Chư Phật và chư Bồ Tát đã không nề gian khổ quay chiếc thuyền từ bi trở lại thế giới Ta Bà để giáo hóa, điều phục chúng sanh. Các Ngài dùng đủ tám vạn bốn ngàn pháp môn để tiếp dẫn những ai hữu duyên. Song, mình chẳng những không hiểu tinh thần và tấm lòng từ bi hỷ xả của Phật Bồ Tát, lại còn quay lưng với sự giác ngộ, hợp cùng trần lao ngu muội, bỏ gốc theo ngọn, chẳng muốn chấm dứt sanh tử và thoát ra khỏi Tam Giới!
Ai ai cũng biết rằng Tam Giới giống như nhà cháy, không phải là chỗ yên ổn, song , chẳng ai muốn rời khỏi Tam Giới! Mặc dù biết rằng ở trong Tam Giới thì vạn phần thống khổ, nhưng ai cũng lưu luyến, chẳng muốn lìa xa. Họ sống một cách thản nhiên trong căn nhà lửa Tam Giới, chẳng lo âu sợ hải, lại còn cho là vui vẻ, sung sướng!
Chư Phật Bồ Tát hết lòng thuyết Pháp, dạy dỗ chúng sanh, khiến quay về đường ngay nẻo phải. Tiếc thay, chúng sanh vì không hiểu được tâm niệm của chư Phật Bồ Tát nên nghe mà như không hiểu, nhìn mà như không thấy, coi lời giảng của quý Ngài như gió thoảng qua tai, chẳng để tâm ghi nhớ, vẫn cứ vật vờ “sống say chết mộng,” giống như cái thây biết đi hay bị thịt biết chạy vậy! Tuy là tu Ðạo, nhưng họ không biết tìm cầu con đường giác ngộ chân chánh. Vậy, nếu muốn tìm cầu con đường dẫn tới sự giác ngộ chân chánh thì tìm ở đâu? Vô cùng đơn giản, chỉ cần đừng hướng tâm ra ngoài để truy đuổi, mà hãy đi ngược lại sự mê lầm, quay về với sự giác ngộ. Từ cảnh giới mê muội mà quay trở lại, đó chính là giác ngộ!
Nếu vất bỏ được tà niệm, quay về với chánh niệm, thì chúng sanh có thể trở nên giác ngộ, khai mở đại trí huệ. Song , chúng sanh không muốn “hồi đầu” quay về mà cứ muốn trôi nổi trong biển khổ sanh tử, vĩnh viễn đánh mất đường Ðạo chân chánh, rồi lại cho rằng hành động như thế là rất chính đáng. Như vậy không phải là điên đảo sao? Trước tình huống ấy, chư Phật Bồ Tát cũng không còn biện pháp gì để làm cho chúng sanh được xa lìa cảnh khổ, hưởng sự an vui nữa cả. Vì sao? Vì chúng sanh còn mê muội, quá ư mê muội, chưa tỉnh ngộ! Giảng về đạo lý giác ngộ thì điều nào cũng xa lạ đối với họ mà nguyên nhân là bởi các thói hư tật xấu tích tập nơi họ đã quá sâu dày. Các tập khí ấy đè lên trí huệ, che lấp trí huệ, vì thế họ không thể nhận thức và phân biệt rõ ràng điều gì đúng, điều gì sai, đâu là chánh, đâu là tà, thứ nào là thật, thứ nào là giả được.
Nếu biết được cái chân thật, thì nên vất bỏ cái giả dối đi. Vì sao chúng sanh mê muội? Chính là vì không có trí huệ chân chánh nên tới đâu cũng va phải vách, đụng phải tường, gặp trở ngại, không được suông sẻ, không va vào tường phía đông thì cũng đụng vào tường phía tây, phía nam hoặc phía bắc. Ở giữa có lối trống thì không đi, cứ sồng sộc đâm đầu vào tường đến nỗi máu chảy đầy mặt mà vẫn không biết “hồi quang phản chiếu,” không biết lấy trí huệ để soi sáng tự tâm!
Chư Phật Bồ Tát tận tình chỉ dạy, thuyết giảng nhiều Pháp bảo “Tam Tạng Mười Hai Bộ Kinh” thế mà chúng sanh vẫn thờ ơ như không nghe không thấy, để phụ lòng từ bi của các Ngài, khiến cho các Ngài cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Vì sao các Ngài lại mệt mỏi? Vì cảm thấy chúng sanh khó độ, chư Phật Bồ Tát hao tổn biết bao tâm huyết mà chúng sanh vẫn “trơ như gỗ đá,” không chịu sửa đổi, không chịu tu hành, không chịu giữ Giới. Tuy chúng sanh khó cứu độ như vậy, nhưng chư Phật và chư Bồ Tát vẫn không nản lòng, dù khó độ, quý Ngài cũng vẫn độ! Không những thế, quý Ngài còn từ bi muốn cứu độ khắp hết tất cả chúng sanh. Ân đức này chúng ta làm sao báo đáp?
Ðịa Tạng Bồ Tát từng phát nguyện rằng:
Ðịa ngục vị không, thệ bất thành Phật,
Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ Ðề.
(Ðịa ngục chưa trống, thề không thành Phật,
Chúng sanh độ hết, mới chứng Bồ Ðề.)
Lời nguyện này thật vĩ đại biết bao! Mình hãy nghiền ngẫm ý nghĩa của lời nguyện ấy. Không cần phải xem kinh điển, chỉ nghe qua lời nguyện thôi, mình cũng đã nên cảm tạ ân đức của Ðịa Tạng Bồ Tát, phải đau lòng khóc lớn, cảm tạ sự quan tâm, che chở của chư Phật Bồ Tát dành cho mình. Tất cả mọi thứ trên thế giới này đều là do chư Phật Bồ Tát trong vô lượng kiếp đã xả thân bồi đắp. Chúng ta nhất định phải phát tâm Bồ-đề rộng lớn trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh. Như thế mới có thể báo đáp được phần nào ơn của chư Phật, ơn của chư Bồ Tát, ơn của cha mẹ, ơn của sư trưởng và ơn của trời đất. Mình phải làm sứ giả cho Ðức Phật, phải phát tâm từ bi thay Phật mà tuyên hóa tuyên dương Chánh Pháp, giáo hóa chúng sanh và cứu nước cứu dân một cách có ý nghĩa. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng phải giữ lòng từ bi, có tinh thần chánh nghĩa, và sẳn sàng đem hết sức lực của mình, dù nhỏ nhoi đến đâu, để hoằng dương Phật Pháp, để tuyên đạt bổn hoài của chư Phật.
Vì sao thành Phật rồi mà Ðức Phật vẫn không quên chúng sanh, lại phát nguyện muốn cứu độ chúng sanh? Là vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, chẳng qua là chúng sanh chưa tự biết được đều đó mà thôi! Do bị tham, sân, si, vô minh, phiền não, vọng tưởng, v.v… che lấp nên trí huệ chân chánh của mình không thể hiển lộ được; vì lẽ đó, chư Phật Bồ Tát mới đến để chỉ bày cho mình phương pháp khai ngộ. Nếu mình có thể nương theo giáo pháp của Ngài chỉ dạy mà tu hành, thì nhất định mình sẽ khai trí huệ. Cho nên, bất cứ lúc nào chúng ta cũng phải biết cảm kích ơn của chư Phật, cảm kích ơn của chư Bồ Tát, cảm kích ơn của cha mẹ, và cảm kích ơn của sư trưởng.
Trong vũ trụ của chúng ta thì Tam Tài: trời, đất và con người đều có giá trị như nhau; cho nên mình chớ lãng phí giá trị của sanh mạng! Ðó là tư tưởng mà kẻ làm người cần phải có. Chúng ta cần phải thấu hiểu bổn hoài cũng như hạnh nguyện của chư Phật Bồ Tát, bởi có như thế thì mới không uổng phí được làm kiếp người!
(Hòa thượng Tuyên Hóa khai thị)
(Ngày 9 tháng 7 năm 1983)
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT __()__ XIN THƯỜNG NIỆM!