Tịnh Độ

Ý nghĩa chú vãng sanh

Ý nghĩa chú vãng sanh

Chào các bác và các anh chị,

Hôm nay thầy sẽ nói về những chú mà chúng ta sẽ học trong pháp hội Di Đà này.

Thứ nhất là chú vãng sinh. Tên thật của chú vãng sinh là: “Bạt nhất thiết nghiệp chuớng, đắc sinh tịnh độ đà là ni”. Chú vãng sinh này có thể coi là một chú dùng nhiều nhất và người Việt Nam chúng ta đi chùa, ai cũng học chú này. Thường chúng ta chỉ nghĩ chú này đọc lúc mình sắp chết hoặc đọc với hy vọng mình được vãng sinh. Điều này rất đúng. Nhưng công năng của chú này rất vĩ đại. Nó đã bạt nhất, bạt là đánh tan đi. Bạt ở đây có nghĩa là nhổ ra, vấ  ra, không còn nữa; đánh tan ra, nhổ phăng luôn tất cả nghiệp chướng. Nghiệp chướng là gì? Là những chuyện chúng ta làm lỡ, làm nhầm, những chuyện tầm bậy, bây giờ có hậu quả là gây trở ngại cho sự khai mở nội tâm mình. Thí dụ ta muốn vui nhưng cứ làm người khác khổ; sau khi làm khổ người rồi, bây giờ quả báo tới. Ta cần vui mà vui không tới, chỉ có khổ thôi. Đó gọi là nghiệp   chướng. Ta đã làm những chuyện gây khổ cho người nên bây giờ muốn vui   cũng không được. Do đó chúng ta “bạt nhất thiết nghiệp chướng” tức là dùng chú này làm mất đi chướng ngại đó.

Đắc sinh có hai ý nghĩa: một là ngay bây giờ, tuy chưa lên cực lạc, nhưng ta  cũng cảm thấy có sự nhẹ nhàng, an lạc ngay trong tâm. Tịnh độ đó là ngay bây   giờ, đắc sinh tịnh độ. Ý nghĩa thứ hai là ta chết rồi sẽ lên cõi trên, cõi cực lạc   trên kia. Thành ra khi sống, ta cũng có tịnh độ ngay trong tâm an tịnh; khi chết sẽ tới chỗ được gọi là thế giới của đức Phật A Di Đà.

Ngoài tên đó Chú vãng sanh còn có tên là Chú khai triển quang minh nội tại, quang minh tự tánh, là Chú triển khai tự tánh quang minh. Tại sao chú đó có nhiều tên như vậy? Bởi vì thực sự chú đó do đức Phật A Di Đà nói, có đặc tính làm cho vô lượng quang minh của mình mở ra. Vô lượng quang minh là bản tánh của mình, lúc nào mình cũng có quang minh này, lúc nào cũng có sự sáng suốt đó. Có thể các bác sẽ hỏi:”Thưa thầy, sự sáng suốt đó ở đâu ra?” Sự sáng suốt đó nằm trong những chuyện như khi thấy một người nào, ta động lòng trắc ẩn, thương người đó. Đó là một tình thương mà mình cứ cho ra. Vì có lòng thương, sự trắc ẩn đó, ta cho ra, tình thương đó đúng là tình thương, và được gọi là vô lượng quang minh. Ta thấy có những người làm lỗi lầm, nhưng ta vẫn tha thứ cho họ. Ta tội nghiệp họ, chấp nhận họ nên tha thứ họ. Sự tha thứ đó cũng là vô lượng quang minh. Có người hỏi thầy: ”Thưa thầy, không biết vô lượng quang minh lan tỏa khắp mọi nơi có đúng không? ”Đúng, nhưng còn thêm một ý nghĩa. Chúng ta có một giới hạn, qua giới hạn đó thì gọi là vô lượng. Ta thương người đó, nhưng họ nói vài ba câu chọc phá khiến ta tức giận; ta không thương hoặc thương họ ít đi. Như vậy có nghĩa là tình thương của chúng ta không phải là tình thương vô điều kiện. Nếu họ cứ tiếp tục chọc phá, thách đố mình, tình thương của mình dành cho họ sẽ nhỏ thêm nữa, hay mình không nói chuyện với họ ba ngày, một tuần, hay bỏ đi. Tình thương của chúng ta càng ngày càng thu nhỏ lại và là tình thương có điều kiện; không thực sự là chúng ta có tình thương. Tình thương đó có hạn định và có thể nói thật ra đó là chúng ta thương chính mình, chẳng thương ai đâu.

Vô lượng quang là sao? Thí dụ bây giờ mình có tình thương, mình thương người đó. Họ nói nặng mình một câu, mình giận hai ba phút, xong làm lành lại. Chúng ta vượt qua giới hạn bản ngã của mình và chấp nhận họ. Nhưng hai ba ngày sau, họ lại nói ta một câu, thách đố ta. Bây giờ thay vì thu hẹp lại, ta đã chấp nhận họ, nên lòng ta lại mở ra thêm một chút nữa. Dù bị thách đố, ta vẫn cười vui, ôm họ vào lòng, lòng ta càng ngày càng mở lớn hơn. Việc cõi lòng không ngừng mở rộng đó được gọi là vô lượng, và tình thương được gọi là quang minh.

Nhiều người đã nghĩ rằng khi tu thì quang minh đó phải là ánh sáng. Không  phải vậy. Thật ra quang minh đó là tình thương, là sự chấp nhận, là sự quan hoài, là sự ấm áp mà ta truyền cho người khác. Khi đọc chú vãng sinh, chúng ta phải đọc làm sao để càng đưa ra, càng lan tỏa ra sự ấm áp, càng   gởi tới, càng làm cho những ngưòi xung quanh từ từ cảm nhận được tình thương và sự vô hạn định.

Đây không phải là một việc dễ nhưng cũng không khó. Không dễ bởi vì bản ngã ta cứng quá; không khó mà cũng không dễ bởi nhiều khi ta thấy mình có nhiều giới hạn. Biết vậy ta sẽ cố gắng cải thiện, thay đổi. Từ từ ta sẽ thấy cuộc đời mình thay đổi. Sự hiểu biết đó giúp chúng ta trì chú vãng sinh tới đâu, linh nghiệm tới đó, bởi chúng ta biết rằng chúng ta không mê tín. Chúng ta không   phải cầu xin đi tới một chỗ nào mà nên có tịnh độ ngay từ bây giờ, để tới một chỗ tịnh độ mai sau khi mình chết. Bây giờ mỗi ngày chúng ta đang xây   một tịnh độ trong lòng, mỗi ngày chúng ta có sự an lạc, nên sau khi chết, chúng ta sẽ tới cõi an lạc.

Chú “bạt nhất thiết nghiệp chướng, đắc sinh tịnh độ” là một nhịp cầu để chúng ta qua. Mỗi câu chú chúng ta niệm là một tịnh độ đang hiện ra ngay đây.

Cám ơn các bác đã lắng nghe.

Thầy Thích Hằng Trường giảng, Xuân Dung ghi lại

phaphoidida.com

Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *