Tịnh Độ

Sống trong vô thường, đừng để ngũ dục rơi vào tam ác đạo

Sống trong vô thường, đừng để ngũ dục rơi vào tam ác đạo
Học Phật pháp để làm gì?
Sống trong vô thường, đừng để ngũ dục rơi vào tam ác đạo
Trong Kinh Đại Tập có một câu chuyện kể rằng:
Có một người bị phạm tội và bị nhà vua sai người thả hai con voi say để giết người ấy. Người phạm tội đó thấy hai con voi say nên sợ và chạy. Hai con voi say đó truy đuổi, người này chạy vào một cánh đồng thì thấy một cái giếng cạn và nhìn thấy có một sợi dây.
Lúc này anh ta đang rất bí cách nên đã thòng sợi dây xuống giếng và đu xuống.
Khi đu sợi dây xuống giếng, anh ta nghĩ rằng mình đã an toàn nhưng rồi anh nhìn thấy dưới đáy giếng có ba con rồng độc đang phun lửa lên. Anh ta sợ quá nên không dám đu tiếp xuống giếng và nhìn qua hai bên xung quanh giếng thì thấy có bốn con rắn độc đang chuẩn bị phun nọc độc vào anh ta. Anh ta lúc đó rất sợ, tiến cũng không được mà lùi cũng không xong vì đâu đâu xung quanh anh ta đều có hiểm nguy.
Ở trên miệng giếng thì có hai con voi say đang đứng đợi anh ta, dưới đáy giếng thì có ba con rồng độc đang trực phun lửa, xung quanh anh ta thì có bốn con rắn độc đang trực phun nọc độc. Vậy nên anh ta chỉ biết đu sợi dây và giữ im ở một vị trí an toàn để tránh bị trúng nọc độc của rắn hay lửa độc của rồng.
Trong tình thế rất nguy nan thì anh ta lại thấy hai con chuột, một con màu đen và một con màu trắng (hắc bạch chuột). Hai con chuột này đến để cắn sợi dây thừng mà anh đang đu dưới giếng. Người này rất là sợ, vì sợi dây là thứ duy nhất có thể cứu tính mạng anh ta, vậy nếu hai con chuột này mà cắn đứt sợi dây thì anh ta sẽ không sống được nữa. Vậy nên cùng một lúc anh ta phải nắm chặt sợi dây lại phải đuổi hai con chuột, rồi phải né bốn con rắn độc.
Bất chợt lúc đó có một đàn ong vừa đi lấy mật về bay qua cái giếng đó và làm rớt năm giọt mật xuống giếng và rớt trúng miệng người phạm tội đó. Người này thấy vị mật thơm ngon quá nên đã say sưa nếm vị ngọt của mật ong và quên mất rằng đang có rất nhiều hiểm nguy vây xung quanh mình. Vì say sưa nếm vị ngọt của mật, nên quên mất và đã rớt xuống…
Và chúng ta cũng biết được là chuyện gì sẽ xảy ra.
Qua câu chuyện này nói lên điều gì?
Phật nói đây là một câu chuyện ví dụ.
– Người tội phạm trong câu chuyện này chính là chúng ta. Chúng ta là người đã tạo nhiều nghiệp tội trong vô lượng kiếp rồi, bị hai con voi say truy đuổi.
– Hai con voi say ấy biểu tượng cho Sanh và Tử. Sanh và Tử luôn truy đuổi chúng ta, cứ sanh rồi lại tử, tử rồi sanh.
– Cái sợi dây mà thòng xuống giếng chính là biểu tượng cho mạng căn của chúng ta. Chúng ta sống mong manh như sợi dây thừng thả xuống giếng vậy mà thôi.
– Ba con rồng độc phun lửa đó chính là tam độc tham, sân, si.
– Hai con chuột trắng và đen (hắc bạch) tượng trưng cho ngày và đêm, thời gian cấp bách cứ quay vòng liên tục và mạng của chúng ta được gửi trên thời gian ngắn ngủi như vậy.
– Bốn con rắn chính là sắc thân Tứ-đại: đất, nước, gió, lửa. Bốn sắc tứ đại này tạo ra thân chúng ta, rất là vô thường.
– Năm giọt mật của đàn ong tượng trưng cho ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy. Tài là tiền tài, sắc là sắc dục, danh là danh lợi, thực là ăn, thùy là ngủ.
Năm ngũ dục đó khiến cho chúng ta quên mất đi rằng chúng ta đang sống giữa thế gian vô thường như trong thí dụ vừa rồi.
Trong thí dụ vừa rồi người đó sa vào tam ác đạo rớt xuống mất mạng. Vì người đó quên mất đi khi nếm chút ngọt của vị mật, nếm chút vị ngọt của ngũ dục. Chúng ta ham ăn, ham sắc đẹp, tham danh, tham lợi và tham tiền tài, tham ngủ.
Có nhiều người hỏi: ngủ có tội gì không?
– Ngủ có tội, đó là tội làm mê muội tâm.
– Ngủ nhiều làm tâm không sáng suốt.
Chúng ta cứ để ý mà xem, những người có trí huệ là những người ít ngủ. Những người ngủ nhiều là người có tâm không sáng suốt.
Qua ví dụ này Phật nhắc nhở chúng ta:
Chúng ta đang sống trong vô thường, đừng để ngũ dục chi phối mà rơi vào tam ác đạo, tiếp tục bởi nghiệp tham, sân, si gây hại chúng ta.
Cuộc sống này của chúng ta là vô thường. Chúng ta đừng sống hoài sống phí, luống uổng cuộc đời, luôn dành thời gian tu tập, tinh tấn niệm Phật, để thoát bể khổ luân hồi, vãng sanh Tây Phương Cực lạc.
Hãy thường niệm:
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT – 南無阿彌陀佛 – NAMO AMITABHA BUDDHA
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *