Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Chân tu phải chú trọng nhất tâm, chú trọng tâm thanh tịnh

Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm - Điều then chốt là phải giác
Trong Cốc Hưởng Tập, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã viết mấy câu rất trọng yếu trong đoạn cuối bài Tịnh Độ Tư Lương, tôi hết sức tán đồng.
Cụ nói: Tu hành trong hiện tại:
– Thứ nhất là: “Đồng tu quý tinh, chứ không quý nhiều“.
“Tinh” là gì ? Thật sự tu !
Chúng ta gồm mười người cùng tu, trong tương lai mười người đều có thể vãng sanh, rất tuyệt vời !
Hiện thời, đạo tràng chúng ta có mấy trăm người, mấy ngàn người, nhưng một người cũng chẳng thể vãng sanh, trong tương lai đều tạo ác nghiệp phải đọa trong tam đồ, vậy thì dẫu nhiều, có ích gì ? Vô ích ! Do đó, các đồng tu quý tinh, chẳng quý nhiều.
– Thứ hai là “Đạo tràng trọng thực chất, không trọng hình thức“.
“Thực chất” là thật sự tu, thật sự phát Bồ Đề tâm, thật sự tụng kinh, niệm Phật, không do hình thức.
Kiến trúc trang nghiêm, chưng dọn lộng lẫy, bề thế, hương khói rất nhộn nhịp, đồ chúng rất đông, đều là hình thức, những hình thức ấy là gì ? Đạo tràng náo nhiệt, chẳng phải là thật sự tu hành.
Trước kia, thầy Lý bảo tôi:
Thật sự đả Phật Thất, chẳng thể đông hơn mười người“.
Nhiều hơn mười người là đã bị biến chất, biến thành pháp hội, chẳng phải là niệm Phật ! Năng lực tinh thần của vị Chủ Thất Sư có thể chiếu cố mười người thì còn được; người đông quá, Chủ Thất Sư là hình thức, chẳng có cách nào chiếu cố được !
Đối với mỗi cá nhân, Chủ Thất Sư đều phải quan sát và hiểu cảnh giới của người ấy, khiến cho trong bảy ngày, người ấy thật sự có thể đạt được lợi ích, thật sự có thể đạt được một chút thành tựu, như công phu thành phiến hay nhất tâm bất loạn.
Đả Phật Thất nhằm cầu điều này, đông người sẽ chẳng có cách nào, đều biến thành hình thức. Con người hiện thời chuộng hình thức, chẳng trọng thực chất.
– Thứ ba là:
Chân tu phải chú trọng nhất tâm, chú trọng tâm thanh tịnh“.
Không xem trọng cảnh giới, không đặt nặng thần thông, không coi trọng Thiền Định, không xem trọng cảm ứng, những thứ này đều chẳng cần ! Ta đến đây để cầu gì ? Cầu tâm thanh tịnh.
Do vậy, ba điều cụ Hoàng đã khai thị vô cùng quan trọng. Nếu có thể tuân thủ ba điều khai thị ấy, tuy sống trong thời kỳ Mạt Pháp, cũng chẳng bị đi vào ngõ rẽ, chẳng bị lạc lối. Tuy là Mạt Pháp, nhất định có thành tựu chẳng thể nghĩ bàn !
Nhưng đại đa số người hiện thời đều phạm khuyết điểm, đều nói tới bề ngoài, đều nói tới chuyện dễ coi, toàn là nói tới hình thức.
Nói đạo tràng hưng vượng thì “chùa to, người đông” có phải là hưng vượng hay không ? Sai mất rồi ! Sai lầm quá đỗi !
Chúng ta đọc Tây Phương Xác Chỉ, nhóm đồ đệ của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát tất cả chỉ có mười hai người tu hành, mười hai người ai nấy vãng sanh, lỗi lạc thay, đạo tràng Bồ Tát đấy nhé !
Do vậy, quyết định chẳng phải là đông người, chư vị nhất định phải nhớ kỹ điều này ! Chúng ta phải kết hợp những người thật sự chí đồng đạo hợp, thật sự chí đồng đạo hợp là gì ?
Chúng ta chỉ có một mục tiêu, cầu sanh Tây Phương, cầu sanh Tịnh Độ; chúng ta cùng một nguyện vọng, hoằng dương Tịnh Độ. Có thể phát tâm như vậy, không chỉ là đồng tâm đồng nguyện với A Di Đà Phật, mà nói thật ra còn là “đồng tâm, đồng nguyện, đồng hạnh” với mười phương hết thảy các đức Như Lai, có lẽ nào chẳng vãng sanh ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *