Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Tịnh Độ là “diệu môn”

Tịnh Độ là "diệu môn" - A Mi Đà Phật
Trong phần Phát Khởi Tự thì pháp môn Tịnh Độ mầu nhiệm chẳng thể nghĩ bàn, không ai có thể hỏi, đức Phật tự xướng lên danh tự của y báo và chánh báo hòng phát khởi. Lại nữa, Phật trí soi xét căn cơ không sai lầm, thấy đại chúng đáng được nghe pháp môn Tịnh Độ mầu nhiệm, đạt được bốn thứ lợi ích, nên chẳng đợi hỏi mà tự phát khởi. Giống như trong quyển hạ của kinh Phạm Võng, Ngài tự xướng danh hiệu nơi quả vị như sau: “Ta nay là Lô Xá Na….” Ngài Trí Giả phán định phần kinh văn ấy là Phát Khởi Tự, cứ dựa theo đó sẽ biết [vì sao tôi phán định phần này của kinh A Di Đà là Phát Khởi Tự]).
Vì sao gọi Tịnh Độ là “diệu môn”? Biết nó mầu nhiệm ở chỗ nào thì mới thấu hiểu sự thù thắng của nó. Mầu nhiệm ở chỗ phương pháp đơn giản, chỉ cần thật thà niệm Phật, chẳng cần biết hiểu hay không hiểu, đều có thành tựu. Hiểu rõ ràng lý luận thì sự Niệm Phật ấy được gọi là Lý Niệm. Nếu chẳng hiểu, chỉ thật thà mà niệm thì gọi là Sự Niệm. Công phu bình đẳng, do vậy, pháp môn này phổ độ hết thảy chúng sanh trong một đời đều bình đẳng thành Phật, gọi là “diệu” là vì điểm này. Chúng ta chọn lựa pháp môn này giống như các vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền, phương pháp tu hành cũng tương đồng, sanh về Tây Phương đạt được quả vị đương nhiên cũng tương đồng.
Pháp môn này sâu mầu cùng tột, chẳng những người tầm thường chẳng thể hỏi được, mà bậc Đại Trí Xá Lợi Phất cho đến bậc Pháp Vương Tử trí huệ bậc nhất là Văn Thù Bồ Tát cũng chẳng thể hỏi. Phật nói pháp cần phải có người khải thỉnh, nhưng pháp môn này sâu quá, ai cũng chẳng nghĩ tới được. Do vậy, đức Phật quán sát cơ duyên của đại chúng dự hội đã chín muồi, chẳng cần đệ tử khải thỉnh, tự động tuyên nói pháp môn “thành Phật viên mãn ngay trong một đời này”. Trong mười hai phần giáo, thể loại này được gọi là Vô Vấn Tự Thuyết (không ai hỏi mà tự nói). Lúc đức Phật ở dưới cội Bồ Đề, ban đêm thấy sao Mai, viên thành Phật đạo, Ngài muốn tuyên nói với mọi người pháp môn này, nhưng khi ấy, cơ duyên của chúng sanh chưa chín muồi, do vậy, phải bắt đầu nói từ các kinh Tiểu Thừa, Đại Thừa trước. Đợi đến khi cơ duyên chín muồi, không ai hỏi, tự nói, khiến cho chúng sanh đạt được bốn thứ lợi ích, gọi là Tứ Tất Đàn (catur-siddhānta). “Tất” là phổ biến, “đàn” là thí cho, [Tứ Tất Đàn là]:
  1. Thế giới Tất Đàn: Tuyên nói với chúng sanh hết thảy chân tướng sự thật trong thế gian, khiến cho họ sanh lòng tin ưa. Phật pháp trước hết phải làm cho chúng sanh sanh lòng hoan hỷ. Nếu chẳng thể làm cho chúng sanh đối xử hòa thuận với nhau, ắt sẽ khiến cho xã hội bất an. Vì thế, Phật pháp lấy việc tạo lợi ích cho thế gian làm đầu.
  2. Vị nhân Tất Đàn: Quán sát cơ duyên của chúng sanh mà thuyết pháp phù hợp căn cơ, khiến họ sanh được lợi ích tốt lành. Như rắc rối to lớn trong hiện thời là luân lý, đạo đức thiếu sót, xã hội bất an, bèn vì họ nói Tứ Duy, Bát Đức khiến cho họ sanh khởi thiện nguyện, thiện hạnh.
  3. Đối trị Tất Đàn: Thuyết pháp nhằm đối trị những khuyết điểm của chúng sanh, khiến cho họ đoạn ác.
  4. Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn: Ba thứ trên thuộc về pháp thế gian, loại thứ tư thuộc về pháp xuất thế gian, khiến cho chúng sanh ngộ đạo chứng quả.
Nay đức Phật giới thiệu tại phương Tây quả thật có thế giới Cực Lạc và cũng thật sự có A Di Đà Phật. Chúng sanh nghe xong, sanh tâm hoan hỷ, phát nguyện cầu sanh. Đấy chính là Thế Giới Tất Đàn. Nghe xong, chấp trì danh hiệu, thiện căn, phước đức viên mãn hiện tiền, được lợi ích sanh trưởng điều thiện, đấy là Vị Nhân Tất Đàn. Dùng cái tâm chân thành, cung kính, ngày đêm niệm một câu Phật hiệu không ngừng, ác nghiệp nơi thân khẩu ý chẳng thể hiện hành, đè nén phiền não, đấy là Đối Trị Tất Đàn. Niệm Phật niệm đến mức “công phu thành phiến”, chắc chắn sanh về Tây Phương, muốn ra đi lúc nào sẽ đi trong lúc ấy, có thể sanh tử tự tại, đấy là Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn.
Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký – Phần 3 – Pháp sư Tịnh Không giảng thuật .
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *