Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật, Tịnh Độ

Học Tịnh Độ thì tìm Phật A Di Đà, tìm người khác mà làm gì?

Đức Phật A Di Đà
Chúng ta không tìm được thầy, thì tìm người xưa. Học Nho thì tìm Khổng Tử để học, giống như Mạnh Tử vậy, hiếu học là sẽ thành công. Học Phật đừng tìm ai khác, nên tìm Đức Thế Tôn. Học Tịnh Độ thì tìm Phật A Di Đà, tìm người khác mà làm gì? Kinh điển đều còn, chỉ cần siêng năng đọc, phải có lòng tin đọc lần này rồi đến lần khác, mỗi lần đều lãnh hội được như vậy mới có thể thâm nhập.
Khi nào mới có thể hiểu được chân thật nghĩa trong kinh điển? Lúc không còn vọng niệm, nói với chư vị, vọng niệm không còn chính là đã tiêu hết nghiệp chướng, chân tâm hiển lộ. Chúng ta dùng chân tâm để đọc kinh Phật, cũng giống như Đức Phật đến thuyết pháp, như vậy mới có thể nhập vào cảnh giới Phật, thành Phật. Vì sao thông thường người ta nghe và đọc kinh mà không thành Phật được? Quá nhiều vọng niệm, quá nhiều ý kiến, quý vị không phải dùng tâm thành kính, mà đang dùng tâm nghi hoặc, tâm nghi hoặc làm sao hiểu được ý của Thánh nhân? Ý của Thánh nhân là gì vậy? Là tự tánh chân thật nghĩa của mình, kinh điển của Thánh nhân là từ trong tự tánh hiển lộ ra. Bây giờ quý vị dùng chân tâm, không dùng vọng tâm, chân tâm chính là tự tánh. Làm gì có chuyện không thấu triệt, khi ta dùng tự tánh để xem những gì hiển lộ ra từ tự tánh. Ta sẽ hiểu thấu tất cả, chính là đạo lý như vậy. Phật là ai? Phật là chính mình, không phải ai khác. Phật A Di Đà là tự tánh giác, Đức Thế Tôn là tự tánh thanh tịnh từ bi. Tất cả pháp không rời tự tánh, Phật Bồ Tát cũng không ngoại lệ.
Phật pháp được gọi là nội học, mọi người đều bình đẳng: “Tất cả chúng sanh vốn là Phật”. Lời nói này là thật, hoàn toàn không hề hư vọng, vấn đề là có nghe hiểu câu nói này hay không? Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, quý vị xem, không phải đều là nói đến điều này sao? Tâm tưởng thiện, quý vị sẽ được tôn quý, hào phú, hiền minh, trí dũng, sẽ được như vậy. Còn như tâm hành bất thiện, thì quý vị bị đui điếc, câm ngọng, nghèo cùng, cô độc, bị những quả báo như vậy.
Trích từ bài giảng Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 520 do pháp sư Tịnh Không chủ giảng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *