Thế tôn trong Kinh điển thường nhắc nhở chúng ta “cõi nước mong manh, mạng người vô thường”, đây là lời Phật dạy chúng ta về chân tướng của cuộc đời. Dạy chúng ta luôn luôn đề cao cảnh giác, phải có tâm cảnh giác cao độ, tuyệt đối đừng nghĩ rằng mình còn trẻ tuổi, thọ mạng của mình còn lâu dài, nghĩ vậy là sai rồi. Người xưa thường nói: “Trên đường đến suối vàng chẳng phân biệt già trẻ, phần mộ trơ trọi đều là thiếu niên”, chẳng có ai cúng tế, còn trẻ đã chết mất, chẳng có gia đình, chẳng có con cái, đều biến thành phần mộ cô độc, chúng ta phải nhất định đề cao cảnh giác.
“Vô thường đại quỷ, bất kỳ nhi đáo” câu này nói đời người vô thường, bất cứ lúc nào cũng có thể chết, bạn cũng chẳng có cách chi để dự đoán nhân duyên gì mình sẽ chết. Đặc biệt là sanh vào thế gian hiện này của chúng ta, tai nạn biến đổi quá nhiều, quá nhiều; bạn coi thử trên toàn thế giới chỗ nào cũng có tai nạn, có thủy tai; miền đông nước Mỹ hiện nay có gió lốc (phong tai ), tin tức hôm qua nói có hơn năm mươi mấy vạn người bị ảnh hưởng, gió lốc rất lớn; còn động đất thì chẳng có cách chi để biết trước, chẳng hẹn mà đến. Cho nên tâm của người học Phật hiểu rất rõ ràng, rất rành rẽ, cho dù những tai nạn này xảy ra thì cũng không sợ hãi. Điều này vô cùng quan trọng! Khi tai nạn xảy ra lại kinh hoàng, sợ hãi thì hỏng hết, kinh hoàng sợ hãi sẽ rơi vào tam ác đạo.
Hôm trước cư sĩ Lý Mộc Nguyên báo cáo với mọi người, ông đi tiễn đưa những người vãng sanh, sau đó ông giúp họ tắm rửa, nhập liệm. Thân thể của một số người thì mềm mại, đại khái phần lớn những người niệm Phật vãng sanh thân thể đều mềm mại, đây là tướng tốt. Ngược lại có một số người thân thể cứng đờ, nguyên nhân là gì? Khi chết mà kinh hoàng sợ hãi thì thân thể sẽ cứng ngắc. Khi chết rất tự tại, chẳng sợ hãi thì thân thể của họ sẽ mềm mại. Do đó chúng ta có thể nhìn những người đã mất thì biết tình huống lúc họ ra đi, nếu họ ra đi một cách êm đềm thì chắc chắn sẽ chẳng sanh vào ác đạo. Khi ra đi họ rất thoải mái, rất an tường, rất sáng suốt, tinh thần trí óc sáng suốt thì chắc chắn sẽ không đọa ác đạo, lúc đó niệm Phật nhất định sẽ vãng sanh, thế nên khi tiễn đưa người vãng sanh có thể thấy được những tướng lành này, đạo lý là như vậy. Nếu không tin Phật Pháp, chẳng gặp thiện tri thức thì họ chẳng có phước; lúc lâm chung có thể gặp thiện tri thức là đại phước báo, lúc ấy nếu có người nhắc nhở họ, giúp họ, dẫn dắt họ niệm Phật, cho dù cả đời có tạo ác nghiệp nặng cũng không sợ, nếu họ tin tưởng, buông xuống vạn duyên và thiết tha niệm Phật thì họ có thể vãng sanh, đó gọi là đới nghiệp vãng sanh; chỉ sợ là lúc đó chẳng có người giúp họ, mà ngược lại quấy rối họ, người nhà khóc lóc, náo động thì sẽ hỏng mất, đó là chướng ngại to lớn. Bốn câu sau nói về trạng huống của họ “minh minh du thần”, đây tức là hồn phách của họ, trong Phật Pháp gọi là A Lại Da Thức, người thế tục gọi là linh hồn. Du thần tức là linh hồn, nhà Phật gọi là du thần rất đúng. Gọi bằng linh hồn là cách gọi tâng bốc, tại sao? Linh hồn nhất định chẳng linh, nếu nó linh thì làm sao có thể rơi vào tam ác đạo được? Nó rơi vào tam ác đạo, do đó có thể biết nó chẳng linh. Lời của Khổng Lão Phu Tử nói trong Kinh Dịch rất có lý, Ngài gọi linh hồn bằng du hồn, ở đây chúng ta gọi là du thần, gọi như vậy rất có lý. Vì tốc độ của nó rất nhanh, trôi giạt chẳng định, đích thật là du hồn. Trong Kinh Dịch nói “du hồn vi biến” biến nghĩa là người đó đi đầu thai, đi đổi một thân thể khác, “minh minh du thần”.
“Vị tri tội phước” lúc đó thật sự “như si như lung”, ngu dốt đần độn, trong bốn mươi chín ngày là trong trạng huống như vậy, chúng ta gọi là thân Trung Ấm, do đó thân Trung Ấm đều mê hoặc, ngu đần.
trích lục bài pháp HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
A DI ĐÀ PHẬT _()_