Mục đích của giáo dục là gì? Mục đích của giáo dục là dạy chúng ta thân cận thánh hiền. Tập tánh của chúng ta, nếu như thân cận thánh hiền thì người bất tri bất giác cũng liền biến thành thánh hiền. Đó là huân đào của giáo dục. Chúng ta ngày ngày cùng ở chung với Phật, bất tri bất giác liền thành Phật; ngày ngày cùng ở chung với Bồ Tát, bất tri bất giác liền thành Bồ Tát; ngày ngày cùng ở chung với ác đạo, bất tri bất giác liền biến thành ác đạo. Cõi quỷ là tâm tham, địa ngục là sân hận, súc sanh là ngu si, ngày ngày ở chung với họ sẽ nhiễm tham sân si, liền biến thành ác đạo. Do đó, giáo dục là vô cùng quan trọng.
Chúng ta xem thấy giáo dục của xã hội ngày nay, ở nhà, cha mẹ dạy những gì? Ở trường học, thầy giáo dạy những gì? Ở xã hội, bạn ngày ngày xem báo chí, tạp chí, truyền hình, phim ảnh (đây là giáo dục xã hội), những thứ này dạy bạn cái gì? Lại xem qua tôn giáo, tôn giáo là giáo dục thánh hiền, hiện tại trong tôn giáo dạy những gì? Chúng ta liền biết được, liền tìm ra được căn nguyên động loạn của thế gian này. Đối trị thì phải từ nơi cội gốc mà bắt tay vào. Đây là vấn đề của giáo dục! Chúng ta trong lúc giảng kinh thường hay nói, đây không phải vấn đề chính trị, chính trị không giải quyết được; đây cũng không phải là vấn đề quân sự, vũ lực không giải quyết được; đây cũng không phải vấn đề kinh tế, cũng không phải vấn đề khoa học, đều không thể giải quyết được, mà là vấn đề của giáo dục.
Cho nên thánh triết, thánh nhân, thần nhân trong ngoài xưa nay, họ làm cái gì? Làm giáo dục. Ở thế gian này họ không chọn các nghề nghiệp khác, mà họ chọn lấy giáo dục. Vì sao vậy? Cứu đời, cứu người. Chúng ta ngày nay ở thế gian chọn lấy nghề nghiệp này là chúng ta dùng tâm gì, chí hướng gì để chọn lựa? Nếu như vì danh vọng lợi dưỡng, vậy thì con đường bạn đi là ba đường ác, hơn nữa rất là nghiêm trọng. Vì sao nói rất là nghiêm trọng? Vì bạn đem giáo học của thánh hiền vặn cong đi, đem giáo huấn của thánh hiền dùng sai rồi, làm tất cả chúng sanh ngộ nhận, đây là tội chồng thêm tội. Nghề nghiệp này là nghề nghiệp thần thánh, là ngành nghề của đại thánh đại hiền. Chúng ta phải rõ ràng điều này. Chúng ta chưa làm tốt, thì chúng ta chính là tội nhân của Phật Bồ Tát, quả báo khẳng định ở A Tỳ Địa Ngục. Cho nên, phàm hễ là người có trí tuệ, quyết định sẽ không khuyên người xuất gia. Khuyên người xuất gia, nếu như tương lai họ tu không được tốt, mang vào người lớp áo của Phật pháp, làm những việc tham sân si mạn, tự tư tự lợi, tương lai đọa A Tỳ Địa Ngục, người mà khuyên người đó xuất gia cũng phải gánh trách nhiệm nhân quả, vậy ai dám làm việc này? Chỉ có người ngu si vô trí mới dám làm.
Người có đầu óc tỉnh táo, quyết định không dám khuyên người xuất gia, chỉ có thể khuyên người học Phật. Bạn xem lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam, cả đời khuyên người học Phật, khuyên người quy y, quyết định không khuyên người thọ năm giới, vậy xuất gia thì càng không cần phải nói, tuyệt đối không khuyên người. Nếu bạn muốn phát tâm xuất gia, thầy hỏi: “Vì sao anh muốn phát tâm xuất gia?”. Khuyên người quay đầu, quá khó rồi!
Xuất gia chính là làm Phật, xuất gia chính là hy sinh chính mình để cứu độ tất cả chúng sanh. Vì vậy người xuất gia phải làm tấm gương tốt cho chúng sanh, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là mô phạm cho trời người. Người xuất gia được gọi là “Thiên Nhân Sư”, không chỉ là thầy của nhân gian, mà còn là thầy của chư thiên trong sáu cõi, người thầy làm gương mẫu tốt nhất, tấm gương tốt nhất, để thiên vương xem thấy đều phải học tập. Ta có thứ gì để cho họ học tập?
Cho dù bạn xuất gia với động cơ gì, hiện tại bạn đã xuất gia rồi, hiểu được những đạo lý này, thì bạn phải nỗ lực chăm chỉ tu học. Người xuất gia cả đời làm hai sự việc là hoằng pháp và hộ pháp. Hoằng pháp là gánh vác việc giáo học giảng kinh nói pháp. Hộ pháp chính là làm công việc hành chánh trong đạo tràng, công việc tạp vụ. Chúng ta không có mời người bên ngoài đến làm, mà chính mình phải tự làm. Hoằng – Hộ là một thể. Người hộ pháp chăm sóc đồng tu hoằng pháp, ở phương diện công việc, tận lượng giảm nhẹ lượng công tác của họ, để họ có thời gian đọc sách, đọc kinh, để tiến tu, ở nơi công việc lao động sự vụ, người hộ pháp gánh vác nhiều một chút, đây là nội hộ. Giống như trong trường học, người hoằng pháp là giáo viên, phụ trách lên lớp, còn người hộ pháp là viên chức. Địa vị của giáo viên cùng viên chức là bình đẳng; giáo viên và viên chức là một thể. Quan hệ luôn phải làm cho rõ ràng, làm cho tường tận.
(Trích: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo giảng giải, tập 66)