Trên bước đường tu, sau khi thành tựu pháp Tứ thiền và Bát định của hai đạo sĩ Kamala và Uất Đầu Lam Phất, Thái tử Sĩ Đạt Ta tọa thiền dưới cây bồ đề đến mức độ quên ăn, quên ngủ nghỉ và sau 49 ngày theo Phật giáo Bắc tông hoặc 21 ngày theo Phật giáo Nam tông, Ngài thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Ngài ngồi dưới gốc cây thành Phật, nên cây đó gọi là cây bồ đề. Nhưng Tổ Huệ Năng sợ chúng ta chấp vào cây bồ đề, ngài mới nói bồ đề bản vô thọ, tức bồ đề là trí giác, không phải là cái cây. Người chấp vào cái cây thì dù có ngồi suốt cả đời cũng không thành gì.
Ngồi dưới cây bồ đề để làm gì mới là việc quan trọng. Phật ngồi dưới cây bồ đề và việc làm của Ngài ở đó được nhà thiền gọi là vô tác diệu lực, nghĩa là không thấy Phật làm, nhưng việc nào Ngài cũng thành tựu mỹ mãn.
Không thấy làm, nhưng thực làm là pháp tu mà Phật muốn dạy chúng ta. Nhưng Ngài nói pháp này Ngài chứng được thì từ Nhị thừa đến Bồ Tát còn không hiểu, nói chi hàng nhơn thiên, hay phàm phu chúng ta làm sao vói tới.
Phật nói trời, người, A Tu La là thế giới hữu hình và vô hình đều thấy Ngài ngồi yên, không làm gì, rồi thành Phật giáo hóa chúng sanh. Phật nói họ thấy như vậy, nhưng sự thật không phải vậy.
Phật cho biết Ngài ngồi quán chiếu tất cả các kiếp quá khứ xa xưa của Ngài và của mọi người. Vì vậy, Phật dạy các Tỳ-kheo thực hiện pháp này bằng cách ngồi yên để tập trung suy nghĩ tại sao chúng ta có cuộc sống hôm nay. Và Phật dạy rằng cuộc sống hôm nay là kết tinh những gì của quá khứ mà chúng ta đã tạo. Vì thế, Phật bảo muốn biết đời trước chúng ta là gì thì xem cuộc sống hiện tại.
Quán sát quá khứ gần là đời trước thì dễ thấy. Nếu đời trước chúng ta là người trí thức, hoặc là thầy tu thì tái sanh đời này, chúng ta cũng là người trí thức, cũng là thầy tu.
Điển hình như Hòa thượng Trí Tịnh lúc còn bé theo mẹ lên chùa. Hòa thượng Vạn Linh nói người này đời trước là Hòa thượng nên đời này cũng xuất gia làm Hòa thượng. Đó là sự gợi ý mà kinh Pháp hoa gọi là khai tri kiến. Nhờ Hòa thượng Tổ đánh thức tâm ngài như vậy mà Hòa thượng Trí Tịnh đã xuất gia.
Tuy là chú tiểu mới tu, nhưng Hòa thượng Vạn Linh thấy Hòa thượng Trí Tịnh đã là Hòa thượng, nên ngài không bắt chấp tác những việc lặt vặt. Ngài cho cất am tranh để Hòa thượng Trí Tịnh ở tu một mình. Quả đúng như lời Tổ nói, sau này Hòa thượng Trí Tịnh trở thành vị cao tăng, chỉ đọc kinh qua một lần là ngài thuộc lòng. Trong khi chúng ta phải đọc nhiều lần và suy nghĩ hiểu được rồi mới nhớ. Xưa kia tôi học với ngài nhận thấy rõ trí nhớ của ngài thật là siêu đẳng, ngài đọc thuộc lòng bộ kinh Pháp hoa chữ Hán. Tới năm Hòa thượng 80 tuổi, tôi có duyên may ở chung phòng với ngài khi tham dự cuộc họp ở Hà Nội. Ngài nói với tôi rằng vì mắt không thấy chữ nên ngài cố đọc phẩm Phương tiện kinh Pháp hoa để thuộc lòng phẩm này và lúc nào ngài cũng đọc phẩm này. Tại sao ngài không đọc kinh khác mà chỉ đọc phẩm Phương tiện.
Trong khi ngài Nhật Liên thì chủ trương chỉ đọc phẩm 16 Như Lai thọ lượng của kinh Pháp hoa. Tổ Huệ Đăng của Thiên Thai thiền giáo tông dạy rằng chỉ đọc quyển thứ 7 kinh Pháp hoa.
Hòa thượng Trí Tịnh đọc thuộc lòng từ ngày này sang ngày khác chỉ mỗi phẩm Phương tiện mà về sau tôi mới nhận ra rằng Đức Phật có vô số phương tiện. Chúng ta sống trong đời ngũ trược ác thế cũng phải có vô số phương tiện mới làm đạo được. Ý này kinh Hoa nghiêm nói rằng có phương tiện huệ thì giải được mọi vấn đề, không có phương tiện huệ sẽ bị kẹt pháp, đương nhiên sẽ chết trong pháp.
Hòa thượng Trí Tịnh suốt đời lãnh đạo Giáo hội ít sai lầm nhờ học và hiểu phương tiện, ứng dụng được phương tiện trong cuộc sống tu hành và truyền đạo của ngài. Đó là điều quan trọng mà người học Phật phải thấy được.
Đầu tiên chúng ta tu quán nhân duyên của mình theo lời Phật dạy là nhìn hiện tại cuộc sống của mình mà biết việc quá khứ mình làm. Như tôi sanh trong gia đình nghèo ở vùng quê nghèo mà tự biết được nghiệp nhân quá khứ của mình là gì, nhưng cũng còn may mắn là có căn lành. Trong kinh Pháp hoa, Phật nói rằng điều quan trọng là người tu phải có căn lành mới được chư Phật hộ niệm.
Vì vậy, tôi suy nghĩ nhiều về căn lành và nghiệp ác. Người có căn lành được Bồ Tát giúp đỡ, người có nghiệp ác bị ác ma dẫn dắt.
Nhờ có căn lành nên tôi sanh trong nhà nghèo ở vùng quê nhưng may mắn mới 3 tuổi tôi đã được quy y ở chùa. Ông cụ thân sinh tôi kể rằng khi tôi 3 tuổi có vị đạo sĩ tự nhiên tới nhà tôi và nói nếu không cho tôi quy y ở chùa thì không nuôi được, tôi không sống được.
Nghe vậy, ông cụ chở tôi xuống chùa làm lễ quy y. Từ đó, chùa và Phật luôn sống động trong tâm trí tôi. Bây giờ tôi cũng còn mường tượng lại lúc mới đến chùa quy y, tôi phải bò lên bậc tam cấp, vì còn bé quá không bước lên được
Nhờ có căn lành nên có Bồ Tát hiện ra giúp đỡ, trợ lực thì căn lành chúng ta mới lớn được. Không có căn lành mà có nghiệp ác sẽ bị ác ma hướng dẫn đi vào con đường ác là gian tham, trộm cắp, hung dữ, giết người, cuối cùng phải thọ quả báo khổ đau không cùng.
Vì vậy, nhìn hiện tại để quán sát biết đời trước. Nếu hiện tại có nhiều người ác xấu đến rủ làm việc ác là biết nghiệp ác đời trước đã có mới chiêu cảm quả báo đời này như vậy. Tôi thấy có những người bạn mà cha mẹ đưa họ vô chùa tu, nhưng họ không vui với đạo mà chỉ thích chuyện đời nên bị đời cám dỗ, bỏ tu về tục, phải trả quả báo.
Phật dạy phải quán sát đời trước và thấy đời trước với đời này có mối liên hệ mật thiết. Đời trước làm ba việc ác của thân là sát, đạo, dâm, làm bốn việc ác của miệng là nói bịa đặt, nói lời gây chia rẽ, nói đâm thọc, nói lời hung ác và làm ba việc ác của tâm là tham, sân, si. Tất cả người tu chúng ta phải luôn quán sát coi mình có phạm những tội lỗi này hay không, lòng chúng ta có nhiều ham muốn không, có dễ bực tức không, nhìn sự việc chính xác không. Nếu phạm những lỗi lầm này, phải biết đời trước mình đã tạo tội rồi, cần nỗ lực lạy sám hối cho tiêu nghiệp thì tâm mới sáng được. Ai cũng tu nhưng tu được kết quả tốt hay không là ở điểm này.
Căn lành đời trước có thì đời này tự nhiên phát sinh ý niệm lành. Thật vậy, đời trước chúng ta không có tâm ác, đời này chúng ta thấy mọi người đều dễ mến và các loài vật cũng dễ thương nên muốn chăm sóc chúng. Nhưng ác nghiệp đời trước có là sát nghiệp nên thấy loài vật là muốn giết, cuối cùng cũng bị giết như nó, tạo nên oan gia tương báo không ngừng.
Quán sát đời trước của mình, lần lần chúng ta nhận ra được một đời trước chúng ta có tu hay chưa tu và có tu pháp môn nào. Nếu đời trước chúng ta tu pháp môn niệm Phật thì đời này thấy người tu niệm Phật, chúng ta thích. Nếu đời trước tu Bồ Tát pháp, đời này thấy người bố thí hoặc làm những việc của Bồ Tát, chúng ta cảm mến và theo họ. Nếu đời trước chuyên tu thiền, đời này chúng ta thích yên tĩnh, thích một mình, không thích nói qua nói lại.
Còn nữa…
HT Tôn sư Thượng Trí Hạ Quảng giảng giải