Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật hỏi vua Ba Tư Nặc: “Đại vương! Ngay nơi thân đang tồn tại của Đại vương, nay Như Lai muốn hỏi: Thân thịt này của Đại vương là thân kim cương bất hoại hay sẽ biến hoại?”. Đáp: “Bạch Thế Tôn! Thân con hiện nay rốt cuộc rồi sẽ bị biến hoại”. Đức Phật bảo: “Đại vương! Ông chưa từng diệt, làm sao biết mình sẽ biến diệt?”. Đáp: “Bạch Thế Tôn! Cái thân biến hoại vô thường của con hiện nay tuy chưa từng diệt, nhưng con thấy trước mắt, từng niệm dời đổi mãi không dừng, như lửa tàn thành tro, dần dần tiêu tan. Vì tàn hoại không dừng, nên con biết chắc thân này sẽ diệt mất”. Vua Ba Tư Nặc quán thấy từng niệm thay đổi không dừng, biết rõ thân là vô thường, thay đổi sẽ bị hoại diệt.
Đoạn sau Phật hỏi kỹ hơn: “Đại vương! Thân thể của ông đâu phải già liền?”. Vua Ba Tư Nặc thưa: “Bạch Thế Tôn! Nó âm thầm dời đổi. Cái thân già nua này thay đổi trong vòng 10 năm. Nếu con suy nghĩ kỹ hơn, chẳng những nó thay đổi trong khoảng 10 năm, 20 năm mà thực thay đổi trong từng năm. Chẳng những thay đổi trong từng năm, mà thực thay đổi trong từng tháng. Chẳng những thay đổi trong từng tháng, mà thực nó thay đổi trong từng ngày. Chiêm nghiệm thật sâu, quán sát thật kỹ thấy nó thay đổi trong từng sát na, trong từng mỗi niệm không hề dừng nghỉ. Thế nên con biết thân này cuối cùng phải chịu sự biến đổi, và hoại diệt”.
Chúng ta muốn thấy sự thay đổi của thân này cũng phải trải qua thời gian 10 năm. Mười năm nhìn lại mới thấy già, chớ còn một hai năm thì chưa thấy đổi thay. Có người nói còn trẻ đi tu uổng! Đó là thấy theo kiểu mê muội. Sự thật cái thân chúng ta nó chết từ từ, nó luôn luôn thay đổi. Như từ đây đi Đà Lạt phải qua đoạn đường dài 7 cây số, nhưng muốn qua 7 cây số thì phải đi qua từng bước, từng đoạn rồi từng cây số mới hết 7 cây số đến nơi. Thân này cũng vậy, nó thay đổi trên từng niệm sanh rồi diệt, mới qua 20, 30, 60, 70 năm. Như vậy, nhà vua đã quán kỹ thấy rõ sanh diệt trong từng niệm, nên biết chắc thân này rồi sẽ hoại diệt. Tức là thân này luôn chết trong từng sát na, không phải đợi đến 70 tuổi mới chết. Ngay khi sống đã có chết rồi. Vậy chúng ta đang ngồi đây là đang ngồi trong cái chết, chết trong từng sát na. Xét cho cùng về bản chất của thân là như thế. Luôn luôn nhớ như vậy chúng ta sẽ cởi mở được rất nhiều điều, mỗi khi lỡ có buồn giận ai mà nhớ nó đang ngồi trong cái chết, thì còn có ai buồn ai giận, đó là lẽ thật.
Trong kinh A Hàm có kể: Khi tuổi đức Phật đã lớn, một hôm Ngài đi khất thực trong thành Xá Vệ trở về thọ trai xong, sau đó cảm thấy trong người hơi lạnh, nên ra ngoài hương thất ngồi phơi nắng. Ngài vén y để lộ làn da lưng nhăn nheo ra nắng. Tôn giả A Nan từ xa thấy vậy, mới đến xoa lưng cho đức Phật, than: “Ôi! Da dẻ của Thế Tôn không còn láng mịn như thuở xưa nữa, lưng đã hơi khòm tới trước rồi. Ôi! Còn đâu những gì của thời trai tráng”. Phật bảo: “Đúng vậy A Nan! Cái già có sẵn trong cái trẻ, cái chết nằm trong cái sống, thân của Ta rồi đây sẽ hoại diệt, một lúc nào đó không tránh khỏi”. Nhân đó, đức Phật cũng nhắc nhở cảnh tỉnh chúng ta, Ngài bảo cái già nằm sẵn trong cái trẻ, cái chết nằm sẵn trong cái sống, đừng nghĩ là 70 tuổi mới già. Phải thường quán kỹ như vậy, để thấy lẽ thật của thân này, chuẩn bị cho giờ phút cuối của mình, để đến lúc đó không chới với hoảng hốt, không bất ngờ mà lại rất bình tỉnh, vì đã có kết phao rồi.
Sau khi đức Phật Niết Bàn, chư vị Tỳ kheo dùng kệ tán:
Thân này như bèo bọt
Mỏng manh có gì vui
Phật được thân kim cang
Còn bị vô thường phá
Thân kim cang chư Phật
Đều về với vô thường
Tan mau như tuyết non
Huống những chúng sanh khác.
Phật được thân kim cang, 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp rồi cũng bị vô thường đến tám mươi tuổi nhập Niết Bàn, huống là thân chúng ta. Quán kỹ thân Phật, rồi quán lại thân chúng ta có được bao nhiêu tướng tốt, đâu có gì là quý. Quán như vậy khi cái chết đến chúng ta không luyến tiếc, dính mắc vào thân này, lúc ra đi sẽ nhẹ nhàng an lạc. Còn dính mắc đi không nỡ, ở không được thì khó chết, vì bị giằn co vậy. Cho nên học hiểu, quán kỹ để sống đúng lẽ thật, đó là tạo những chiếc phao cho mình trước khi vô thường đến là đã biết tu rồi.
Trích “NIỆM VỀ CÁI CHẾT” – Giảng tại Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng – Đà Lạt – 2009
Hòa Thượng Thích Thông Phương