Trích Đoạn Khai Thị – Trích đoạn từ các bài giảng của Lão Hòa Thượng Tịnh Không
Download TĐ:189 – Niệm Phật cũng là Tu Thiền Định MP3 bấm vào
Niệm Phật cũng là Tu Thiền Định – TĐ:189
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
[Tinh Hoa Khai Thị 菁華開示 ] Trích đoạn:TĐĐK – tập, 105
Thời gian từ: 00h35m01- 00h40m44
Vì vậy, chẳng thể không đoạn phiền não, đoạn như thế nào? Khai trí huệ bèn đoạn. Quý vị thấy đức Phật sử dụng phương pháp, tức ba loại phương pháp Giới, Định, Huệ. Giới nhằm dạy quý vị khống chế phiền não, khống chế tập khí phiền não là trì giới. Đệ Tử Quy là giới, Cảm Ứng Thiên là giới, Thập Thiện Nghiệp Đạo là giới, Tam Quy Ngũ Giới đều là giới. Trước hết, dùng những phương pháp ấy để khống chế phiền não. Nhân Giới đắc Định, khống chế [phiền não] rất tốt đẹp, khiến cho phiền não tuy khởi tác dụng, nhưng nó có chừng mực, trọn chẳng thể vượt qua chừng mực ấy. Nó có mức hạn chế, chẳng thể vượt qua. Lâu dần, tâm đã định bèn đắc Định. Định là mấu chốt trong tu hành Phật pháp.
Giáo pháp Đại Thừa thường nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, hoặc vô lượng pháp môn. Pháp là phương pháp, Môn là môn kính (門徑: đường lối). Những phương pháp, đường lối ấy nhằm tu gì? Toàn là tu Thiền Định, chư vị phải biết điều này. Chúng ta niệm Phật cũng là tu Thiền Định. Dùng phương pháp Niệm Phật, phương pháp trì danh niệm Phật để tu Thiền Định. Nếu phương pháp ấy chẳng phải là tu Thiền Định, sẽ chẳng phải là Phật pháp; nếu phương pháp ấy nhằm tu Thiền Định thì là Phật pháp. Nhân Định khai Huệ, Định đã lâu bèn hoát nhiên đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Đức Phật dùng ba loại phương pháp ấy để giúp đỡ chúng ta, chính Ngài cũng do ba loại phương pháp ấy mà thành tựu, lại còn dùng ba loại phương pháp ấy để dạy chúng ta. Giới là giữ quy củ, chẳng thể không tuân thủ. Không tuân thủ, tâm quý vị chẳng định được, vọng niệm tơi bời, phiền phức to lớn. Quan sát kỹ lưỡng kẻ trẻ tuổi hiện thời, chẳng kẻ nào tâm ý không bộp chộp, hời hợt. Kẻ tâm bộp chộp hời hợt chẳng có cách nào tu đạo, dẫu gặp Phật, Bồ Tát thì Phật, Bồ Tát vẫn chẳng thể dạy được, vì sao? Chẳng có cách nào dạy, kẻ ấy chẳng thể tiếp nhận, chẳng thể lãnh ngộ! Hạng người nào dễ dạy? Nhà Phật gọi [hạng người ấy] là “pháp khí”, dễ dạy, lão thành, trung hậu, ổn trọng, người như thế dễ dạy. Quý vị dạy người ấy, người ấy có thể tin, hiểu, làm theo. Gặp được người như vậy, Phật, Bồ Tát chẳng bỏ qua, luôn muốn giúp đỡ, thành tựu người ấy, vì sao? Người ấy có thể thành tựu, có điều kiện thành tựu. Không trọn đủ điều kiện thành tựu, quý vị dạy kẻ ấy sẽ lãng phí thời gian, uổng công! Thời gian lẫn tinh lực đều bị uổng phí. Vậy thì hãy để kẻ ấy lại đó, chờ đến khi nào hắn quay đầu, khi ấy, hắn hội đủ các điều kiện sẽ dạy vẫn chẳng trễ! Vì thế, Phiền Não Ma là tự thân, chẳng đến từ bên ngoài. Những thứ dụ hoặc bên ngoài như tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê đều thuộc loại thứ tư tức Thiên Ma, thuộc về loại ấy. Trong có tham, sân, si, mạn, nghi, ngoài có dụ hoặc, phiền phức to lớn. Điều này chắc chắn chướng ngại thiện pháp, chúng ta phải hiểu, phải tránh né nó.