“Ngô nhân quả năng y giáo tu hành, dĩ chân tín, thiết nguyện, đản niệm Di Đà, tắc vô luận thời chi cửu cận” (Chúng ta thật sự có thể tu hành đúng như lời dạy, dùng lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, chỉ niệm Di Đà, ắt chẳng cần bàn tới thời gian [niệm Phật] đã lâu hay mới đây). “Cửu” (久) là quý vị niệm Phật trong một thời gian dài. “Cận” (近) là quý vị niệm Phật trong một thời gian ngắn, thậm chí khi lâm chung mới bắt đầu niệm Phật vẫn chẳng trễ. “Công chi thiển thâm” (Công phu sâu hay cạn), “công” (功) là nói tới công phu. Công phu là nói về mức độ khuất phục phiền não, tâm địa thanh tịnh. “Lâm mạng chung thời, quyết định vãng sanh. Vô khả nghi giả” (Lúc lâm chung, chắc chắn vãng sanh, chẳng thể nghi ngờ). Đến đây là một đoạn, đều nhằm khuyên chúng ta phải nghiêm túc tu học pháp môn này.
Tiếp theo rất trọng yếu: “Như kỳ tín bất chân, nguyện bất thiết, niệm bất chuyên giả, bất danh đản niệm” (Nếu tín chẳng chân thật, nguyện chẳng thiết tha, niệm chẳng chuyên thì chẳng gọi là “chỉ niệm”). Đó chẳng gọi là “đản niệm” (但念). “Đản niệm” là chuyên niệm. Kinh Vô Lượng Thọ nói “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Câu “chuyên niệm” trong kinh Vô Lượng Thọ chính là “đản niệm” được nói ở đây. Như thế sẽ không gọi là “nhất hướng chuyên niệm”. “Nãi danh tạp niệm” (Mà gọi là tạp niệm); chẳng phải là chuyên niệm, mà là tạp niệm. “Tuy khẳng niệm Phật, nan trăn thật ích” (Tuy chịu niệm Phật, khó đạt được lợi ích thật sự). Tuy niệm Phật, không dễ gì đạt được lợi ích chân thật do niệm Phật. Lợi ích chân thật là gì? Vãng sanh trong đời này, đó là lợi ích chân chánh. Đời này chẳng thể vãng sanh, sẽ chẳng đạt lợi ích chân thật. “Sở dĩ niệm Phật nhân đa, vãng sanh giả thiểu nhĩ” (Do đó, người niệm Phật đông, người vãng sanh ít ỏi). Đạo lý ở ngay chỗ này. Ở đây, đại sư đã giảng rất rõ ràng, minh bạch.
Lão pháp sư tuy là tổ sư bên Thiên Thai Tông, nhưng Ngài niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Trong hội của Ngài, người niệm Phật vãng sanh, biết trước lúc mất rất nhiều. Trước kia, chúng ta đã nghe lão pháp sư Đàm Hư kể: Ngài Đế Nhàn có một học trò, tức là đồ đệ, không biết chữ, chưa từng nghe kinh, chưa hề nghe Phật pháp. Ông ta theo lão nhân gia xuất gia, Sư dạy ông ta một câu Nam-mô A Di Đà Phật. Sư bảo: “Ông cứ niệm mãi một câu Phật hiệu ấy. Hễ niệm đã mệt bèn nghỉ ngơi. Nghỉ khỏe rồi bèn niệm tiếp, tương lai nhất định có lợi”. Nói thật ra, người học trò ấy hết sức thật thà, tuân theo lời thầy dạy một trăm phần trăm. Ông ta niệm như vậy, hễ niệm đã mệt bèn nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi khỏe khoắn xong lại niệm tiếp. Niệm ba năm, biết trước lúc mất, đứng vãng sanh. Sau khi vãng sanh, còn đứng sững suốt ba ngày, chờ sư phụ đến lo liệu hậu sự cho mình. Chuyện này chẳng dễ dàng, sau khi vãng sanh còn đứng suốt ba ngày! Vị này là học trò của lão pháp sư Đế Nhàn. Vì lẽ đó, chuyện này ngàn vạn phần chân xác. Bản chú giải này của lão hòa thượng là công phu tu chứng chân thật của Ngài, tuyệt đối chẳng có một câu nào là vọng ngữ, chúng ta hãy nên y giáo phụng hành.
( Lược trích: Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa: Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không – Tập 1 )