì ta bỏ đi nơi khác.
Ưu Bà Ly vẫn thường gặp tình cảnh như thế nên trong lòng hối hận, không muốn đi ra ngoài hoằng pháp, nhưng Đức Phật lại thường cổ động tôn giả nên ngài khó chối từ.
Một hôm nọ có tỳ kheo ni Thâu Lan Nan Đà tự nhiên đến mắng ngay tôn giả Ưu Bà Ly:
– Ông không phải là người chân tu. Ông chuyên môn ưa gây sóng gió vậy chớ tại sao ông cứ theo hỏi Đức Phật là chuyện nầy nên làm còn chuyện kia thì không khiến cho cuộc sống của chúng tôi càng thêm khổ sở rối ren?
Gặp những cảnh như vậy, Ưu Bà Ly chỉ dùng đức nhẫn nhục để giữ tâm thanh tịnh mà không trả lời qua lại hay phân bua hơn thiệt. Thật vậy, một vị tỳ kheo giữ giới nghiêm minh thì người tu đạo chân chính sẽ rất hoan nghinh, còn đối với kẻ tu giả dối thì dĩ nhiên là không ưa không thích.
Đức Phật rất lưu tâm đến tôn giả nên mỗi khi gặp các tỳ kheo đi hoằng hóa các nơi trở về thì Ngài đều thăm hỏi:
– Các ông có gặp tỳ kheo Ưu Bà Ly không?
– Bạch Thế Tôn! Con có gặp, tôn giả đang giáo hóa nơi đó.
Phật lại hỏi:
– Tại nơi ông ấy đi ngang, mọi người có cung kính cúng dường không?
– Bạch Thế Tôn! Có những địa phương chẳng đủ lễ đối với tôn giả. Đối với chúng tại gia thì không biết tôn giả là bậc trì giới, còn tỳ kheo xuất gia thì chẳng muốn gặp tôn giả, thậm chí còn có tỳ kheo ni nổi sân mắng chửi nữa.
Đức Phật hoài nghi hỏi:
– Như thế là làm sao?
Tỳ kheo kia thật tình thưa:
– Tại vì mọi người thấy rằng sống chung với một tỳ kheo trì giới thật là bất tiện.
Đức Phật nghe xong không vui liền triệu tập các tỳ kheo để dạy bảo rằng giới luật rất đáng tôn quý và người giữ trì giới như ngọn đèn sáng vậy. Người có phẩm hạnh đoan chánh và thân tâm thanh tịnh tự nhiên ưa thích chỗ sáng lạn, còn những ai thích làm điều quấy phá ám muội mới không ưa ánh sáng và thích chỗ tối tăm.
Đức Phật cho người mời các tỳ kheo và tỳ kheo ni Thâu Lan Nan Đà đã vô lễ với Ưu Bà Ly đến. Ngài hỏi rằng:
– Các ông cự tuyệt Ưu Bà Ly, tránh mặt không gặp và sân si ác khẩu mắng chửi ông ấy, thật có như vậy chăng?
Những người nầy không dám nói dối đối với Phật, nên chỉ biết chấp nhận:
– Bạch Thế Tôn! Dạ phải, chúng con quả thật có vô lễ với tôn giả.
Đức Phật nghiêm nghị quở trách:
– Các ông thật là ngu si! Không cung kính tỳ kheo trì giới thì còn ai đáng cung kính hơn? Giới là thầy của các ông, giới ở nơi nào thì pháp ở nơi đó. Giới còn thì pháp còn mà các ông không cung kính tỳ kheo trì giới chứng tỏ các ông có ý đồ phi pháp.
Vì quý mến Ưu Bà Ly mà Đức Thế Tôn quở trách nặng nề các tỳ kheo, tỳ kheo ni như thế thì đủ biết tôn giả Ưu Bà Ly đã có địa vị trọng yếu trong tăng đoàn của Đức Phật đến đâu.
Trong tăng đoàn, người y pháp tu hành chứng quả rất nhiều mà người phạm giới cũng không ít. Về phía tỳ kheo thì có các ông Ca Lưu Đà Di, Đề Bà Đạt Đa… và phía tỳ kheo ni thì có Tu Ma, Bà Phả, Thâu Lan Nan Đà… đều hay phạm giới. Hạnh ác của họ thường làm Phật phiền lòng. Vì thế Ngài thường khuyên mọi người nên lấy tôn giả Ưu Bà Ly làm tấm gương sáng mà tu hành. Tăng đoàn vốn thanh tịnh và hòa hợp, nhưng các tỳ kheo tánh xấu thì rất khó mà sửa đổi. Đôi khi họ còn gây ra những cảnh kình địch phi pháp. Thầy nầy không nhường thầy kia làm đôi bên hiềm khích mà ảnh hưởng đến sự tu hành của đại chúng và dĩ nhiên ảnh hưởng nặng nề đến thanh danh của Phật giáo.
Mỗi khi ở nơi nào có tỳ kheo hay tỳ kheo ni khởi sự tranh cãi thì Đức Phật phải cử một vị trưởng lão đến đó giải hòa phân xử. Người có đủ tư cách làm việc nầy không nhất thiết phải là bậc danh cao đức trọng mà cần yếu là có thể phân minh phải trái và có tài cầm cân công bình là được.
Mỗi khi có sự tranh cãi ở đâu, Đức Phật đều sai tôn giả Ưu Bà Ly đến phân xử. Những việc gây gổ ở nước Câu Diệm Di và ở nước Sa Kỳ thì Ưu Bà Ly đã từng làm sứ giả hòa bình như nắng xuân ôn hòa chiếu đến nơi nào thì những khối băng tuyết giá lạnh lẽo tự nhiên tan chảy.
Ưu Bà Ly thường theo Phật nên tôn giả thường xuyên ở tại thành Xá Vệ vì thế các tỳ kheo nơi đây rất hòa hợp. Ưu Bà Ly hiểu ý Phật cho nên mỗi khi vâng lời Phật đi dẹp việc cãi vã, tôn giả có nguyên tắc là không đem việc gây gổ ở chỗ nầy đi nói lại cho chỗ kia. Ý của tôn giả là không đem kẻ xấu nơi đây nói cho người chỗ khác nghe. Nơi nào thị phi nơi ấy biết, tôn giả không thích làm lớn chuyện bất hòa.
Với tư cách hòa chúng như vậy, tôn giả thật xứng đáng là bậc trì giới và là bậc thượng thủ trong tăng đoàn.
Một hôm, đang trong mùa an cư kiết hạ, Đức Phật sai tôn giả đến nước Sa Kỳ dẹp một nhóm gây lộn. Ưu Bà Ly từ chối không đi, Đức Phật hỏi:
– Vì sao ông không đi?
Ưu Bà Ly biết câu chuyện nầy không dễ nên ngoài Đức Phật giải hòa thì không ai kham nổi. Tôn giả chỉ mượn cớ thoái thác:
– Bạch Thế Tôn! Cái y tăng già của con quá dầy, nếu như đi đường gặp mưa ướt không khô, mà mang thêm một y nữa thì không hợp pháp. Xin Đức Thế Tôn từ bi phen nầy đừng sai con đi được không?
Phật nghe xong, suy nghĩ giây lát rồi lại hỏi:
– Ông đi phen nầy mấy hôm trở về?
– Bạch Thế tôn! Nếu như con phải đi thì từ Xá Vệ đến nước Sa Kỳ mất hai ngày, ở đó hai ngày rồi trở về cũng mất hai ngày. Như vậy chuyến đi về phải mất sáu ngày.
Đức Phật gật đầu nói:
– Từ nay về sau, trong thời gian an cư, tỳ kheo giữ trong người hai cái y và được phép trong sáu ngày không phạm.
Vì muốn Ưu Bà Ly đi điều tra việc gây gổ mà Đức Phật đã sửa đổi giới điều. Chẳng phải Đức Thế Tôn đem pháp luật chìu theo người mà vì Ưu Bà Ly đã có địa vị rất trọng yếu đối với Phật pháp.
Đức Phật sai Ưu Bà Ly đi điều tra chuyện gây gổ và dẹp tranh cãi. Phật cũng thường bảo Ưu Bà Ly nên làm phép yết ma sám hối cho họ. Do đó mọi trường hợp gây gổ dần dần biến mất. Quả thật tôn giả là một vị trưởng lão hòa bình khéo léo nhất.
Vài Điều Giới Luật Mới
Trong chủng tộc Thích Ca của cung thành Ca Tỳ La Vệ có quy định về luật hôn phối như sau: nếu người phụ nữ dòng họ Thích thì không được phép kết hôn với người ngoài họ Thích, nếu bất tuân sẽ bị tội nặng. Lúc bất giờ có cô gái tên là Hắc Ly Xa thuộc dòng họ Thích. Cô ta tuổi đang thanh xuân và mặt hoa dáng nguyệt tròn đầy lại bất hạnh chồng chết sớm khiến một đời xuân trẻ gặp cảnh gối chiếc phòng không. Ít lâu sau, có một chàng thanh niên thuộc dòng họ khác đến cầu hôn, Hắc Ly Xa thuận lòng ưng chịu, nhưng gặp tên em chồng cản trở muốn chiếm chị dâu làm vợ mình. Tên nầy phẩm hạnh chẳng ra gì, mặc dầu Hắc Ly Xa đã nhiều phen cự tuyệt không chịu lấy hắn khiến hắn nổi giận mà thề rằng:
– Nếu cô có tình ý riêng thì ta sẽ giết cô.
Hắn ta bỏ thuốc mê vào trong rượu khiến Hắc Ly Xa uống nhằm say bất tỉnh. Thừa lúc cô ta bị hôn mê, hắn đánh đập cô ta đến thương tích cùng mình rồi mới báo cáo:
– Cô nầy là vợ tôi và cô ta tư thông với người khác họ.
Khi Hắc Ly Xa tỉnh dậy thì có miệng mà nói chẳng nên lời vì phải mang trọng tội. Theo pháp luật thì cô phải bị án tử hình. Thừa lúc người lính gác lơ là, cô lén chạy trốn đến thành Xá Vệ, quy y theo Phật và trở thành tỳ kheo ni. Vua quan dòng Thích Ca bèn tức tốc biên thơ cho vua Ba Tư Nặc:
– Nước chúng tôi có một nữ tội nhân đã phạm quốc pháp, nghe tin cô ta đang đào tỵ ở quý quốc. Chúng tôi mong rằng quý quốc giao trả nữ tội phạm ấy lại cho nước chúng tôi và sau nầy nếu có tội phạm của quý quốc trốn sang nước chúng tôi thì chúng tôi cũng sẽ giao lại cho quý quốc xử lý.
Vua Ba Tư Nặc xem thư xong, hỏi các quan:
– Hắc Ly Xa thiệt có trốn đến nước ta không?
Các quan thưa:
– Khải bẩm đại vương! Hắc Ly Xa quả thật đang trốn tại nước ta, nhưng cô ấy đã theo các tỳ kheo ni xuất gia. Đại vương đã ban lịnh từ trước nếu ai phạm đến tỳ kheo, tỳ kheo ni sẽ bị tội nặng. Hiện tại cô ta đã xuất gia thì đâu có ai dám làm gì được, xin thỉnh ý đại vương, phải dùng biện pháp gì đây?
Vua Ba Tư Nặc suy nghĩ đôi ba phen, rồi biên thư phúc đáp:
– Hắc Ly Xa quả thật có trốn bên nước tôi, nhưng hiện nay đã xuất gia nên không thể truy tội. Nếu như việc khác sẽ xin như lời quý quốc.
Vua quan dòng Thích Ca đọc thơ hồi âm thì bừng bừng tức giận. Có một nữ nhân mà không trừng trị được thì quốc pháp dùng vào đâu?
Vì một nữ phạm nhân xuất gia khiến cho hai nước gây mầm hiềm khích, tôn giả Ưu Bà Ly biết được việc ấy bèn thỉnh ý Phật:
– Bạch Thế Tôn! Người đã phạm quốc pháp chúng ta có thể thâu nhập cho xuất gia không?
Phật dạy rằng:
– Nầy Ưu Bà Ly! quốc pháp hợp lý hay không hợp lý đó là việc của chính phủ và dân chúng. Nếu như đã phạm tội khi chưa tuyên bố ân xá thì tăng đoàn không được làm phép cho xuất gia.
Vị tỳ kheo ni thâu nhận Hắc Ly Xa bị Đức Thế Tôn quở trách một phen. Điều đó không phải Đức Phật thiếu lòng từ bi, không cứu tội nhân, nhưng vì tăng đoàn thanh tịnh cho đến phạm giới luật còn bị trừng trị thì phạm pháp quốc gia tất phải chịu luật nước xử trị. Phật pháp không che chở cho tội nhân nhưng vì muốn kiện toàn tăng đoàn để cho giới pháp không xúc phạm quốc pháp, tôn giả Ưu Bà Ly đã bàn luận vấn đề nầy với Phật.
Ưu Bà Ly lại có khi thưa hỏi Đức Phật về việc thế gian :
– Bạch Thế Tôn! Tỳ kheo hay tỳ kheo ni có được làm mai mối cho nam nữ không?
Phật dạy:
– Này Ưu Bà Ly! Nếu tỳ kheo, tỳ kheo ni đem tâm tình người nam ngỏ với người nữ, hoặc đem ý người nữ nói với người nam, cho đến giới thiệu giao bôi một lần sẽ phạm tăng già bà thi sa, cần phải sám hối.
Ưu Bà Ly lại bạch với Phật: – Bạch Thế Tôn! Các tỳ kheo, tỳ kheo ni trong tăng đoàn đối với việc hôn lễ của tín đồ tại gia thì phải có thái độ như thế nào cho đúng?
Phật dạy:
– Đối với bậc tu hành thì không nên lưu tâm về vấn đề nầy.
Giới là ý nghĩa phòng phi chỉ ác, vốn là khuôn phép cho thân tâm mà vấn đề nam nữ rất dễ gây rắc rối và dễ đem lại phiền não bất an. Tôn giả Ưu Bà Ly đã quan tâm đến việc nầy vì trong giới luật đã liên quan đến việc hạn chế tương giao nam nữ rất nhiều.
Ưu Bà Ly đứng trên lập trường trì giới nên lúc nào cũng quan tâm đến vấn đề pháp chế, vấn đề nam nữ…nhưng tôn giả quan tâm nhất là vấn đề phá tăng và hòa tăng.
Tăng đoàn càng ngày càng lớn và tăng ni đến từ những xuất xứ khác nhau thành thử làm cho mọi người có thể chung sống trong hòa bình thì không phải là chuyện dễ. Bởi vậy cổ nhân có câu: Dỉ hòa vi quý có nghĩa là hòa thuận là tốt nhất. Chính Đức Phật đã hiểu biết hơn ai hết về sự quan trọng của đức tánh nhu hòa trong đời sống tập thể, nên Ngài đã chế ra pháp Lục Hòa cho đệ tử của Ngài áp dụng mà tu hành. Lục Hòa gồm có:
1) Thân hòa đồng trú (thân hòa cùng ở): Khi đã chung sống với nhau dưới một mái chùa, một gia đình, hay hoạt động cùng một tổ chức thì phải hòa thuận với nhau. Không được chia phe chia phái, kết bè kết đảng, ỷ mạnh hiếp yếu để gây ra cảnh nồi da xáo thịt cũng chỉ vì tham dục cá nhân mà ra.
2) Khẩn hòa vô tránh (Lời nói hòa hiệp): là giữ gìn lời nói cho được ôn hòa, nhã nhặn trong mọi trường hợp. Anh em bất hòa, vợ chồng ly tán, cha con không thấy mặt nhau trở thành kẻ thù xa lạ cũng chỉ vì một lời nói không hòa. Có người ăn thua nhau từng câu nói, tìm cách mỉa mai, đâm bị thóc thọc bị gạo để cuối cùng sanh ra ấu đả nhau.
3) Ý hòa đồng duyệt (Ý hòa cùng vui): Trong Phật pháp thì thân khẩu ý là tác động chính để chúng sanh tạo ra mười điều ác nghiệp. Mà ác nghiệp có nghĩa là sa vào tam ác đạo trầm luân khổ sở. Ý thì rất quan trọng bởi vì thân có đánh ai hoặc miệng có chửi người khác thì trước nhất những tư tưởng xấu nầy phải được qua tâm của chúng ta trước, nếu tâm đồng ý thì tay đấm hay miệng chửi. Vậy tâm tức là ý vậy. Muốn tâm ý hòa hiệp thì phải tu hành từ, bi, hỷ , xả. Có nghĩa là phải cố gắng bỏ ra ngoài những sự buồn phiền, hờn giận, không để vào tâm của mình những lỗi lầm của kẻ khác thì tâm hồn sẽ thư thái và vui vẻ.
4) Giới hòa đồng tu (Giới hòa cùng tu): Giới luật là khuôn vàng thướt ngọc cho kẻ tu hành. Người tu hành chân chánh thì không thể giữ giới nầy, bỏ giới kia, hứng thì theo, không hứng thì bỏ, Vì thế, Đức Phật dạy rằng: khi Phật tử đã chung sống với nhau thì triệt để phải cùng nhau tu những giới luật như nhau.
5) Kiến hòa đồng giải (Thấy biết giải bày cho nhau hiểu): Trong sự tu hành nếu có ai khám phá được điều gì hay lạ thì nên chia sẻ với kẻ khác thì sự tu học mới tiến bộ và tránh được sự ích kỷ và phát huy Bồ đề tâm viên mãn.
6) Lợi hòa đồng quân ( Lợi hòa cùng chia cho nhau): Về tài lợi, vật thực, đồ dùng phải phân chia cho đều để cùng nhau thọ dụng, không được chiếm cố làm của riêng cho mình thì lòng tham không sanh.
Cổ nhân có câu: Cảnh giàu sang phú quý trong nhân gian như hạt sương đọng trên cành hoa và công danh vinh hiển trên đời như bọt nước nổi trên mặt biển mà thôi. Thật vậy nếu nhân loại có tinh thần bình đẳng lợi tha, từ bi cứu khổ và trí tuệ soi thấu sự vô thường giả tạm của cuộc đời thì thế giới nầy sẽ bớt đi xung đột và mọi người sẽ sống trong hòa bình hạnh phúc.
Một hôm, Đức Phật đang ở tại thành Xá Vệ, Ưu Bà Ly nghĩ đến vấn đề đoàn kết của chúng tăng nên tôn giả bèn đến chỗ Đức Phật cúi đầu đảnh lễ và thưa rằng:
– Bạch Thế Tôn! Con xin hỏi thế nào là phá hoại tăng đoàn?
Phật dạy:
– Này Ưu Bà Ly! Nếu có vị tỳ kheo hiểu nghĩa lý sâu xa đúng pháp đúng luật thì các đệ tử của vị ấy dù tại gia hay xuất gia đều phải lễ bái, cung kính và tùy thuận theo lời chỉ dạy của vị ấy. Nếu có người khinh thị, đàm tiếu, chê bai, hủy báng đó là phá hoại tăng đoàn. Nếu các tín đồ tại gia đối với chư tăng phân chia nhân ngã, hoặc làm nhiều chuyện rối rắm thì cũng là phá hoại tăng đoàn. Hoặc như quan quân chánh quyền cố dùng quyền thế mà can thiệp vào nội bộ tự viện xua đuổi tăng ni thì cũng gọi là phá hoại tăng đoàn.
Ưu Bà Ly hỏi tiếp:
– Bạch Thế Tôn! Người phá hoại tăng đoàn bị tội ra sao?
Phật lại dạy:
– Ưu Bà Ly! Tội phá hoại tăng đoàn phải đọa địa ngục chịu khổ trong một kiếp.
Kết Tập Tạng Luật
Bình thường tôn giả Ưu Bà Ly giải quyết những rắc rối trong tăng đoàn và sau đó thì làm pháp yết ma sám hối cho các tỳ kheo phạm giới. Vì luôn thường bàn với Đức Phật về những chỗ khó khăn trong giới luật cho nên tôn giả đã trở thành một bậc danh cao đức trọng. Chỉ riêng về phương diện giáo luật thì tôn giả có đầy đủ quyền hạn để thay Phật mà hòa thuận cho tăng đoàn. Chính Đức Phật đã nhiều lần tuyên bố tôn giả là người đệ nhất trì giới và các tỳ kheo trong tăng đoàn cũng công nhận như vậy.
Một đời của Ưu Bà Ly vì là vị tỳ kheo trì giới nên rất ít giao thiệp với kẻ tục và cũng không có những hoạt động ngoài xã hội. GiớI luật được thành lập vì tăng đoàn nên sinh hoạt của Ưu Bà Ly xưa nay cũng không ra ngoài phạm vi của tăng đoàn.
Khi Đức Phật nhập diệt thì tôn giả cũng xấp xỉ 70 tuổi. Các vị đại đệ tử do tôn giả Đại Ca Diếp làm chủ tọa đã đề cử A Nan đọc Kinh tạng, Ưu Bà Ly đọc Luật tạng, nhưng đang khi đại chúng cung thỉnh, tôn giả từ chối:
– Tôi không dám đảm nhiệm trách nhiệm lớn lao đó, xin chư vị hãy mời trưởng lão khác.
Tôn giả Đại Ca Diếp vốn ủng hộ Ưu Bà Ly bèn nói:
– Tôn giả Ưu Bà Ly! Xin đừng khách sáo, tuy hôm nay ngồi tại tòa có 500 người đều là tỳ kheo trưởng lão, nhưng ngay từ ban đầu, Đức Thế Tôn đã thọ ký tôn giả thành tựu được 14 pháp. Trừ Đức Phật ra, trong tăng đoàn Ngài là bậc đệ nhất trì giới do đó Luật tạng hiện tại do tôn giả tụng ra đấy.
Cuối cùng Ưu Bà Ly nhận lời và trước tiên đưa ra nhiều nguyên tắc và yêu cầu đại chúng tuân theo, rồi sau mới tụng Luật.
Khi tôn giả lên tòa, mỗi mỗi đều nói rõ giới nầy Phật nói từ lúc nào, ở đâu, nói với người nào, do nhân duyên gì mà chế giới và nếu phạm giới ấy có tội hoặc không có tội ra sao. Các vị trưởng lão tham gia cuộc kết tập đều phục sát đất sự ghi nhớ tỉ mỉ của tôn giả.
Một vị xuất thân từ dòng hạ tiện, lại có địa vị cao lớn như thế trong tăng đoàn thì thật không phải là chuyện ngẫu nhiên mà có. Thật vậy, tôn giả là tấm gương sáng cho mọi người vì chỉ có Phật giáo và lòng từ bi của Đức Phật đã phá tan sự bất công trong xã hội và đưa tất cả mọi người đến Thánh quả nếu họ chuyên tâm chân chánh tu hành. Tôn giả đã được mọi người kính ngưỡng bái phục chẳng những ngay thời Đức Phật còn tại thế mà còn mãi cho muôn đời sau khiến ánh sáng bình đẳng của Phật giáo chiếu sáng ngàn vạn đời cho tất cả chúng sinh.
Hồi Hướng:
Chúng sanh vô-biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô-tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô-lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô-thượng thệ nguyện thành.
Lê Sỹ Minh Tùng