Nếu như có thể đem lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ), mười nguyện (*10 Đại Nguyện Phổ Hiền Bồ Tát) thực tiễn ngay trong cuộc sống của chính mình, vậy thì bạn an vui rồi. Không luận đang làm công việc gì, đều là đang tu Bồ Tát hạnh, đang hành Bồ Tát đạo. Người hành Bồ Tát đạo là người được pháp hỷ sung mãn, đây chính là đem phiền não chuyển thành bồ đề, đem mê chuyển thành giác ngộ.
Người thế gian nếu như có cảm giác phiền phức với công việc, thì khổ không thành lời, than trời trách đất, đó là người thế gian, pháp thế gian, là phàm phu, là phải bị luân hồi trong sáu cõi (trời, người, a tu la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục). Pháp Đại Thừa Bồ Tát cao minh, sau khi đem ý niệm chuyển đổi lại, chính là Bồ Tát. Các Ngài biết làm việc khổ nhọc, là kết pháp duyên với tất cả chúng sanh, thành tựu bố thí ba la mật của chính mình. Cho nên ý niệm vừa chuyển đổi, thì an lạc vô biên, hạnh phúc an vui, lìa khổ được vui lập tức liền có thể đạt được.
Người biết dụng công, giống như Lục Tổ Đại Sư làm việc khổ nhọc như chẻ củi, giã gạo ở trong nhà bếp, như thế tu hành khai ngộ; bởi vì Ngài ngay trong giã gạo, bửa củi đã đầy đủ hành pháp lục độ và mười nguyện. Người không biết dụng công, cho dù ngày ngày ngồi xếp bằng ở trong thiền đường, tham thiền cũng không thể khai ngộ, phiền não tập khí vẫn còn cả đống.
Nếu như chúng ta biết tu hành chính là rửa bát, lau bàn, cũng thảy đều đầy đủ lục độ mười nguyện. Người không biết dụng công, thì sẽ cho rằng những công việc này quá khổ. Cho nên chuyển cảnh giới chính là chuyển tâm: thay đổi tâm lý, thay đổi tư duy. Khác biệt của biết tu hành và không biết tu hành, chính ngay ở chỗ này.
Ở phần sau “Niệm Phật luận” Pháp Sư Đàm Hư có nói đến Trương Thị ở chùa Trạm Sơn Thanh Đảo, bà tu hạnh gì vậy? Mỗi cuối tuần chùa Trạm Sơn có pháp hội cộng tu niệm Phật, bà liền đến nhà bếp rửa bát, biểu hiện bên ngoài là rửa bát trong nhà bếp, kỳ thực bà ở nơi đó tu lục độ mười nguyện, cho nên bà ấy biết trước giờ đi, ngồi mà vãng sanh. Người thế gian xem thấy bà chỉ là người không biết chữ, chưa từng đi học, nghe kinh cũng nghe không hiểu, đến khắp nơi giúp người làm việc khó nhọc, nào biết được người như vậy mới là người chân thật tu hành, thành tựu của nghe kinh, tham thiền trái lại không được như bà. Cho nên nhất định phải thật tu, phải rõ lý, phải đem những nguyên tắc cương lĩnh tu hành Phật pháp này thực tiễn vào trong đời sống hiện tại.
Ở trong pháp Đại Thừa, nếu muốn liễu sanh tử (thoát luân hồi), điều duy nhất chúng ta có thể nắm chắc, chính là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ (Cực Lạc). Nếu muốn chân thật làm được, thì phải ghi nhớ lời của Phổ Hiền Bồ Tát: Học Bồ Tát đạo, tu Bồ Tát hạnh. Trong năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài Đồng Tử, Thiện Tài Đồng Tử mỗi lần gặp thiện tri thức, đều thỉnh giáo hai vấn đề này. Cái gọi là Bồ Tát đạo chính là tồn tâm; tâm, nguyện, giải, hành phải giống Phật; tâm và nguyện chính là Bồ Tát đạo, giải và hành chính là Bồ Tát hạnh.
Học Phật, chính là phải học được giống như Phật vậy, nếu không thể học giống được hoàn toàn, thì cũng phải khác biệt không xa lắm. Thế gian có một số người đang làm Phật học, mà không phải là đang học Phật. Cái gì gọi là Phật học? Chính là có giải không hành, chỉ xem Phật pháp như một loại học vấn của thế gian để nghiên cứu, mà không thể làm theo, họ không có tâm này, cũng không có nguyện này, đó chính là Phật học. Người có tâm, có nguyện, họ hiểu được bao nhiêu liền biết làm được bấy nhiêu, đây mới là người học Phật. Vì vậy người học Phật có thể liễu sanh tử, nhà Phật học không thể liễu sanh tử, điều này phải phân biệt rõ ràng.
Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) khi tiếp xúc với cảnh giới sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) bên ngoài, không có phân biệt, chấp trước (vướng mắc), vọng tưởng (khởi tâm động niệm), tất cả đều rõ ràng tường tận, đây gọi là quán chiếu.
“Quán chiếu”, kỳ thực chính là tự tánh tịnh, chính là kiến văn giác tri (tánh thấy, tánh nghe, tánh giác, tánh biết) của tự tánh (chơn như bổn tánh), cho nên có thể thấy được chân tánh. Phàm phu mê mất tự tánh, họ dùng tình thức, chính là tám thức (vọng tưởng, phân biệt, chấp trước), năm mươi mốt tâm sở (tất cả phiền não), đây gọi là tình chấp, cũng chính là “mang theo cảm tình” mà thường hay nói. Cái gì gọi là cảm tình? Chính là phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Mang theo những thứ “kiến văn giác tri” này là kiến giải của phàm phu. Do đây có thể biết, rời khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng chính là kiến giải của Phật Bồ Tát, kiến giải của Phật Bồ Tát gọi là quán chiếu, gọi là chiếu kiến. Do đó dùng kiến giải của phàm phu để tu hành, là tuyệt đối không thể siêu vượt sáu cõi.
Phàm phu rất khó rời khỏi tình chấp, nếu như dùng tình chấp mà tu học, tất cả các pháp môn khác đều không thể thành tựu, chỉ có tu học Tịnh Độ (Pháp Môn Niệm Phật) có thể. Nhưng chúng ta phải nên biết, tu Tịnh Độ là phải đem công phu niệm Phật hàng phục được tình chấp, mới có thể vãng sanh; nếu không hàng phục được, thì vẫn là không thể vãng sanh. Cũng chính là nói tuy là chưa đoạn được phiền não, chỉ tạm thời hàng phục, nhưng nếu vào khoảnh khắc vãng sanh, phiền não không dấy khởi thì thành công rồi. Nếu như lúc đó phiền não dấy khởi, thì không thể vãng sanh.
(Pháp Sư Tịnh Không)
Chú thích:
– Một là Lễ kính chư Phật (tất cả các Đức Phật khắp mười phương quá khứ, hiện tại và vị lai…)
– Hai là Xưng tán Như Lai (xưng dương tán thán, học tu theo Chơn Như Bổn Tánh, tất cả các Đại Bồ Tát, chư Phật rốt ráo viên mãn…)
– Ba là Quảng tu cúng dường (y giáo tu hành là cúng dường tối thắng…)
– Bốn là Sám hối nghiệp chướng (nghiệp chướng tức là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước…)
– Năm là Tùy hỷ công đức (hộ pháp, giúp và hỗ trợ cùng nhau thành tựu những điều thiện…)
– Sáu là Thỉnh chuyển pháp luân (giảng kinh thuyết pháp, hoằng pháp lợi sanh…)
– Bảy là Thỉnh Phật trụ thế
– Tám là Thường tùy học Phật (thường học tu giống như Phật, đầy đủ Tín, Giải, Hành, Chứng…)
– Chín là Hằng thuận chúng sanh (buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình và tùy duyên độ chúng sanh…)
– Mười là Phổ giai hồi hướng.