Cô Giáo Lưu Tố Vân

Người tu hành trong thời Mạt pháp nhiều như lông bò, người đắc đạo chỉ như sừng lân

Mục đích tu hành qua lời giảng của Thiền sư Thích Thanh Từ
Tu hành thông thường thì hay có cầu có đắc, cầu vợ cầu con, cầu phú cầu quý, cầu cát tường, cầu trường thọ, khá hơn một chút thì mong đắc định, muốn đắc thần thông, muốn có trí tuệ, muốn hoằng pháp lợi sanh, muốn khai ngộ, trở thành như thế nào đó.
Tóm lại đều là tâm có sở đắc, đều ở trong tư duy suy nghĩ, lại thêm vào việc chỉ ưa thích bàn cao luận rộng, có hay đến đâu cũng chỉ là tương tự Bát-nhã mà thôi. Thế nên Kinh nói, người tu hành trong thời Mạt pháp [nhiều] như lông bò, người đắc đạo chỉ như sừng lân. Cho nên cần phải lìa lời nói, đoạn suy tư. Y theo đây mà tín giải, phát tâm rộng lớn, tuy không thấy có phiền não và thiện pháp, chẳng phải không có mà là không thấy. Không thấy điều gì? Không thấy sự phân biệt của người khác nên không bác không, có thể đoạn, có thể tu. Bác không nghĩa là bài trừ. Không thấy có phiền não hay thiện pháp, nhưng cũng không bài trừ việc có phiền não để đoạn, có thiện pháp để tu, như vậy sẽ khế hợp với trung đạo. Có thiện pháp để tu, có phiền não để trừ thì đã chấp vào có rồi. Ngược lại, không có gì để đoạn, chẳng có gì để tu thì chấp vào không rồi. Tuy không thấy phiền não và thiện pháp, Nhưng cũng không bác việc có phiền não để đoạn, có thiện pháp để tu, việc này khế hợp với diệu nghĩa “chẳng có chúng sanh nào để độ mà cả ngày đều độ chúng sanh” của kinh Kim Cang. Tuy nguyện đều đoạn đều tu nhưng không trái ngược với vô nguyện Tam muội. Tuy nguyện độ hết vô lượng hữu tình mà không có người độ và kẻ được độ, thế nên có thể tùy thuận không, vô tướng. Đây chính là nói, tuy vẫn mong đoạn hết phiền não, tu hết thảy thiện pháp nhưng vẫn không trái với vô nguyện Tam muội. Tuy nguyện độ tận hết thảy chúng sanh mà trong tâm không có cái ngã độ người và người được độ, như vậy mới không rơi vào hai bên, tùy thuận với Không Tam muội, tùy thuận với Vô Tướng Tam muội. Không, vô tướng, vô nguyện được gọi là Tam muội, cũng gọi là ba cửa giải thoát. Thế nhưng thông thường đều thể hội lệch không và vô tướng, hiểu thành ngoan không. Xem chữ “vô” trong vô tướng thành không có, xem thành lông rùa sừng thỏ, rơi vào đoạn diệt kiến. Kinh Kim Cang nói: diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh như vậy nhưng thật không có chúng sanh nào được diệt độ. Tâm như vậy không thể nghĩ bàn, công đức phát khởi tâm này cũng không thể nghĩ bàn, đây chính là thuận lý mà pháp tâm Bồ Đề.
Người tùy sự mà phát tâm nếu gặp duyên thì có thể thoái thất bổn nguyện, đây là khuyết điểm. Ví dụ ngài Xá Lợi Phất tu tâm Bồ Tát đã tu đến Lục Trụ, tiến thêm một bước tu đến Thất Trụ thì không thoái đọa. Thế nhưng khi gặp người xin ngài con mắt để phối thuốc trị bệnh, ngài khoét một con cho người đó, nào ngờ người đó nói con mắt ấy không đúng, không thể phối thuốc được. Vì vậy ngài nhẫn chịu khoét con thứ hai, người ấy nhận con mắt rồi, dùng mũi ngửi thử rồi nói con mắt này hôi, ném xuống đất còn dùng chân dẫm lên. Xá Lợi Phất tự nghĩ, hành trì theo Đại thừa như vậy ta làm không nổi, thôi bỏ đi, ta không độ người nữa, vẫn là tự độ thôi. Ngài đã thoái tâm rồi. Cho nên nương sự mà phát tâm thì sẽ thoái thất. Xá Lợi Phất là một ví dụ rất hay. Còn thuận lý mà phát tâm thì không thoái chuyển, bởi vì thuận theo lý nên không có nhân thoái chuyển. Người tánh Bồ Tát, người quyết định thành Bồ Tát thì có tánh Bồ Tát, mới có thể phát tâm. Phát tâm như vậy công đức vô biên, chư Phật vô số kiếp đến nay nói công đức của việc phát tâm này cũng nói không hết. Văn khuyên phát tâm Bồ Đề nói rằng: phát tâm Bồ Đề là vua trong các điều thiện. Lại dẫn lời trong kinh Hoa Nghiêm: Quên mất tâm Bồ Đề mà tu các thiện pháp thì gọi là ma nghiệp. Bạn quên mất tâm Bồ Đề mà tu đủ loại thiện pháp thì đó là làm sự nghiệp của ma. Khởi Tín Luận của kinh Vô Lượng Thọ nói, nên biết tâm Bồ Đề là cội nguồn của chư Phật. Tâm Bồ Đề chính là tâm giác ngộ. Phật là gì? Phật là giác. Đạt được ba sự giác ngộ viên mãn thì chính là Phật, vô lượng quang thọ là bổn giác của chính mình, chúng sanh do vọng chấp nên trở thành bất giác. Trái nghịch lìa khỏi sáu trần, chỉ hợp với bổn giác, gọi là thủy giác. Chẳng lìa khỏi gốc ban đầu, thẳng hướng đến chỗ cứu cánh, đại giác viên mãn, chính là thành Phật. Thế nên tâm Bồ Đề là cội nguồn của chư Phật, huệ mạng của chúng sanh, chúng ta nên biết, huệ mạng còn quan trọng ức vạn lần so với sanh mạng. Bạn có sanh mạng, đây là thọ mạng của thân người, nhưng chưa chắc có huệ mạng. Lấy trí tuệ thâm sâu rộng lớn làm sanh mạng thì gọi là huệ mạng, lại lấy pháp thân của chư Phật làm trí tuệ, làm thọ mạng nên gọi là huệ mạng. Tứ Giáo Nghi nói rằng phàm phu thời Mạt pháp ở trong Phật pháp khởi lên đoạn diệt kiến, làm hại huệ mạng, quên mất pháp thân. Có người giữ gìn sanh mạng nhưng lại đoạn huệ mạng của chính mình, đây gọi là được nhỏ mất lớn. Tâm Bồ Đề là huệ mạng của chúng sanh, quên mất tâm Bồ Đề chính là quên mất huệ mạng, quên mất pháp thân. Cho nên trong Phật giáo, ân thầy còn nặng hơn ân cha mẹ. Cha mẹ cho chúng ta thân thể và sanh mạng, còn thiện tri thức cho chúng ta huệ mạng. Bởi vì tâm Bồ Đề là nguồn gốc của Phật và huệ mạng của chúng sanh, cho nên vừa mới phát tâm này thì đã thành Phật đạo. Phát tâm là nhân, thành Phật là quả, diệu pháp của Viên Giáo thì nhân quả đồng thời. Vì vậy lúc vừa mới phát tâm liền thành Chánh Giác, công đức của tâm Bồ Đề không thể nghĩ bàn. Kinh này nói ba bậc vãng sanh đều là phát tâm Bồ Đề, nhất hướng chuyên niệm. Có thể thấy phát tâm Bồ Đề là việc rất quan trọng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *