Nếu Phật chẳng dạy cô cách này mà [trực tiếp] nói cho cô biết mẹ cô đang ở cõi nào, cô khóc đến chết cũng vô ích. Phật chẳng thể độ mẹ cô, nếu Phật có thể độ thì chúng ta cần gì phải tu hành? Chẳng cần tu hành nữa, tất cả đều được Phật độ, nếu vậy thì Phật mới là đại từ đại bi, [nhưng] Phật chẳng thể độ. Chính cô mới có thể độ cho mẹ cô, nhờ mẹ tạo ra nhân duyên này nên cô mới hết lòng tu hành, chỉ trong một ngày có thể đạt đến nhất tâm bất loạn. Tại sao cô chân thành như vậy? Tinh tấn như vậy? Là vì tâm cứu mẹ của cô thiết tha đến cùng cực, nhờ sức mạnh này thúc đẩy, đạo lý là như vậy, từ đây bạn mới hiểu nguyên lý của sự siêu độ trong nhà Phật là ở chỗ này. Trong sự siêu độ, nếu tâm của người làm việc siêu độ chẳng thật khẩn thiết, tự mình chẳng thể nâng cao cảnh giới của mình, chẳng thể tu hành chứng quả, thì người siêu độ (người quá vãng) này sẽ chẳng thâu được lợi ích gì hết. Cô tu thành Bồ Tát, mẹ cô là mẹ của Bồ Tát, hơn nữa người mẹ này có công rất lớn, giúp cho cô tu thành Bồ Tát, thì mẹ cô đương nhiên sẽ từ địa ngục sanh lên trời, đây là đạo lý tự nhiên.
Hơn nữa mẹ cô làm sao có thể sanh lên trời? Nhất định chẳng do Phật lực, hôm qua [tôi] đã nói với chư vị. Nhờ tăng thượng duyên của mẹ giúp cho cô dũng mãnh tinh tấn, nội trong một ngày có thể thành tựu Niệm Phật Tam Muội, mẹ cô nhờ công đức này nên được sanh lên trời.
Nếu cô chẳng thể dũng mãnh tinh tấn, chẳng đạt được Niệm Phật Tam Muội, thì mẹ cô chẳng được phước lớn như vậy. Phước của mẹ cô lớn hay nhỏ là dựa trên công phu tu trì của cô sâu hay cạn. Lý luận này mới hợp tình, hợp lý, hợp pháp. Thế nên thời xưa khi con cháu đỗ đạt vinh hiển, cha mẹ và tổ tiên của người ấy đều được triều đình phong thưởng; tại sao triều đình phải phong thưởng cha mẹ, tổ tiên? Chúng ta thấy trong lịch sử khi triều đình phong quan, tuy cha mẹ của người ấy chẳng còn tại thế, đã qua đời, đều phong tước vị cho cha mẹ bằng với tước vị của người ấy. Tại sao? Người ấy là hiếu tử, thành tựu của ông ấy là nhờ cha mẹ dạy dỗ, ông ấy vì muốn báo ân cha mẹ nên mới dũng mãnh tinh tấn; cha mẹ, ông bà đối với ông ấy đều là tăng thượng duyên thiện, là đạo lý như vậy nên triều đình mới phong thưởng. Ði khắp nơi trong các cõi nước của chư Phật, hư không pháp giới, đạo lý này đều được hết thảy chúng sanh khẳng định, chân lý vĩnh hằng chẳng thay đổi chính là ở chỗ này. Ðọc kinh này xong chúng ta mới biết làm sao siêu độ, siêu độ sẽ được lợi ích gì, đây là thật chẳng giả.
Kinh Ðịa Tạng là kinh căn bản của Ðại Thừa Phật pháp, thật ra phải giảng kỹ nhưng thời gian có hạn, chúng tôi chỉ giảng hai mươi buổi, bốn mươi giờ, chẳng thể nói kỹ. Tương lai chúng tôi nhất định sẽ tìm thời gian giảng kỹ hơn, đây là pháp căn bản cho sự tu học của chúng ta, nhất định không được coi thường.
(Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
-Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không.
Quyển Thượng Phẩm Thứ Nhất: Thần Thông Trên Cung Trời Đao Lợi – Tập 7–144-145)