Đây là mở đầu nói về niệm Phật, Ngài nêu chủ yếu của niệm cho chúng ta thấy, niệm là tâm dấy khởi, tâm vừa dấy khởi nghĩ một cái gì đó là niệm.
Dấy khởi nhớ danh hiệu Phật thì gọi là niệm Phật, dấy khởi nhớ chúng sanh thì gọi là niệm chúng sanh v.v…
Dấy khởi nghĩ ác là niệm ác, dấy khởi nghĩ thiện là niệm thiện.
Như vậy tất cả dấy khởi đều từ tâm mà ra, đó là chủ của nghiệp, cho nên trong kinh Phật thường nói tam nghiệp thân, khẩu, ý. Cái dấy khởi ở nội tâm mình là dấy khởi của ý nghiệp.
Như vậy, khởi niệm là gốc của mọi thiện ác.
Niệm có thể chia làm ba thứ: niệm ác, niệm thiện và niệm tịnh.
Niệm ác bị dẫn đi đường ác, niệm thiện được dẫn đến nơi lành, niệm tịnh được dẫn sanh cõi tịnh. Ba niệm đó đều là niệm hết.
Như vậy chúng ta biết rõ do đâu chúng ta sanh đến đây.
Tôi nói xa hơn, trong kinh thường dạy mười hai nhân duyên, đầu tiên là vô minh, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc v.v…
Vô minh là mờ tối, do vô minh nên khởi nghiệp là hành. Từ có nghiệp nên dẫn thức đi thọ sanh. Từ thức mới có danh sắc, lục nhập v.v…
Nếu tâm thể chúng ta yên lặng trong sáng bình tĩnh thì không có vô minh, nhưng khi vừa khởi nghĩ là đã quên mất cái tâm sáng rồi, mà quên tâm sáng là vô minh.
Bởi vô minh nên mới khởi nghĩ ác, khởi nghĩ thiện, khởi nghĩ tịnh v.v…
Những khởi nghĩ đó là động cơ dẫn mình đi.
Vì vậy nên khi chúng ta sắp chết mà lúc còn tỉnh thì không có nghiệp ác nghiệp thiện hiện ra, nhưng khi vừa quên cái tỉnh là vô minh, tức lúc hôn mê nếu khởi nghĩ lành thì ngay đó có chư thiên hoặc thân nhân quyến thuộc dẫn đi chỗ an vui, đó là đường lành; nếu khởi nghĩ ác thì thấy ngưu đầu ngục tốt lấy roi gậy rượt đánh dẫn vào đường ác.
Còn khởi nghĩ tịnh thì nhớ Phật, niệm Phật liền thấy Phật hay Bồ Tát hiện ra rước về Cực Lạc.
Như vậy niệm có trong khi hôn mê là chủ yếu dẫn mình đi tùy theo niệm ác, niệm thiện hay niệm tịnh.
Cho nên trong nhà Phật dạy chúng ta khi gần nhắm mắt nên thỉnh quí thầy quí cô cùng thân quyến đến hộ niệm, hoặc niệm Phật hoặc tụng kinh cho nghe để khi vừa quên cái tỉnh thì bắt đầu có niệm thiện dẫn đi.
Điều này hết sức quan trọng, vì vậy nên hộ niệm là ngay lúc đó, còn khi đã đi rồi thì thôi, bốn mươi chín ngày cũng là phụ.
Chỉ ngay lúc lâm chung đang tranh tối tranh sáng, khi cái tối vừa che mất cái sáng thì tùy khởi niệm nào liền đi theo niệm đó.
Vì niệm khởi là nghiệp, lúc đó thân không tạo, khẩu không tạo, chỉ có ý nên khi ý khởi niệm lành nhớ những người hiền hay nhớ cảnh tốt thì có người hiền cảnh tốt hiện ra, nhớ những người thù kẻ oán thì người thù kẻ oán hiện ra, nhớ Phật thì có Phật đến.
Niệm gọi là hành, vì khi quên mất thân này, quên mất sự sống này, rồi khởi niệm thiện ác và theo đó mà đi thọ sanh.
Như vậy chúng ta mới thấy cái khởi niệm trong lúc này hết sức hệ trọng.
Vì vậy có người đặt câu hỏi: “Tôi niệm Phật, khi chết Phật rước về Cực Lạc, còn quí thầy tu thiền chỉ buông niệm, không có niệm, khi chết ai rước và đi đâu?”
Như vậy quí vị phải trả lời thế nào? Người niệm Phật được Phật rước vui quá, còn chúng ta tu thiền nhất là đến chỗ vô niệm thì ai rước, chẳng lẽ đi lang thang hay sao?
Đây là chỗ chúng ta phải hiểu cho thật rõ:
Còn niệm là còn sanh, hết niệm là vô sanh.
Còn rước là còn sanh, không ai rước là vô sanh.
Vô sanh là gì?
Là Niết Bàn.
Mục đích chúng ta tu là đạt đến vô sanh, là Niết Bàn, nên tu đến vô niệm là được vô sanh.
Ngay đời này nhập Niết Bàn còn hơn là về Cực Lạc phải mất thời giờ tu đến thời gian sau mới được vô sanh, được Niết Bàn.
Như vậy là chúng ta tu tắt. Song có nhiều người không hiểu cứ nghĩ muốn tu để về sau hưởng, mà hưởng là phải có sanh mới hưởng, không sanh làm sao hưởng, nên tưởng không ai rước rồi sẽ lang thang.
Đó là hiểu lầm rồi đâm ra hoảng hốt!
Vì vậy chúng ta nên biết khi niệm dứt sạch yên tĩnh đó là Niết Bàn, là vô sanh, tự tại tự do không cần ai đón rước.
Còn đón còn rước là còn lệ thuộc, còn bị sanh.
Thế nên ngài Vĩnh Gia nói “Thùy vô niệm, thùy vô sanh?” Thùy là ai. “ai vô niệm, ai vô sanh?”
Người tu khi đã đạt đến chỗ vô niệm vô sanh rồi, lúc đó còn gì phải nói đi đâu, còn gì phải nói sanh tử, cho nên nói “Ai vô niệm, ai vô sanh?”
Còn niệm tự nhiên còn sanh nơi này nơi kia, khi niệm dứt rồi thì sanh tử không còn.
Các vị Bồ Tát không như chúng ta ưng nhập Niết Bàn sớm.
Tại sao vậy?
Bởi vì nếu trong đời này từ một phàm phu tăng chúng ta tu được vô niệm rồi nhập Niết Bàn, như vậy chúng ta đã an trụ trong Niết Bàn của Thanh văn.
Vì vậy nên cần phải độ sanh đến khi nào tất cả chúng sanh đều được Niết Bàn rồi chúng ta mới nhập, đó mới gọi là Bồ Tát hạnh.
Thế nên tuy các ngài đạt đến chỗ vô sanh, nhưng khi gần nhắm mắt các ngài khởi đại nguyện, nguyện đời sau làm những gì cho chúng sanh.
Do khởi đại nguyện tức khởi niệm nên các ngài theo nguyện tiếp tục sanh để làm tròn bản nguyện, chớ không chịu ngang đó dừng nghỉ.
Nếu dừng nghỉ thì không đầy đủ tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Vì vậy giả sử chúng ta tu đến hết đời này được yên, rồi muốn nhập Niết Bàn thì không độ được bao nhiêu người.
Thế nên phải nguyện trở lại để độ chúng sanh, mà nguyện tức là khởi niệm, vì có niệm nên chỗ nào có duyên thì sanh ra để hóa độ đến khi nào đầy đủ mới thành Phật, chớ không phải hết niệm liền thành Phật.
Hiểu như vậy mới thấy rõ ý nghĩa của người tu, nếu không nhiều khi chúng ta tu rồi cứ hoang mang không biết sao cho trúng.
Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Trích trong : LUẬN VỀ NIỆM PHẬT
KHÓA HƯ LỤC Giảng Giải ( DL 1996 – PL 2540)