Phải “phát Bồ Đề tâm”, Bồ Đề tâm là tâm gì? Trên tu cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sanh. Nói cụ thể sẽ là Tứ Hoằng Thệ Nguyện*. Tứ Hoằng Thệ Nguyện là Bồ Đề tâm, phải thật sự phát tâm độ chúng sanh.
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, độ là gì
“Độ” là giúp đỡ, hiệp trợ họ. Quan trọng nhất là giúp họ phá mê khai ngộ, đoạn phiền não, giúp họ khôi phục cái tâm thanh tịnh. Điều này quan trọng nhất. Nếu hạ thấp tiêu chuẩn để giúp đỡ họ, bèn dạy họ hiếu thảo với cha mẹ, dạy họ tôn sư trọng đạo, dạy họ từ tâm chẳng giết, dạy họ tu Thập Thiện Nghiệp. Đấy là đặt tiêu chuẩn ở mức thấp nhất nhằm tiếp dẫn các chúng sanh bình phàm. Đối với kẻ chẳng học Phật, phải dùng phương pháp này để dạy họ, đó là pháp nhân, thiên. Đối với người đã học Phật, phải dạy họ thật sự quay đầu. Tam Quy (Quy Y Phật, Pháp, Tăng) là quay đầu, dạy họ giữ pháp, vâng giữ quy củ, đó là “trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”. Đối với người tu lâu, phải khuyên họ “phát Bồ Đề tâm”, nhất định phải tự hành, dạy người.
Trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện, thệ nguyện thứ nhất là Bồ Tát nguyện, nguyện thứ hai và thứ ba là Bồ Tát hạnh, nguyện thứ tư là quả vị Bồ Tát. Đã phát nguyện rồi, thực hiện từ nơi đâu? Thực hiện từ đoạn phiền não. Chẳng đoạn phiền não, chính mình chẳng thể thành tựu, mà cũng chẳng thể hóa độ chúng sanh. Đã đoạn phiền não rồi mới học pháp môn.
Vì thế, người học Phật hiện thời, học mấy chục năm, học suốt một đời, chẳng có thành tựu gì nơi Phật Pháp, nguyên nhân ở chỗ nào? Điên đảo thứ tự, vừa bắt đầu bèn “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, chẳng cần tới “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, nên người ấy vĩnh viễn chẳng thể học được! Vì sao? Căn khí của kẻ ấy là hữu lậu, giống như cái chén trà này đáy lủng một lỗ, đổ nước vào cách nào cũng chẳng đổ đầy được! Do bị rò rỉ, nên chẳng thể đổ đầy được. Kẻ ấy có Lậu, Lậu là tên gọi khác của phiền não. Vì thế, trình tự học Phật là trước hết đoạn phiền não, trước hết là tu tâm thanh tịnh, nhất định phải làm đúng theo trình tự của Phật.
Trình tự là Giới, Định, Huệ. “Thọ trì Tam Quy, trọn đủ các Giới, chẳng phạm oai nghi” là Giới Học trong Tam Học. “Phát Bồ Đề tâm, tin sâu Nhân Quả” là Định Học. “Đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả” là Huệ Học. Nó có thứ tự, chẳng thể vượt cấp. Những điều sau nhất định bao gồm những điều trước, những điều trước chẳng bao gồm các điều sau, nhưng điều sau bao hàm điều trước. Nay chúng ta chẳng hiểu, bèn vượt cấp. Giống như xây một tòa cao ốc, chẳng cần ba tầng dưới, ta xây tầng thứ tư, thứ năm, xây bằng cách nào? Chẳng có cách nào xây cả! Vĩnh viễn cũng chẳng thể xây thành công! Đây là sai lầm to nhất mà người học Phật trong đời này phạm phải!
Nếu chư vị muốn thật sự thành tựu, trước hết hãy đoạn phiền não rồi sẽ học pháp môn. Nay tôi khuyên mọi người niệm (đọc hoặc tụng) Kinh A Di Đà hoặc Kinh Vô Lượng Thọ (Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh), niệm Kinh có ý nghĩa gì vậy? Nhằm đoạn phiền não. Vì sao? Chẳng niệm Kinh bèn suy nghĩ loạn xạ, suy nghĩ loạn xạ là phiền não. Niệm Kinh, ta niệm mỗi lần một giờ, tối thiểu là trong một giờ ấy, ta chẳng suy nghĩ loạn xạ, tu Định trong một giờ ấy. Niệm hai giờ sẽ là hai giờ chẳng suy nghĩ loạn xạ. Vì thế, hằng ngày quý vị niệm càng nhiều càng tốt. Quý vị có thể niệm tám giờ mỗi ngày, trong tám giờ không suy nghĩ loạn xạ. Quý vị niệm suốt một năm, hai năm, hoặc ba năm, tâm quý vị thanh tịnh, vọng tưởng dần dần bớt đi. Vọng tưởng giảm thiểu thì mới có thể học pháp môn.
Khi ấy, quý vị nghe Kinh, tôi vừa giảng, quý vị bèn hoát nhiên khai ngộ, đã khai ngộ. Nay quý vị nghe tôi giảng Kinh, nghe suốt ba mươi năm vẫn chẳng khai ngộ, do nguyên nhân gì? Vì quý vị có phiền não tồn tại. Trong khi nghe Kinh, quý vị đã xen tạp phiền não. Phiền não chướng ngại ngộ môn, nên quý vị chẳng khai ngộ. Nếu quý vị chẳng có phiền não, nói thật thà, nghe Kinh vài lần, nhất định khai ngộ. Sau khi đã ngộ bèn chứng quả.
Học Phật thì phải dùng cái “tâm bình thường” để học, phải gìn giữ sự “bình thường”. Nói thật ra, tựa đề Kinh Vô Lượng Thọ đã nêu ra rất hay: “Thanh Tịnh, Bình Đẳng”. Trong tâm khởi niệm là cuộn sóng, là chẳng thanh tịnh, là bất bình đẳng. Kẻ ấy có vọng niệm, một niệm là một nhiễm ô, là chẳng thanh tịnh, là bất bình đẳng. Đạt đến “Thanh Tịnh, Bình Đẳng” là một niệm chẳng sanh.
Nói thật thà, một niệm chẳng sanh cũng là nhiễm ô, cũng là bất bình đẳng, vì sao? Người ấy có “một niệm chẳng sanh”, cũng là phiền phức! Tôi chỉ nói tới đây, quý vị hãy thấu hiểu cặn kẽ: Hễ có “một niệm chẳng sanh” thì cũng không được. [Nếu cảm thấy] “nay ta rất thanh tịnh”, thôi rồi, quý vị chấp trước thanh tịnh, vướng mắc nơi thanh tịnh, sự thanh tịnh ấy chính là chẳng thanh tịnh, cũng không được!
Quý vị niệm Phật mà còn tham tài (tiền bạc, tài sản), tham danh, tham lợi trong thế gian, có thể vãng sanh nổi hay chăng? A Di Đà Phật đến tiếp dẫn ta, [nhưng ta thấy] cổ phiếu chỗ nọ đang lên giá, không thể đi được, phải kiếm tiền đã! Vậy thì làm sao có thể ra đi thành công cho được? Còn có con cháu rất đông, ta còn chưa gặp mặt chúng, còn chưa dặn dò rõ ràng. A Di Đà Phật chẳng thể chờ đợi quý vị.
Quý vị có tham, có sân khuể, người này trong quá khứ có lỗi với ta, ta còn chưa trả đũa hắn, vậy thì cũng chẳng đi được! Tham, sân, si, mạn, nghi đều là đại chướng ngại cho việc vãng sanh. Nếu quý vị muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, những thứ ấy đều chớ nên có. Chúng là tập khí, là phiền não, là chướng ngại, là nghiệp chướng!
Mỗi người chúng ta đều biết: “Ta nghiệp chướng rất nặng”. Đúng vậy! Nghiệp chướng rất nặng, người nghiệp chướng nặng nề chẳng thể vãng sanh. Hy vọng một câu Phật hiệu này sẽ tiêu sạch tất cả nghiệp chướng của quý vị. Ý niệm tham, sân, si, mạn, nghi vừa dấy lên, ngay lập tức chuyển nó thành A Di Đà Phật, khiến cho ý niệm ấy bị quên bẵng. Ắt cần phải niệm câu Phật hiệu A Di Đà Phật nhuyễn nhừ, trong mỗi niệm, Phật hiệu đều dấy lên hiện hành, trong mỗi niệm, tham, sân, si, mạn đều giảm bớt, công phu sẽ đắc lực, đó là cảnh giới tốt đẹp.
Đức Phật xuất hiện trên thế gian, đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Chuyển Luân Thánh Vương cũng có ba mươi hai tướng tốt, cũng có tám mươi hảo, nhưng chẳng thù thắng bằng Phật, chẳng rõ rệt như Phật. Tướng mạo là phước báo, người có phước sẽ thấy tướng mạo khác hẳn. Chúng ta thường thấy Kinh nói Bồ Tát tu hành thành Phật, thành Phật là thành tựu trí huệ rốt ráo viên mãn, nghiệp chướng, tập khí vô minh thảy đều đoạn trừ, nhưng phước báo không nhất định đã viên mãn, nên Phật còn phải dùng thời gian một trăm kiếp để chuyên tu phước báo, “trăm kiếp tu phước”, có thể thấy tầm trọng yếu của phước báo.
Nhưng Phật tu phước cuối cùng, tu huệ trước, vì sao vậy? Nếu có huệ mà chẳng có phước, chẳng bị đọa lạc. Vì thế, sau khi thành tựu huệ lại tu phước, làm cách này rất thông minh!
Vì sao phải tu phước? Chẳng có phước báo, không thể độ chúng sanh. Đã thành Phật, thành Bồ Tát, nếu tướng mạo khó coi, rất xấu xí, người ta thoạt nhìn đã chán ghét, dẫu quý vị giảng Phật Pháp hay ho đến mấy đi nữa, họ chẳng nghe, họ chạy tuốt, chẳng muốn thân cận quý vị. Vì thế, Thích Ca Mâu Ni Phật có tướng mạo đẹp nhất, viên mãn nhất trong thế gian này.
Chúng ta thấy trong Kinh Lăng Nghiêm [có chép duyên do khiến cho] tôn giả A Nan xuất gia. Đức Phật hỏi Ngài: “Vì sao ông xuất gia?” Ngài [trả lời là vì] thấy đức Phật tướng mạo đẹp quá, [nguyên do khiến A Nan] xuất gia là như vậy đó! Cổ nhân có nói: “Tú sắc khả xan” (vẻ đẹp nuốt người), nhìn thấy tướng mạo người ấy quá đẹp, tự nhiên đi theo người ấy. Vì thế, tướng mạo là một công cụ để nhiếp thọ chúng sanh, người ta luôn thích theo người có phước đức rất lớn. Đức Phật cũng phải thuận theo tâm lý của người đời. Nếu vì chính mình, chắc chắn đức Phật chẳng cần, trăm kiếp tu phước là phương tiện để độ chúng sanh.
Sử dụng phương pháp Niệm Phật, chư vị đều có thể niệm, nhưng mấu chốt là dụng tâm như thế nào. Nhất định phải dùng tâm thanh tịnh, phải dùng tâm bình đẳng, phải dùng cái tâm tin tưởng chân thật, nguyện thiết tha, quý vị sẽ có cảm ứng rất nhanh. Sự cảm ứng ấy chẳng phải là nói quý vị thấy Phật, thấy Bồ Tát tỏa ánh sáng, rúng động cõi đất, chẳng phải vậy!
Chẳng phải là những thứ cảm ứng ấy! Quý vị có thể cảm giác cái tâm của chính mình thanh tịnh, phiền não ít đi, sẽ cảm giác rất vui sướng, thậm chí thân thể quý vị có bệnh, bệnh chẳng còn nữa. Thật đấy! Chẳng cần chữa trị, tự nhiên [bệnh tật] chẳng còn nữa. Thân thể này xác thực là cảnh giới, cảnh chuyển theo tâm, tâm lý khôi phục sự lành mạnh, tâm thanh tịnh, thân thể này bèn trăm bệnh chẳng sanh. Khi thanh tịnh đến cùng cực, thân thể sẽ tỏa mùi thơm. Thân có mùi hôi, có tật bệnh, đều là nghiệp chướng
Hãy nghiêm túc niệm Phật, dùng cái tâm này, dùng phương pháp này, dùng lý luận này để tiêu nghiệp chướng! Thân tâm khỏe mạnh, thân tâm vui sướng, là những điều đạt được trước mắt, Phật Pháp gọi những điều đó là hoa báo (quả báo hiện đời), hậu báo (quả báo tương lai) ở Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chín phẩm vãng sanh, sang bên đó làm Bồ Tát, làm Phật, đó là quả báo, công đức quả báo giống hệt từng điều được nói trong Kinh Vô Lượng Thọ, trang nghiêm thù thắng khôn sánh.
(Pháp Sư Tịnh Không chủ giảng)
*Tứ Hoằng Thệ Nguyện:
Chúng Sanh Vô Biên Thệ Nguyện Độ,
Phiền Não Vô Tận Thệ Nguyện Đoạn,
Pháp Môn Vô Lượng Thệ Nguyện Học,
Phật Đạo Vô Thượng Thệ Nguyện Thành
Trích giảng : Kinh Hoa Nghiêm
Chủ giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
(Chữ trong hình là lời dặn dò của Ngài Hòa thượng Hải Hiền trước lúc vãng sanh)
Hoan nghênh lưu thông công đức Vô Lượng