HT Thích Thông Phương, Thiền Tông

Giải trừ bản ngã

Hòa Thượng Thích Thông Phương

I. CÁI MÊ TRUYỀN KIẾP.

Mỗi người đang sống ở đây đều mang một cái ta trong đầu, cái này không phải một đời hay hai đời mà là từ vô thủy, không biết chỗ nào là chỗ bắt đầu. Vô thủy là tìm không ra lúc ban đầu vì quá xa rồi, từ lúc một niệm bất giác khởi lên nên thấy có ta liền đi trong luân hồi sanh tử, và đi dài dài mãi đến bây giờ! Nếu hôm nay không có duyên lành gặp gỡ chánh pháp của Phật thì chắc mình cũng chưa biết được cái lầm này.

 Nhưng đây là có duyên gặp gỡ được chánh pháp, được quý thầy giảng pháp cho nghe thì mình cũng biết cũng giác được chút chút. Xét kỹ lại, mình sống đây là sống trong cái ngã tưởng tức là sống quanh một cái ta khái niệm nên làm cái gì thì cũng vì cái ta này. Hàng ngày quý vị ăn là vì ai? Vì ta. Rồi uống, rồi vui, rồi buồn cũng vì ta, rồi ta yêu ta ghét, ta đòi hỏi cái này cái kia, cho đến ta giận ta hờn v.v… có gì thoát khỏi cái ta này không? Nếu ngoài cái ta này thì cũng không còn gì để nói. Bảo rằng anh kia hay chị kia đáng ghét lắm là vì sao? Là vì không thuận cái ta thôi, anh đó không thuận ta nên ta ghét. Rồi tôi ở đây không thích hợp là tại sao? Tại tôi không được nuông chìu, nên tôi bỏ đi. Còn ở chỗ kia được thoải mái hơn vì sao? Là vì tôi được thỏa ý. Vậy là mê hay tỉnh? Rõ ràng là mê. Do vậy, trong kinh Viên Giác, Phật định nghĩa vô minh:

“Người chấp thân bốn đại giả hợp này làm ta, chấp cái tâm suy nghĩ theo bóng dáng sáu trần bên ngoài là ta, đó là vô minh”.

Vô minh là không sáng suốt, là mê lầm. Mà đúng là như vậy, nhận cái giả làm thật, không phải mình mà nghĩ là mình, ôm giữ, chấp vào nó rồi tạo thành bao nhiêu nghiệp, tội lỗi tày trời, gây đau khổ cho mình và cả cho người nữa. Có khi giết con này, giết con kia để làm những món thật ngon mà ăn, để nuôi cho béo bổ cái tôi này. Có khi tranh cãi nhau, giết nhau nữa để bảo vệ cái tôi hiểu biết, cái tôi thấy, tôi nghĩ. Do vậy, cứ chấp chặt vào cái thân, cái tâm này, không dám buông nên đời này, kiếp khác cứ lao theo con đường luân hồi. Đó là cái mê truyền kiếp, đời này kéo đến đời kia, kiếp này kéo đến kiếp nọ không bao giờ hết, vừa mất cái ta này thì tìm cái ta khác thay vào. Có khi gặp phải cái ta đui mù, ghẻ lác cũng bám, cái ta có sừng có lông lá v.v… cũng bám vào. Ví dụ như con chó, nó bám vào cái ta lông lá nên khi giết nó thì nó cũng la chứ đâu có chịu buông. Mình cũng vậy, bám vào cái ta này rồi có dám buông nó không? Gắn vào đâu thì bám chặt vào đó, không phải vô minh thì là gì? Có câu chuyện của ông tăng Vô Căn, ông ngồi thiền nhập định luôn mấy ngày, chúng Tăng thấy vậy tưởng ông chết nên mới đem thiêu. Tới khi xuất định, không thấy thân đâu nữa nên ông tối tối hiện hồn về tìm thân, cứ gọi: “Tôi đâu rồi?”. Nghe chuyện như vậy, Thiền sư Diệu Không dùng phương tiện để ông đi vào trong nước, vào trong đất, vào trong lửa. Vì không còn mang thân này nữa nên ông vào được hết, vào lửa lửa không cháy, vào nước nước không nhận chìm, vào đất đất cũng không ngăn ngại được, thấy có tự tại không? Vậy mà ông không nhận ra, cứ đi tìm, cố bám vào cái tôi mấy chục kí lô này rồi oán, rồi mê lầm. Ngay đó, Thiền sư Diệu Không mới cảnh tỉnh:

– Ông được tự tại vậy mà không chịu, còn đi tìm cái thân hôi thối này làm gì?!

Rõ ràng đó là mê lầm, cứ bám chặt cái tôi này là mình nên khi mất nó thì lo tìm. Trong khi đó, nếu quán: “Mình đã mất thì còn ai đi tìm đây?”. Cứ hỏi: “Tôi đâu rồi?” mà quên “ai” hỏi đây? Cũng vậy, Thiền sư Đặng Ẩn Phong một lần thiêu chết một vị tăng, ông này tối tối hiện về đòi thân thì Ngài gạn lại: “Ông đã chết chăng mà đòi thân?”. Đáp: “Đã chết”. Hỏi: “Đã chết sao còn biết trả lời đây?”. Biết đến đây đòi thì đâu có chết! Ông liền tỉnh, từ đó hết đến đòi nữa. Do vậy, đây là cái mê truyền kiếp. Danh từ chuyên môn nhà Phật gọi là câu sinh vô minh, tức vô minh cùng sinh với mình, mình ở đâu thì nó có theo, ai cũng có hết.

II. CHẤP NGÃ LÀ NGUỒN GỐC ĐAU KHỔ.

Chính cái chấp ngã đó là nguồn gốc đưa đến đau khổ triền miên, mọi thứ đau khổ trên thế gian này đều từ nó mà ra. Nghe người ta nói xúc phạm liền nổi giận, chửi mắng lại vì đụng tới cái tôi này. Lại có những trường hợp tính toán ngày đêm khiến ăn ngủ không yên, đến tối lên giường ngủ vẫn còn mơ thấy chuyện lo tính, đó cũng vì cái tôi này, vì thỏa mãn nhu cầu của nó.

Và trường hợp như trong kinh Bách Dụ có câu chuyện, hai vị đệ tử lãnh trách nhiệm làm thị giả chăm sóc cho thầy. Ông thầy lớn tuổi, hai chân không được tốt nên hai vị bèn đấm bóp chân. Người này lãnh chân trái, người kia lãnh chân phải. Nhưng hai ông thị giả không thuận nhau nên một hôm người lãnh chân phải có việc đi vắng, ông thị giả lãnh chân trái có cơ hội nên ông đấm bóp làm gãy chân phải. Khi về, thấy như vậy, ông kia tức giận liền đập gãy cả chân trái. Như vậy là ông thầy gãy cả hai cái chân! Quý vị thấy, hai ông thị giả đập gãy hai cái chân của thầy cũng vì cái ta đố kỵ chứ gì đâu! Anh này đố kỵ anh kia, anh kia đố kỵ anh này, hai cái ta đố kỵ nhau làm khổ ông thầy, ông thầy lãnh đủ! Như vậy, hai cái ta đố kỵ nhau đã khổ rồi, lại làm khổ lây cho người khác. Lúc đó, hai ông có vui không? Bực bội, khổ sở, có vui sướng gì đâu! Rõ ràng mình đã khổ rồi, còn làm khổ lây cho ông thầy nữa. Ở nhà vợ chồng thường cãi nhau hoài cũng vậy, người thì đổ thừa cái bếp, người thì đổ thừa cái cửa. Mà đổ thừa như vậy thì có hết cãi không? Chưa chắc hết, đó là vì mỗi người chấp một cái ta riêng, cái đó khiến mình không cởi mở nên cãi nhau hoài. Cởi mở được cái ta đó thì hết cãi nhau. Cũng vậy, cha con, thầy trò cãi nhau, đó cũng vì không cởi mở được cái ta này. Một vị Thiền sư Thái Lan, vị cao tăng trong thế kỷ 20, Ngài Buddhadasa nói rằng:

“Cái ta là nguy hiểm. Giả tỷ người nọ phát ra ảo tưởng cho rằng: “Mình là một người mẹ”, muốn làm điều này, điều nọ, điều kia, điều khác thì đó là điều khổ của người mẹ. Đối với người cha cũng thế, nếu người đó đồng hóa: “Mình là người cha”, mong muốn cái này cái nọ thì đó là thọ khổ của người cha. Cho đến khởi tưởng: “Ta là triệu phú, là tỷ phú” cũng vậy, cũng có cái khổ của nó”.

Rõ ràng là như vậy. Kiểm kỹ lại, ít nhiều gì ở đâu mình cũng dính vào đó. Ví dụ như ở Yên Tử thì gắn cái “tôi” ở Yên Tử, ở Sùng Phúc thì gắn cái “tôi” ở Sùng Phúc, ở Tây Thiên thì gắn cái “tôi” ở Tây Thiên, ở Đại Đăng thì gắn cái “tôi” ở Đại Đăng, tức ở đâu thì cũng gắn cái “tôi” ở đó, rồi lại muốn cái này cái nọ nên có thọ khổ trong đó. Nói thẳng ra, “đạo tràng này”, “đạo tràng kia” cũng vậy, mình đặt tên cho cái đạo tràng rồi thì cũng có thọ khổ trong đó. Đây là đạo tràng Sùng Phúc, kia là đạo tràng Yên Tử v.v… thì đó cũng cùng chung trong tông môn chứ đâu có gì khác! Tuy vậy mà vẫn có ngầm ngầm chia cắt trong đó, bởi vì “cái ta” ngăn cách nhau, lẽ thật là như vậy, nó ăn sâu trong tâm thức mình. Có hiểu Phật, có tin Phật thì mình mới giải trừ cho nhẹ bớt, còn nếu mình không biết thì gây đau khổ cho mình và cho người. Do vậy, một vị Thiền sư Nhật Bản, Ngài Bàn Khuê bảo đại chúng:

“Tất cả si mê lầm lạc không chừa thứ nào, đều được tạo ra do hậu quả của sự tập trung vào bản ngã. Khi thoát khỏi một ngã chấp thì si mê không sinh”.

Tức là khi mình thoát khỏi ngã chấp thì si mê không có chỗ bám.

“Ví dụ bà con lối xóm đang cãi nhau, nếu sự việc đó không liên hệ gì đến bạn thì bạn bình tĩnh nghe lời qua tiếng lại, không buồn giận gì. Không những vậy mà bạn còn sáng suốt để nhận rõ ai đúng ai sai. Nhưng bây giờ nếu chuyện cãi nhau đó có liên quan tới mình thì mình sẽ bước vào một bên trong hai phe tranh chấp đó, bạn chấp chặt những gì bên kia nói, bạn làm mờ đi nhiệm vụ chiếu sáng của tâm”.

Lẽ thật là như vậy. Nghe hàng xóm cãi nhau, mà chuyện đó không dính tới mình thì rất là sáng suốt, nhận định phải quấy rõ ràng. Nhưng cuộc tranh cãi đó có dính líu tới mình, hoặc người thân, hoặc bạn bè thân thiết của mình thì mình phải đứng về phe đó, lời nói của phe kia dù có đúng mình cũng cho là sai. Đó là vì mình bị cái ta và của ta che mờ không còn sáng suốt, cho nên Ngài nói mình bị làm mờ đi sự chiếu sáng của tâm.
Những sự yêu thương trên thế gian cũng như vậy. Một hôm, vua Ba-tư-nặc hỏi phu nhân Mạt-lợi:
– Ái khanh trên đời này thương ai nhất?
Bà bèn đáp:
– Thần thiếp yêu thương bệ hạ nhất chứ còn ai nữa!
Rồi bà ngập ngừng và nói tiếp:
– Nhưng nếu bệ hạ cho phép thì thần thiếp sẽ nói thêm câu nữa.
Nghe vậy, vua ngạc nhiên và cho phép, bà mới nói:
– Trên đời này, đúng ra thần thiếp yêu thần thiếp hơn hết.
Vua thắc mắc:
– Ái khanh nói gì lạ vậy?
Bà trả lời:
– Sở dĩ thần thiếp yêu thương bệ hạ là để bệ hạ ban lại sự yêu thương cho thần thiếp. Như ngược lại, bệ hạ nói là yêu thần thiếp nhưng điều đó có thật hay không? Bây giờ đặt trường hợp thần thiếp lại đi yêu thương một người khác nữa thì bệ hạ nghĩ sao? Thì chắc là bệ hạ sẽ chém đầu thần thiếp chứ gì!
Vậy rõ ràng là hai bên yêu thương nhau cũng là mang theo cái tôi. “Thần thiếp yêu thương bệ hạ để bệ hạ ban lại sự yêu thương cho thần thiếp. Bệ hạ yêu thương thần thiếp thì cũng như vậy”. Cuối cùng, hai người cùng đến gặp Phật thưa hỏi và Phật xác nhận là bà nói đúng. Như trong đạo có nói từ bi, mà nếu từ bi còn mang bóng dáng cái tôi trong đó thì không còn là từ bi chân chính nữa, mà nó trở thành ái kiến, có sự thiên lệch, có ái trong đó, người nào thuận với mình thì mình mới từ bi. Phật thì không như vậy, nên gọi là vô duyên từ, thương đều hết, không có sự thiên lệch, đó mới thật sự là từ bi chân chính trong sáng. Ngài Đạt-lai Lạt-ma có lần dạy:

“Động năng nào đã khiến cho một người còn đầy sân hận, tham lam giúp đỡ một người khác, liệu người đó có thực tâm muốn giúp đỡ hay y còn có mưu cầu gì khác nữa?”.

Tức là giúp đỡ mà phải có cái gì đó đền bù ở phía sau, nên sự giúp đỡ đó không được trong sáng. Quý vị thấy, có sự chấp ngã ở đâu thì có sự che mờ ở đó.

III. TA LÀ GÌ ?

Xưa nay cứ chấp vào cái ta, nhưng ta là cái gì mà chấp? Không biết ta là gì! Thấy có tức cười không? Mình chấp thì phải biết cái đó, mà bây giờ hỏi thì lại không biết, thì có phải là mình sống trong ảo tưởng không? Phật nói mình sống trong vô minh là như vậy, không oan chút nào! Mỗi vị bình tâm xét kỹ lại, không phải lấy cái hiểu của Tổ, mà chiếu sáng bằng con mắt trí tuệ của mình, cái thân này có phải là ta chưa? Nó là bốn thứ đất, nước, gió, lửa hòa hợp lại. Ví dụ như da, thịt, gân, xương, máu, hay tim, phổi hòa hợp lại, thì đó là những thứ vô tri thôi. Da, thịt, gân, xương thì có biết gì? Nếu nó có hiểu biết, thì khi tắt thở, nó phải có hiểu biết chứ! Mà đây thì ngược lại, khi tắt thở nó vẫn còn đó nhưng có biết gì! Chẳng lẽ ta lại là cái thứ vô tri đó hay sao? Về nội tâm thì tâm này cũng luôn thay đổi theo các duyên, khi duyên không có thì nó cũng mất theo, tìm không ra. Bây giờ đây, quý vị thử ngồi im lặng lại rồi suy nghĩ xem, cái gì không nằm trong cái đối tượng? Ngồi thiền mà xét kỹ chỗ này thì tâm mình vắng lặng. Vì phải suy nghĩ cái này, cái kia, cái nọ v.v… nên mình luôn có đối tượng để suy nghĩ, buông cái này thì có cái kia để suy nghĩ. Bây giờ cho mình suy nghĩ một cái không nằm trong đối tượng thì có cái gì mà suy nghĩ! Thì hết suy nghĩ thôi, ngay đó tâm liền yên lặng. Còn bây giờ cố tìm duyên mà suy nghĩ hoài thì làm sao ngừng được! Học Phật là học lẽ thật, “ta” chỉ là cái khái niệm, mình lại tưởng tượng thân mình đây có cái tôi trong đó, cái tôi đó sống sáu bảy chục năm, cái tôi đó suy nghĩ này nọ, có yêu thương gì v.v…, nhưng bây giờ bảo tìm cho ra, chỉ ra “tôi” ở đâu thì chỉ không được. Cho nên, quý vị học Phật, mà nhất là học thiền, ngồi thiền cần thấy rõ lẽ thật của thân tâm khiến không còn nhầm lẫn nữa.

IV. CON ĐƯỜNG VÔ NGÃ.

Muốn đi vào con đường giải thoát an vui thì phải đi qua con đường vô ngã, phải giải trừ, phải giảm nhẹ tình chấp ngã, không đường nào khác. Do vậy, Lục Tổ dạy vị tăng Pháp Đạt:

“Có ta tội liền sanh, không ta phước vô kể”.

Tức là vị tăng này chấp có “ta” tụng kinh, tụng được 3000 bộ kinh Pháp Hoa nên lạy Tổ mà đầu không sát đất. Bởi vị này ở xa nghe tiếng Tổ chứ không kính lắm, chỉ lạy bất đắc dĩ nên Lục Tổ mới quở: Tụng kinh mà có “ta” thì chưa được, có “ta” tụng kinh, “ta” ngồi thiền, cần phải xem chừng cái ta đó. Như vậy, người tu đúng pháp thì phải tiêu mòn cái ngã. Mình chưa phải thánh, chưa phải Phật thì chưa hết nhưng phải từng bước, từng bước bào mòn. Ví dụ như mình mới tu thì tình chấp còn nặng, nhưng tu một năm, hai, ba năm thì nó phải vơi đi bớt chứ không phải nó còn y nguyên hoặc nặng hơn nữa thì nguy hiểm! Có những trường hợp tu càng lâu thì nó càng to hơn nữa: Mới vô tu thì còn e dè, khiêm tốn, nhường nhịn người này người kia, nhưng khi nghĩ rằng: “Tôi là người tu lâu” thì sao? Khi tụng kinh hay ngồi thiền mà sắp mình ngồi tuốt phía sau thì có vui không? Do vậy, mình phải hiểu, tu càng lâu thì tình chấp ngã phải càng bớt, càng nhẹ, như vậy mới đúng, chứ càng tu mà tình chấp càng thêm nữa thì không phải. Đó là lẽ thật. Anh tu lâu, chứng đạo, ngộ đạo nhưng phải hỏi lại: “Cái ngã anh sao rồi?”. Nếu nói tu cao mà cái ngã của anh cũng cao nữa thì không phải rồi. Đức Phật trong thời kỳ còn tu Bồ-tát hạnh thì Ngài hy sinh đầu, mắt, v.v… Có kiếp thấy con hổ đói khổ nên Ngài đem thân của mình cho ăn. Nhưng nó đói quá không còn sức để ăn nữa nên Ngài chích máu cho nó liếm. Khi có sức rồi, nó mới đứng dậy ăn! Cho đến khi Ngài đã thành Phật, trên đường đi hóa đạo thì những người theo đạo Bà-la-môn quy y theo Ngài nhiều nên ông thầy Bà-la-môn của họ trước đây lấy làm giận tức. Một hôm, trên đường Phật đi khất thực, ông cứ đi theo sau mắng chửi. Chửi một hồi mà Phật vẫn yên lặng đi, ông bèn chạy lại đằng trước chặn đường Phật và hỏi:
– Cù-đàm! Ông thua tôi chưa?
Phật thong thả nói bài kệ:

                        Kẻ hơn thì thêm oán,
Người thua ngủ chẳng yên.
Hơn thua hai đều xả,
Ấy được an ổn ngủ.

Người đời là vậy đó! Còn chấp ngã thì thấy cái gì cũng muốn hơn, mà hơn thì người kia oán mình, trái lại nghĩ mình thua thì tối ngủ cũng không được, phải tìm cách gì đó để mai mình hơn trở lại. Hơn hay thua đều bất an hết. Đó cũng là do có cái “tôi”, nên đây Phật nói hơn thua hai đều xả hết thì nằm duỗi hai chân ngủ an ổn. Như vậy, Phật cũng còn bị chửi huống chi mình, nhưng Ngài không có cái “tôi” nên ông Bà-la-môn chửi ai thôi chứ không phải chửi Ngài, do đó Ngài không khổ. Còn mình nghe chửi thì “Nó chửi tôi đó!” nên thành khổ! Nên biết, sở dĩ họ chửi là để chọc cho mình tức, nếu mình sân mà chửi lại thì đó là rơi vào bẫy. Còn bây giờ họ chửi nhưng mình nói: “À! Không có gì cả!” thì họ không làm gì được, là thoát bẫy. Phật dạy là như vậy, đó là để cho mình giải tỏa nhẹ dần đau khổ. Thiền sư Đạo Nguyên có dạy:

“Học đạo là học tự ngã, mà học tự ngã là buông bỏ tự ngã, và buông bỏ tự ngã là chứng các pháp”.

Học đạo là học như vậy: “Học đạo là học tự ngã, mà học tự ngã là buông bỏ tự ngã, mà buông bỏ tự ngã là chứng các pháp”. Tức là sống được với đạo, Ngài tổng kết thật đơn giản. Nhiều khi nghĩ mình học đạo là học cái này, cái kia v.v… cho nhiều mà không ngờ học nhiều hiểu nhiều thì thêm ngã nữa: “Tôi hiểu đạo nhiều!”. Đó là nguy hiểm. Như vậy, Thiền sư Đạo Nguyên tóm tắt rất đơn giản mà lại đầy đủ ý nghĩa. Đây không phải nói suông thôi mà Ngài còn thực hành trong đời sống của Ngài nữa. Lúc Ngài khoảng 48 tuổi đời, một hôm một vị đệ tử có chức vụ trong Thiền viện của Ngài hãnh diện đến báo tin: “Có vị lãnh chúa trong vùng phát tâm cúng dường một miếng đất cho Thiền viện”. Nếu là người khác mà nghe vậy thì chắc mừng lắm, nhưng vừa nghe xong thì Ngài lột y ông tăng đang mặc đó và đuổi ra khỏi Thiền viện! Không những vậy, Ngài Đạo Nguyên còn cho khoét cái sàn ngồi thiền chỗ ông tăng đó và đào sâu xuống đất. Sau đó, Ngài bảo:

“Dính mắc vào danh lợi còn xấu xa hơn phạm giới. Phạm những giới luật thì chỉ khổ trong chốc lát, còn dính mắc vào danh lợi là khổ cả ngàn đời!”.

Người xưa nghiêm khắc như vậy! Đây là Ngài cảnh cáo, mà cũng là kinh nghiệm cho người tu và người học Phật. Người học Phật thì phải đi qua con đường vô ngã, phải bớt phải nhẹ dần. Có câu chuyện về ông Tô Đông Pha, một hôm ông cảm hứng làm bài kệ:

                     Khể thủ thiên trung thiên,
Hào quang chiếu đại thiên.
Bát phong xuy bất động,
Đoan tọa tử kim liên.

        Dịch:

                    Cúi đầu lễ Thế Tôn,
Hào quang chiếu ba ngàn.
Tám gió thổi chẳng động,
Ngồi thẳng trên đài sen.

Rồi ông sai người đi qua sông đem trình Thiền sư Phật Ấn. Ngài Phật Ấn bèn đề hai chữ: “Đánh rắm!”, bảo đem về đưa cho ông. Khi ông mở ra đọc thì nổi nóng lên liền! Ông bèn lập tức lấy thuyền qua sông gặp Thiền sư Phật Ấn. Thiền sư Phật Ấn ra trước đón ông và bảo: “Tám gió thổi không động nhưng chỉ cần một cú “đánh rắm” đã thổi ông từ bên kia sông qua tới bên đây rồi!”. Rõ ràng, đó là cái “tôi” bị xúc phạm mà ra. Do vậy, người học đạo phải thực hành, phải thực sống. Mỗi vị tự kiểm lại, năm nay mình tu học được một năm thì cái ngã có bớt chút nào không? Nếu không bớt thì năm tới phải ráng bớt, chứ không thể năm tới cũng giống như năm nay. Mà giải trừ chấp ngã cuối cùng là đưa đến vô ngã. Vậy tu đến cuối cùng thì có ta hay không? Đó mới quan trọng. Nếu có thì tu đến cuối cùng cũng như phàm phu, vậy tu làm chi? Còn nếu không thì cuối cùng như cây như đá, vậy tu để làm gì? Do vậy, nếu học không kỹ, không tới nơi thì dễ lầm lạc, ở đây quý thầy chỉ gợi ý thôi chứ trong nhà Thiền mà nói có hay không là không được rồi. Nếu hoàn toàn vô ngã, cuối cùng không còn gì hết thì cái gì rõ được vô ngã để chỉ dạy lại cho người khác? Bởi vậy, có hay không thì quý vị tự nghiệm là biết. Có câu chuyện, Tôn giả Nghiêm Dương đến hỏi Ngài Triệu Châu:

– Khi con không còn vật gì để đem đến đây thì sao?
Ngài Triệu Châu trả lời:
– Vậy ông buông xuống đi!
Ông thưa:
– Con đã nói với Ngài là không có vật gì đem đến, vậy thì buông cái gì nữa?
Ngài mới bảo:
– Ông buông không được thì vác lên đi.

Buông sạch hết, không còn gì để buông nữa thì lúc đó mới là chỗ sống của ông. Còn có cái gì để buông nữa thì không phải, vì có cái để buông thì còn có bóng dáng cái tôi, còn có hư vọng. Còn hư vọng thì buông được, còn chính mình thì làm sao buông, lấy gì để buông? Đó là chỉ cho những cái hư dối, những cái không thật, không phải mình mà chấp là mình. Cho nên, buông ở đây là buông cái tình chấp, cũng như phá là phá cái tình chấp, chứ không phải là có cái ngã để mình phá! Chính là mình thì làm sao mà phá, cho nên phá là phá cái tình chấp, cái mê lầm. Mà khi cái tình chấp, cái mê lầm hết thì đó mới chính là chỗ sống chân thật. Cái này thì Phật ít nói đến vì nếu nói thì mình dễ hiểu lầm, chấp lầm cái đó với bản ngã, tức là chấp cái giả làm cái thật. Mà khi mình tự sạch hết những tình chấp thì mình biết liền, lúc đó không cần nói mình cũng biết. Còn bây giờ mà nói thì mình chỉ tưởng tượng khái niệm về nó. Trong kinh, Phật thường dạy:

“Năm uẩn là vô ngã. Sắc không phải là ta, không phải là của ta. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Mắt không phải là ta, không phải là của ta. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng là như thế”.

Ngài nói năm uẩn không phải ta, không phải là của ta, nhưng Ngài vẫn nói Như Lai, vẫn nói Chánh giác. Cho nên, chỉ người có công phu tu hành thì thầm cảm nhận, chứ cứ lo giải thích theo chữ nghĩa thì nhiều khi hiểu lầm. Ví dụ như khi tình chấp sạch hết rồi mà Phật nói cái ngã ấy như thế này, như thế kia v.v… thì mình hiểu lầm nó là vật này, vật kia v.v… thì vô tình chấp ngã trở lại. Do vậy, đây cho thấy rằng mình không phải lo sợ khi buông xả hết, đến cuối cùng không còn gì hết, như cây như đá. Nếu lúc đó không còn gì hết thì làm sao Phật có thể thuyết pháp, có thể giảng kinh. Chư Tổ và các Thiền sư cũng như vậy, đó là lẽ thật.

V. TÓM KẾT.

Bản ngã là nguồn tội lỗi, là nguồn đi vào luân hồi sanh tử, chấp vào nó là vô minh, là mê lầm. Người tu Phật là đi trên con đường trí tuệ, trên con đường an vui giải thoát nên không thể đi theo vô minh được. Do vậy, mình phải nhận kỹ, phải giải trừ tình chấp ngã này chứ không cố bám chấp vào nó để đau khổ mãi. Cuộc sống hiện tại của mình đây có ngăn cách nhau, không đến được với nhau là cũng vì cái ngã này. Bởi cái ngã đó ngăn cách nên mình mới không thông cảm nhau, còn nếu giảm bớt, nhẹ bớt cái ngã thì mình dễ đến với nhau. Do vậy, nhắc nhở đây để mình tu hành đúng theo chánh pháp, không có sai. Quý vị nắm vững cái này thì không ai gạt được mình hết. Ai nói: “Tôi tu hay, tu giỏi v.v… Tôi thế này, thế kia v.v…” thì kiểm lại xem cái ngã có giỏi, có cao không? Nếu tu cao mà cái ngã còn cao là không phải, như vậy thì mình biết nên không lầm theo. Mong rằng bài pháp này sẽ giúp cho mỗi người sống cởi mở với nhau, đến gần nhau, thật hiểu nhau hơn và luôn sống vui nhẹ bản ngã.

Hoà Thượng Thích Thông Phương

Được gắn thẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *