Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai.” “Đức” là chỉ năng lực, tài nghệ, kỹ thuật mà hiện tại chúng ta nói; “Tướng” là tướng hảo, chính là phước báu. Tất cả chúng sanh đều là trí tuệ viên mãn, đức năng viên mãn, phước báu viên mãn. Nói một cách khác, toàn tri toàn năng, “vô pháp bất tri, vô pháp bất kiến”, là năng lực của tất cả chúng sanh mà mỗi người đều đầy đủ.
Làm sao khai phá tự tánh bổn cụ những bảo tạng này của chúng ta? Chư Phật Như Lai đều dùng phương pháp giới định tuệ, tức là nói, tam học giới định tuệ có thể khai phá trí tuệ, đức tướng, tướng hảo của tự tánh của chúng ta. Tịnh tông càng vi diệu, đem giới định tuệ tập trung ở trong một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, câu Phật hiệu này hội tụ đầy đủ sự viên mãn của giới định tuệ, vả lại phương pháp này ai ai cũng có thể dùng.
Tam học giới định tuệ, thực tại nói chính là cuộc sống của chính mình, từ sáng đến tối, đối người, tiếp vật, xử việc chính là giới định tuệ. Trên nguyên tắc thế pháp, Phật pháp không phải là hai, học “giới” là học thủ pháp, giữ quy tắc, Phật pháp thường nói là “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” tám chữ này bao hàm hết tất cả giới pháp. Cụ thể mà nói, ở Trung Quốc, Tổ sư Đại đức dạy cho chúng ta phải nội tu ngũ đức, ngoại tu lục hòa. Ngũ đức là ôn lương cung kiệm nhượng, ôn hòa, thiện lương, cung thận (cung kính thận trọng, bất luận làm việc gì cũng cẩn thận dè dặt, đây chính là cung kính), tiết kiệm và nhường nhịn.
Lục hòa chỉ lục hòa kính, tức thân hòa kính, khẩu hòa kính, ý hòa kính, giới hòa kính, kiến hòa kính, lợi hòa kính. Ý nghĩa của hòa kính là phải ngoại đồng tha thiện, nội tự khiêm ti. Vì vậy nội dưỡng ngũ đức, ngoại tu lục hòa. “Định” là trong tâm có nắm bắt, không tán loạn. Nhất tâm hướng A Di Đà Phật Thế giới Tây Phương Cực Lạc, tức tâm có định.
“Tuệ” là đối với tất cả cảnh giới bên ngoài rõ ràng, tường tận, nhưng không bị nó mê hoặc, không chịu ảnh hưởng của nó, cũng chính là ngoại bất chiêu tướng, nội bất động tâm. Có thể ngoại bất chiêu tướng, đây là tuệ. Ngoại cảnh thiện cũng tốt, ác cũng tốt, thuận cũng tốt, nghịch cũng tốt, tất cả không liên quan đến ta, ta ở trong cảnh giới này không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng.
Vì vậy, giới định tuệ là hành vi sinh hoạt, từ sớm đến tối mặc áo ăn cơm, cử chỉ và lời nói đều là giới định tuệ. Như vậy, mới hiểu rõ Phật pháp không phải nói suông, không phải huyền học, Phật pháp chính là sinh hoạt, sinh hoạt chính là Phật pháp, chư Phật, Bồ Tát xuất hiện ở thế gian, chính là sinh hoạt như vậy, chính là làm người như vậy, chính là xử thế như vậy. Xét kỹ cả đời lão Hòa thượng Hải Hiền thì biết, cả đời của Ngài chính là thực tiễn của Phật pháp, thực tiễn trong sinh hoạt, thực tiễn trong công việc, thực tiễn trong đối người, tiếp vật, xử thế, thật sự là thỏa thỏa đáng đáng. Các tín đồ đến thăm Ngài, Ngài sẽ khuyên người: “Chăm chỉ niệm Phật, thành Phật là thật, còn lại đều là giả.”
Phật quyết không phải không cho chúng ta tiếp xúc bất cứ thứ gì trong cuộc sống – cái gì chúng ta cũng có thể tiếp xúc, tiếp xúc trong tu hành, tu không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, đây là tu hành, thật sự hiệu nghiệm. Không khởi tâm động niệm, không phân biệt chấp trước, cái định này là linh hoạt; ngồi yên xếp bằng nhập định, cái định đó không khởi tác dụng.
Quốc sư Hiền Thủ đã nói tứ đức, có thể tùy thuận tứ đức này thì gọi là chư Phật, Bồ Tát, trái ngược với tứ đức này chính là phàm phu. Đức thứ nhất là “tùy duyên diệu dụng”. Mắt thấy, tai nghe là “tùy duyên”, phàm phu chúng ta vừa tùy duyên thì tùy theo mà sanh phiền não, thì tạo nghiệp luân hồi; Bồ Tát tùy duyên là Ngài nhìn thấy rõ, nghe thấy rõ, nhưng không sanh phiền não, không tạo nghiệp. Vì vậy, không để trong tâm, để trong tâm sanh phiền não; không để trong tâm, cũng chính là thấy sắc, nghe tiếng, ngửi hương, thưởng vị, đều không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, đây chính là “diệu dụng”.
Tu hành chính là tu ở đây, “diệu dụng” này có thể giúp đỡ chúng ta trở về bản tánh, trở về bản tánh chính là chứng được Vô thượng Bồ đề, đây gọi là chân tu hành. Lão Hòa thượng Hải Hiền của chùa Lai Phật, Ngài tu như thế nào? Không để mọi việc trong tâm. Từ sáng đến tối, lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần minh minh bạch bạch, tường tường tận tận, đó là trí tuệ, không để trong tâm đó chính là định công.
– Trích sách: Hải Hội Thánh Hiền Lục (Cuộc đời và sự nghiệp của lão Hòa thượng Hải Hiền)