Kinh Pháp hoa nói:
Ba cõi không an, giống như nhà lửa, các khổ đầy rẫy, thật đáng kinh hãi.
“Ba cõi”: Tức là cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. “Ba cõi không an”, tại sao lại không an?
“Giống như nhà lửa”: Cả tam thiên đại thiên thế giới, giống như căn nhà đang cháy hừng hực, đầy lửa lớn. Chẳng có gì đau khổ hơn khi bị lửa thiêu đốt, cho nên nói:
“Các khổ dầy rẫy, thật đáng kinh hãi”: Đây không phải là nơi an ổn, đầy nỗi sợ hãi, đầy khổ đau.
Cái khổ của cuộc đời, là chúng sanh đều có tham sân si; sân giống như ngọn lửa, tham tợ như biển cả, cho nên Phật Thích-ca nói ba cõi là nhà lửa. Sáu đường là biển khổ, từ địa ngục cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ đều là biển khổ, lửa dữ, thế giới Ta Bà cũng đầy các khổ đau.
Còn thế giới Cực Lạc là thế nào? Kinh A Di Đà nói:
Cõi kia tại sao gọi là Cực Lạc? Chúng sanh trong nước đó, không có các khổ, chỉ thọ hưởng các niềm vui, cho nên gọi là Cực Lạc .
Có thể thấy, Ta Bà đầy rẫy những khổ đau, mà cõi Cực Lạc lại không có các nỗi khổ, hơn nữa chỉ thọ hưởng những niềm vui.
Kinh Pháp hoa nói thật tướng của Ta Bà, thế giới Ta Bà như nhà lửa đang cháy dữ dội, kinh A Di Đà nói thật tướng của thế giới Cực Lạc, một khi được vãng sanh về Tịnh Độ thì lìa hẳn các khổ, không còn khổ vì phần đoạn sanh tử, không còn khổ vì biến dịch sanh tử nữa, chỉ có niềm vui Niết Bàn không sanh không diệt. Có thể biết rằng mục đích của kinh Pháp hoa là quy hướng đến thế giới Cực Lạc.
Pháp Sư Huệ Tịnh – 慧淨法師- Dharma Master Huijing