Cô Giáo Lưu Tố Vân

Ư chư chúng sanh. Thị nhược tự kỷ

Điều kiện để Vãng Sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc
Thân là người học Phật, bạn phải thường xuyên nhắc nhở chính mình, bạn thật sự muốn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì không thể quên “với các chúng sanh, xem như chính mình”. tại sao vậy? vũ trụ thật sự là một.
“Ư chư chúng sanh. Thị nhược tự kỷ”.
Hai câu kinh này là thái độ của Bồ-tát đối với chúng sanh, là chỗ mà chúng ta đặc biệt phải học tập theo. Coi hết thảy chúng sanh là chính mình, mình và người không hai, gọi là đồng thể đại bi. Kinh Niết-bàn nói: “Hết thảy chúng sanh chịu khổ khác nhau cũng giống như một mình Như Lai chịu khổ”, hết thảy chúng sanh chịu đủ các nỗi khổ, trên thực tế chính là một mình Như Lai đang chịu khổ.
Đạo lý này có bao nhiêu người thực sự hiểu được? Nếu như thật sự hiểu được, chân thật áp dụng vào trong cuộc sống, trong công việc, trong đối nhân xử thế thì được đại tự tại, được pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ. Học tập hai câu kinh này, thân là người học Phật, bạn phải thường xuyên nhắc nhở chính mình, bạn thật sự muốn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì không thể quên “với các chúng sanh, xem như chính mình”. Tại sao vậy? Vũ trụ thật sự là một thể. Trong Baha’i giáo cũng có tư tưởng này, vạn vật là một thể. Trong kinh Koran cũng có ý này, biểu đạt đồng thể đại bi. Người có được suy nghĩ này, có được nhận thức này, họ rất tự nhiên sẽ có trách nhiệm sứ mạng. Trong việc trách nhiệm sứ mạng này, chắc chắn có chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, tại sao vậy? Bởi vì vô biên chúng sanh với mình là một thể, họ chịu khổ cũng như mình chịu khổ, họ gặp nạn cũng như mình gặp nạn, họ có bệnh cũng như mình có bệnh, trị khỏi bệnh của mình thì bệnh của họ cũng tự nhiên khỏi. Cùng một thể mà, đồng thể đại bi.
Tiến sĩ Hew Len ở Mỹ đã dùng lý niệm đồng thể đại bi để chữa bệnh. Ông nói với lão pháp sư, sanh mạng của cả vũ trụ này là cùng một thể, phương pháp của ông là quán tưởng, mỗi ngày phải tu một lần, mỗi lần nửa tiếng đồng hồ, trong nửa tiếng này buông xuống vạn duyên, trong tâm thuần khiết, tâm thanh tịnh hiện tiền, quán tưởng thân thể của chính mình và thân thể của bệnh nhân hợp lại thành một, mình và người không hai. Sau đó quan sát xem chỗ nào của họ bị bệnh, tế bào nào bị bệnh. Trong nửa tiếng này, ông dùng tâm thanh tịnh giúp tế bào bị bệnh khôi phục trở lại bình thường. Một ngày làm một lần, một lần nửa tiếng đồng hồ, làm liên tục như vậy trong 30 ngày. Tế bào bị bệnh trên cơ thể ông hoàn toàn khôi phục bình thường, bệnh của đối phương cũng khỏi, không cần gặp mặt, hoàn toàn dùng ý niệm.
Đây là thực tiễn cụ thể của lý niệm đồng thể đại bi. Ý niệm thay đổi hết thảy. Nhỏ thì đối với thân thể của chính mình, lớn thì đối với hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, “cảnh tùy tâm chuyển” chính là đạo lý này.
Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ từng nói mấy câu như vậy: “Thứ mà con người yêu quý nhất, không gì hơn chính mình; nay xem chúng sanh như là chính mình, thì có thể cứu độ chúng sanh, tâm không lúc nào rời bỏ”. Trong đoạn này có hai câu quan trọng nhất: Câu thứ nhất là “nay coi chúng sanh như là chính mình”. Câu thứ hai là “cứu độ chúng sanh, tâm không lúc nào rời bỏ”. Làm được hai câu này thì đó là người học Phật chân chánh, là Bồ-tát chân chánh. Họ đối với khổ nạn của chúng sanh tuyệt đối sẽ không nhắm mắt làm ngơ, nhất định là toàn tâm toàn lực giúp đỡ hết thảy chúng sanh khổ nạn.
Trich lục từ: Giảng Kinh Vô Lượng Thọ Lần thứ 2 Năm 2020 Tập 17
Chủ Giảng: Cô Lưu Tố Vân

 

Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *