“Ứng thân này tức bổn địa thân”, bổn địa thân là gì? Chính là thân khi họ ở thế giới Cực Lạc, pháp thân, báo thân. Họ đến thế gian chúng ta là ứng thân, chúng sanh có cảm, ngài liền đến ứng. “Trí này khó lường”, trí tuệ của ứng thân Như Lai, không có gì khác với pháp thân và báo thân. “Niệm Phật tam muội làm sở trú, trú trong phát thắng diệu trí này”, niệm Phật tam muội không thể nghĩ bàn. Trong kinh điển Thế Tôn thường khen ngợi, “niệm Phật tam muội, vua trong tam muội”. Khen ngợi đến đỉnh điểm, không cách nào cao hơn nữa. Quý vị xem tán thán Phật A Di Đà: “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, đều là khen ngợi đến tột cùng.
Hai câu này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, chúng ta có thể tin, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đại diện tất cả Chư Phật Như Lai nói. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngợi như thế, tất cả Chư Phật không ai không khen ngợi như vậy, nói Phật A Di Đà là: “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Chúng ta đáng quý nhất, là ở trong kinh giáo, khi nghe kinh điển kiến lập tín tâm kiên định không thay đổi. Phải phát nguyện, đời này tôi nhất định được sanh Tịnh độ, vãng sanh được hay không là ở nơi tín nguyện này.
Đại sư Ngẫu Ích nói rất hay, tôi tin rằng đại sư Ngẫu ích cũng là thừa Di Đà nhất như, đến ứng hóa ở chỗ chúng ta. Như vậy có thể giả được sao? Đại sư Ấn Quang đều như vậy, đều trú trong niệm Phật tam muội, “phát thắng diệu trí tuệ”, đều là như vậy. Thắng là thù thắng, diệu là vi diệu, trí tuệ chân thật, không phải tri thức. Bây giờ chúng ta xem câu thừa Di Đà nhất như là oan thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì, gia trì thật, không phải giả. Đây là một đoạn văn trong Chân Giải, chúng ta xem chú thích của Hoàng Niệm Tổ.
“Thích Ca Như Lai chánh giác, là thừa Di Đà nhất như mà lai thành chánh giác, nên cùng một chân như với Di Đà, cũng tức là cùng một pháp thân”. Chúng tôi vừa mới nói cũng là ý này, chúng ta xem tiếp. “Hiện tại hiện đoan tướng ứng thân Phật, thật tức là pháp thân, bổn địa thân Như Lai”. Bổn địa thân nghĩa là pháp thân, pháp thân Như Lai, đây là thân hiện ở thế gian chúng ta. Thực tế mà nói chính là pháp thân, là Phật A Di Đà gia trì. “Nhất như Di Đà trú trong niệm Phật tam muội, do trú trong tam muội này, phát trí tuệ thắng diệu, nên trí tuệ này khó lường”. Tam muội, những khái niệm danh từ này nhất định phải hiểu rõ ràng. Tam muội là dịch âm tiếng Phạn, thông thường dịch là chánh thọ, nghĩa là thọ dụng bình thường. Trái với chánh thọ nghĩa là thọ dụng không bình thường. Thọ dụng không bình thường là sao? Trong kinh Đức Phật nói với chúng ta năm loại: Khổ, lạc, ưu, hỷ, xả đều là không bình thường, gọi là năm loại thọ của phàm phu. Thân có khổ thọ, có lạc thọ; tâm có ưu thọ, có khổ thọ. Xả là gì? Xả là thân tạm thời không có khổ lạc, tâm cũng không có ưu hỷ, đây gọi là xả. Vì sao gọi là xả? Thời gian rất ngắn, chốc lát lại khởi lên, khổ lạc ưu hỷ lại khởi lên. Nếu mãi duy trì được xả thọ, vĩnh viễn trú trong xả thọ, không có khổ lạc ưu hỷ, đó gọi là chánh thọ. Nên chánh thọ chính là thiền định.
Bây giờ Thế Tôn dạy chúng ta, niệm Phật tam muội là chánh thọ. Thân chúng ta lễ Phật, niệm Phật; trong tâm nhớ Phật, trong tâm nghĩ đến Phật. Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai nhất định thấy Phật. Hiện tiền là hiện tại, bây giờ chúng ta đã hiểu, thật sự minh bạch. Niệm này của ta là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà chính là tôi, tôi chính là Phật A Di Đà, điểm này hoàn toàn là sự thật. Người có nhập vào một chút trong cảnh giới Hoa Nghiêm hiểu! Nói với họ, họ gật đầu, thừa nhận. Khi niệm Phật, tâm tôi tức Phật A Di Đà, Phật A Di Đà tức là tâm tôi. Đây gọi là gì? Gọi là tương ưng. Cổ đức nói: một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật. Ta vốn là Phật. Nói với quý vị thân thiết hơn một chút: Chúng ta vốn là Phật A Di Đà. Bây giờ ta niệm Phật A Di Đà, sao ta không phải là Phật A Di Đà? Sao không vãng sanh được? Làm gì có chuyện đó!
Đại sư Ngẫu ích nói: vãng sanh hay không quyết định ở chỗ có tín nguyện hay không. Nói rất hay! Phẩm vị khi đến thế giới Cực Lạc, đó là công phu niệm Phật sâu hay cạn. Thực tế mà nói, công phu sâu cạn là gì? Ở chỗ buông bỏ, đó mới thật sự gọi là công phu sâu cạn. Buông bỏ ít thì công phu cạn, nếu buông bỏ nhiều công phu sẽ sâu, buông bỏ triệt để công phu liền viên mãn.”
Trích từ bài giảng Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 150 do pháp sư Tịnh Không chủ giảng.