Tôi cảm nhận một cách sâu sắc rằng Đại lão Hòa thượng Trí Tịnh (1917 – 2014) là một vị Bồ Tát hiện thân lại cuộc đời này để hoàn thành đại nguyện của Người.
Thật vậy, Người hiện hữu trong thời kỳ Phật pháp khó khăn nhất, nhưng Người đã xuất gia học đạo một cách kỳ diệu. Người đã kể cho tôi nghe rằng thuở nhỏ, có một lần Người đi xe đạp bị xe đò chạy ẩu tông vô, tưởng là không còn sống. Người té nằm dưới lòng xe, nhưng không hề bị thương tích, chỉ bị trầy sơ.
Một điều kỳ diệu khác, Người kể rằng khi còn bé, Người lên chùa Vạn Linh, tuy lúc đó chưa tu, nhưng Tổ Vạn Linh đã chỉ vào Người mà nói với thầy Tri sự rằng ông này đời trước là Hòa Thượng, tái sanh lại đời này sẽ là Hòa Thượng, đừng xem thường ông ấy.
Sự gợi ý của Tổ Vạn Linh đã tác động cho Người xuất gia và nhớ lại đời trước Người đã là thầy tu. Khi Người xuất gia cũng có điều đặc biệt, Tổ Vạn Linh đã cất cốc riêng cho Người ở. Đặc biệt hơn nữa là Tổ đưa cho Người quyển kinh nào, chỉ đọc sơ qua, chẳng những Người thuộc mà còn hiểu rõ nghĩa lý của kinh. Vì vậy, Tổ đã khuyến khích Người ra Huế học.
Và khi Người học ở Huế với các Trưởng lão, cũng có điều kỳ diệu là Người nghe giảng kinh mà cảm giác như đã từng nghe rồi và thông hiểu, không phải nhọc công học nữa.
Với phước duyên được nghe Người trực tiếp kể những câu chuyện về cuộc đời tu học của Người như vậy, khiến cho tôi có ấn tượng hơn nữa rằng Người là một vị Bồ Tát hiện thân lại cõi đời này để phiên dịch các bộ kinh điển Đại thừa.
Quả đúng như vậy, suốt cuộc đời Người đã dành rất nhiều thì giờ cho việc phiên dịch kinh điển. Hầu như các bộ kinh lớn của hệ Đại thừa ở nước ta đều lưu dấu ấn trí tuệ và công đức phiên dịch của Người.
Ngoài việc dịch kinh điển Đại thừa, thuyết pháp, Người cũng dồn thời gian cho việc niệm Phật, ít tiếp xúc với quần chúng Phật tử.
Nhiều lần tham vấn Đại lão Hòa thượng, Người luôn nhắc nhở tôi cố gắng chuyên tu, bớt việc để tu, vì thời gian không còn nhiều. Người quan niệm rằng nếu làm việc nhiều cũng có thể sanh phước đức, nhưng chắc chắn phiền não, trần lao và nghiệp chướng cũng theo đó mà phát sanh. Với Người, tất cả những gì cản trở sự thanh tịnh của tâm đều phải dứt bỏ.
Vì vậy, chúng ta thấy trong nhiều năm qua, là giáo phẩm lãnh đạo tối cao của Giáo hội, nhưng trong nhiều hội nghị, các sinh hoạt của Giáo hội, Người không đến dự. Tôi cảm giác dường như tất cả tâm ý của Người đều dành cho việc suy nghĩ, hình dung, quán niệm về Đức Phật Di Đà và Thế giới Cực lạc thanh tịnh tuyệt đối. Do đó, chúng ta nhận thấy ở Người luôn thể hiện sự ung dung, tĩnh tại cho đến ngày mãn duyên, xả Báo thân cũng nhẹ nhàng hiếm thấy.
Tuy Đại lão Hòa thượng không còn hiện hữu trên thế gian này, nhưng cuộc đời tu hành của Người vô cùng tốt đẹp luôn là tấm gương cho tôi noi theo, nhớ lời Người sách tấn, nghĩ lại mình tuổi đã lớn, cần bớt việc để chuyên tu. Tôi sẽ dành thì giờ nhiếp tâm niệm Phật, cảm về thế giới Phật để nhẹ nhàng bước vào Tịnh Độ khi mãn duyên hành đạo ở thế gian này.
Các Kinh điển Đại Thừa mà Hòa Thượng Thích Trí Tịnh đã biên soạn và dịch thuật như sau :
• Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: trọn bộ 7 quyển
• Kinh Hoa Nghiêm: 80 quyển
• Kinh Đại Bát Niết Bàn: 40 quyển
• Kinh Đại Bát Nhã: 27 quyển
• Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật: 1 quyển
• Kinh Đại Bảo Tích + Đại Tập: 120 quyển
• Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện: 1 quyển
• Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện: 3 quyển
• Kinh Tam Bảo: 01 quyển
• Tỳ Kheo Giới Bổn: 01 quyển
• Bồ Tát Giới Bổn: 01 quyển
• Kinh Pháp Hoa Cương Yếu: Tóm tắt
• Kinh Pháp Hoa Thông Nghĩa: Tóm tắt
• Cực Lạc Liên Hữu Tập: 01 quyển
• Đường Về Cực Lạc: Trọn bộ
• Ngộ Tánh Luận: 01 quyển, v.v…
(Hoà thượng Thích Trí Quảng)
Thành kính tưởng niệm Cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014) – Đệ nhất Phó Pháp Chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh.
Đại lão Hòa thượng được xem là Tam tạng Đại sư của Phật giáo Đại thừa Việt Nam, là Ngôi sao Bắc đẩu trong hàng nghiên cứu dịch thuật Kinh tạng Việt Nam.
Trọn đời chuyên tâm nơi Pháp môn trì danh niệm Phật.
Ngài thường niệm Phật là “Nam Mô A Mi Đà Phật”
Xin Thường Niệm Nam Mô A Di Đà Phật – Giữ Tâm Thiện Thế Giới Hoà Bình
Hoan nghênh coppy đăng tải, chia sẻ rộng rãi kết thiện duyên !