Giảng kinh, Hòa Thượng Tịnh Không

[Media] Không nghe không hỏi

HT Tịnh Không niệm Phật như thế nào
Tôi thường khuyên các đồng tu, lời nói này vô cùng quan trọng, không biết tôi đã nói bao nhiêu lần rồi, chướng ngại của chúng ta là khuyết điểm, tập khí quá nặng. Thật sự muốn tu học, thật sự muốn trong đời này thành tựu, tôi nói có ba việc. Việc thứ nhất là đối với tất cả mọi người, tất cả việc, tất cả vật, không nên có ý niệm khống chế, hành vi khống chế thì có thể có. Thí dụ bạn là phụ huynh, bạn đối với con cái phải quản lý dạy dỗ, bạn không quản lý giáo dục chúng thì không được, việc quản lý giáo dục này chính là khống chế. Tuy nhiên trong tâm thì không thể có, trên sự thì ta giúp đỡ con cái, ta phải thành tựu cho chúng, phải chăm sóc chúng, đây là trách nhiệm, nhưng không được để những sự việc này trong tâm, để trong tâm là sai lầm. Nếu để trong tâm thì bạn không đến Thế Giới Cực Lạc được vì tâm không thanh tịnh, phải dùng tâm thanh tịnh để giúp đỡ người khác. Điều thứ hai là không được có ý niệm chi phối. Điều thứ ba là bạn không được có ý niệm chiếm hữu. Nếu đối với tất cả người, việc, vật bạn có ý niệm khống chế, có ý niệm chi phối, ý niệm chiếm hữu thì làm sao bạn có thể vãng sanh? Những ý niệm này là cái gốc của tâm luân hồi, cho dù bạn làm nhiều việc thiện trong Phật môn, bố thí làm việc thiện thì cũng không nên để ở trong tâm.
Ở Singapore chúng ta có một vị Pháp sư là Pháp sư Đàm Thiền, các bạn có vị nào quen biết với Ngài không? Vị Pháp sư này rất tuyệt vời, làm rất nhiều việc thiện nhưng không người biết. Khoảng 20 năm trước, tôi đã quen biết Ngài ở San Francisco nước Mỹ. Ở San Francisco có một Liên Xã tên là Đại Giác thường mời tôi đến đó giảng kinh. Khi Liên Xã Đại Giác mua đạo tràng, lúc đó tiền mua là 700 ngàn đô-la Mỹ, Pháp sư Đàm Thiền đóng góp 400 ngàn đô-la Mỹ. Bản thân các vị đó phải lo liệu 300 ngàn để tu sửa đạo tràng. Sau khi Pháp sư Đàm Thiền giao tiền thì Ngài chỉ nói một câu “nhân quả của mỗi người thì mỗi người tự gánh chịu”. Về sau Ngài không hỏi đến số tiền đó nữa, không nghe không hỏi nữa, để tâm thanh tịnh. Nghe nói sau này ở Phúc Châu Trung Quốc có chùa Tây Thiền, tôi nghe nói Ngài đã đóng góp hơn 2 triệu đô-la Mỹ để trùng tu đạo tràng chùa Tây Thiền. Ngài cũng không nghe không hỏi đến, chỉ nói với mọi người “nhân quả của mỗi người, mỗi người tự gánh chịu”, tâm của Ngài thanh tịnh. Tiền của Ngài không phải kiếm được dễ dàng, không phải Ngài đi hóa duyên. Ngài sống trong một ngôi miếu Thành Hoàng ở Singapore, trước cổng miếu Ngài bày một cái sạp nhỏ, bán nhang, bán đèn cầy, bán giấy tiền, được 1 đồng, 2 đồng lúc đó. Ngài một xu cũng không dùng đến, cả thảy đều để dành, dành dụm được mấy triệu đô-la Mỹ để đi làm từ thiện, làm xong không thèm nghe cũng không thèm hỏi đến. Ở Singapore có những người như vậy thật không phải dễ, cuộc sống của bản thân thì rất tiết kiệm, khát nước thì uống nước máy (nước phông-tên). Lúc tôi đến thăm Ngài, Ngài tạm thời mua một ly nước khoáng ở bên cạnh để chiêu đãi khách quý, chúng tôi nhìn thấy rất là cảm động. Bạn xem đối với Phật pháp thì Ngài bố thí rất hào phóng, tâm địa thanh tịnh không nhiễm bụi trần. Ngài tuyệt đối không nói ta đem số tiền nhiều như thế này cho bạn xây cất đạo tràng, ta vẫn còn phải hỏi lại, như vậy vẫn còn muốn khống chế, chi phối. Ngài hoàn toàn không có một chút ý niệm như vậy, điều này chúng ta phải học tập. Khoảng 30 năm nay tôi chưa gặp lại Pháp sư Đàm Thiền, những việc làm này là Ngài vì chúng ta mà làm ra một tấm gương tốt, tâm thanh tịnh không nhiễm ô, an thanh tịnh tâm, lạc thanh tịnh tâm. Cuộc sống của Ngài rất an lạc, điều kiện vật chất của Ngài tuy rất là kém, ở mức thấp nhất, nhưng Ngài rất an lạc.
– HT. Tịnh Không, Kinh Vô Lượng Thọ 10, tập 347, Vọng Tây cư sĩ dịch.
Được gắn thẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *