Trong Liễu Phàm Tứ Huấn, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên chúng ta thấy nói đến rất nhiều sự, rất nhiều việc, nhưng thực sự chỉ để nói một sự việc “Miếng ăn, miếng uống đều do tiền định”. Câu nói này có ý nghĩa như thế nào? Tất cả thọ dụng từ miếng ăn, miếng uống cho đến những vật chất khác mà trong đời này ta hưởng được đó đều đã được định sẵn trong số mệnh của chính ta, một chút cũng không do người. Cho nên, người chân chánh giác ngộ sẽ nghĩ như thế nào? Một ngày, sự thọ dụng của tôi ngày hôm nay tôi chỉ biết ngày hôm nay, tuyệt đối không nghĩ về ngày mai. Nghĩ về ngày mai thì ta nhất định sẽ có vọng tưởng, sẽ có phân biệt, sẽ có chấp chước, thì ta sẽ có sai lầm. Vậy những gì cần dùng hôm nay mà còn dư lại thì sao? Đem bố thí cho người khác, đây tức là đem phước báu của mình cùng cộng hưởng với tất cả chúng sanh. Nếu bạn hỏi vậy ngày mai phải tính sao? Ngày mai sẽ có nhiều hơn. Tại sao lại càng nhiều hơn? Vì ta đang trồng phước, khi trồng phước thì phước báo sẽ vĩnh viễn tăng trưởng thêm lên, chứ nó chẳng có tiêu mất.
Chúng ta thấy người thế gian ở khắp nơi trên thế giới, những người có tiền họ suốt ngày cắm cúi tích trữ, liều mạng để gia tăng thêm của cải của chính mình. Còn đối với những phúc lợi của xã hội họ rất thờ ơ, khi nhìn thấy những người nghèo khổ, họ một cắc cũng không chịu cho. Thế nhưng chỉ vài năm sau thì họ xảy ra sai xót khiến cho nhà tan cửa nát, sản nghiệp họ khổ sở tích trữ đều tiêu tán hết. Có thể nói cái hiện tượng này cổ kim trung ngoại đều có rất nhiều, đặc biệt là trong xã hội hiện nay chúng ta thấy được rất nhiều. Tại sao không đem tài sản tích trữ được đó đi tu phước chứ? Đây đúng là mê hoặc điên đảo.
Trong Phật môn có không ít người đối với vấn đề tu tích phước đức này vô cùng xem nhẹ, đa phần họ chỉ chú trọng vào việc tu Thiền-Định để khai mở trí tuệ mà thôi. Có thể nói đây là một thiếu xót không nhỏ của họ. Vì sao? Vì tuy rằng phước đức không thể giúp ta khai mở trí tuệ Bát Nhã, cũng chẳng thể giúp ta giải quyết vấn đề sanh tử trong đời này, nhưng phước đức có thể giúp ta bảo hộ được Chánh Pháp trong thời Pháp nhược ma cường này, và có thể chân chánh hộ trì ta tránh xa được những các duyên chướng ngại trên con đường tu học Phật Pháp. Cho nên chúng ta cần phải Phước-Huệ song tu, không nên chỉ nghiêng về một phía hoặc phước, hoặc huệ.
Chúng ta nói Thiên Long Thiện Thần đến hộ pháp, vậy họ dựa vào cái gì để hộ pháp cho ta? Đây là vì họ thấy ta có phước, có đức nên họ mới đến hộ trì ta. Còn nếu ta chẳng có phước đức, lại không chịu tu phước đức, thì dẫu mỗi ngày có quỳ gối chấp tay khấu đầu trước chư Phật, trước Thiên Long Thiện Thần, thì các Ngài cũng sẽ chẳng màng đếm xỉa đến ta. Vậy thì dựa vào cái gì để họ đến hộ pháp cho ta? Nhưng nếu ta chịu tu bố thí, chịu đoạn ác tu thiện, chịu tích đức thì chư Phật và Thiên Long Thiện Thần nhìn thấy, các Ngài sẽ khâm phục ta, sẽ tán thán ta. Mỗi ngày ta trì giới tinh nghiêm thì Thiên Long Thiện Thần đều sẽ rất tôn kính ta.
Cho nên chúng ta vì muốn được chư Phật hộ niệm, Long Thiên ủng hộ mà mỗi ngày khấu đầu, mỗi ngày dâng cúng những hoa quả tươi ngon để cầu họ, để nịnh hót họ, thì cũng vô dụng. Họ đâu phải tham quan mà vui thích sự nịnh hót cầu cạnh của ta chứ. Nhưng chỉ cần bạn chịu hết mình y theo lời Phật dạy mà làm theo, thì chẳng cần phải cầu các Ngài, cũng chẳng cần để ý đến, một cách tự tự nhiên nhiên sẽ được hộ trì. Tại sao vậy? Vì các Ngài tôn kính bạn, bạn nổi bật trong đại chúng, người ta thì tạo nghiệp, còn bạn thì tu phước, đạo lý chính là như vậy, chúng ta phải hiểu cho rõ ràng.
Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của Pháp Sư Tịnh Không