Tu hành phải có phước đức – Đây là một vấn đề mà không phải chỉ trong nhà đạo mới nói, ngay cả người thế gian cũng thường nói, như câu “Có đức không sức mà ăn”. Người có phước đức làm gì cũng dễ thành tựu. Phước đức là gì ? Nó quan trọng như thế nào? Hôm nay chúng ta đi sâu vào vấn đề này.
Trong sinh hoạt hằng ngày, khi ứng dụng đạo lý vào công phu tu hành chúng ta phải thể hiện bằng hành động cụ thể. Người hiểu đạo lý và thực hành đúng pháp mới gọi là người có công phu. Điều này mới nghe thì dễ nhưng làm được không phải dễ. Như khi chúng ta nói tu, mà cả ngày lêu lỏng ngược xuôi theo những dấy động bên ngoài hoặc vọng tưởng bên trong thì có tu gì đâu. Chúng ta quên mất mình rồi bị đồng hóa với những thứ lăng xăng điên đảo ấy. Tu như vậy cả đời nhất định sẽ không đi đến đâu. Chỉ nói tu suông thôi chứ thật tình không có gì dính dáng. Cho nên phước đức chính là kết quả của một quá trình tu tập đúng pháp. Nó đòi hỏi hành động, đòi hỏi sự thể nghiệm cụ thể của mỗi người chứ không phải nói suông.
Để nói về ý nghĩa của phước đức, tôi kể câu chuyện “Đứa bé mù được Phật độ”. Trưởng giả Nam Việt là một người rất giàu nhưng lại keo kiệt, chỉ muốn làm sao cho sự nghiệp của mình ngày càng đồ sộ thôi, không nghĩ giúp đỡ ai cả. Cuối cùng ông qua đời với cái nghiệp xấu ấy. Và sau đó ông tái sinh trong gia đình của người ăn xin, vừa lọt lòng đã chịu khổ. Ban ngày bà mẹ bồng con ra chợ xin ăn, ban đêm tá túc trước mái hiên của những nhà giàu có. Đi đâu cũng bị người ta xua đuổi khinh khi. Đây là một loại quả báo. Có kẻ xin ăn được người ta thương giúp đỡ. Có kẻ kêu gào, khóc la mà người ta chẳng muốn cho, hoặc cho trong sự bực bội không vui.
Cho đến một hôm bà mẹ không đi nổi nữa, đứa con khoảng mười hai, mười ba tuổi phải tự đi xin ăn. Nó đến nhằm ngôi nhà cũ đời trước. Ông chủ kế thừa bây giờ là con trai duy nhất của trưởng giả giàu kếch sù hồi xưa. Khi thấy cậu bé ăn xin đến, ông chủ phẩn nộ sai gia nhân đánh đuổi thật tàn nhẫn. Bấy giờ đức Phật xuất hiện và kể rõ cho mọi người nghe chủ của gia đình này ngày xưa chính là đứa bé đang bị đánh đập đó. Phật lại dùng thần lực khiến cho đứa bé nhớ lại tất cả những việc làm, những hành động tham lam, keo xẻn từ trước của mình, nguyên nhân của quả báo ngày nay.
Khi biết rõ như vậy, con ông trưởng giả đó phát tâm mãnh liệt vì cha mà tu tạo mọi phước lành. Do thấy được vì gây nhân không tốt mà cha mình phải gánh lấy một hậu quả ghê gớm như vậy nên người con hướng về Tam Bảo, mở rộng lòng ra bố thí giúp đỡ mọi người. Nhờ phước đức về sau cả hai cha con thoát nghiệp khổ. Đó là câu chuyện tôi nêu lên để chúng ta hiểu phần nào về ý nghĩa của việc tu tạo phước đức.
Có thể nói, phước đức là kết quả đằng sau những hành động thường ngày của mình. Nếu chúng ta mở lòng ra thì mọi việc làm dù lớn dù nhỏ cũng đều có phước. Còn ích kỷ, chỉ lo cho mình không nghĩ đến người thì càng làm càng tạo nghiệp, đã không có phước đức mà còn thọ quả báo khổ ở đời sau nữa. Việc tu hành không phải tìm đâu xa xôi. Pháp Phật dạy cho chúng ta ngay trong đời sống này, mình hoán chuyển, gầy dựng, sửa đổi những việc xấu thành tốt, đó gọi là tu, là làm các việc công đức. Sửa ngay từ nơi hành động của mình, trong mọi lúc mọi nơi. Không phải hạn cuộc có một môi trường tốt, hoặc đến chùa hoặc ở nơi thanh vắng mới tu được. Làm sao trong mọi hoàn cảnh, những khi đối duyên xúc cảnh, chúng ta biết tu và chịu tu thì phước đức sẽ tích lũy thầm thầm theo đó. Trái lại, cả ngày từ sáng tới chiều, chúng ta chạy theo các hình tướng bên ngoài, mà trong tâm không cởi mở bao dung, không vui tươi tỉnh sáng thì kết quả ngày mai sẽ không bao giờ tốt được.
Phật có nói bài kinh Phước Đức tại Tinh xá Kỳ Hoàn trong vườn ông Cấp Cô Độc như thế này.
Vào một buổi khuya chư thiên đi đến chỗ Phật, hào quang của các vị soi sáng cả vùng tinh xá. Bấy giờ một vị đại diện chư thiên thưa hỏi đức Phật: “Bạch Thế Tôn, chúng Thiên nhân thao thức muốn biết về nghĩa phước đức, để sống đời an lành. Xin Thế Tôn chỉ dạy nghĩa này”. Phật dạy những điều như sau:
1. Xa lánh kẻ xấu ác, thân cận người hiền, tôn kính bậc đáng kính là người có phước đức.
Trong cuộc sống, trong mọi sinh hoạt, trong tương giao, chúng ta phải sáng suốt nhận ra điều gì xấu thì bỏ, điều gì tốt thì thực hành.
Điều này tuy dễ hiểu, nhưng chúng ta có chịu làm hay không lại là việc khác. Thí dụ như nói uống rượu sẽ bị bệnh hoạn, gia đình mất hạnh phúc, con cháu bị ảnh hưởng xấu; nhưng kẻ ghiện rượu có bỏ được hay không ? Hoặc như mỗi ngày chúng ta có một buổi ngồi thiền vào ban tối, thêm vào đó là nghiên cứu sách Phật, việc làm này không có gì sai trái, mình vui vẻ tu như vậy. Nhưng bất thần có người nói đó là việc làm bậy nên bỏ đi, thì quý vị nghĩ sao ? Không khéo mình lại nghe theo họ, rồi bỏ qua một đời. Thành ra ngay chỗ này chúng ta phải bình tĩnh. Người có nội tâm vững chắc nghe thế chỉ cười hoặc im lặng thôi, việc tôi tôi cứ làm. Chúng ta thường có bệnh dễ chạy theo điều sai mà khó đi đúng theo lẽ thật. Hai ví dụ trên là điển hình cho vấn đề này. Khi có trí tuệ phân biệt được đâu là tốt, đâu là xấu rồi chúng ta còn phải có quyết tâm thực hành cho được. Ông bà ta thường nói: “Việc gì làm mà lòng mình không yên thì đừng làm”. Lời dạy này mới nghe qua rất thường nhưng nó có một giá trị rất lớn đối với việc tích lũy phước đức của chúng ta.
Trong công phu hằng ngày, chúng ta cố gắng gìn giữ để việc làm không trái với lương tâm là tốt. Cố Hòa thượng Viện trưởng, trong quyển Bài Học Ngàn Vàng có kể những mẫu chuyện liên hệ đến câu: “Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó” rất hay. Một câu nói bình thường vậy thôi, nhưng đòi hỏi chúng ta phải hằng sống trong tỉnh giác, những việc gì trái với công phu tu hành của mình thì đừng làm. Nói, làm, nghĩ đều phải xét đi xét lại, để không dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Đó chính là người biết trưởng dưỡng phước đức. Trong sinh hoạt hằng ngày, đi đứng nằm ngồi, nói nín động tịnh gì, chúng ta luôn nghĩ đến hậu quả của nó thì sẽ ngăn chặn được các việc xấu. Đó là tu rồi.
Kế đến nên gần gũi những người lành. Người xưa nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nếu chúng ta biết thân cận bạn lành thì cuộc sống, tư cách của mình cũng tốt đẹp. Đối với bậc đáng tôn kính, thì phải biết quí kính. Điều này chúng ta đã được học từ thuở bé thơ với ông bà cha mẹ và thầy cô. Làm học trò, đi ra đường gặp người lớn tuổi thì phải kính nhường, thưa hỏi. Thấy người neo đơn hoặc trẻ nhỏ hơn mình thì sẵn sàng giúp đỡ. Đây là những lễ giáo sơ khai ban đầu.
Giáo lý của Phật dạy cũng không ngoài cuộc sống thông thường đó. Người biết tu, càng tu chừng nào thì cuộc sống càng có giá trị, càng hài hòa với mọi người. Nếu làm được như vậy tức là chúng ta biết tích lũy phước đức, chắc chắn kết quả hiện đời và đời sau sẽ được tốt đẹp.
Có thể nói hiện giờ chúng ta đang sống trong môi trường tốt, mặc dù sinh ra trong thời cách xa Phật nhưng còn gặp được giáo lý của Phật, còn có những người hướng dẫn chúng ta tu. Đó là có phước. Phật nói làm người mà được các căn vẹn toàn đó là người phước đức. Chúng ta được như vậy tức là đã có phước rồi. Quý Phật tử đến chùa học Phật, đa phần đều hiểu biết đạo lý không nhiều thì ít. Vì vậy chúng ta phải biết giữ gìn và phát huy thêm nữa phước đức ấy. Xét lại, trong gia đình từ những ngày mình còn chập chững cho đến lớn khôn, công ơn cha mẹ, các vị trưởng thượng dạy dỗ hướng dẫn nhiều biết bao nhiêu. Đến khi gặp được chánh pháp, được đức Phật chỉ dạy cho con đường tránh dữ làm lành, nhẫn đến chỉ dạy chúng ta con đường thoát ly sanh tử, như vậy thật là hữu phúc quá phải không?
Thế nên đang trong môi trường tốt, chúng ta rất dễ nỗ lực gia tâm hướng cuộc đời mình ngày càng đi lên, ngày càng được tốt hơn. Chớ có ai đang sống trong cảnh văn minh lại muốn trở lùi về thời hoang dã ăn lông ở lỗ đâu ? Các vị có trách nhiệm trong gia đình, tự nhiên muốn hướng dẫn dạy dỗ con cháu mình theo kịp nhịp tiến hóa chung của nhân loại, chớ không ai muốn đi lùi trở lại cả. Trong đạo cũng thế, người có phước đức thì phải cố gắng tu tạo cho phước đức ngày càng nhiều thêm, chớ không để cho nó ngày càng giảm thiểu bao giờ cả.
2. Thấy rõ nhân quả, tin chắc nhân quả và hành đúng nhân quả là người có phước đức.
Phật dạy tất cả hoàn cảnh và thân người trong hiện đời đều là kết quả của nhân duyên quả báo do chính mình gây tạo từ các đời trước. Ngày xưa chúng ta mê lầm không hiểu nên gây tạo những nghiệp nhân không tốt, bây giờ hậu quả đến thì mình chấp nhận gánh chịu, không sợ sệt. Đó là người tỉnh sáng. Dù cho hậu quả có to lớn cỡ nào mà mình chịu trả thì nó cũng sẽ hết, không có gì đáng sợ, chỉ sợ mình nhắm mắt gây nhân không tốt hoài thôi. Phật dạy người Phật tử chân chính không sợ quả mà chỉ sợ nhân là vậy.
Nhân đó từ đâu ra ? Từ tham, sân, si mà ra. Chúng tạo thành nghiệp và nghiệp này dẫn chúng ta đi thọ nhận quả báo. Nghiệp chính là cái năng lực phát sinh từ lời nói, hành động, ý nghĩ của mình. Nghiệp từ chúng ta gây tạo thì hậu quả chúng ta phải gánh chịu chứ đổ trút cho ai ? Hàng đệ tử Phật tin nhân quả thì không còn sợ gì cả, chỉ sợ chúng ta không sáng suốt tỉnh táo khi suy nghĩ, nói năng và hành động mà thôi. Biết nhân quả do mình gây thì bây giờ phải tu sửa, uốn nắn, điều chỉnh thân, miệng, ý. Đó là cách tu hợp pháp nhất, ai ai cũng tu được. Ở đâu, lúc nào mình cũng luôn luôn chỉnh đốn, sửa đổi, buông bỏ tất cả những tư tưởng, ngôn ngữ, hành động sai trái. Tu từ trong nhân, từ trong lòng của chúng ta, như vậy gọi là tu tâm.
Quý vị có duyên quy y Tam bảo, giữ năm giới, chính là từng bước tu tập, từng bước tạo phước vậy. Bởi vì giới là giới hạn những suy nghĩ, nói năng và hành động của mình trong khuôn khổ đúng đắn, không bị sai phạm lỗi lầm. Đó là tu, là phương pháp ban đầu của người con Phật trên quá trình tu đạo. Vì vậy, giai đoạn này Phật dạy chư Thiên muốn có phước đức thì phải tin hiểu, áp dụng đúng tinh thần nhân quả vào cuộc sống của mình.
Chúng ta có thể thành Phật nếu biết tu ngay trong nhân. Người con Phật phải là người sáng suốt hiểu rõ luật nhân quả. Chúng ta gan dạ để trả nợ, cương quyết cắt đứt những nhân xấu dù phải mất mạng. Khi chúng ta đã tin và áp dụng được nhân quả trong đời sống rồi thì an tâm. Nếu như có con cái ngỗ nghịch, nó quậy phá làm tiêu hao tài sản, thì chúng ta cũng bình thường, không đau khổ, vì biết đây là nợ nần đời trước, bây giờ phải trả. Trả hết thì đường ai nấy đi, có gặp nhau hoài đâu mà sợ. Cho nên người hiểu thấu được nhân quả rồi thì hết khổ, tu hành vững vàng, không sợ sệt gì cả.
Trong nhà Phật có thuyết tam năng, tam bất năng, nghĩa là đức Phật có ba điều làm được và ba điều không thể làm được. Trong ba điều không thể làm được có một điều là Phật không thể độ những người không có duyên với Ngài. Ví dụ tôi ngồi nói chuyện với một người từ sáng tới trưa nhưng người ấy không có duyên với tôi, họ nghe và chẳng cảm nhận gì ngoài một điều là: “Trời ơi ! Ông thầy nói chuyện sao nghe vô duyên lạ”, như vậy là tôi không thể giúp đỡ gì được người ấy.
Ngày xưa Cấp Cô Độc gặp được Phật, nghe pháp và được dự vào dòng thánh, gọi là thánh chủng thanh tịnh giải thoát. Ông dốc lòng đối với Phật pháp, nguyện phụng sự đức Phật tất cả những gì mà ông có thể. Ông hướng cuộc sống toàn thể gia đình mình theo con đường này và giúp đỡ cho những ai nghèo khổ thiếu thốn được ấm no rồi hướng họ đến với chánh pháp. Vì vậy ông được người ta gọi là Cấp Cô Độc, tức người cấp dưỡng cho kẻ cô độc bơ vơ. Đối với tăng đoàn thì ông là một vị hộ pháp đắc lực nhất, tứ sự cúng dường đầy đủ cho quý Thầy tu hành. Ông giao của cải cho một bà già tâm phúc quản lý. Bà thấy hằng ngày các thầy Tỳ khưu cứ đến xin thứ này thứ kia hoài nên bực bội. Ông chủ ra lệnh, bà không dám chống trái, nhưng thật sự không vui. Bởi vì “Của” dù không phải của bà, nhưng bà có trách nhiệm, trong gia đình nên tự thấy như mình là người chủ. Cấp Cô Độc biết nhưng chưa có duyên để hướng dẫn bà tới gặp Phật.
Thời đó vua Ba Tư Nặc và Mạt Lợi phu nhân đều là những Phật tử thuần thành. Bà Mạt Lợi thấy tình hình trong nhà Cấp Cô Độc như vậy, muốn tạo duyên giúp bà quản gia đến gặp Phật. Mạt Lợi phu nhân nói với Cấp Cô Độc, ngày mai trong cung vua có tổ chức cúng dường Phật và Thánh tăng, ông nên sắp đặt cho bà cụ đó mang lễ vật cúng dường đến hoàng cung. Hai vợ chồng Cấp Cô Độc rất vui mừng, vì nghĩ rằng Phật sẽ độ được bà cụ này. Vào cung, Mạt Lợi phu nhân tìm mọi cách để giữ bà già lại. Nhưng bà cụ này ngộ lắm, đưa đồ vào rồi là gấp rút đi ngay, không muốn ở lại chút nào cả. Mạt Lợi phu nhân ra lệnh: “Bà không được về, phải ở lại đây chuẩn bị dâng cúng phẩm vật cho Phật và chư tăng. Lát nữa đức Thế tôn sẽ ngự đến, gặp được Phật và được dâng lễ cúng dường là phước đức lớn lắm”. Bà già không dám cãi lời, buộc lòng phải ở lại nhưng tức tối lắm.
Khi Phật cùng các vị đệ tử đến, Ngài phóng hào quang soi sáng khắp hết, khiến cho mọi người có mặt ở đó đều phát tâm. Chỉ riêng bà già này thì chưa phát tâm. Bà đang chuẩn bị lễ phẩm, thấy Phật đến cửa này liền quay sang cửa khác. Phật liền phóng hào quang riêng cho bà. Bốn mặt, bà quay hướng nào cũng gặp Phật phóng hào quang hết. Hết đường bà cúi gằm mặt xuống đất và tìm cách bỏ về. Phật bảo: “Ta không có duyên độ bà cụ này”. Nhưng Ngài biết La Hầu La có duyên độ bà cụ, bèn sai La Hầu La đến gặp. Quả vậy, từ xa nghe tin La Hầu La đến, bà hoan hỷ ra ngoài đứng đợi. Đến rồi, bà mời vô nhà, hỏi thăm chăm sóc đủ điều… La Hầu La đem Phật pháp nói cho bà nghe. Nghe rồi bà phát tâm, hiểu đạo và hướng về Tam Bảo dễ dàng, không khó khăn gì hết.
Nhân duyên trong nhà Phật là như thế, nhân duyên hội ngộ quả báo không mất. Biết được điều này chúng ta không băn khoăn, chỉ cần tạo duyên lành để có phước vậy thôi.
3. Biết hành trì giới luật, biết nói lời ái ngữ là người có phước đức.
Trong gia đình, giới luật là kỷ cương nề nếp do chúng ta khéo sắp xếp. Người đàn ông có tư cách của người đàn ông, người đàn bà có tư cách của người đàn bà. Cha mẹ thì lo dạy dỗ uốn nắn con cái. Con cái thì vâng lời cha mẹ, không chống trái. Đó là một gia đình có phước theo thế gian.
Trong đạo cũng thế, người khéo hành trì giới luật là người có phước. Nhờ giữ giới mà sanh định, từ định phát huệ. Đó là chúng ta đi đúng lộ trình Phật dạy để giải thoát sanh tử. Phước đức chính là sự hỗ trợ lớn để việc tu tập của chúng ta đi đến kết quả viên mãn. Người đầy đủ phước đức, trong mọi oai nghi, cử chỉ đều có sức cảm hóa rất lớn. Nhờ giữ gìn giới luật nên ta có một cung cách trang nghiêm, nghi dung đĩnh đạc, khiến người nhìn vào dễ sanh kính mến. Đó là lợi ích thiết thực của người biết vun bồi cội phước.
Kế đến là ái ngữ. Ái ngữ là một trong Tứ nhiếp pháp. Là Phật tử, là người tốt, chúng ta thấy ai gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc đang có tâm sự buồn phiền, mình nói lời an ủi, giúp cho người ấy vơi bớt đau khổ, vượt qua những khó khăn. Như vậy là đã tu phước rồi. Ngôn ngữ có tác dụng rất lớn, có những lời nói khiến người phải uất ức, có những lời nói khiến người yếu lòng nhũn chí… những lời như thế đều không nên nói. Nếu đối tượng có uy thế, trên cơ mình, thì một lời nói không cẩn thận, sẽ gây ra tai hại ghê gớm. Vì vậy Phật tử phải dè dặt trong ngôn ngữ, trong cách xử sự. Pháp ái ngữ là pháp về khẩu nghiệp, rất cần thiết trong gia đình, xóm làng. Khi sử dụng ái ngữ thì mọi lời nói đều phải hợp đạo lý, đem lại sự an vui cho mình và mọi người. Ái ngữ đưa đến phước lành chung cho cả cộng đồng đời và đạo.
4. Được cung phụng cha mẹ, yêu thương gia đình, hành nghề thích hợp là người có phước đức.
Nếu người con có duyên cung phụng cha mẹ đầy đủ, yêu thương gia đình của mình, đó là người có phước. Nói yêu thương là nói theo thế gian, trong đạo thì phải từ bi. Vì sao ? Vì từ bi là tình thương vô điều kiện, không bắt buộc người ta phải lệ thuộc mình, không cần ai nghĩ tưởng đến mình. Có được tình thương này ta sẽ cởi mở bao dung và không thấy buồn khổ khi người đối lại với ta không tốt. Người mẹ, người cha có trách nhiệm với gia đình nên sử dụng lòng từ bi, chớ đừng dùng tình thương ích kỷ hẹp hòi. Vì tình thương ích kỷ thường bị giới hạn, muốn ôm về mình những gì mình ưa thích, còn những gì mình không bằng lòng bực bội, thì muốn loại nó ra. Yêu thương như vậy chỉ làm khổ cho nhau thôi.
Tinh thần từ bi trong nhà đạo là mở cửa tâm mình ra. Dù giàu dù nghèo, có địa vị hay không có địa vị, người quậy phá mình mà mình cũng thương được như thường, người đó quyết sẽ thành Phật. Nói thì dễ nhưng thực hành khó lắm. Bởi vì con người do tình cảm luyến ái thâm trọng nên mới sanh vào cõi này, nên gặp nhau là đã ràng buộc nhau rồi. Càng thương càng đắm đuối càng ràng buộc, rốt lại sa vào cái vòng lẩn quẩn của sự trả vay thôi.
Là Phật tử, chúng ta tập mở rộng lòng mình ra, người nào mình cũng thương hết. Từ bi của đạo Phật là vô điều kiện, không phân biệt thân sơ. Người quậy phá, trái nghịch, chống báng… mình lại càng để tâm khuyến khích uốn nắn nhiều hơn. Chúng ta nhớ trong lịch sử của đức Phật, Đề Bà Đạt Đa là vị chuyên môn phá quậy Ngài, nhưng cuối cùng Phật tuyên bố: “Ta sở dĩ thành Phật nhanh là nhờ thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa. Đó là người thầy bậc nhất của ta”. Tại sao như thế? Bởi những ngôn ngữ hành động trái ngược của Đề Bà Đạt Đa đã giúp cho đức Phật tăng trưởng đức nhẫn nhục, mở rộng tâm từ bi hỷ xả thêm ra, do đó Ngài chóng thành tựu đạo quả vô thượng. Cho nên có tâm từ bi thì không việc khó khăn nào ta không vượt qua, không kẻ ngỗ nghịch nào ta không cảm hóa được.
Phật tử đối trong cuộc sống, luôn có tấm lòng giản dị, rộng rãi, bảo bọc từ người thân cho đến xóm làng, phát triển tâm từ như vậy thì phước đức ngày càng tăng trưởng, mọi người thương mến, làm việc gì cũng sễ thành tựu. Dù cho quý vị không niệm Phật, không tụng kinh mà với việc làm và tâm lượng ấy cũng đủ tiêu biểu cho tinh thần từ bi, trí tuệ. Giáo dục của đạo Phật chú trọng về thân giáo, mỗi người phải nêu gương ứng dụng tu tập. Nếu không làm chủ được hành động, ngôn ngữ, ý tưởng của mình mà dạy khơi khơi, thì không có kết quả tốt. Tu tập lòng tư, thực hành ái ngữ chính là vừa dạy được người mà cũng vun bồi phước đức cho mình.
5. Sống ngay thẳng, bố thí, giúp quyến thuộc thân bằng, hành xử không tỳ vết là người có phước đức.
Trong tương giao, người Phật tử cần phải ngay thẳng để giữ vững lòng tin cho mọi người. Ngay thẳng chính là yếu tố dẫn đến sự thành công về sau. Người đã tín nhiệm thì ta làm gì cũng có sự hỗ trợ, gặp nhiều thuận tiện. Đối với gia đình, thân bằng quyến thuộc mình là nhân tố, là điểm tựa để mọi người nương theo thì chúng ta phải tự tu tập và khuyến khích giúp đỡ bà con ruột thịt của mình cùng tu. Như vậy mới gọi là gia đình có phước.
Hành xử ở đây là đối duyên xúc cảnh, hành động của mình có đúng hay không, việc đáng làm hay không đáng làm, chúng ta cần phải biết. Trong đời sống mọi sắp đặt cần phải sáng suốt và kiên quyết, nếu chúng ta dụ dự, ai nói sao cũng nghe, không có lập trường vững chắc thì chẳng làm được việc gì cả. Chúng học Phật từ lâu, biết rõ Phật đạo rất lâu dài, không phải nói là được. Nhưng bây giờ có người nói tu theo tôi, chỉ trong vòng ba tháng quý vị có thể thành Phật, có thần thông, biết quá khứ vị lai v.v… mình cũng tin theo. Người như vậy không phải là Phật tử có đủ lòng tin. Lý do tại mình không có sự phán đoán sáng suốt nghiêm túc. Cho nên ở đây Phật dạy hành xử không tỳ vết nghĩa là phải khôn ngoan sáng suốt quyết định mọi công việc thuận với chánh pháp. Làm gì cũng biết rõ nhân nào thì quả nấy, do đó tránh được các điều nguy hại, tức là giữ không bị tỳ vết vậy.
6. Tránh không làm điều ác, không say sưa nghiện ngập, tinh cần làm việc lành là người có phước đức.
Phàm ai tu cũng muốn tiến hết, từ xấu muốn trở thành tốt, từ không đẹp trở thành đẹp, đó là hướng chung. Muốn thế Phật tử sống chưa tốt phải sửa đổi cho tốt, chưa thức tỉnh phải gắng thức tỉnh. Cho nên Phật dạy người có phước đức thì không nên làm các điều ác, không say sưa nghiện ngập là tránh nhân khổ để không bị quả khổ. Hiện tại cuộc sống này biết bao nhiêu khổ sở, đó là do chúng sanh si mê lầm lỡ tạo ra các nghiệp nhân xấu từ quá khứ. Ngày nay nếu chúng ta không gây những nhân ác thì đâu sợ ngày mai sẽ chuốc quả ác.
Tinh cần làm việc lành, tinh là ròng rặc, cần là siêng năng, tức là ròng rặc siêng năng làm việc lành, để cuộc sống của mình ngày được thăng hoa. Làm sao chúng ta càng tu thì hoàn cảnh và con người chung quanh ta càng thấy đẹp hơn, quý hơn mới được. Đó là người có phước đức.
7. Người biết khiêm cung lễ độ, tri túc và biết ơn, không bỏ dịp học đạo là người có phước đức.
Người khiêm cung, lễ độ, tri túc rất dễ học đạo. Là Phật tử chúng ta không nên bỏ mất bất cứ một dịp nhỏ nào, mình luôn tâm tâm niệm niệm học đạo và hành đạo. Chỗ này rất quan trọng, chúng ta đừng bao giờ tự cho là đủ. Ví dụ như quý vị nghe pháp ở đây rồi, đừng nghĩ mình học thiền là ngon nhất, đến chỗ khác có giảng kinh, , chớ sanh tâm xem thường, mình cũng nên học hỏi thêm, không bỏ phí dịp tốt nào hết. Bởi vì càng học hỏi, càng trui luyện thì mình càng sáng càng tốt hơn.
Trên đây, là những điểm cần thiết Phật dạy cho chư thiên cũng như loài người phương pháp tu tạo phước đức. Người có phước đức thì việc tu dễ dàng, tâm kiên cố không lui sụt. Ngược lại, người không có phước đức làm việc gì cũng khó, huống là việc tu. Vì vậy tôi mong tất cả quý Phật tử siêng năng vun bồi phước đức, hầu chuẩn bị cho mình hướng tốt đẹp hơn trong những đời sau. Có thế đạo nghiệp mới mong thành tựu đến chỗ cứu cánh viên mãn.
Hòa Thượng Thích Nhật Quang