“Nhân đáo vô cầu, phẩm tự cao” (con người đạt đến mức vô cầu, phẩm hạnh tự cao).
“Dĩ vô biên công đức, bất ngoại tự tâm” (do vô biên công đức chẳng ngoài tự tâm), câu này nói rất hay. Vô lượng vô biên công đức đều do tự tâm của quý vị thành tựu. Chư Phật Như Lai chẳng hề cầu cạnh kẻ khác, ngạn ngữ của Trung Quốc cũng nói rất hay: “Nhân đáo vô cầu, phẩm tự cao” (con người đạt đến mức vô cầu, phẩm hạnh tự cao). Phàm phu, đặc biệt là trong xã hội hiện tiền này, nói chung, đối với các tin tức, bất luận là thiện hay bất thiện, thường mong biết nhiều hơn một chút. Thật ra, người tu đạo có cần [biết những tin tức ấy] hay không? Chẳng cần thiết! Khéo tu tự tâm, công đức bèn viên mãn, đó là đạo lý nhất định. Thường giữ gìn tự tâm thanh tịnh, bình đẳng. Thanh tịnh và bình đẳng đều thuộc về Định, thanh tịnh là chẳng nhiễm ô, bình đẳng là chẳng dao động, đó là công phu Thiền Định. “Tùy thuận Chân Như, tu nhất thiết pháp, tắc năng cụ túc vô biên công đức” (tùy thuận Chân Như, tu hết thảy các pháp, có thể trọn đủ vô biên công đức). Chân Như là chân tánh, nếu quý vị chẳng biết Chân Như là gì, thì Chân Như chính là “thanh tịnh, bình đẳng, giác” ngay trong tựa đề kinh, vì nó chẳng giả! Trong cuộc sống hằng ngày, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác đều tương ứng Chân Như, luôn tương ứng với Chân Như thì gọi là Như. Nói cách khác, tương ứng với thanh tịnh, bình đẳng, giác, khởi tâm động niệm, tâm địa thanh tịnh, chẳng có nhiễm ô, tâm địa bình đẳng, chẳng bị dao động, đó là tương ứng. Ngôn ngữ, tạo tác đều tương ứng với thanh tịnh, bình đẳng thì tâm ấy trụ trong Giới, Định, Huệ.
Giới là tự nhiên chẳng vượt ngoài quy củ giống như Khổng lão phu tử. Khổng lão phu tử rất khó có, Ngài nói đến lúc bảy mươi tuổi mới đạt được công phu ấy: “Tùy tâm sở dục, bất du củ” (thuận theo lòng muốn, chẳng vượt ngoài quy củ). “Củ” (矩) là quy củ, đó là giới luật, thuận theo lòng mong muốn, tự nhiên tương ứng với giới luật, chẳng có mảy may miễn cưỡng nào, tự nhiên tương ứng. Thích Ca Mâu Ni Phật biểu diễn cảnh giới này cho chúng ta thấy, lão nhân gia thuyết pháp bốn mươi chín năm, đã thực hiện được. Khổng Tử bảy mươi tuổi mới đạt đến cảnh giới ấy. Đó đều là Phật, Bồ Tát thị hiện, biểu diễn cho chúng ta thấy. [Sự biểu diễn của Khổng Tử] là người bình phàm, còn sự biểu diễn của Thích Ca Mâu Ni Phật là bậc thượng thượng căn, Ngài chẳng phải là kẻ bình phàm, lúc khai ngộ bèn thực hiện được, ba mươi tuổi bắt đầu giáo học thì đã “tùy tâm sở dục, bất du củ” rồi! Khổng Tử đã cho chúng ta biết tấn độ (mức độ tiến triển) trong sự tu học của Ngài: “Tam thập nhi lập”, giống như chúng ta học hành hiện thời, ba mươi tuổi tốt nghiệp chương trình Tiến Sĩ, giành được mảnh bằng Tiến Sĩ, đó là “nhi lập”. “Tứ thập nhi bất hoặc”, có thể tương ứng với trí huệ, chẳng còn bị mê hoặc. “Ngũ thập tri thiên mạng, lục thập nhĩ thuận”, “nhĩ thuận” là gì? Bất cứ thứ gì cũng đều đã quen thấy, quen nghe, tâm bình đẳng hiện tiền. “Thất thập tùy tâm sở dục”, đạt được tự tại, chẳng cần phải miễn cưỡng, mà tự nhiên tương ứng với Chân Như, tự nhiên tương ứng. Bảy mươi tuổi [Khổng Tử] mới đạt đến cảnh giới ấy. Thích Ca Mâu Ni Phật biểu diễn “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”, đạt tới ngay cảnh giới ấy, biểu diễn cho chúng ta thấy trong suốt bốn mươi chín năm, mãi cho đến khi lão nhân gia viên tịch. “Tùy thuận Chân Như, tu hết thảy các pháp”. Nay chúng ta học tập những điều được nói trong kinh này là Chân Như, chỉ dạy chúng ta tùy thuận Chân Như, tu hết thảy các pháp như thế nào! “Hết thảy các pháp” là trong cuộc sống thường ngày, khởi tâm động niệm, đãi người, tiếp vật, chẳng lìa “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, như vậy thì sẽ có thể trọn đủ vô biên công đức.
“Thị cố, tùng chư Phật sát trung giai năng thị hiện dĩ hạ, tiêu hiển Văn Thù trí đức” (do vậy, từ câu “trong các cõi Phật đều có thể thị hiện” trở đi là nêu rõ trí đức của ngài Văn Thù). Trong phần trước, chúng ta đã đọc đoạn kinh văn này, từ “chư Phật sát trung, giai năng thị hiện” cho đến “thiện lập phương tiện, hiển thị tam thừa”, đoạn kinh văn này toàn là nói về trí đức của Văn Thù Bồ Tát. “Lệ như” (chẳng hạn như), cụ Hoàng nêu ví dụ, ví dụ này sẽ được giải thích trong phần dưới: “Thí thiện huyễn sư, hiện chúng dị tướng” (ví như người giỏi huyễn thuật, hiện các hình tướng lạ), đó là tùy duyên. Hai câu kế đó: “Ư bỉ tướng trung, thật vô khả đắc” (trong các tướng ấy, thật sự là chẳng thể được). Đó là trí huệ của ngài Văn Thù. Trong hết thảy các tướng được hiện, chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước. Vì sao? Biết những tướng được hiện ấy là “Tướng có, Thể không”. Bồ Tát biết tướng chính là Không. Đối với các tướng được hiện ở ngay trước mặt ta, biết chúng là trống không, trọn chẳng thể được, cho nên vị ấy chẳng khởi tâm động niệm. Phàm phu không biết, ngỡ tướng là thật có, nên phân biệt, chấp trước, tạo tác tội nghiệp, chẳng biết tướng chính là Không. Đó là trí huệ chân thật, được gọi là trí huệ Văn Thù. Đối với bốn câu ấy, có thể nói hai câu đầu là Phổ Hiền hạnh. “Thí thiện huyễn sư, hiện chúng dị tướng” là Phổ Hiền hạnh; hai câu sau, tức “ư bỉ tướng trung, thật vô khả đắc” là Văn Thù trí. Chẳng có Văn Thù trí, sẽ tạo tội nghiệp, tạo nghiệp. Có Văn Thù trí bèn chẳng tạo nghiệp. Chữ “đẳng” có nghĩa là đoạn kinh văn từ những câu này cho đến “thiện lập phương tiện, hiển thị tam thừa” trong phần sau. “Câu biểu tùng Văn Thù diệu trí, viên mãn Phổ Hiền thắng hạnh” (đều biểu thị diệu trí Văn thù viên mãn hạnh thù thắng Phổ Hiền), có nghĩa là viên tu vạn hạnh chẳng lìa Định – Huệ, ý nghĩa này vô cùng quan trọng.
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA – Tập 112 __(((卍)))__
Giảng Kinh Vô Lượng Lần Thứ XI – Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
“Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”, đây là quan niệm lý luận học tập. Phương pháp thì sao “Sách đọc ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”.
Trọn bộ 600 tập MP3 viên mãn http://www.tinhthuquan.com/PhapAmViet/tinhdodaikinhgiai.htm
Bản chú giải: PDF
Từ bi trùm pháp giới – Thiện ý khắp nhân gian.
NAM MÔ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT MA HA TÁT.