Pháp sư Viên Anh có nói mấy câu rất quan trọng: “Nếu người niệm Phật kiêm tu phước huệ và có tịnh nguyện, lâm chung, tự nhiên tâm chẳng điên đảo, tâm quy hướng Tịnh Độ”. Ngài tự xưng là chủ nhân của Tam Cầu Đường. Tam Cầu là cầu Phước, cầu Huệ, cầu sanh Tịnh Độ. “Cầu Phước và cầu Huệ giúp cầu sanh Tịnh Độ, cao chứng thượng phẩm”.
Mấy câu này chính là pháp sư Viên Anh hiện thân thuyết pháp. Cả đời Ngài chú trọng kinh Lăng Nghiêm, nhưng hành trì Di Đà. Lúc ban đầu, Ngài nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm, đến cuối cùng tâm quy hướng Tịnh Độ. Gian nhà Ngài ở được gọi là Tam Cầu Đường (ngôi nhà có ba chuyện mong cầu). Phần trước của cuốn Yếu Giải Giảng Nghĩa có ảnh của Ngài, và một đôi liễn: “Cầu Phước, cầu Huệ, cầu sanh Tịnh độ”, ba điều mong cầu. Giống như trong kinh Di Đà đã nói: “Không thể dùng ít thiện căn, phước đức, nhân duyên để được sanh cõi ấy”, cùng một ý nghĩa.
Người niệm Phật phải kiêm tu phước huệ. Phước là gì? Huệ là gì? Chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Tâm thanh tịnh là Phước, trong tâm chúng ta có rất nhiều vướng bận, đó không phải là phước. Do vậy, chúng ta phải biết phước báo không phải là ngũ dục, lục trần, chẳng phải là “tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ”, những thứ ấy chẳng thể nào mang theo, chỉ gây thêm rắc rối cho chúng ta, chẳng đem lại ích lợi gì cả.
Do vậy, trong kinh đức Phật dạy: “Tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ là năm cội rễ của địa ngục”, chẳng phải là chuyện tốt, nhất định phải giác ngộ. Phước báo là thân tâm thanh tịnh, tại sao? Được vậy thì tâm chúng ta mới không điên đảo. Tâm hiện nay không điên đảo, lúc lâm chung tâm cũng sẽ không điên đảo. Huệ là gì? Huệ là có thể nhìn thấu, Phước là có thể buông xuống. Nhìn thấu buông xuống là phước huệ. Tịnh Nguyện là có đầy đủ Tín Nguyện Hạnh, đầy đủ tam tư lương.
Chúng ta đừng thấy hai chữ Phước Huệ liền nghĩ Phước là phước báo, tiền bạc của cải nhiều là có phước báo; Huệ là thông minh, vậy thì chúng ta phải học nhiều thứ, nghĩ vậy là hoàn toàn sai lầm. Thật ra, Phước là buông xuống, buông xuống liền có phước, nhìn thấu liền có Huệ, đó là Phước Huệ thật sự. Đích thực có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề lớn, vấn đề lớn là vấn đề đời đời kiếp kiếp chưa từng giải quyết xong. Đời này chúng ta có thể giải quyết, do vậy, phước huệ đó không thể nghĩ bàn! Người đó sẽ được tự tại, hạnh phúc, hưởng thụ, tức là thân tâm thanh tịnh, thân tâm vô sự là người có phước huệ hạng nhất trong thế gian và xuất thế gian. Lão pháp sư Viên Anh làm gương, thị hiện cho chúng ta.
Lúc chúng ta niệm Phật phải nhớ rõ “tâm như Phật”, nghĩa là tâm của chúng ta giống như tâm Phật. Tâm Phật là tâm như thế nào? Đó là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ, giác mà không mê. Cho nên lúc chúng ta niệm Phật, tâm chúng ta phải thanh tịnh, phải bình đẳng, phải giống như tâm Phật, thân tâm và thế giới thảy đều buông xuống. Các pháp thế gian hết thảy tùy duyên là được rồi, đừng phan duyên. Vì phan duyên tâm sẽ chẳng thanh tịnh, sẽ chẳng bình đẳng. Chuyện tốt chẳng bằng không có chuyện gì xảy ra, phải ghi nhớ câu này.
Chuyện tốt nhất trong thế gian là có công phu niệm Phật, thật sự có thể buông xuống hết thảy thân tâm thế giới, chắc thật niệm câu A Di Đà Phật này. Người như vậy là người làm chuyện tốt mỗi ngày, làm chuyện tốt hạng nhất. Cũng tức là buông xuống hết thảy vạn duyên, cầu sanh Tịnh Độ, chuyên niệm A Di Đà Phật, đó gọi là thật sự giác ngộ. “Nhìn thấu, buông xuống” là tu phước huệ hạng nhất. Cho nên tâm phải giống như tâm Phật, nguyện phải giống như nguyện của Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật!
HT Tịnh Không (Trích Nhìn thấu là trí huệ chân thật)