Giảng kinh, Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

[Media] Cách phân biệt giữa “ngay thẳng” và “tà vạy”

Đức Phật A Mi Đà Phật
Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Chúng ta xem tiếp đoạn văn bên dưới:
“Nếu muốn làm thiện tích đức, thì tuyệt đối không thể thuận theo những điều tai nghe mắt thấy, mà phải từ chỗ cội nguồn vi tế ẩn chứa trong tâm, dần dần gột rửa cho sạch. Nếu thuần là tâm cứu đời thì đó là ngay thẳng, còn như khởi lên một chút tâm nịnh đời thì đó là tà vạy. Nếu thuần là tâm thương người thì đó là ngay thẳng, còn như khởi lên một chút tâm hận đời thì đó là tà vạy. Nếu thuần là tâm tôn kính người thì đó là ngay thẳng, còn như khởi lên một chút tâm bỡn cợt đời thì đó là tà vạy. Những điều này đều phải phân biệt rõ ràng”.
Đoạn này nói với chúng ta về cách phân biệt giữa “ngay thẳng” và “tà vạy”. Chúng ta phát tâm muốn tu thiện, phát tâm muốn tích đức, tuyệt đối đừng để bị mắt và tai lừa gạt. Mắt thích nhìn, tai thích nghe, nếu tùy thuận theo tâm tham này thì chúng ta sai rồi. Cần phải từ chỗ khởi tâm động niệm vi tế, đem tâm mình gột rửa sạch sẽ. Hay nói cách khác, tuyệt đối không để cho ý niệm tà ác làm ô nhiễm tâm thanh tịnh.
Trong kinh Phật thường nói, trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đức Phật dạy chúng ta cương lĩnh tu học. Phật dạy, ngày đêm thường nghĩ thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không để chút bất thiện nào xen vào, ý nghĩa hoàn toàn tương đồng với điều nói ở đây. Như vậy mới có thể khiến tâm mình hoàn toàn thanh tịnh, toàn là tâm cứu người giúp đời, đây gọi là ngay thẳng. Trong này tuyệt đối không xen tạp chút cong vẹo nào, cong vẹo chính là tự tư tự lợi.
Bên dưới có ví dụ rất hay, nếu có một chút tâm nịnh bợ thế tục, thì đó là tà vạy, không phải ngay thẳng. “Đoan” là đoan trực, nhà Phật nói: “Trực tâm là đạo tràng”. Ở đây tiên sinh Liễu Phàm dùng đoan, đoan chính là trực, đoan tâm tức là trực tâm. Trái ngược với đoan là “khúc”, trong tâm bạn còn một chút tâm nịnh bợ thế tục, như vậy là sai rồi. Toàn là tâm thương người, thương người trong nhà Phật gọi là đại từ đại bi. Trong thương yêu này không có tình, nếu có cảm tình là sai rồi. Yêu này là tâm yêu thương thanh tịnh, yêu thương bình đẳng, yêu thương chân thành, đây là ngay thẳng.
Nếu trong này còn có chút oán hận bất bình, những điều này vô cùng vi tế, chúng ta cần phải kiểm nghiệm trong đời sống hằng ngày. Ta xử sự, đối nhân, tiếp vật còn có ghét bỏ hay không? Còn có điều gì không thích hay chán ghét không? Nếu như còn những ý niệm này thì tâm chúng ta phát là tà vạy, tâm này không phải ngay thẳng, không phải trực tâm. Tâm thể của tâm bồ-đề là trực tâm, trong Khởi Tín Luận nói: “Trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm”, đây gọi là tâm bồ-đề. Bồ-đề nghĩa là giác ngộ, người thật sự giác ngộ thì tâm họ là trực tâm. Tự thọ dụng là thâm tâm, thâm tâm là háo thiện háo đức.
Thiện này ở trước có nói, như thế nào gọi là háo thiện? Niệm niệm lợi ích người khác, niệm niệm lợi ích chúng sanh, đây là thiện. Nếu trong đó xen tạp ý niệm tự lợi thì đây là bất thiện. Nếu như không hiểu rõ ràng sáng tỏ tiêu chuẩn này, quả thật như người xưa nói, bạn tưởng là tu thiện, đâu ngờ đang tạo ác!
Cho nên, bạn tu hành bao nhiêu năm, nhưng đều không có cách gì thay đổi được vận mệnh, bạn đều không đạt được thành tích tốt. Rốt cuộc khuyết điểm phát sinh ở đâu, bản thân không hề hay biết. Liễu Phàm Tứ Huấn là một cuốn sách hay, đọc tỉ mỉ. Sau khi đọc xong, nghiền ngẫm tường tận, nghiêm túc kiểm điểm lại mình thì bản thân liền hiểu rõ, biết được làm sao tu thiện, làm sao tích đức.
Toàn là tâm cung kính người khác, hai ba năm lại đây chúng ta đề xướng sống trong thế giới biết ơn. Bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên, đều không để nó ở trong tâm. Chỉ để lòng yêu thương, lòng biết ơn ở trong tâm, đây là ngay thẳng. Nếu như còn xen tạp một chút tâm bỡn cợt thế nhân thì đó chính là tà vạy. Những điều này cần phải phân biệt tỉ mỉ rõ ràng.
(Trích: Liễu Phàm Tứ Huấn, tập 15)
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *