Niệm Phật có bốn loại âm thanh: niệm lớn, niệm nhỏ, niệm kim cang, niệm thầm.
Trong bốn loại này, niệm kim cang có thể kéo dài lâu mà không mệt.
Nói niệm kim cang chính là động miệng, người khác không nghe được.
Nếu niệm nhỏ thì người bên cạnh có thể nghe được.
Niệm lớn thì khó kéo dài lâu.
Niệm thầm thì thường hay quên.
Niệm có thể kéo dài lâu, đó là niệm nhỏ hoặc niệm kim cang, trong đó niệm kim cang kéo dài lâu nhất.
CÁCH NIỆM PHẬT KIM CANG TRÌ
Kim cang trì được chư Tổ sư coi trọng. Bởi cách niệm Phật này tương đối miên mật, không mất nhiều sức mà niệm được lâu dài. Bởi khi niệm lớn dễ bị khan tiếng, còn niệm thầm dễ sanh vọng tưởng tạp niệm. Nguyên nhân là chúng ta đã quá quen thuộc với tạp niệm phiền não, mà không quen nhất là niệm Phật. Khi tâm chúng ta khởi niệm, miệng sẽ khởi nhép niệm theo tâm. Nếu miệng không động, chỉ niệm thầm thì nhanh bị hôn trầm, sẽ dễ sanh vọng tưởng tạp niệm.
Kim cang trì chỉ là nhép miệng niệm, không mệt, không tổn khí. Lại không có khuyết điểm hôn trầm của niệm thầm. Thói quen của phàm phu chúng ta chính là vọng tưởng tạp niệm sanh khởi không dứt. Vọng tưởng tạp niệm này không cần học mà tự có. Khi sanh ra đã có rồi, rất kiên cố và cực khó phá vỡ. Ta hay ảo tưởng tâm mình đang thầm niệm Phật, nhưng thực sự là rất ít khi có được điều này. Đa phần nó lăng xăng đủ thứ trên đời, đó gọi là rơi vào vọng tưởng tạp niệm một cách tự nhiên.
Cho nên cần phải động môi niệm Phật, lấy động môi để nhiếp giữ cái tâm lăng xăng của ta. Vậy nên thường ngày nên tập thói quen động môi niệm. Khi đi đường, khi làm việc, khi ở nhà cũng vậy…đều phải động môi niệm Phật. Dùng cách niệm Phật này lâu ngày, niệm Phật sẽ thành thói quen.
Pháp Sư Huệ Tịnh