• (Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Trọng Hùng)
Nói về chuyện ăn thịt chó, bản thân tôi cũng có ăn và ăn rất nhiệt tình. Tất nhiên ngày đó tôi chẳng tin gì vào chuyện âm dương, tâm linh, Phật pháp. Đến một ngày tự nhiên tôi không thích ăn thì tôi không ăn nữa vậy thôi. Các bạn rủ tôi vẫn đi nhưng thường tôi ăn gà hoặc cá còn mặc kệ các bạn đả kích, chế diễu…
Một ngày kia người ta gọi là “căn quả” đã đến, tôi khai mở được mắt âm dương thấy được các linh hồn, được gặp một số việc cõi bên kia, giống như thế giới bên ấy muốn chứng minh cho tôi, những việc mà tôi không tin, nghi ngờ, nhạo báng là có thật. Sau câu chuyện vì sao không nên ăn thịt chó gần ba năm, tôi gặp một câu chuyện thế này:
Một con chó đến gặp và nói chuyện với tôi, đúng hơn là linh hồn của một con chó, xin được cầu nguyện cho nó, sớm được siêu thoát, sớm được quay trở lại làm kiếp người.
Tôi hỏi:
– Chó ơi! mày làm sao thành người được. Phải lên đến kiếp khỉ, tinh tinh, rồi mới đến kiếp người được, theo thuyết tiến hóa mà.
Chó:
– Không tôi là người, linh hồn của tôi đã nhập vào con chó.
– Là người làm sao lại nhập vào chó được, khó tin quá.
Chó:
– Bằng chứng đầu tiên là tôi được nói chuyện với ông đây. Tôi là kẻ chết đường chết chợ, không nơi nương tựa, không người thờ cúng, chết vì đói, khát nhiều ngày. Linh hồn tôi cứ lang thang. vật vờ đây đó, cái đói, cái cô đơn cứ hành hạ, dầy vò khốn khổ từng phút từng giây.
– Chẳng lẽ thế giới bên ấy chỉ có mình mày là linh hồn, họ đi đâu cả rồi?
Chó:
– Khốn nỗi, khi sống tôi là kẻ chẳng ra gì, nên khi chết có ai gần tôi đâu. Các linh hồn khác đều xa lánh tôi. Có chăng chỉ là một lũ ma quỷ, đói khát, bất hạnh, vật vờ như tôi mà thôi. Mỗi khi có chút gì có thể ăn được, là cả lũ lại sâu xé lẫn nhau dành cướp cho bằng được, mà chủ yếu là đồ cúng, ngoài bãi tha ma. Thi thoảng có nhà cúng vong ngoài cửa, được một mâm con con, mà có đến trăm, ngàn vong đói, khát, sâu xé lẫn nhau. Hơn nữa đâu có phải lúc nào cũng biết ai cúng mà đến tranh cướp.
– Nhà chùa, nhà đền thường rất hay cúng lễ sao không vào đấy kiếm ăn ?
Chó:
– Lúc sống tôi có bao giờ vào đền vào chùa cúng lễ gì đâu. Có công đức, cúng dường, đóng góp xây dựng, thì khi chết mới có thể vào đó xin ăn được. Hoặc có thầy cao dầy công đức xin cho vào, thần linh cai quản nơi đó mới chấp thuận.
– Sao không tìm thầy tốt mà theo để thầy lễ xin cho?
Chó:
– Ông ơi thầy tốt lúc nào cũng có cả vạn vong đi theo, dễ gì mà chen vào được. Con chưa đến gần chúng đã đánh cho tơi tả. Có người con thấy, theo hết thầy này đến thầy khác mà mấy trăm năm vẫn chưa vào chùa vào đền, vẫn chưa siêu thoát được.
– Chuyện lằng nhằng quá. Hãy vào đề cụ thể đi. Vì sao mày lại vào kiếp chó, mà vào để làm gì, để bây giờ muốn ra không được lại phải nhờ đến ta. Mà ta hỏi có nhiều vong người nhập vào kiếp chó như mày không?
Chó:
– Thưa ông nhiều vô khối, có cả những vong trước là thầy mo, thầy cúng… Nhiều vong đói khát, khổ sở không người thờ cúng, không nơi nương tựa, bị tất cả xa lánh, đã lang thang, vất vưởng ở cõi này, cả trăm năm, không còn hy vọng thành người, cũng mơ ước được nhập vào làm chó như con.
(…)
– Ông ơi! Con ở bên này đã mấy trăm năm rồi, nên biết nhiều chuyện.
– Mày là người vì sao mày chịu làm chó ăn bẩn như thế, mày không thấy ghê tởm à?
Chó:
– Lúc trước con được gặp một lũ người đã từng làm kiếp chó và đã bị giết thịt, làm bạn. Chúng khuyên con: ” Đã làm chó mà không biết dọn tất cả những cái dơ bẩn, do con người thải ra, thì ai nuôi chúng con làm gì?” Chúng khuyên con phải luyện tập, phải luôn quán tưởng, đấy là những thức ăn ngon nhất, sẽ cảm nhận thấy cái hương thối ngầy ngậy, bùi bùi… Nhưng nhiều năm, nhiều trăm năm, bị cái đói luôn hành hạ, ám ảnh nên chúng con, ăn tất cả những thứ gì có thể ăn được, vì biết đâu chiều nay, ngày mai, tuần sau, tháng sau, năm sau, lại chẳng có gì để ăn. Mục đích của con nhập vào chó để được ăn mà lại.
– Sao không chọn làm chó nhà giầu có được ăn ngon được tắm rửa hàng ngày. Đã làm chó rồi mà không biết đường chọn.
Chó:
– Ông ơi! Có ai được quyền chọn cuộc đời cho mình đâu. Có đến 80 – 90% là chó quê, còn lại là chó thành phố, mà trong lũ chó thành phố cũng chỉ được 20% là nhà tử tế. Sự khác nhau giữa chó quê và chó thành phố là chó quê thì mau bị làm thịt nhưng sống khá tự do. Chó thành phố thì thường được nuôi lâu, ăn ngon nhưng không được tự do, lại rất hay bị đánh đập, hành hạ không thương tiếc. Không gian chật hẹp, người thành phố hay cáu bẳn, họ thường chút giận lên thân mình chúng con, đá văng vào tường, đập cho tung máu mồm máu mũi là chuyện thường. Chó thành phố, có khi chỉ một đến hai người trong gia đình yêu quý, chăm sóc chiều chuộng, những người còn lại có cơ hội là hành hạ, đạp, đá không tiếc chân tay.
Nó buồn rầu kể tiếp:
– Khi con đã quyết định, thôi thì tạm làm kiếp chó một thời gian để được ăn, được có cảm giác được sống. Con đi tìm và chọn cho mình mình một con chó đang mang thai, sắp đến ngày sinh nở. Khi con chó con vừa chui ra khỏi bụng mẹ là con nhập vào ngay. Bà mẹ chó này sinh ra năm đứa con, một con bị đập chết ngay sau vài ngày, vì vú mẹ chỉ đủ nuôi 4 con. Còn lại bốn đứa, sau 2 tháng là chúng con, đứa thì bị cho, đứa thì bị bán. Quả thực có trời mà biết, sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, thậm chí cùng giờ nữa ( tử vi giống nhau). Nhưng đứa nào sung sướng vào nhà phố, đứa nào khổ vào nhà quê, thì con chịu, vì chẳng bao giờ gặp lại. Lần đầu tiên sau nhiều năm con được rúc vào cái bụng ấm áp, được mút bầu sữa bùi bùi, ngọt ngọt, con tưởng như không gì có thể hạnh phúc hơn thế nữa.
– Nói vậy là mày vẫn luyến tiếc kiếp làm chó?
Chó:
– Không! Có người nói theo ông thì có cơ hội làm người vì ông có cách thức lễ lạt, đơn giản, không tốn kém. Cách hiểu về Phật pháp của ông đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện, tu hành, sám hối như: kính cha, mẹ, thờ ông bà tổ tiên, là đã thực hành được 20% những điều Phật dạy. Từ bỏ được tham lam, tiền bạc, danh vọng, dục vọng là tu được chữ tham. Bỏ được ghen tuông, chấp mê, từng lời ăn, tiếng nói, giận dữ, khinh rẻ, coi thường người khác… là tu được chữ sân. Biết sai mà tránh không làm, không dùng lời lẽ dối trá, ngụy biện, hay bất kỳ lý do gì để thực hiện là tu được si… là được 50% trong phần còn lại.
– Vậy sao mày không tu, không sửa đi để được làm đầu thai lại làm người?
Chó cười buồn:
– Không thể xác lấy gì để tu, tu là sửa, là lấy công, lấy đức chuộc tội của kiếp này, kiếp trước và rất nhiều kiếp trước nữa. Không có mồm, sao nói lời sám hối, không có tay, giúp được ai để mà thể hiện công đức. Không có tim, sao biết trao gửi yêu thương. Không tiền bạc, cám dỗ lấy gì san sẻ, hay thử thách lòng tham. Không cha, mẹ, vợ, con, anh, em, bạn bè lấy gì thể hiện lòng hiếu, thuận. Không có cuộc đời sao biết đã sửa, đã vượt được đến đâu. Nhiều, nhiều lắm, điều cần tu, cần sửa, chỉ có xác thân, mới thực hành, thể hiện được ông ơi!
– Lạ nhỉ, sao mày biết nhiều thế?
Chó:
– Tiếng kinh kệ, tiếng giảng pháp nơi này, con nghe nhiều nên cũng thấm, cũng hiểu đôi điều. Mà ông ạ! Con lo lắm, khi được đầu thai lại làm người, không biết con có còn nhớ được; mình cần phải làm gì? Phải tu nhân tích đức, như hằng mong muốn, hay lại xa vào vòng quay vật chất, sắc dục, đua chen danh lợi, điên cuồng?
Tôi biết trả lời sao được. Bỗng nhớ đến kinh Vu Lan Báo Hiếu, tôi nói:
– Hãy phát nguyện những điều mong muốn thì sẽ được. Bà Thanh Đề vì căm ghét các nhà sư nên luôn nguyện ước kiếp sau có cơ hội để trả thù, báo oán, rửa hận. Bà đã làm được. Ngài Mục Kiền Liên luôn nguyện ước nếu còn có kiếp sau xin được là con bà Thanh Đề, để cứu bà chuộc lỗi. Cả hai ước nguyện đều thành. Bà Thanh Đề ước điều ác, bà được ác, nhưng phải vào địa ngục. Ngài Mục Kiền Liên ước điều lành, đã được điều lành, cứu được mẹ, làm được nhiều điều phúc thiện, mà thành A La Hán – Bồ Tát.
Nghe đến đây nó lẩm bẩm:
– Thì ra mọi việc thật giản đơn. Hãy ước nguyện thì tất được. Ước nguyện được làm con nhà có đạo, ước có cơ hội làm điều thiện, ước gặp được thầy để học tha thứ, yêu thương, ước tránh xa được tàn ác, sát sinh, ước được làm người tử tế.
Bây giờ linh hồn chó này không còn độc ác, đuổi cắn người nữa, mà thích nằm gần cửa phòng khám để nghe chuyện mọi người.
Cám ơn mọi người đã đọc đến dòng cuối này. Trân trọng!!!
______________________
LẠM BÀN VỀ NGUYỆN (tác giả phần lạm bàn: Quang Tử)
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm làm chủ, tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm bất tịnh,
Khổ não liền theo sau,
Như xe theo bò kéo.
Phần cuối của cuộc đối thoại người – hồn ma một chú chó này, ta càng hiểu rõ hơn lời Phật dạy. Tất cả mọi hành động của chúng ta, đều có nguồn gốc từ một ước nguyện, một sự phát tâm nào đó trong quá khứ. Vì sao có kẻ gặp một người không quen biết, nhìn qua thấy ghét, nói qua nói lại vài câu là xông vào đánh nhau và đánh gãy chân người ta? Có lẽ do kiếp trước người kia từng va quẹt vào anh ta, rồi chạy mất không lời xin lỗi, anh ta trong lúc tức giận đã lầm bầm nguyện ” mày mà để tao gặp lại, tao đánh cho mày què chân!”
Nhờ câu nguyện đó làm nhân, mà kiếp này thành quả, đó là hành động đánh gãy chân người kia. Vô số những hành động khác cũng đều có nguồn gốc là những câu nguyện như vậy.
Bạn hãy nhớ, nguyện ước là nhân, và quả của nó là hành động, và hành động này lại làm nhân, để tạo thành quả báo kiếp sau, chuỗi nhân – quả này nối tiếp liên tục sản sinh ra vô lượng kiếp sống.
Nguyện càng lớn, thì càng cần nhiều thời gian và nhiều nhân duyên để thành hiện thực.
Những lời nguyện nhỏ bé, như ước nguyện thành bác sĩ, thành kĩ sư… giúp đời, sẽ nhanh thành tựu trong khoảng một vài kiếp. Những điều nguyện lớn lao hơn sẽ cần một thời gian nhiều kiếp hơn để tích lũy công đức rồi mới thành hiện thực được. Ví dụ như một người ước sẽ làm vị Tổng Thống, ban ra các điều luật, thay đổi hệ thống giáo dục, làm cho nhân dân trong nước văn minh hơn, đạo đức hơn, thánh thiện hơn… thì từ khi phát nguyện, qua những kiếp sau, dù không nhớ, nhưng vì lời nguyện đã phát dẫn dắt, anh ta sẽ trải qua hàng chục kiếp liên tiếp tạo nhiều điều phước thiện, gieo duyên với quần chúng, tích lũy đủ phước để được làm Tổng Thống. Khi phước đã đủ,nhân duyên chín muồi, anh ta sẽ đắc cử Tổng Thống ( hoặc một chức vụ tương tự) và thực hiện đầy đủ những ước nguyện đã phát, như thay đổi giáo dục làm cho con người thánh thiện hơn…
Vậy điều nguyện nào là lớn lao, vĩ đại nhất?
Chính là nguyện thành Phật, cứu độ tất cả chúng sinh. Phật gọi điều nguyện này là Phát Bồ Đề Tâm, người nào phát điều nguyện như thế gọi là Bồ tát Sơ Phát Tâm.
Do phát nguyện cầu thành Phật, hoặc cứu độ tất cả chúng sinh, người phát nguyện do được lời nguyện dẫn dắt, dù nhớ hay không nhớ, người đó cũng sẽ trải qua vô số kiếp học Phật Pháp, tu tất cả công hạnh của Bồ Tát , thường được gặp các Đức Phật để cúng dường, nghe Phật thuyết pháp…càng ngày càng tinh tấn hơn, thánh thiện hơn, phước trí sâu dày hơn…và cuối cùng, sau vô số kiếp tu hành vất vả, vị đó chắc chắn sẽ thành Phật.
Mười phương ba đời chư Phật ban đầu đều do phát những điều nguyện như thế mà cuối cùng được thành Chánh Đẳng Chánh Giác. Như vào kiếp xưa rất lâu xa, có một vị Bà la môn tên là Hải Tế ( còn gọi là Bảo Hải) Ngài nguyện sẽ thành Phật ở cõi đời xấu ác để hóa độ chúng sinh, nay Ngài đã thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Hay xưa vô số kiếp trước, có một vị tỳ kheo tên là Pháp Tạng, phát lên 48 lời nguyện, cầu thành Phật ở thế giới thanh tịnh để cứu độ chúng sinh, nay Ngài ấy cũng đã được thành tựu như những nguyện đã phát, trở thành Phật A Di Đà của thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Tóm lại, mọi điều ước, mọi điều nguyện, dù thiện hay bất thiện, dù nhỏ bé hay lớn lao, theo dòng nhân quả nhiều kiếp, đều sẽ thành hiện thực. Như vậy, hiểu rõ điều này, bạn đã nắm được chìa khóa để điều khiển vô số kiếp sau của mình, hoàn toàn không khó phải không?
Bạn có thể thực hiện ngay và luôn, không cần nghi lễ phức tạp nào, ( nhưng nếu thành tâm cúng dường hương hoa, quỳ trước tôn tượng của Phật mà phát nguyện thì càng tốt ) chỉ cần tâm thành thật và phát lên những ước nguyện. Tất nhiên chỉ nên nguyện những điều tốt đẹp, vì lời nguyện xấu sẽ dẫn bạn vào địa ngục, vào khổ đau. Hãy nguyện rằng ” Tôi nguyện sẽ làm người sống để tạo nên hạnh phúc cho mọi người “, hay ” Tôi nguyện sẽ biến thế giới này thành một thiên đường, người với người sống chỉ để thương yêu” vân vân và vân vân…
Không ai đánh thuế những ước mơ, bạn không cần một điều kiện như thế nào mới được quyền phát nguyện cả, bạn thậm chí đang là một người xấu tệ, tội lỗi đầy mình, nhưng dù thế thì cũng không ai cấm bạn phát lên những điều nguyện tốt đẹp cả. Thậm chí ngược lại, phải phát lên những điều nguyện tốt đẹp, lớn lao, rồi những tâm xấu ác mới có thể theo đó mà chuyển hóa dần dần.
Nhờ điều nguyện như thế dẫn dắt, mà vô số kiếp sau bạn sẽ luôn tìm được con đường chân chính để đi theo, bạn sẽ làm được vô số việc thiện lành, hưởng vô số phúc báo vi diệu, đạt được vô số trí tuệ, thần thông của Bồ Tát …và cuối cùng ,dù lâu, nhưng chắc chắn sẽ thành Phật – bậc thầy của Trời người, đấng tối tôn trong pháp giới vũ trụ.
Hãy suy nghĩ và hành động. Mọi việc đều nằm trong tầm tay của bạn.
Nguồn: FB Ni Sư Hạnh Đoan, FB Quang Tử
____________________
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Xin thường niệm A DI ĐÀ PHẬT, nguyện cầu sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc
HOAN NGHÊNH SAO CHÉP, CHIA SẺ – CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG
Chia sẻ Pháp là cách cúng dường tối thượng